ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ------

PHAN THỊ ANH THƯ

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

HUẾ, NĂM 2016

ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ------

PHAN THỊ ANH THƯ

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010)

Chuyên ngành: Lịch sử thế giới Mã số: 62 22 03 11

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HOÀNG VĂN HIỂN PGS.TS. HOÀNG THỊ MINH HOA

HUẾ, NĂM 2016

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả nghiên cứu trong luận án hoàn toàn trung thực, khách quan và chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.

Tác giả luận án

Phan Thị Anh Thư

Lời cảm ơn

Trong quá trình thực hiện luận án, tôi đã nhận được sự hỗ trợ quý báu và hiệu quả từ nhiều cá nhân, cơ quan và đơn vị. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. TS. Hoàng Văn Hiển và PGS. TS. Hoàng Thị Minh Hoa - hai người hướng dẫn khoa học đã luôn đồng hành, tận tâm giúp đỡ tôi suốt thời gian học tập và thực hiện đề tài. Chân thành cảm ơn Ban Giám đốc, Ban Đào tạo Sau đại học – Đại học Huế, Ban Giám Hiệu Trường Đại học Khoa học, Phòng Đào tạo Sau đại học, Ban Chủ Nhiệm Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành Luận án. Xin gửi lời tri ân sâu sắc đến quý thầy cô giáo thuộc Khoa Lịch sử, Bộ môn Lịch sử thế giới của trường Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện đề tài. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo và cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Thông tấn xã Việt Nam, Phòng Thông tin Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ tôi trong quá trình tìm kiếm và sưu tầm tư liệu. Cuối cùng, tôi xin gửi lời tri ân đến bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là gia đình thân yêu đã luôn quan tâm, động viên và sát cánh bên tôi trong những thời điểm khó khăn nhất. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp tôi vượt qua mọi trở lực để không ngừng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Huế, tháng 02 năm 2016 Tác giả

Phan Thị Anh Thư

MỤC LỤC

Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục Danh mục bảng Danh mục biểu đồ Danh mục chữ viết tắt MỞ ĐẦU ...... 1 1. Lý do chọn đề tài ...... 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...... 3 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu ...... 11 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...... 12 5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu ...... 12 6. Đóng góp của đề tài...... 13 7. Bố cục của luận án ...... 14 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010) ...... 15 1.1. Yếu tố lịch sử: Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1948 – 1989) ...... 15 1.1.1. Đối với Nhật Bản ...... 15 1.1.2. Đối với Trung Quốc ...... 21 1.1.3. Đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ...... 24 1.2. Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước từ sau Chiến tranh lạnh ...... 31 1.2.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực và sự thay đổi chiến lược của các nước lớn ...... 31 1.2.2. Tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu cố kết quan hệ khu vực của Hàn Quốc .. 35 1.2.3. Định hướng điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc ...... 39 CHƯƠNG 2. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010) ...... 41 2.1. Trên lĩnh vực an ninh - chính trị ...... 41 2.1.1. Đối với Nhật Bản ...... 41 2.1.2. Đối với Trung Quốc ...... 50 2.1.3. Đối với CHDCND Triều Tiên ...... 57

2.2. Trên lĩnh vực kinh tế ...... 68 2.2.1. Đối với Nhật Bản ...... 68 2.2.2. Đối với Trung Quốc ...... 77 2.3. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội ...... 94 2.3.1. Đối với Nhật Bản ...... 94 2.3.2. Đối với Trung Quốc ...... 101 2.3.3. Đối với CHDCND Triều Tiên ...... 107 CHƯƠNG 3. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010) ...... 119 3.1. Những điểm chung và riêng trong chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên (1989 – 2010) ...... 119 3.1.1. Những điểm chung ...... 119 3.1.2. Những điểm riêng ...... 122 3.2. Những thành công và hạn chế trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010) ...... 124 3.2.1. Những thành công đạt được ...... 124 3.2.2. Những hạn chế cơ bản ...... 131 3.3. Những bài học kinh nghiệm ...... 136 3.3.1. Một số vấn đề đặt ra đối với Hàn Quốc ...... 136 3.3.2. Hàm ý đối với Việt Nam ...... 143 KẾT LUẬN ...... 148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN LUẬN ÁN ...... 153 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...... 154 PHỤ LỤC

DANH MỤC BẢNG

Bảng 2.1. Thị phần xuất - nhập khẩu của Hàn Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc

(các năm được chọn) ...... 79

Bảng 2.2. Kim ngạch thương mại liên Triều (2001 - 2010) ...... 87 Bảng 2.3. Lộ trình thực hiện chính sách “mở cửa” của Chính phủ Hàn Quốc đối với

Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa – xã hội (1988 - 2004) ...... 97

Bảng 2.4. Các giai đoạn phát triển “Hallyu” ở Trung Quốc ...... 104

Bảng 2.5. Đoàn tụ các gia đình ly tán ở nước thứ ba (12-6-1989 đến 31-12-2000) .... 113

Bảng 2.6. Trao đổi và đoàn tụ các gia đình ly tán qua các thời kỳ tổng thống ...... 114

DANH MỤC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 2.1. Trao đổi thương mại liên Triều (1989 - 2000) ...... 86 Biểu đồ 2.2. Viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho CHDCND Triều Tiên ...... 109

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

 Tiếng Anh

APEC : Asia-Pacific Economic Cooperation : Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APT : ASEAN Plus Three : ASEAN+3 ARF : ASEAN Regional Forum : Diễn đàn Khu vực ASEAN ASEAN : Association of Southeast Asian Nations : Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ASEM : Asia-Europe Meeting : Diễn đàn hợp tác Á - Âu CIA : Central Intelligence Agency : Cục Tình báo Trung ương Mỹ EAC : East Asian Community : Cộng đồng Đông Á EAEC : East Asian Economic Community : Diễn đàn Kinh tế Đông Á EAEG : East Asian Economic Group : Nhóm Kinh tế Đông Á EAFTA : East Asia Free Trade Area : Khu vực Thương mại tự do Đông Á EAS : East Asian Summit : Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EASG : East Asian Studying Group : Nhóm Nghiên cứu Đông Á EAVG : East Asia Vision Group : Nhóm Tầm nhìn Đông Á EDCF : Economic Development Cooperation : Qũy Hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại Fund

EFTA : European Free Trade Association : Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EPA : Economic Partnership Agreement : Hiệp định đối tác kinh tế EU : European Union : Liên minh châu Âu FDI : Foreign Direct Investment : Đầu tư trực tiếp nước ngoài FITA : Foreign Investment Promotion Act : Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) FTA : Free Trade Agreement : Hiệp định Thương mại tự do FTACJK : FTA (China, Japan, ) : Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc GDP : Gross Domestic Product : Tổng sản phẩm quốc nội IBRD : International Bank for Reconstruction : Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế and Development

IAEA :International Atomic Energy Agency : Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IMF : International Monetary Fund : Qũy Tiền tệ Quốc tế KCFTA : (Republic of) Korea – Chile Free : Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc Trade Agreement – Chi lê KIC : Kaesong Industrial Complex : Tổ hợp Công nghiệp Kaesong KISC : Korea Investment Service Center : Trung tâm Dịch vụ đầu tư Hàn Quốc KOTRA : Korea Trade – Investment Promotion : Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Agency Hàn Quốc MOFAT : Ministry of Foreign Affairs and Trade : Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc MOTIE : Ministry of Trade, Industry and : Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng Energy lượng Hàn Quốc NEACI : Northeast Asian Cooperation : Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á Initiative NGOs : Non-Government Organizations : Các Tổ chức phi chính phủ

NICS : Newly Industrialized Countries : Các nước công nghiệp mới NPT : Nuclear Non-Proliferation Treaty : Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NSC : National Security Council : Hội đồng An ninh Quốc gia (Hàn Quốc) ODA : Official Development Assistance : Viện trợ Phát triển chính thức OECD : Organization for Economic : Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Cooperation and Development UNICEF : United Nations Childern’s Fund : Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc WB : World Bank : Ngân hàng Thế giới WFP : World Food Programme : Chương trình Lương thực Thế giới WHO : World Health Organization : Tổ chức Y tế Thế giới

 Tiếng Việt

CNCS : Chủ nghĩa cộng sản

CNXH : Chủ nghĩa xã hội

CHDCND : Cộng hòa Dân chủ Nhân dân

CTTG : Chiến tranh thế giới

TBCN : Tư bản chủ nghĩa

XHCN : Xã hội chủ nghĩa

MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự hai cực Yalta bị phá vỡ, hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới sụp đổ, bàn cờ chính trị quốc tế được tái sắp xếp với những thay đổi hết sức căn bản. Một trật tự thế giới mới từng bước hình thành theo xu hướng “đa cực” cho thấy ý thức cân bằng quyền lực của các nước lớn trong sự đối trọng với Mỹ - siêu cường duy nhất của thế giới sau khi Liên Xô tan rã (1991). Trong bối cảnh mới, các nước đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, cùng tồn tại hòa bình, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và phát triển. Ở góc độ song phương, nhiều mối quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược đã được thiết lập. Cùng với những diễn biến đa chiều của đời sống an ninh, chính trị thế giới, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cũng tác động rất lớn đến hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu. Những thành tựu từ cuộc cách mạng này đã góp phần khai sinh nền kinh tế tri thức và mở đường cho quá trình toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa kinh tế khu vực và thế giới. Những đặc điểm nói trên đòi hỏi mỗi nước phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại một cách phù hợp để chủ động hội nhập sâu rộng và hiệu quả vào đời sống quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quốc gia - dân tộc. Từ trong bối cảnh ấy, hoạt động liên minh, liên kết khu vực và quốc tế đã ra đời, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia. Trường hợp liên kết khu vực Đông Bắc Á cũng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết nói trên. Ngày nay, Đông Bắc Á đã và đang trở thành một trong những khu vực phát triển nhất của thế giới và được coi là đầu tàu tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương. Ba nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn có tầm ảnh hưởng và sức chi phối nhất định đến quá trình phát triển cũng như xu thế hợp tác ở Đông Bắc Á. Nhật Bản luôn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hàn Quốc, nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, Nhật Bản vẫn chưa thể thoát khỏi hố sâu của suy thoái kinh tế đầu thế kỷ XXI, vai trò dẫn dắt nền kinh tế khu vực càng trở nên khó khăn. Đối với Trung Quốc, quốc gia này chủ trương tạo lập môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Bắc Á nhằm xây dựng một “không gian sinh tồn” và phát triển bền vững. Thế nhưng, sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc với những toan tính chính trị phức tạp đã gây quan ngại trong quan hệ hợp tác khu vực. Vị trí trụ cột trong hợp tác Đông Bắc Á

