PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI Nhiều Tác Giả Diệu Ngộ - Mỹ Thanh & Diệu Liên - Lý Thu Linh Dịch Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn 2009
Total Page:16
File Type:pdf, Size:1020Kb
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI Nhiều Tác Giả Diệu Ngộ - Mỹ Thanh & Diệu Liên - Lý Thu Linh dịch Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn 2009 ---o0o--- Nguồn http://thuvienhoasen.org Chuyển sang ebook 24-7-2009 Người thực hiện : Nam Thiên – [email protected] Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org Mục Lục 1.LỜI NGƯỜI BIÊN DỊCH GIÁO LÝ CĂN BẢN 2. PHẬT PHÁP CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI Ajaan Lee Dham- madharo 3. PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN TÂM 4. NHÌN SỰ VẬT NHƯ CHÚNG THẬT SỰ LÀ 5.QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC PHẬT 6. NGÔI NHÀ THỰC SỰ CỦA CHÚNG TA 7. CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG. 8. MỘT ĐỜI SỐNG CÓ Ý NGHĨA 9. CÓ KHỔ MỚI BIẾT TU 10. LỜI NÓI DỄ NGHE 11. LỢI ÍCH TỐI ĐA 12. HẠNH PHÚC VẪN HIỆN HỮU TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI 13. PHƯƠNG PHÁP THƯ GIÃN NƠI LÀM VIỆC 14. THỜI GIAN VÀ TIỀN BẠC 15. ĐỐI TRỊ CÁC UẾ NHIỄM DẦU HẮC 16. GƯƠNG SOI 17. VÔ NHÃN, NHĨ, TỶ... 18. HÃY DẸP BỎ TÁNH NÓNG GIẬN 19. ĐỐI TRỊ CƠN GIẬN GIA ĐÌNH & CON CÁI 21. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI 22. HÒA HỢP GIA ĐÌNH 23. TÌNH THƯƠNG YÊU ĐẦU ĐỜI 24. QUAN TÂM ĐẾN CON CÁI 25. LÀM MẸ VÀ HÀNH THIỀN 26. VƯỢT QUA TRỞ NGẠI 27. BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ 28. MÓN QUÀ CỦA LÒNG BIẾT ƠN CÁC PHƯƠNG PHÁP THIỀN 29. SỬA SOẠN BỬA ĂN 30. THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT NẤU ĂN 31. THEO DẤU CHÂN THẦY 32. ĐÂU PHẢI BỞI CUỘC ĐỜI 33. DẸP BÀN 34. THIỀN MINH SÁT TRONG ỨNG DỤNG 35. PHỎNG VẤN THIỀN SƯ S.N.GOENKA 36. PHỎNG VẤN TS. BHANTE GUNARATANA 37. VIPASSANA VÀ KINH DOANH 38. LỜI KHUYÊN THIẾT THỰC CHO THIỀN SINH 39. LỜI KHUYÊN THIẾT THỰC CHO THIỀN SINH (tiếp theo) ---o0o--- 1.LỜI NGƯỜI BIÊN DỊCH Đã có một thời tôi không biết Phật pháp là gì? Trong ký ức tuổi thơ của mình, Phật pháp là những quyển sách ố vàng, vằn vện những chữ tôi không đọc được, hoặc có đọc được vẫn là những âm tự bí ẩn, xa lạ. Tôi không hề có hứng thú để tìm hiểu về Phật giáo cũng vì những lẽ đó. Nhưng rồi do duyên lành, tôi được những đạo hữu quen và không quen giới thiệu những quyển sách đọc được về Phật pháp. Những quyển sách đã khai tâm cho tôi, đã dẫn tôi những bước chập chững đến với kho tàng Phật pháp. Tôi hiểu ra rằng, Đức Phật đã có đến hàng vạn pháp cho mọi người tùy theo căn cơ của mỗi người. Gần đây một người bạn trẻ muốn tặng lại tôi một bộ sách về Phật giáo mà cô đã được người khác tặng. Tôi hỏi vì sao cô không giữ lại để đọc. Cô bạn nhỏ trả lời một cách rất đáng thương rằng sách quá cao siêu, không thực tế. Không hiểu sao người bạn trẻ đó làm tôi buồn quá, tôi biết cô ấy cũng như tôi ngày xưa, không bước tới đã than con đường phía trước quá dài. Không hiểu sao câu nói của cô bạn trẻ ấy, như giọt nước làm tràn ly, lại thôi thúc tôi muốn tổng hợp những bài pháp ngắn mà chúng tôi đã dịch trong thời gian qua. Những bài pháp thoại có những đề tài rất gần gũi với cuộc sống đời thường của mọi người. Tôi muốn coi đây là món quà tinh thần riêng dành cho cô bạn nhỏ đó, và cho tất cả những ai chưa từng muốn đọc gì về Phật giáo. Quyển sách là tập hợp của những bài dịch với các đề tài về gia đình, về cuộc sống, về nghề nghiệp, về những giáo lý căn bản của Đức Phật, sự ứng dụng của lời Phật dạy trong cuộc sống cũng như những đề tài về thiền định. Lần nữa tôi xin cảm ơn sự hợp tác của cháu Mỹ Thanh, đã cho phép tôi được sử dụng những bài dịch của cháu về các đề tài như Đối Trị Sân Hận, Thiền Vipassana, v.v… Cảm ơn đạo hữu Nguyễn Tấn Nam - một người bạn do duyên lành trong Phật pháp dẫn đến- luôn rất sẵn lòng để đọc bản thảo của chúng tôi. Chúng tôi không ảo tưởng rằng với quyển sách nhỏ này, chúng tôi có thể thay đổi quan niệm, thành kiến của bất cứ một ai, nhưng chúng tôi có quyền hy vọng rằng biết đâu người bạn trẻ đó, vì nể tình tôi chăng mà đọc hết quyển sách này, và biết đâu cô ấy, cũng như nhiều bạn đọc khác, sẽ tìm được niềm vui trong Phật pháp. Được thế chúng tôi đã tràn đầy lòng biết ơn và hạnh phúc. Xin chân thành cảm ơn tất cả quý đạo hữu đã chung tay đóng góp để quyển sách được đến tay nhiều người dưới dạng ấn tống. Dầu đã cố gắng, nhưng quyển sách chắc chắn cũng không tránh được sai sót. Ngưỡng mong quý ân sư, quý đạo hữu chỉ dẫn để những lần in sau được hoàn chỉnh hơn. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho chúng con luôn được sống trong ánh sánh của Phật pháp, trong kiếp này và mãi mãi. Xin hồi hướng công đức này đến cửu huyền thất tổ, đến cha mẹ trong hiện kiếp, và đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho tất cả luôn thấm nhuần đạo pháp. Diệu Liên Lý Thu Linh (5/2009) [email protected] ---o0o--- GIÁO LÝ CĂN BẢN 2. PHẬT PHÁP CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI Ajaan Lee Dham- madharo Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị tỳ kheo theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời Ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động. Nổi tiếng là vị thầy đạo hạnh và có khả năng thần thông, Ngài là người đầu tiên đã đem truyền thống tu khổ hạnh ra khỏi những cánh rừng thuộc lưu vực sông Mê-kông, để hòa nhập vào xã hội hiện đại ở ngay trung tâm Thái Lan. Một năm trước khi mất, Ngài phải nằm viện hai tháng vì bệnh tim. Nhân cơ hội này, Ngài đã đọc cho đệ tử ghi chép lại cuộc đời Ngài. ___________ Bài Pháp này nhắc nhở các bạn về một số điều Phật dạy, như một cách để sách tấn, khuyến khích các bạn chăm chỉ thực hành đúng theo lời Phật dạy. Những lời dạy đó được gọi là Pháp. Pháp để tôn trang cho tâm. Pháp cũng là phương tiện để phát triển các chức năng của tâm. Bài Pháp này dựa trên Patimokkha (Giới Luật Tỳ kheo), nói về những bổn phận mà các vị tăng sĩ xuất gia theo Phật phải tuân giữ, nhưng chúng cũng áp dụng cho hàng cư sĩ. Cư sĩ tại gia có thể tu tập, gìn giữ các giới luật này để rèn luyện thành người tốt hơn, để có thể trở thành tai, mắt, chân, tay, trong việc gìn giữ đạo pháp, giúp đạo pháp được phát triển. Những giới luật này, áp dụng cho tất cả mọi người, có thể chia làm các phần chính như sau: Thứ nhất: Anupavado. Đừng tìm lỗi người khác. Có nghĩa là đừng nói xấu về người khác, đừng xuyên tạc, đừng nói điều gì gây chia rẽ. Đừng nói sai trái về người khác, hay khuyến khích người khác làm điều đó. Đừng trách móc, la mắng nhau. Thay vì tìm lỗi người, ta hãy tự thấy lỗi mình. Đó là giới luật. Dầu là hàng tu sĩ hay cư sĩ đều có thể gìn giữ theo giới luật này ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Thứ hai: Anupaghato: Đừng ghét bỏ lẫn nhau. Thường khi chung sống, không phải mọi người đều cư xử giống nhau. Có người biết cách cư xử khéo léo, người khác lại cư xử thô lỗ - chứ không phải là do ác ý, hãy nhớ điều đó. Về thể chất cũng thế, có người siêng năng, đầy sinh lực; kẻ khác thì yếu đuối, hay bệnh hoạn. Về lời nói thì có người khéo léo, người không. Người nói nhiều, kẻ lại rất kiệm lời; kẻ thì ba hoa đủ chuyện trên trời dưới đất, người chỉ thích bàn chuyện Phật pháp; kẻ thì thường nói sai, người hay nói đúng. Đó được coi là sự không tương ưng. Khi điều này xảy ra, tất nhiên sẽ có mâu thuẫn, xung đột ở một mức độ nào đó. Nếu có những điều này xảy ra trong chúng, khi chúng ta cùng sống trong Pháp, chúng ta không nên để tâm. Chúng ta cần tha thứ cho nhau, cần rửa sạch những tỳ vết khỏi tâm ta. Vì sao? Vì nếu không, ta sẽ trở thành ganh tỵ, soi mói, thù hằn nhau. Hành động tha thứ được coi là quà tặng của tâm từ. Nó khiến ta không chấp giữ điều chi, không canh cánh bên lòng điều gì, không bị thứ chi gây phiền não – đó là những người không mang lòng hằn thù. Dầu đôi khi có sai trái, có lầm lỗi, chúng ta vẫn tha thứ lẫn nhau. Chúng ta cần nên có lòng thương yêu, tử tế, cảm thông với tất cả mọi người quanh ta, càng nhiều càng tốt. Đó được gọi là anupaghato.