1

của Trung Quốc, vì thế, cũng chưa thực sự vững chắc. Trong khi đó, Hàn Quốc đang từng bước vươn lên trở thành một đối tác chiến lược, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác của cả khu vực Đông Bắc Á. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) của các nước phát triển ngay từ năm 1996. Sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ưu tiên hợp tác với các nước Đông Bắc Á và thu được nhiều thành tựu quan trọng trong quan hệ khu vực cùng với sự gia tăng uy tín trên trường quốc tế. Nỗ lực và những kết quả bước đầu của Hàn Quốc đã cho thấy vị trí và vai trò của quốc gia này trong tiến trình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế so sánh và thành công, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với không ít trở ngại và thách thức. Cho đến tận thế kỷ XXI, Đông Bắc Á vẫn là “vùng trũng an ninh” số một của Hàn Quốc. Để sinh tồn, phát triển và trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực, Hàn Quốc buộc phải duy trì lợi ích quốc gia với Nhật Bản, Trung Quốc và đảm bảo lợi ích dân tộc với CHDCND Triều Tiên. Trong quá trình này, việc vượt qua hàng loạt rào cản (ý thức hệ, bất đồng lịch sử, ký ức chiến tranh) sẽ là bước khởi đầu trên con đường tạo dựng quan hệ song phương và đa phương ở khu vực. Tuy nhiên, trong thực tế, bước đi đầu tiên này của ngoại giao Hàn Quốc lại chưa thể vượt qua cánh cửa của “chủ nghĩa dân tộc”. Sự chi phối của ký ức thời chiến và vai trò liên minh quân sự với Mỹ vẫn còn khá đậm nét trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ thống nhất đất nước và thống nhất khu vực của quốc gia. Nghiên cứu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, vì lẽ đó, sẽ là điều cần thiết cho việc nhận diện các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc từ chỗ là đối tác toàn diện (2001) đã trở thành đối tác chiến lược (2009), do đó, nghiên cứu về Hàn Quốc lại càng có ý nghĩa to lớn cả về mặt khoa học và thực tiễn. Với những lý do nói trên, chúng tôi quyết định lựa chọn vấn đề “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010)” làm đề tài luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành: Lịch sử thế giới, mã số 62.22.03.11 nhằm góp phần vào quá trình nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á nói chung và chính sách của Hàn Quốc đối với các nước trong khu vực này nói riêng.

2

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc nói chung và chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á nói riêng là một đề tài mới dù lịch sử nghiên cứu của nó đã gần hai thập niên. Từ sau khi Hàn Quốc giành được “kỳ tích sông Hàn” về phát triển kinh tế và gia nhập vào hàng ngũ các nước công nghiệp mới (NICs) đầu những năm 80 của thế kỷ XX, chính sách của nước này đối với các siêu cường, các tiểu khu vực mới bắt đầu được dư luận chú ý, các học giả ở trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. 2.1. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam Được đánh giá như mẫu hình thành công trong nỗ lực kết giao với các nước thuộc Thế giới thứ nhất nhờ đường lối đối ngoại tích cực, cởi mở và thực dụng, Hàn Quốc ngày nay đã có tầm ảnh hưởng và sức chi phối lớn hơn đối với những đổi thay của tình hình khu vực và quốc tế. Các công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại của quốc gia này, vì lẽ đó, cũng được đi sâu khai thác trên nhiều bình diện nhưng tựu trung có thể chia thành ba nhóm cơ bản sau đây: Nhóm thứ nhất: Nghiên cứu về vai trò, vị trí của Hàn Quốc trong tiến trình hợp tác khu vực Đông Bắc Á. Đối với nội dung này, đa phần các bài viết đều tập trung làm rõ quá trình hợp tác giữa Hàn Quốc và khu vực trên một số khía cạnh riêng lẻ (kinh tế, an ninh - chính trị, khoa học và công nghệ…), chẳng hạn: Tôn Khánh Linh với“Một số khía cạnh chính trị và an ninh của cộng đồng Đông Á” (Nghiên cứu Quốc tế, 2001); Lưu Thanh Mai: “Tìm hiểu hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ Hàn Quốc” (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, 2002); Trần Bá Khoa: “Hiện trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Đông Á” (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, 2003); Võ Hải Thanh: “Quan hệ hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với các nước trong khu vực Đông Bắc Á” (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, 2005). Đi sâu phân tích và luận giải về vai trò, vị trí của Hàn Quốc thông qua tiến trình hợp tác khu vực là hai ấn phẩm: “Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á” do Ngô Xuân Bình chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, 2007 và “Một số vấn đề cơ bản về hợp tác ASEAN+3” do Nguyễn Thu Mỹ chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, 2008. Dù cùng bàn luận về tiến trình và kết quả hợp tác Đông Á trong mối liên hệ mật thiết giữa Hàn Quốc với các nước nhưng điểm nổi bật của công trình khoa học thứ nhất là đề cập đến nhân tố Hàn Quốc trong quan hệ hợp tác song phương Nhật Bản – Hàn Quốc và hợp tác đa phương Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc nhằm hướng tới Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) và hình thành hệ thống liên kết kinh tế ở Đông Bắc Á. Trong khi đó,

3

tác giả Nguyễn Thu Mỹ và cộng sự lại tập trung nêu bật vai trò của Hàn Quốc trong quá trình hoạch định đường lối và thực hiện các biện pháp hợp tác do Nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG) đề xuất. Nhóm thứ hai: Nghiên cứu chung và riêng về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh. Trước hết, tiêu biểu nhất trong mảng nghiên cứu chung về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong mối liên hệ với các quốc gia đồng minh và các chủ thể chính trị ở Đông Bắc Á là cuốn: “Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau Chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc” do Nguyễn Hoàng Giáp chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành vào năm 2009. Với công trình này, các tác giả đã khái quát sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Hàn Quốc với Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt, chính sách và quan hệ của Hàn Quốc đối với các nước Đông Á đã được tập thể tác giả nhìn nhận kỹ lưỡng và đánh giá khách quan dựa trên ba yếu tố: Một là, sự chuyển dịch nhạy cảm về cán cân so sánh lực lượng ở Đông Á từ sau Chiến tranh lạnh; hai là, yêu cầu định hình lại cơ cấu đối tác kinh tế; ba là, những toan tính mới trong ý đồ chiến lược của các nước lớn đối với bán đảo Triều Tiên. Qua đó, công trình này khẳng định chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường khu vực thuận lợi cho phát triển kinh tế ở trong nước; đồng thời, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề an ninh – chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Một nghiên cứu khác do Ngô Xuân Bình chủ biên, Nxb Từ điển Bách khoa ấn hành (2012) có tên: “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới” cũng dành một dung lượng đáng kể (35 trang) để phân tích và nêu bật những chuyển biến trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, lấy bối cảnh quốc tế làm trung tâm. Theo đó, từ chỗ duy trì “quan hệ băng giá” với các nước XHCN (Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã chủ động đa dạng hóa quan hệ khi tình hình quốc tế trở nên hòa dịu. Các tác giả cũng khẳng định, với chính sách đối ngoại linh hoạt, Hàn Quốc đang giữ thế chủ động trong việc đưa Đông Bắc Á tiến vào kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng thông qua 3 bước: (1) Theo đuổi giao lưu và hợp tác liên Triều, (2) thiết lập hệ thống hợp tác kinh tế khu vực và (3) xây dựng cơ sở hạ tầng cho một trung tâm giao vận và kinh tế. Ngoài các công trình nghiên cứu chung về chính sách của Hàn Quốc trong mối liên hệ với các cường quốc và khu vực còn có một số bài nghiên cứu riêng về chính sách của Hàn Quốc trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể. Nghiên cứu chuyên sâu về quan điểm lấy

4

kinh tế làm “bàn xoay” cho chính sách ngoại giao là các tin bài của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), điển hình là:“Chính sách ngoại giao cân bằng của Hàn Quốc” (Tin tham khảo thế giới, 25-6-2005); “Hàn Quốc thực thi chính sách ngoại giao thực dụng và có sáng tạo (Tin thế giới, 14-3-2008); “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc – thực dụng và có trọng điểm” (Tin thế giới, 21-01-2008); “Hàn Quốc sẽ có nhiều thay đổi về chính sách và ngoại giao trong năm 2008” – Đài KBS (Tin tham khảo thế giới 04-01-2008) và “Tổng thống đắc cử Hàn Quốc nhấn mạnh chính sách đối ngoại tăng cường hợp tác” (Tin thế giới 18-01-2008). Các tài liệu nói trên phân tích và làm rõ hai đặc điểm trọng yếu của ngoại giao Hàn Quốc, đó là: “ngoại giao vì sự ổn định kinh tế” và “ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ của thế giới”. Nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác do áp lực về năng lượng, tài nguyên và xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế quốc tế cũng là nội dung mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Đề tài này có các bài viết điển hình như: “Hàn Quốc - An ninh năng lượng và sự điều chỉnh chính sách ngoại giao năng lượng” của Thu Hường (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9, 2009); “Toàn cầu hóa và chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc trong thập niên cuối thế kỷ XX” của Trần Thị Duyên (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5, 2008). Nhóm thứ ba: Các công trình nghiên cứu về tác động, ảnh hưởng và nhận định, đánh giá về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á sau Chiến tranh lạnh. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc không chỉ có tác dụng duy trì an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực mà còn góp phần tăng cường vai trò và vị thế của chủ thể chính trị này trên trường quốc tế. Dù vậy, không phải chiến lược ngoại giao nào cũng mang lại “hiệu ứng thuận” cho nền chính trị Hàn Quốc. Thực tế này được các nhà bình luận chính trị - xã hội phản ánh qua hàng loạt tin bài của TTXVN và cũng được học giả trong nước thừa nhận: “Chiến dịch ngoại giao của Hàn Quốc – Thách thức với cả Bình Nhưỡng và Washington” (Tin tham khảo thế giới, 17-01-2002); “Hàn Quốc – Những hệ quả của chiến lược ngoại giao “xa ấm, gần lạnh” (Tin tham khảo thế giới, 17-12- 2008); “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời Lee Myung Bak” (Tin tham khảo thế giới, 19-01-2008); Trần Thị Nhung: “Sóng gió trong quan hệ liên Triều kể từ khi Lee Myung Bak lên cầm quyền” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12, 2008)… Các tài liệu này tập trung phân tích sự chuyển hướng ngoại giao sang chiến lược “toàn cầu” của Tổng thống Lee Myung Bak cùng với những ảnh hưởng và tác động của nó trong quan hệ giữa Hàn Quốc với khu vực. Bên cạnh đó, chính sách “hướng tới tương lai” với Nhật Bản, “thành thật và cởi mở” với CHDCND Triều Tiên, tăng cường quan

5

hệ với Trung Quốc và “cải tổ có tính sáng tạo” trong quan hệ với Mỹ cũng là những nội dung quan trọng được phân tích thấu đáo trong các tài liệu nói trên. Đặc biệt, đi sâu phân tích về nguyên nhân, nội dung điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên và những tác động tới quan hệ liên Triều cũng như môi trường an ninh khu vực là mảng đề tài được tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân nghiên cứu khá thành công trong luận văn thạc sĩ: “Sự điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên trong thập kỷ 90” (Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao, 2002). Cùng với việc chỉ rõ những nhân tố tác động, phương hướng, mục tiêu và biện pháp thực hiện chính sách trong thời kỳ cầm quyền của hai tổng thống Kim Young Sam và Kim Dae Jung (chương 2 và chương 3), tác giả còn dự báo về xu hướng vận động của chính sách và đưa ra một số kịch bản thống nhất dân tộc thông qua con đường đấu tranh vũ lực hoặc đàm phán hòa bình. Trên cơ sở trình bày mối quan hệ giữa Hàn Quốc với lực lượng đồng minh, kết quả hợp tác giữa hai miền Triều Tiên từ sau Chiến tranh lạnh và quan điểm đối ngoại của các nước lớn trên bán đảo Triều Tiên, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung cũng được đề cập gián tiếp trong luận án tiến sĩ của Bùi Thị Kim Huệ: “Quan hệ Hàn – Mỹ (1961-1993)” (Đại học Huế, 2009) và luận văn thạc sĩ của các tác giả: Lê Anh Sơn với“Quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc từ 1991 đến 2007” (Đại học Vinh, 2008); Nguyễn Văn Cương: “Quan hệ Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên (1991-2010)” (Đại học Huế, 2011); Nguyễn Thị Bích Ngọc:“Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ (1991- 2001)” (Đại học Huế, 2010) và Nguyễn Thị Thu Thảo: “Chính sách của các nước lớn (Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc) đối với bán đảo Triều Tiên từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay” (Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012)… Dù có mục tiêu và phạm vi nghiên cứu khác nhau nhưng các công trình khoa học nói trên đều đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí của chính sách đối ngoại Hàn Quốc trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Đông Á. Ở Việt Nam, nhận định và đánh giá về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á vẫn là mảng đề tài bị “bỏ ngỏ”. Chưa có nhiều công trình khoa học phân tích nội dung này một cách toàn diện và hệ thống, nhất là về bối cảnh ra đời, đặc điểm, nội dung và tác động của các chính sách đối với quan hệ quốc tế của Hàn Quốc. Nguồn thông tin chính thống mà chúng tôi tiếp cận được vẫn là các tin bài của TTXVN và trung tâm nghiên cứu chuyên ngành: “Hàn Quốc đàm phán với Bắc Triều Tiên, cải

6

biến chính sách Ánh dương” (Tin tham khảo thế giới, ngày 27-3-2002); “Hàn Quốc sẽ tiếp tục chính sách Ánh dương” (Tin tham khảo thế giới, ngày 03-7-2002); “Bán đảo Triều Tiên: Phần tối của chính sách Ánh dương” (Tin tham khảo thế giới, ngày 21-3- 2002); “Liệu Hàn Quốc có thay đổi chính sách Ánh dương đối với Bắc Triều Tiên” (Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 08-01-2007); “Kiên trì theo đuổi “chính sách Hòa bình và thịnh vượng” của Hàn Quốc” (Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á). Đáng chú ý, tài liệu tham khảo số 12-2007 của TTXVN đã dành riêng một chuyên khảo về: “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc” nhằm phân tích chính sách đối ngoại và an ninh của quốc gia này trong tương quan địa – chính trị Đông Bắc Á theo chuỗi quan hệ móc xích: Hàn Quốc và Mỹ - liên minh không bình đẳng; Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên – liên minh hoài nghi; Hàn Quốc và Trung Quốc – liên minh cân bằng. Qua đó, nghiên cứu này đã đưa ra giả định về “chính sách nước đôi” của Hàn Quốc nhằm “mở nút” cho mối quan hệ “tay ba” trên bán đảo Triều Tiên. 2.2. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài Ở nước ngoài, công tác nghiên cứu chuyên sâu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á đã được các nhà khoa học Hàn Quốc và phương Tây triển khai từ khá sớm. Đây chính là nguồn tư liệu đa dạng, phong phú cả về lượng và chất được phản ánh thông qua ba nhóm nội dung lớn: Nhóm thứ nhất: Nghiên cứu tổng quan về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Trước hết, các công trình nghiên cứu tổng hợp dưới dạng thông sử: “Korea Old and New: A History” của tập thể tác giả: Carter Eckert, Ki Baik Lee, Michael Robinson, Edward W. Wagner (Ilchokak Publisher, 1991); “Korea’s Place in the Sun: A Modern History” của Cumings, Bruces (New York: Norton, 2005); “Everlasting Flower: A History of Korea” của Keith Pratt (Reaktion Book, 2007) và “A History of Korea: From Antiquity to the Present” của Michael J. Seth (Rowman and Little Field, 2010). Do phạm vi nghiên cứu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội) trong suốt tiến trình lịch sử nên ở các công trình nêu trên nội dung về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chỉ được đề cập một cách sơ lược. Công trình tiêu biểu nhất viết về mảng đề tài này vẫn là cuốn “Understanding Korean Politics – An Introduction” (2001) của đồng tác giả Soong Hoom Kil và Chung In Moon (New York University, Albany) với việc tái hiện tương đối đầy đủ cơ sở lịch sử, chính trị, chính sách đối ngoại và chính sách thống nhất dân tộc của Hàn Quốc từ sau Chiến tranh lạnh.

7

Các công trình nghiên cứu khác đề cập trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Hàn Quốc như Claude A.Buss: “The United States and the Republic of Korea: Background for Policy” (1982); Koen De Ceuste: “Pride and Prejudice in ’s Foreign Policy” (2005); Choo Yong-Shik: “South Korea’s Foreign Policy: National Division and Its Implications for US – ROK Alliance” (2006); Weston S. Konishi, Mark E. Manyin: “South Korea - Its Domestic Politics and Foreign Policy Outlook” (CRS Report for Congress, 2009)… Những công trình nói trên tập trung phân tích, lý giải mối quan hệ đồng minh về an ninh - chính trị giữa Mỹ và Hàn Quốc với tư cách là một trụ cột, bảo đảm và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thể hiện thái độ và quan điểm tự chủ, giảm dần sự chi phối, lệ thuộc vào các siêu cường trong hoạch định chính sách đối ngoại. Nhóm thứ hai: Nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á. Đây là nội dung được các học giả Hàn Quốc tập trung nghiên cứu khá sâu sắc, cung cấp cho tác giả luận án nhiều tư liệu quý giá, trong đó bao gồm cả các phân tích và nhận định khoa học. Đầu tiên, phải kể đến các công trình viết về những nhân tố tác động, đặc điểm và hoàn cảnh ra đời của chính sách đối ngoại Hàn Quốc, chẳng hạn: Kim Kyung Woong, Park Gun Young với “Kim Dae Jung Government’s North Korean Policy Direction” (The Korean Political Science Association, 2000); Lee Jay Cho, Chung Si Ahn, Choong Nam Kim: “Changing Korea in Relational and Global Contexts” ( National University Press, 2004); Choong Nam Kim: “The Roh Moon Hyun Government’s Policy toward North Korea” (East-West Center Working Papers, 2005); Kim, S.H: “North Korean Policy of Lee Myung Bak Government” (Korean Institute for National Unification, Seoul, 2008); Kim KS: “Concept, Assessment and Future Task of the Perspective of The Evolution of the Policy” (Korea and World Polictics, 2008); Gilbert Rozman, In Taek Hyun, Shin Wha Lee: “South Korean Strategic Thought toward Asia” (2008)… Các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này còn tập trung đánh giá, phân tích sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, những chuyển biến trong các vấn đề khủng hoảng hạt nhân, liên kết Đông Bắc Á – Đông Á và kết quả thiết lập trật tự quốc tế ở khu vực sau mỗi bước điều chỉnh đó. Các nghiên cứu của học giả Hàn Quốc cũng tập trung phân tích hai mặt thành công và hạn chế của chính sách Hàn Quốc đối với các nước trong khu vực, điển hình như: Choi WK với “The Sad Fate of Icarus: The Kim Young Sam’s Government Policy

8

toward North Korea” (Korea and World Politics, 1997); Norman D. Levin, Yong Sup Han: “Sunshine in Korea: The South Korean Debate Over Policies toward North Korea” (Published by RAND - Center for Asia Pacific Policy, 2002); Kim Hosup: “Evaluation of President Roh Moo Hyun’s Policy toward Japan” (Korea Focus, 2005); Sukhee Han: “From Engagement to Hedging: South Korea’s New China Policy” (The Korean Journal of Defense Analysis, 2008). Nổi bật nhất về đề tài này là nghiên cứu của Kim Young Sung với tiêu đề: “Success and Failure in Dealing with North Korea: Has Issue-Linkage Worked?” (The University of Warwick, 2009). Bài viết không chỉ nêu rõ hai điểm mạnh và yếu của chính sách Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên mà còn bày tỏ khá rõ ràng quan điểm, thái độ của các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… đối với đường lối đối ngoại của Hàn Quốc và giải mã lợi ích chiến lược của từng quốc gia khi cùng với Hàn Quốc tham gia vào tiến trình hợp tác khu vực. Các công trình khoa học còn nghiên cứu đối sánh chính sách giữa các tổng thống cầm quyền trong từng giai đoạn lịch sử nhằm làm rõ tính kế thừa, sáng tạo của mỗi chính sách; qua đó, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho ngoại giao Hàn Quốc. Đây là đề tài được tác giả Young Whan Kihl khai thác qua hai bài viết: “The Past as Prologue: President Kim Dae Jung’s Legacy and President Roh Moo Hyun’s Policy Issues and Future Challenges” (2003) và “Transforming Korean Polititics: Democracy, Reform, Culture” (Armonk, New York: M. E. Sharpe, 2005). Điển hình về nội dung luận giải bài học lịch sử cho chính sách của Hàn Quốc với các nước Đông Bắc Á là công trình của Choi Jinwook (2012) với tiêu đề: “Korean Unification and a New East Asian Orded” (Korea Institute for National Unification). Công trình này đã rút ra những kinh nghiệm trong hoạch định chính sách dựa trên hai nhân tố: Truyền thống hợp tác và nhu cầu hợp tác giữa Hàn Quốc với các quốc gia trong khu vực từ sau Chiến tranh lạnh. Đặc biệt, các tác giả còn rất thành công trong việc phát hiện và lý giải ý đồ chính trị của các nước ở trong và ngoài khu vực khi đẩy mạnh chính sách can dự trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các bài viết khá phong phú của các tác giả Hàn Quốc, chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á còn được nhiều học giả phương Tây quan tâm nghiên cứu. Một số công trình đáng chú ý như: Dlynn Faith Armstrong: “South Korea’s Foreign Policy in the Post - Cold War Era: A Middle Power Perspective” (1997); Paul Chamberlain: “Korea 2010: The

9

Challenges of the New Millennium” (2001); Scott Snyder: “Lee Myung Bak and the Future of Sino-South Korean Relations” (2008); Weston S. Konishi, Mark E. Manyin: “South Korea: Its Domestic Politics and Foreign Policy Outlook” (2009)... Đây là những công trình viết riêng về Hàn Quốc hoặc viết chung về quá trình hợp tác khu vực, trong đó đề cập đến khả năng và triển vọng liên kết giữa Hàn Quốc với các quốc gia ở Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, các tác giả còn xác định những thách thức trong quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước trong khu vực. Dù phản ánh nhiều nội dung và khía cạnh khác nhau nhưng các công trình nghiên cứu trên vẫn cung cấp cho chúng tôi một cái nhìn đầy đủ và trung thực về các giai đoạn thăng trầm trong lịch sử ngoại giao Hàn Quốc. Nhóm thứ ba, nghiên cứu về hệ quả chung và riêng của chính sách Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á. Tập trung phân tích hệ quả chung của chính sách (nâng cao vai trò, vị thế của Hàn Quốc và gia tăng liên kết khu vực) là bài viết của Kim Choong Nam với tiêu đề: “The Sunshine Policy and Its Impact on South Korea’s Relations with Major Powers” (Korean Observer, 2004); Zhao Lin: “Strategic Cooperation between China and South Korea, Strategic Structure of Northeast Asia” (2006); Lytton L. Guimaras: “South Korea’s Foreign and Security Policies and the Process of East Asia Integration” (2010)… Bàn về hệ quả riêng của chính sách Hàn Quốc đối với các nước (tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên) trên các lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế… từ sau Chiến tranh lạnh có các công trình tiêu biểu như: Seongho Sheen với hai bài viết “Japan-South Korea Relations: Slowly Lifting the Burden of History” (Asia-Pacific Center for Security Studies, 2003) và “Tilting towards the Dragon: South Korea’s China Debate” (APCSS Special Assessment – Honolulu, 2003); Dick K. Nanto, Mark E. Manyin: “The Kaesong North – South Korean Industrial Complex” (CRS Report for Congress, 2008); Francoise Nicolas với: “The Changing Economic Relations between China and Korea: Patterns, Trends and Policy Implications” (The Journal of the Korean Economy, 2009)… Các nghiên cứu trên đã tập trung làm rõ những “điểm sáng” và “góc tối” trong chính sách của Hàn Quốc với nỗ lực hợp tác khu vực, nhất là trên lĩnh vực an ninh – chính trị do đề cao quá mức chủ nghĩa quốc gia và lợi ích dân tộc. Điều này phần nào thu hẹp nhận thức về một chủ nghĩa khu vực mới đang dần hình thành ở Đông Bắc Á. Tựu trung lại, thông qua việc trình bày tình hình nghiên cứu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, chúng tôi rút ra ba nhận xét chính yếu sau:

10

Thứ nhất, tuy có khá nhiều công trình khoa học nghiên cứu về quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước trong khu vực nhưng do mục đích nghiên cứu khác nhau nên hầu hết các bài viết, công trình vẫn chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực riêng lẻ (kinh tế, giáo dục, năng lượng, khoa học và công nghệ…) hoặc một số giai đoạn cụ thể. Hầu như chưa có một công trình nào nghiên cứuhệ thống và toàn diện về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, đặc biệt dưới góc độ sử học (vì đa phần các tác giả là những nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, kinh tế học, Địa - Chính trị…). Thứ hai, một số công trình nghiên cứu đã bước đầu tìm hiểu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở thời điểm trong hoặc sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về đề tài này xuyên suốt từ khi Hàn Quốc lập quốc (1948) đến hết thập niên đầu thế kỷ XXI. Thứ ba, còn khá nhiều nội dung liên quan đến đề tài chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, cần tiếp tục tìm hiểu, trao đổi như: Cơ sở hình thành chính sách; những nội dung, đặc điểm cơ bản của chính sách và thành công, hạn chế của các chính sách đó đối với các nước trong khu vực. Mặc dù các công trình và bài viết ở trong và ngoài nước chủ yếu chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề của đề tài từ một khía cạnh đơn lẻ hoặc một thời kỳ lịch sử cụ thể nhưng đây là nguồn tài liệu tham khảo qúy báu giúp tác giả luận án bước đầu định hình ý tưởng, xác lập nội dung và lựa chọn phương pháp nghiên cứu một cách hiệu quả. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục tiêu nghiên cứu Đề tài khôi phục và phân tích một cách hệ thống, toàn diện chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010). 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục tiêu trên, người nghiên cứu sẽ thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như sau: - Trình bày cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010); trong đó, phân tích khái quát về chính sách của Hàn Quốc (1948 - 1989) (kể từ khi Hàn Quốc lập quốc cho đến khi Chiến tranh lạnh đi vào hồi kết). Đồng thời, nêu bật những chuyển biến mới của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước từ sau Chiến tranh lạnh. - Nhận diện và phân tích những nội dung chủ yếu trong chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á từ năm 1989 đến năm 2010; qua đó, nêu lên những điều chỉnh chiến lược trong chính sách của nước này trên các lĩnh vực hợp tác song phương.

11

- Xác định những điểm chung và riêng trong chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Rút ra nhận xét, đánh giá về chính sách của Hàn Quốc trên cả hai mặt thành công và hạn chế. Trên cơ sở đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại cho Hàn Quốc và Việt Nam. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á trên 3 lĩnh vực quan hệ cơ bản: An ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội (1989 – 2010). 4.2. Phạm vi nghiên cứu Về mặt không gian, đề tài tập trung nghiên cứu chính sách của Hàn Quốc đối với ba quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á là: Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, một số chủ thể khác liên quan, đề tài cũng sẽ đề cập đến trong chừng mực nhất định (đối chiếu, so sánh) nhằm đảm bảo tính toàn diện của vấn đề nghiên cứu. Về mặt thời gian, đề tài dành trọng tâm nghiên cứu chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á trong những năm 1989 - 2010. Dù Chiến tranh lạnh được tuyên bố chấm dứt vào 1989 và chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên Xô tan rã (1991) nhưng chúng tôi vẫn chú ý phân tích kỹ các sự kiện có liên quan từ trước đó cũng như cả hai mốc 1989 và 1991 nhằm đảm bảo tính logic của vấn đề. 5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 5.1. Nguồn tư liệu Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, tác giả luận án đã tập hợp và khai thác bốn nhóm tư liệu chủ yếu sau đây: - Nhóm 1: Các tài liệu của Chính phủ, Cơ quan ở Hàn Quốc và nhóm Nghiên cứu Đông Á. Các thông cáo, tổng kết và dự báo của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc. Các số liệu, thống kê và bảng, biểu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, sách Xanh ngoại giao, sách Trắng Jetro. - Nhóm 2: Các giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo của học giả Việt Nam và quốc tế có liên quan trực tiếp đến nội dung của đề tài luận án. Nguồn tài liệu của Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul và phòng Thông tin Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. - Nhóm 3: Các bài viết khoa học liên quan đến đề tài được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Công trình nghiên cứu của các tác giả Hàn Quốc và tác giả nước ngoài được công bố tại các trung tâm nghiên cứu, các tạp chí và trường Đại học quốc tế. Tin tức, nhận định từ các trang báo uy tín của Mỹ; các cơ quan truyền thông của Hàn Quốc, cơ quan báo chí của Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên.

12

- Nhóm 4: Các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ ở trong nước. Các tài liệu từ những địa chỉ website: Qũy Hàn Quốc – Korea Foundation (http://en.kr.or.kr); Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (http://www.motie.go.kr); Bộ Thống nhất Hàn Quốc (http://eng.unikorea.go.kr). 5.2. Phương pháp nghiên cứu - Về phương pháp luận: Luận án quán triệt phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề quan hệ quốc tế để xem xét, đánh giá chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á. Những quan điểm này được coi là kim chỉ nam trong quá trình xử lý thông tin và hình thành luận án. - Về phương pháp nghiên cứu: Đây là đề tài nghiên cứu lịch sử nên phương pháp lịch sử, phương pháp logic và sự kết hợp giữa chúng được sử dụng như dòng mạch chủ yếu. Bên cạnh đó, đề tài còn vận dụng linh hoạt một số phương pháp khoa học liên ngành của các ngành Quan hệ quốc tế, Quan hệ kinh tế quốc tế, Địa - Chính trị... như các phương pháp: Phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê, dự báo khoa học khi đi sâu nghiên cứu từng nội dung cụ thể nhằm nhìn nhận và đánh giá vấn đề một cách xác thực. 6. Đóng góp của đề tài 6.1. Về mặt khoa học - Luận án là công trình khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách chi tiết, toàn diện và hệ thống về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010), góp phần khỏa lấp khoảng trống trong các nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc thời hiện đại. - Từ việc phân tích cơ sở, mục tiêu, biện pháp thực hiện, luận án đã rút ra một số nhận xét về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong giai đoạn này (đặc biệt là những thành công đạt được và hạn chế cơ bản của các chính sách). - Nhận biết sự chuyển hướng đường lối đối ngoại của Hàn Quốc từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, xác định một số vấn đề đặt ra cho Hàn Quốc và liên hệ đối với Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. 6.2. Về mặt thực tiễn - Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên và học viên cao học các chuyên ngành: Lịch sử thế giới, Quan hệ quốc tế, Quốc tế học, Đông phương học và những ai quan tâm đến vấn đề này.

13

- Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án (ở một mức độ nhất định) có thể cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại. Từ đó, tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, bố cục của luận án gồm ba chương: Chương 1. Cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010) Chương 2. Những nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010) Chương 3. Một số nhận xét về chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010)

14

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010)

1.1. Yếu tố lịch sử: Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1948 – 1989) Từ sau khi nước Đại Hàn Dân Quốc ra đời (15-8-1948), những thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã tích cực theo đuổi chính sách đối ngoại ngả theo phương Tây do sự chi phối của trật tự thế giới hai cực. Bị cuốn vào vòng xoáy “ý thức hệ” từ nửa sau thập niên 40 của thế kỷ XX, Hàn Quốc chỉ chú trọng thiết lập quan hệ trước hết với Mỹ và các đồng minh Tây Âu để tìm chỗ dựa vững chắc về quân sự và kinh tế. Từ sau khi ký kết “Hiệp ước an ninh chung Mỹ - Hàn” (1953), Seoul đã chính thức công nhận sự hiện diện của Mỹ về quân sự, đồng thời chấp nhận luôn sự “bảo trợ” của siêu cường này về ngoại giao. Chịu bó buộc bởi liên minh phòng thủ quốc tế và tình trạng đối đầu Đông - Tây, Hàn Quốc đã duy trì mối quan hệ đối đầu, thù địch với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc suốt gần ba thập niên. Ngay cả quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản cũng chỉ là đồng minh “trá hình”. Bắt đầu từ những năm 1970, sau khi giành được “kỳ tích sông Hàn” về khôi phục kinh tế, quốc gia này mới từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc một chiều với Mỹ để chủ động phát triển chiến lược đối ngoại theo xu hướng độc lập và tự chủ. Sự ra đời của “Thuyết chủ thể, thuyết tự cường” với việc mở rộng quan hệ trong khu vực Đông Bắc Á và các nước thuộc Thế giới thứ ba được coi là bằng chứng về những biến chuyển trong tư duy đối ngoại của Hàn Quốc. Dù chưa thực sự mang lại một kết quả viên mãn trong quan hệ với khu vực Đông Bắc Á thời kỳ Chiến tranh lạnh, các chính sách đối ngoại mang tính kế thừa của Hàn Quốc vẫn có tác dụng định hướng cho nền chính trị nước này lần bước theo con đường hòa bình và dân chủ trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. 1.1.1. Đối với Nhật Bản Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia láng giềng ở châu Á, chỉ cách nhau bởi eo biển Triều Tiên. Chính sự gần gũi về mặt địa lý đã định hình đặc điểm cùng liên kết và chia sẻ yếu tố văn hóa giữa hai nước ngay từ thời cổ đại. Dù vậy, nền tảng tốt đẹp nói trên đã không mấy phát huy tác dụng đối với mối quan hệ luôn bị đè nặng bởi vấn đề lịch sử. Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, Nhật Bản đã coi bán đảo Triều Tiên là mối đe dọa

15

quân sự tiềm tàng và ví đó như “con dao găm nhằm vào nước Nhật” [33; tr. 4]. Ý thức này thôi thúc đội quân thực dân sớm “hất cẳng” triều đại Yi – vương triều cuối cùng của người Triều Tiên sau khi đánh bại Trung Quốc (1895) rồi Nga (1905). Sự xâm lăng và thôn tính mặc nhiên vùng đất Cao Ly bằng thủ đoạn đầu độc hoàng gia Triều Tiên đã nhen nhóm ngọn lửa hận thù và chống đối Nhật Bản tại nhiều nước châu Á. Với dân tộc Triều Tiên, họ rất khó có thể gạt bỏ ký ức đau thương và bất hạnh khi phải làm “sân sau” cho Nhật Bản suốt 35 năm (1910 - 1945). Nỗi đau của 200.000 phụ nữ châu Á bị lạm dụng, 700.000 thanh niên Hàn Quốc bị sung quân cùng với sự bóc lột nặng nề về kinh tế, đàn áp về chính trị và hạ nhục về văn hóa là “di sản” khó chối bỏ của quân đội Nhật Hoàng [91; tr. 14]. Thực tế này làm cho Hàn Quốc vẫn phần nào ác cảm trong quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Những năm đầu sau Chiến tranh thế giới (CTTG) thứ hai, phong trào chống Nhật tiếp tục dâng cao trong các tầng lớp nhân dân Hàn Quốc. Quan hệ giữa hai nước, do đó, luôn luôn bị chi phối bởi tình trạng đối đầu và thù hận. Cùng với kết cục bại trận của quân đội Nhật Bản vào năm 1945 và sự ra đời của hai thực thể chính trị nhà nước đối lập trên bán đảo Triều Tiên sau năm 1948, Mỹ và Liên Xô đã chính thức giành quyền kiểm soát khu vực này. Kể từ đây, sự hiện diện của Nhật Bản về mặt pháp lý đã không còn nhưng sự ám ảnh và những thương tổn về tâm lý mà người Nhật để lại cho dân tộc Triều Tiên vẫn vô cùng sâu đậm. Điều này lý giải cho thái độ căm ghét và oán hận nước Nhật của nhân dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, như một sản phẩm của Chiến tranh Triều Tiên và là kết quả cạnh tranh của hai siêu cường Xô - Mỹ, trong Chiến tranh lạnh, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều ký kết liên minh an ninh - quân sự với Washington. Điểm chung này đã đặt Hàn Quốc đứng trước một thử thách đầy khó khăn, ấy là “làm bạn” với nước Nhật. Từ sau khi kết thúc CTTG thứ hai đến trước cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã bước đầu có quan hệ hợp tác với Nhật Bản nhưng vẫn còn hết sức hạn chế. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên dù “gượng ép” nhưng đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của cả hai nước nhằm trấn an người môi giới - Mỹ. Sau khi Hiệp ước phòng thủ chung được ký kết (1953), Mỹ tiếp tục “định hướng” cho Hàn Quốc cải thiện và củng cố quan hệ với Nhật Bản. Động thái này của Mỹ xuất phát từ thực tế lúc bấy giờ tình hình Đông Dương ngày càng xấu đi và mối đe dọa của Chủ nghĩa cộng sản (CNCS) từ Trung Quốc ngày càng lớn. Đông Bắc Á có nguy cơ trở thành điểm nóng nhất của cuộc Chiến tranh lạnh trong khi Mỹ đang mất dần khả năng kiểm soát ở khu vực này. Không còn chọn lựa nào khác, Mỹ buộc phải

16

thiết lập và duy trì mối quan hệ “hòa thuận” giữa hai nước đồng minh. Để thực hiện ý đồ đó, trong suốt giai đoạn 1961 - 1963, Ngoại trưởng Mỹ - Dean Rusk đã không ít lần thân chinh đến Tokyo và Seoul để thuyết phục hai nước xóa bỏ hiềm khích và cải thiện quan hệ [144; tr. 39]. Hành động này của Mỹ đã bị Liên Xô và các nước XHCN (Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) kịch liệt lên án, họ coi đó là âm mưu khôi phục chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và phá hoại sự nghiệp thống nhất bán đảo Triều Tiên. Về phía mình, Hàn Quốc biết rõ Mỹ chủ động ký kết Hiệp ước an ninh chung (1953) để gián tiếp buộc nước này vào “thế chân vạc” trong mối quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn. Vì thế, dù liên minh Mỹ - Hàn có giá trị chiến lược thấp hơn hẳn so với liên minh Mỹ - Nhật nhưng Nhà Trắng vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí cao hơn để đầu tư và xây dựng các cơ sở của liên minh này. Đó là lý do khiến Hàn Quốc không thể đơn phương khước từ lời đề nghị của Mỹ về việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng. Do vậy, một chính sách ngoại giao “nước đôi” – vừa quan hệ, vừa đề phòng Nhật Bản đã trở thành lựa chọn số một của Hàn Quốc vào những năm 1950. Trong khoảng thời gian 1951 - 1960, các nhà lãnh đạo của Seoul và Tokyo vẫn duy trì những ấn tượng không tốt đẹp về nhau. Trong khi Thủ tướng Shigeru Yoshida ra sức phê phán “chủ nghĩa cá nhân” trong nội bộ Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) thì Syng Man Rhee lại lấy làm tự hào vì trước khi trở thành tổng thống, sự nghiệp chính trị của ông là nhằm giải phóng Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị Nhật Bản. Hai nước tiếp tục “thăm dò” lẫn nhau cho đến khi Tổng thống Park Chung Hee khai sinh nền Cộng hòa thứ ba (1961). Lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc đang suy thoái, thủ lĩnh của Đảng Dân chủ Cộng hòa nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện công nghiệp hóa hướng ngoại, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu thay cho chiến lược kinh tế hướng nội và nhập khẩu thời kỳ trước đó. Với tuyên bố mạnh mẽ “mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu”, Park Chung Hee đã quyết tâm biến Hàn Quốc thành nước xuất khẩu hàng đầu châu Á. Khi viện trợ kinh tế của Mỹ đang giảm mạnh, Hàn Quốc buộc phải “hướng ngoại” và tiếp cận Nhật Bản để khắc phục tình trạng khát vốn. Bên cạnh đó, về phương diện quân sự, việc kết giao với nước láng giềng này còn giúp Hàn Quốc tạo dựng một vành đai an ninh đối trọng với liên minh Bắc Triều Tiên - Liên Xô - Trung Quốc. Những lợi ích thiết thực nói trên là nhân tố trọng yếu thôi thúc Park Chung Hee chuyển dịch trọng tâm đối ngoại từ CHDCND Triều Tiên sang Nhật Bản. Theo định hướng đó, từ tháng 10-1961, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã được nối lại và tạo cơ sở cho việc ký kết “Hiệp ước quan hệ cơ bản” (22-6-1965). Với Hiệp ước này, hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao sau 20 năm Hàn Quốc thoát khỏi

17

khỏi ách thống trị của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản (1945). “Hiệp ước quan hệ cơ bản” (1965) nhắc lại các quy định liên quan đến “Hiệp ước Hòa bình” với Nhật Bản tại San Francisco (08-9-1951) và Nghị quyết 195 (III) được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (12-12-1948) với tuyên bố: “Chính phủ Hàn Quốc là Chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên” (Điều III) [159]. Bản Hiệp ước còn kèm theo năm thỏa thuận bổ sung về: Vấn đề người Hàn Quốc cư trú tại Nhật Bản; tuyên bố tài sản và hợp tác kinh tế; vấn đề văn hóa; vấn đề thủy sản và các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa hai nước. Trong các nội dung nêu trên, “Hiệp định tuyên bố về tài sản và hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Nhật Bản” (gọi tắt là: “Hiệp định bồi thường”) là quan trọng nhất. Theo thỏa thuận của Hiệp định này, Nhật Bản sẽ cung cấp 300 triệu USD cho Hàn Quốc dưới các hình thức cho vay, đầu tư và viện trợ (Khoản 1, Điều 1) [63; tr. 111-117] thay vì bồi thường 800 triệu USD như dự tính ban đầu. Đồng thời, “Hiệp ước quan hệ cơ bản” cũng ngăn chặn các hành vi khiếu nại hoặc chống đối Chính phủ Nhật Bản của các nạn nhân thời chiến ở Hàn Quốc với tư cách cá nhân (Khoản 1, Điều 2) [63; tr. 111-117]. Như vậy, khi ký vào bản Hiệp ước này, Hàn Quốc đã tự tước đi quyền đòi bồi thường chiến tranh như một giải pháp chính trị đối với người Nhật để đổi lấy gói “bảo hiểm” về đầu tư và viện trợ kinh tế. Với việc hợp thức hóa khoản bồi thường của Chính phủ Nhật Bản dưới danh nghĩa “Qũy kỷ niệm ngày độc lập Hàn Quốc”, “Hiệp ước quan hệ cơ bản” (1965) đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhân dân Hàn Quốc ngay thời điểm nó được ký kết. Sau sự kiện này, Tổng thống Park trở thành tâm điểm của nền chính trị Hàn Quốc với hai “phẩm chất” độc tài và thực dụng. Park Chung Hee từng tham gia vào quân đội Nhật Bản tại Mãn Châu – Trung Quốc nhờ cam kết trung thành với Nhật Hoàng được viết bằng máu. Vì vậy, ông có quan điểm chính trị đối lập người tiền nhiệm về quan hệ với nước láng giềng cũng là điều dễ hiểu. Ông không chủ trương bài xích người Nhật cũng không tố cáo hành vi xâm lược Triều Tiên của quân đội Nhật Hoàng trong quá khứ, ông coi Nhật Bản là nhà tài trợ kinh tế tiềm năng và cũng là đồng minh quân sự đáng tin cậy vào thời điểm hiện tại. Với nhận thức ấy, Park Chung Hee đã trở thành “cha đẻ” của chính sách “thân Nhật” ngay từ đầu thập niên 60. Đường lối đối ngoại này bị áp đặt và chi phối bởi ý chí chính trị của cá nhân nhiều hơn là nguyện vọng và mong muốn của người dân Hàn Quốc. Vì lẽ đó, có khi Park bị lên án là “tay sai” của chủ nghĩa quân phiệt khi quyết tâm kế tục và dẫn dắt tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước ròng rã 13 năm (1952 - 1965). Thực chất, chính sách đối ngoại này gắn liền với xuất thân chính trị của Park, được nuôi dưỡng bởi “chủ nghĩa cơ hội thực dụng” và được

18

phát triển theo nhu cầu đổi mới kinh tế của Hàn Quốc. Với tham vọng “tạo ra một nền kinh tế đứng đầu Đông Á trong vòng 10 năm và vươn lên cường quốc thế giới sau 20 năm” [123; tr. 72], Park Chung Hee đã ra sức đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi mục tiêu kinh tế chuyển hóa thành ý thức chính trị, Park Chung Hee sẵn sàng gạt bỏ ký ức thực dân về nước láng giềng để nhận lấy “tình bang giao” và “tiền vốn”. Ông còn bị gắn mác “chủ nghĩa cơ hội tàn nhẫn” khi chỉ chi 300.000 Won (khoảng 289 USD) cho một vụ tử nạn lao động từ thời thuộc địa (thay vì 1.650 USD như đã hứa trước đó) [45] và cắt giảm khoản tiền bồi thường cho 1,03 triệu nạn nhân chiến tranh để đầu tư trọn gói vào phát triển kinh tế [44]. Mặc dù phải gánh chịu không ít tai tiếng và lời chỉ trích, chính sách đối ngoại của Park Chung Hee vẫn cho thấy hàng loạt lợi ích thiết thực cho đất nước. Sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản (1965), Hàn Quốc dựa vào Mỹ chỉ duy nhất về thị trường, còn lại toàn bộ các yếu tố khác: Nguồn vốn, công nghệ hiếm, máy móc, phụ tùng đều do Nhật Bản hỗ trợ. Trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1977, nước láng giềng này đã cung cấp cho Hàn Quốc đến 80% linh phụ kiện và nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp. Tổng số vốn hợp tác giữa hai nền kinh tế lên đến 3,68 tỷ USD [8; tr. 72]. Với một đất nước phát triển cực muộn và nghèo nàn tài nguyên, vai trò “hậu thuẫn” của Nhật Bản dù không phải nhân tố quyết định bên trong nhưng cũng là yếu tố quan trọng bên ngoài góp phần vào thành quả phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Khi chính sách “thân Nhật” của Park Chung Hee đang tích cực phát huy tác dụng và mang lại cho Hàn Quốc một “nền tảng” kinh tế vững chắc thì sóng gió lại nổi lên trong quan hệ hai nước. Vụ bắt cóc Kim Tae Chung ở Tokyo (8-1973) và ám sát hụt Park Chung Hee (8-1974) do một người Nhật có lập trường ủng hộ CHDCND Triều Tiên thực hiện đã đặt Nhật Bản và Hàn Quốc, một lần nữa, vào tình thế đối đầu. Nền tảng ngoại giao của hai nước thực sự bị lung lay khi các Chính phủ triệu hồi Đại sứ của mình. Dù đã nỗ lực gắn kết quan hệ song phương nhưng Park Chung Hee vẫn không thể nào “điều hòa” và làm chủ được mọi tình huống khi mà tình bang giao Hàn – Nhật vốn đã được gây dựng trên một nền móng quá yếu. Đặc biệt, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự xích lại gần nhau của hai đối tác kinh tế - chính trị ở Đông Bắc Á vẫn chưa chứng tỏ được lòng tin và sự thiện chí. Mặc dù đều tích cực tham gia vào mắt xích chống cộng của Mỹ ở Viễn Đông với tư cách là đồng minh chiến lược nhưng bản thân Hàn Quốc và Nhật Bản lại không có bất cứ một Hiệp ước an ninh song phương nào. Chưa kể việc, đến tận năm 1978, cơ quan quân sự của hai nước hầu như không

19

liên hệ với nhau [144; tr. 41]. Sự chậm trễ này kéo theo không ít hệ lụy, điển hình là việc lãnh đạo hai bên vẫn chưa có chuyến viếng thăm lẫn nhau nào trước năm 1983 dù quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản đã được thiết lập gần hai thập niên [8; tr. 73]. Thái độ nghi kị và dè chừng khiến cho bầu không khí lạnh nhạt trong quan hệ song phương tiếp tục bao trùm đến khi Park Chung Hee bị ám sát (1979). Bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc thực hiện đa nguyên hóa chính sách đối ngoại. Chủ trương mới của nhà cầm quyền Chun Doo Hwan đã giúp đất nước tăng cường giao lưu với các đối tác phi truyền thống nhưng vẫn coi quan hệ với Nhật Bản là trụ cột. Nhờ đường lối chính trị ôn hòa, Tổng thống Chun đã tạo dựng một hệ thống kinh tế, chính trị cởi mở hơn. Thái độ hợp tác đầy thiện chí của Seoul đã được Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone ghi nhận bằng chuyến viếng thăm đầu tiên đến Hàn Quốc (1983). Trong lần gặp gỡ này, hai bên đã đạt được thỏa thuận về gói viện trợ kinh tế trị giá 4 tỷ USD do Nhật Bản cung cấp [141]; đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc cam kết siết chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 1984, chính quyền Chun Doo Hwan tiếp tục tiến thêm một bước nữa trên mặt trận ngoại giao khi lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Hoàng Hirohito bày tỏ sự “hối tiếc” của cá nhân ông về quá khứ bất hạnh của cả hai nước. Với kết quả ấy, chiến lược “ngoại giao con thoi” của Nakasone và Chun Doo Hwan đã làm hài lòng người đứng đầu Nhà Trắng Ronald Reagan về khả năng tăng cường vành đai an ninh tại khu vực châu Á. Việc cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản dưới thời Chun Doo Hwan đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối “dân tộc chủ nghĩa” trong đấu tranh ngoại giao. Lần đầu tiên từ khi thiết lập quan hệ (1965), các nhà lãnh đạo của hai nước chính thức gặp gỡ, hội đàm với tinh thần hợp tác và đầy thân thiện. Tuy nhiên, bầu không khí “hòa dịu” này chẳng thể duy trì đến đầu thập niên 90. Những phát ngôn khơi dậy quá khứ đau buồn của giới chính trị cánh tả Nhật Bản cùng với sự xuất hiện của những cuốn sách giáo khoa lịch sử có nội dung xem nhẹ trách nhiệm của quân đội Nhật Hoàng trong thời kỳ chiếm đóng Triều Tiên khiến người Hàn Quốc bức xúc và nổi giận. Không khí “chống Nhật” càng dâng cao khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với quần đảo Liancourt. Vấn đề tranh giành chủ quyền trên biển bùng phát trong những năm 1990 bắt nguồn từ một “kẽ hở” trong “Hiệp ước quan hệ cơ bản” (1965). Hiệp ước này chính thức thiết lập quan hệ giữa hai nước nhưng hoàn toàn “bỏ ngỏ” vấn đề của Liancourt. Ngay cả Hiệp ước hòa bình San Francisco (1951) cũng chỉ tuyên bố chủ quyền cho các đảo: Quelpart, Port Hamilton và Dagelet chứ không hề nhắc tới

20

Liancourt hay quốc gia sở hữu nó. Trong quá khứ, sự kiện Syng Man Rhee gửi quân đến Liancourt (1952) để tuyên bố chủ quyền với quần đảo này dưới cái tên “Dokdo” và việc Nhật Bản đăng ký hải phận Liancourt với danh xưng “Takeshima” theo hệ thống luật pháp quốc tế càng làm cho quan hệ giữa hai nước rạn nứt nghiêm trọng vào thời điểm hiện tại. Không tìm được tiếng nói chung để hóa giải xung đột, Hàn Quốc và Nhật Bản lại tiếp tục duy trì mối quan hệ “gần mặt, cách lòng” cho đến sát thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh. Có thể thấy, so với liên minh Hàn Quốc – Mỹ, mối bang giao Hàn Quốc – Nhật Bản còn tồn đọng quá nhiều vướng mắc do lịch sử bất hạnh của bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, do cùng thực hiện liên minh quân sự với Mỹ và cùng chia sẻ các giá trị tự do phương Tây trong nền kinh tế thị trường, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có cơ sở để gắn kết quan hệ. Hai nước đã đạt được những tiến bộ đầu tiên trong lĩnh vực ngoại giao khi John F. Kennedy trở thành tổng thống thứ 35 của nước Mỹ và Thiếu tướng Park Chung Hee lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự (1961) ở Hàn Quốc. Năm 1969, Mỹ thực hiện “học thuyết Guam”, gián tiếp đẩy Hàn Quốc về phía Nhật Bản sau khi thu hồi các sư đoàn bộ binh trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, siêu cường này thậm chí còn cắt giảm viện trợ của Seoul (1959 - 1965), buộc chính quyền Park phải mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài, thực chất là để Hàn Quốc nối lại quan hệ với Nhật Bản. Luôn chịu tác động và bị “giật dây” bởi nhân tố thứ ba, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã giúp hai nước cải thiện quan hệ nhưng chỉ ở “bề mặt”. Mối kết giao Hàn – Nhật thiếu tính chiến lược bền vững bởi nó chỉ phản ánh mục tiêu và tham vọng của Mỹ chứ không bắt rễ từ lợi ích chính trị của hai thực thể tham gia. Vậy nên, dù đã nỗ lực xóa bỏ những “rào cản” do bất đồng quá khứ và tranh chấp chủ quyền nhưng chính sách đối ngoại của cả Park Chung Hee và Chun Doo Hwan chưa thể tạo dựng mối quan hệ đồng minh vững chắc với Nhật Bản. Điều này cho thấy, Hàn Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường tìm kiếm và xác lập một chính sách ngoại giao mới cho nền tảng quan hệ chính trị giữa hai nước. 1.1.2. Đối với Trung Quốc Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á có sự gắn bó mật thiết trên nhiều phương diện. Ngay buổi đầu công nguyên, nền văn hóa của Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hàn Quốc bởi hệ tư tưởng triết học, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Cả hai quốc gia, thậm chí còn cùng gánh chịu ách nô dịch của quân

21

phiệt Nhật Bản (thế kỷ XVIII) và cùng đối mặt với âm mưu thôn tính của thực dân phương Tây (thế kỷ XIX). Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình Nhà nước TBCN ở Hàn Quốc (1948) và XHCN ở Trung Quốc (1949) đã đẩy hai nước rơi vào cuộc đối đầu về ý thức hệ của các siêu cường. Định mệnh lịch sử ấy làm cho mối quan hệ giữa hai bên bị phân tuyến triệt để và sâu sắc, đặc biệt là sau khi bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên (1950). Trong cuộc chiến này, Trung Quốc liên tục ở vào thế “đối trọng” với Hàn Quốc, nhất là khi đội quân chí nguyện của Mao Trạch Đông hỗ trợ cho CHDCND Triều Tiên chống lại liên quân Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc do Mỹ đứng đầu. Việc Trung Quốc tham gia vào Hiệp định đình chiến (1953) và can dự vào các cuộc đàm phán “tay ba” giữa hai miền Triều Tiên với Mỹ cũng làm tan vỡ không ít kế hoạch chiến lược của Hàn Quốc và lực lượng đồng minh. Mối bất hòa giữa hai nước ngày càng lên cao khi Trung Quốc ủng hộ CHDCND Triều Tiên, không công nhận chính phủ Hàn Quốc và sử dụng cách mạng XHCN để “cộng sản hóa” miền Nam. Những quan điểm trái ngược và cứng nhắc về phương diện chính trị đã triệt tiêu mọi cơ sở gắn kết quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hơn thế nữa, những mâu thuẫn đối kháng vì lợi ích dân tộc còn khiến các bên nhìn nhận nhau bằng con mắt chủ quan, thiên lệch và đầy định kiến. Syng Man Rhee – người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc từ thập niên 60 thậm chí còn khẳng định: “Một trong những sai lầm to lớn nhất, sự ngu ngốc khủng khiếp nhất của lịch sử dân tộc là đã tôn kính và sùng bái Trung Quốc trong quá khứ” [72; tr. 35]. Lối lập luận sắt đá và cục bộ cho thấy sự chi phối ghê gớm của ý thức hệ đến tư duy đối ngoại của người cầm quyền. Thực tế này khiến cho Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng lún sâu vào hố phân cách bởi thế hệ lãnh đạo đầu tiên của hai nước đều xem việc “kết bạn” trong bối cảnh Chiến tranh lạnh là vô ích và phí hoài. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, khi Hàn Quốc còn đang mải mê theo đuổi chính sách “Đệ nhất kinh tế” thì Trung Quốc đã nhanh chóng bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia có đường lối chính trị đối lập như Nhật Bản (1972) và Mỹ (1979). Trên lý thuyết, việc Bắc Kinh cải thiện quan hệ với hai đồng minh chiến lược của Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á sẽ gián tiếp thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc bước sang một chương mới. Tuy nhiên, sự xích lại gần nhau của ngoại giao hai nước, trên thực tế, lại không suôn sẻ. Trung Quốc đã sớm tuyên bố không thực hiện chính sách “hai Triều Tiên” và cũng không có bất cứ sự tiếp xúc nào với Hàn Quốc [42; tr. 107&113]. Lý giải về điều này, Mao Trạch Đông cho rằng, quan

22

hệ Hàn Quốc – Trung Quốc chẳng khác gì quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên bởi các cặp liên kết này chỉ có tác dụng “chôn sống lợi ích” của thực thể nước lớn. Trung Quốc đã cự tuyệt mọi quan hệ với Hàn Quốc, thậm chí ngăn cấm những tiếp xúc xã hội thông thường giữa quan chức hai nước ở nước thứ ba vì toan tính thiệt hơn về lợi ích chính trị. Thực tế, Trung Quốc đã vun đắp mối quan hệ hữu nghị và truyền thống với chính quyền Kim Il Sung bằng cả máu của mình trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1953). Vì vậy, chẳng có lý do gì để họ quay lưng với quá khứ, “bắt tay” cùng Seoul để trở thành “kẻ phản bội” CHDCND Triều Tiên. Thêm vào đó, Trung Quốc tuyệt đối không để mất một chiến hữu thân cận trong cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo phe XHCN với Liên Xô, đặc biệt là khi Bắc Triều Tiên đang áp dụng chiêu bài “nước đôi” với cả hai đồng minh Trung - Xô. Rõ ràng, thiết lập quan hệ với Hàn Quốc chẳng những không bảo toàn được lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong hiện tại mà còn có thể phá hủy tiền đồ chính trị của quốc gia này trong tương lai. Nhận thức được những suy tính chính trị sâu sắc của Mao Trạch Đông, Hàn Quốc đã không đề xuất một chính sách nào nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ với nước láng giềng. Park Chung Hee cũng hiểu rõ chính sách đối ngoại của Hàn Quốc có cởi mở và hoàn thiện bao nhiêu chăng nữa cũng không thể nào lôi kéo Trung Quốc từ bỏ mối quan hệ liên minh “môi hở răng lạnh” với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc bắt đầu mong muốn kết nối với Trung Quốc kể từ sau khi nước này tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa và có tầm ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Bắc Kinh ngày càng chi phối và điều tiết mạnh mẽ đến tương lai của bán đảo Triều Tiên. Lúc bấy giờ, Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh tư duy Chiến tranh lạnh để vun đắp cho mối quan hệ với đối tác mới. Nhiệm vụ chính trị này đã được Tổng thống Chun Doo Hwan ráo riết thực hiện thông qua chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Thái độ hợp tác của giới chức Hàn Quốc đã giúp hai nước thực sự có quan hệ kinh doanh từ giữa những năm 80. Cũng vào thời điểm này, các học giả, nhà báo và thân nhân ly tán đã được hai chính quyền cho phép gặp gỡ, thăm viếng lẫn nhau. Nhờ đường lối ngoại giao tích cực, Chun Doo Hwan đã từng bước “hâm nóng” mối quan hệ láng giềng sau hơn ba thập niên lạnh nhạt. Tuy nhiên, giới chức của hai nước chỉ thực sự có liên hệ chính thức từ năm 1983. Kết quả này được củng cố sau sự kiện Hàn Quốc hỗ trợ một máy bay dân sự của Trung Quốc bị bắt cóc, buộc phải hạ cánh xuống phi trường Seoul. Từ biến cố lịch sử ấy, Đặng Tiểu Bình bắt đầu nhận

23

thức về vai trò “láng giềng gần” của Hàn Quốc và có niềm tin vào mối quan hệ giữa hai nước. Đáp lại sự hỗ trợ kịp thời của Tổng thống Chun Doo Hwan đối với ngành hàng không Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã ủng hộ các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tháng 4-1984, đoàn vận động viên Bắc Kinh đã đến Seoul tham dự giải vô địch bóng rổ châu Á lần thứ VIII. Kể từ đây, quan chức hai bên cũng bắt đầu gặp gỡ, tiếp xúc trong các hội nghị và diễn đàn quốc tế với tinh thần thân thiện và cởi mở hơn. Nhìn lại quá khứ, suốt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc gần như bị “đóng khung” do chịu sự chi phối của ba yếu tố: Mô hình “lưỡng cực” của cơ cấu quyền lực thế giới, sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và sự cạnh tranh Trung - Xô nhằm duy trì ảnh hưởng đối với chính quyền Kim Il Sung. Những giới hạn này làm cho cả hai nước luôn phủ định lẫn nhau cả về lập trường chính trị lẫn quan điểm ngoại giao. Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “một Triều Tiên”, còn Hàn Quốc chỉ duy trì quan hệ với Đài Loan đã cho thấy sự phân cực sâu sắc giữa hai tuyến đối đầu này. Vì thế nên, đến cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, quan hệ giữa hai nước vẫn hoàn toàn đóng băng. Đến khi Chun Doo Hwan thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng với Trung Quốc thì sự đối đầu này mới được tiết chế. Hướng đi tiếp theo của nền chính trị Hàn Quốc sẽ là thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bắc Kinh nhưng vẫn duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở nhận thức đúng đắn về mối quan hệ song phương giữa hai nước. Đây là nội dung có tính chất “định hướng” mà các chính sách đối ngoại về sau của Hàn Quốc sẽ tiếp tục kế thừa và thực hiện. 1.1.3. Đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Ngay từ khi mới ra đời, nhờ hậu thuẫn của Mỹ, Hàn Quốc được Liên Hợp Quốc công nhận là Nhà nước duy nhất trên bán đảo Triều Tiên. Chính điều này đã định hình tâm lý chống đối và đường lối ngoại giao cứng rắn, cực đoan của miền Nam Triều Tiên do tâm lý nôn nóng muốn giành lại “phần lãnh thổ đã mất”. Quyết tâm chính trịấy được phản ánh trong chính sách “Bắc tiến” do Ngoại trưởng Hàn Quốc - Chang Taek Sang công bố vào ngày 08-10-1948. Mục tiêu trọng tâm của chính sách là “xóa bỏ sự đe dọa trực tiếp của lực lượng cộng sản miền Bắc” [122; tr. 445]. Điều này cho thấy tâm lý thù địch, đối đầu cùng với đó là tính chất ngăn chặn triệt để và đấu tranh quyết liệt với chế độ “bất hợp pháp” của CHDCND Triều Tiên. Không thể phủ nhận một thực tế, từ sau khi xung đột giữa hai miền kết thúc với Hiệp định đình chiến (1953), kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhờ

24

ký kết thành công Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa với Liên Xô (3-1949), CHDCND Triều Tiên đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế trong giai đoạn 1949 –1950 [38; tr. 13]. Cùng thời điểm đó, ở miền Nam, Hàn Quốc lại lâm vào tình cảnh khó khăn do chế độ độc tài cầm quyền. Tình cảnh xã hội rối ren, kinh tế suy sụp và đất nước đứng bên miệng hố “suy vong” vào đầu thập niên 50 đã trở thành cái cớ để Syng Man Rhee thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn chính sách “Bắc tiến” với lý do: Nếu không thống nhất công nghiệp của miền Bắc với nông nghiệp của miền Nam thì đất nước khó lòng mà tồn tại [24]. Hàng loạt thách thức trong thời điểm đó buộc tổng thống Hàn Quốc phải điều chỉnh chính sách “Bắc tiến” (1948 - 1953) thành chính sách “Bắc tiến và thống nhất” với đường lối chính trị cứng rắn và cực đoan gấp bội. Chính sách mới được Thủ tướng Hàn Quốc công bố trước Quốc hội vào ngày 14-7-1954 với quyết tâm: “Càng sớm càng tốt xây dựng một quốc gia thống nhất, tự do, dân chủ và độc lập bằng việc đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi đất nước và đập tan bè lũ miền Bắc” [108]. Quan điểm chính trị này đã được Tổng thống Syng Man Rhee nhắc lại trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7-1954. Chính sách “Bắc tiến và thống nhất” của Syng Man Rhee, rõ ràng, là kết quả kế thừa và phát triển từ chính sách đối ngoại trước đó. Nỗ lực giành lại miền Bắc, tiến tới Tổng tuyển cử tự do trên toàn bán đảo dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc là mục tiêu không đổi; bên cạnh đó, chính sách mới còn nâng cao quan điểm và lập trường cứng rắn hơn: “không công nhận, không đàm phán, không đối thoại” với CHDCND Triều Tiên và từ chối mọi đề nghị hòa bình từ Bình Nhưỡng. Chính sách “Bắc tiến và thống nhất” ra đời cho thấy lực lượng dân tộc cánh hữu do Tổng thống Syng Man Rhee đứng đầu luôn muốn “mượn tay” Mỹ để đẩy nhanh tiến trình thống nhất hai miền. Tuy nhiên, quân đội miền Nam không thể vượt vĩ tuyến 38 dựa vào sức mạnh quân sự vì vấp phải ba trở lực lớn: Một là, sự cạnh tranh khốc liệt của các siêu cường; hai là, tương quan lực lượng bất lợi cho miền Nam; ba là, chủ trương dùng vũ lực để thống nhất đất nước của CHDCND Triều Tiên. Để không phải “dọn dẹp” một chiến trường đổ máu do tham vọng thống nhất Triều Tiên của Syng Man Rhee, Mỹ luôn tìm cách duy trì sự hiện diện của mình nhằm chặn đứng âm mưu “xâm lược” của miền Bắc, đồng thời “răn đe” kế hoạch phản công Nhà nước Triều Tiên ở miền Nam. Không được Mỹ ủng hộ, lại phải chịu sự khống chế của “Hiệp ước an ninh chung” (1953) với cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, kế hoạch thống nhất Triều Tiên của chính quyền Syng Man Rhee trở nên vô vọng. Chính sách “Bắc tiến và thống nhất”, vì thế, chỉ được duy trì đến

25

năm 1960 khi sinh viên và trí thức miền Nam tiến hành cuộc cách mạng ngày 19-4, lật đổ nền Cộng hòa thứ nhất (27-4-1960). Sự thất bại liên tiếp của hai chính sách: “Bắc tiến” rồi “Bắc tiến và thống nhất” tác động không nhỏ đến tư duy đối ngoại của Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, quan điểm ngoại giao cứng rắn với một đường lối bảo thủ và bạo lực chỉ có thể đẩy tiến trình thống nhất hai miền đi vào ngõ cụt. Rõ ràng, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời Syng Man Rhee đã bộc lộ nhiều bất ổn ngay từ trong “trứng nước” do tâm lý dựa dẫm vào nước ngoài và thái độ cứng rắn trong quan hệ với miền Bắc Triều Tiên. Sự đổ bể của hàng loạt chính sách ngoại giao lệch hướng đã khiến Hàn Quốc thức tỉnh và nhanh chóng điều chỉnh chiến lược mới của mình. Ngay sau khi chính quyền của Syng Man Rhee sụp đổ, Chính phủ lâm thời do Ngoại trưởng Ho Chong làm quyền tổng thống đã xóa bỏ khẩu hiệu “Bắc tiến và thống nhất”, thay vào đó là chủ trương hòa bình theo tinh thần nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Thấy rõ sự bế tắc trong nỗ lực “đoàn tụ” hai miền, thế hệ kế nhiệm của Syng Man Rhee – hai tổng thống Posun (1960) và Park Chung Hee (1963) đã cương quyết đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu, vấn đề thống nhất đất nước được chuyển xuống vị trí thứ hai. Trải qua tình cảnh khốn cùng và lạc hậu, Tổng thống Park thấm nhuần một thực tế: Đối với những người nghèo, bên bờ vực của sự chết đói như nhân dân Hàn Quốc thì kinh tế phải được đặt lên trên chính trị [5; tr. 154]. Với nhận thức ấy, Park Chung Hee đã quán triệt chủ trương “xây dựng trước, thống nhất sau” mà đặt trọng tâm là chính sách “Đệ nhất kinh tế”. Theo ông, mục tiêu hiện đại hóa đất nước chính là tiền đề cơ bản, là cầu nối để gắn kết hai miền. Trong diễn văn thành lập “Hội đồng cách mạng quân sự” (16-5-1961), Park Chung Hee nhấn mạnh: “Việc thống nhất đất nước sẽ hoàn thành bằng quyết tâm tăng cường sức mạnh quốc gia để đủ sức lật đổ chế độ miền Bắc” [124; tr. 21]. Lập trường cứng rắn này tiếp tục được ông nhắc lại trong lần gặp gỡ kiều dân Hàn Quốc tại Bonn (CHLB Đức) vào ngày 09-12-1964 với thông điệp: “Cách duy nhất để thống nhất là xây dựng kinh tế và thịnh vượng như Tây Đức” [124; tr. 21]. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Chung Hee đã phản ánh một nhận thức mới rằng, kết quả thống nhất đất nước không thể đạt được bằng vũ lực mà phải thông qua sức mạnh kinh tế và tăng cường đối thoại. Chính định hướng này đã thôi thúc Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng và phát triển kinh tế đất nước trong suốt thập niên 60 của thế kỷ XX.

26

Dù không xem sự nghiệp thống nhất đất nước là ưu tiên số một như Syng Man Rhee nhưng Park Chung Hee vẫn trung thành với đường lối đối ngoại cứng rắn dành cho CHDCND Triều Tiên. Đối với vấn đề “đoàn tụ” hai miền, tướng Park đã có cái nhìn thực tế và cách xử lý khôn ngoan hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, tháng 6-1966, Park Chung Hee đưa ra công thức: Liên Hợp Quốc giám sát và tiến hành tổng tuyển cử trên toàn toàn bán đảo theo tỷ lệ dân số. Với cách làm này, tổng thống Hàn Quốc muốn dựa vào uy tín của một tổ chức quốc tế để thúc đẩy tiến trình thống nhất hai miền. Giải pháp nói trên, về cơ bản, hoàn toàn có lợi cho miền Nam bởi họ đã được Liên Hợp Quốc công nhận là Nhà nước hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên từ lúc mới khai sinh. Hơn nữa, với số dân đông gấp đôi, miền Nam gần như nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử tự do. Nhận ra ý đồ chính trị của Park Chung Hee, hàng loạt quốc gia Á, Phi và các nước XHCN trong Liên Hợp Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối. Để xoa dịu tình hình, chính phủ Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, từ chỗ “nhất biên đảo” với Mỹ và phương Tây sang tăng cường quan hệ đa phương với các nước thuộc phong trào Không liên kết [39; tr. 21]. Đồng thời, Hàn Quốc còn xuất bản Sách Trắng về vấn đề thống nhất (06-12-1966) và lập ra Bộ Thống nhất đất nước (01-3-1969). Nỗ lực đa phương hóa quan hệ quốc tế của Park Chung Hee chỉ khiến miền Bắc thêm bất bình và phẫn nộ. Thái độ chống đối của CHDCND Triều Tiên đã lên đến đỉnh điểm khi quân đội nước này bắt giữ tàu hải quân Mỹ - Pueblo và lập kế hoạch ám sát Park Chung Hee nhưng bất thành. Từ sau hai biến cố ấy, Hàn Quốc lập tức điều chỉnh chính sách “Đệ nhất kinh tế” thành “Xây dựng kinh tế cùng quốc phòng” với tinh thần “vừa xây dựng, vừa chiến đấu” [125]. Để thực hiện đường lối mới, Park Chung Hee vừa tăng cường lực lượng dân phòng ở trong nước để ngăn chặn sự đột nhập từphía Bắc, vừa tích cực góp mặt trong các hoạt động bảo vệ an ninh của khu vực. Tổng thống Park còn chủ động viếng thăm Australia, New Zealand (1968) và Mỹ (1969) để củng cố “lá chắn quân sự” từ phía lực lượng đồng minh. Bước vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng với sự thay đổi của cán cân lực lượng Xô - Mỹ. Trong khi Liên Xô không ngừng lớn mạnh và tiến tới thế cân bằng chiến lược hạt nhân với Mỹ thì siêu cường duy nhất của thế giới từ sau CTTG thứ hai lại chìm đắm trong trì trệ, khủng hoảng và sa lầy chiến tranh ở Việt Nam. Tình thế này buộc Mỹ phải bắt đầu đối thoại với Liên Xô và ra Tuyên bố chung Thượng Hải (1972), khai thông quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ của cả hai hệ thống TBCN

27

và XHCN, đỉnh cao là chiến tranh biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc (1969) đã khiến không ít quốc gia lo ngại và phải đưa phương châm hòa hoãn, đối thoại vào chính sách đối ngoại của mình. Không nằm ngoài dòng chảy của xu thế mới, Hàn Quốc bấy giờ đã bắt đầu điều chỉnh nhãn quan chính trị theo chiều hướng “tích cực can dự vào CHDCND Triều Tiên và bước đầu thừa nhận hai thực thể chính trị độc lập, cùng song song tồn tại trên bán đảo Triều Tiên” theo “Tuyên bố ngoại giao đặc biệt về chính sách đối ngoại hòa bình và thống nhất đất nước” của Park Chung Hee (23-6- 1973) [126]. Trong Diễn văn kỷ niệm 25 năm giải phóng Triều Tiên khỏi ách thống trị Nhật Bản (15-8-1970), Tổng thống Park lần đầu tiên tuyên bố: “Hàn Quốc sẵn sàng cùng tồn tại hòa bình và chuẩn bị các biện pháp thực tế nhằm từng bước tháo bỏ những rào chắn giả tạo giữa hai miền” [122; tr. 445]; đồng thời kêu gọi CHDCND Triều Tiên từ bỏ đối đầu quân sự, tiến đến cạnh tranh công bằng trên mặt trận kinh tế. Quan điểm “thống nhất thông qua đối thoại” đã thực sự phát huy tác dụng khi chính quyền Park Chung Hee có lối ứng xử thức thời và mềm dẻo, từ chỗ không công nhận, không nhượng bộ với miền Bắc Triều Tiên đến chỗ tiếp xúc và đàm phán với Bình Nhưỡng. Hàng loạt cuộc gặp gỡ thiện chí giữa hai miền đã đưa đến việc ký kết “Tuyên bố chung” (04-7-1972). Theo đó, hai bên đồng ý thống nhất đất nước dựa trên ba nguyên tắc: “Một là, việc thống nhất đất nước phải thực hiện một cách độc lập, không có sự phụ thuộc hoặc can thiệp từ bên ngoài. Hai là, thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình, không sử dụng vũ khí để chống đối lực lượng bên kia. Ba là, đẩy mạnh đoàn kết dân tộc, vượt qua những khác biệt về hệ tư tưởng, lý tưởng và tính hệ thống” [107; tr. 183-185]. Sự kiện này đánh dấu thành công bước đầu trong chính sách đối ngoại “lựa chiều” của Hàn Quốc. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán chưa đạt đến kết quả cuối cùng thì bản tuyên bố chung của hai miền mới phôi thai đã phải dừng lại khi Park Chung Hee bị ám sát năm 1979. Không có người chèo chống đất nước giữa lúc quá nhiều bất đồng đang nảy sinh trong quá trình thương thuyết đã kéo lùi nỗ lực tái thống nhất của Hàn Quốc về điểm xuất phát. Chính sách đối ngoại do Park Chung Hee đề xướng dù không đạt đến mục đích cuối cùng là hòa giải và tái thống nhất hai miền nhưng nó đã góp phần “khai thông” một hướng đi mới trong quá trình kết nối quan hệ Nam – Bắc. Kế thừa lối tư duy ngoại giao nhạy bén, thực dụng của người tiền nhiệm, tổng thống đắc cử năm 1980 – Chun Doo Hwan vẫn một mực trung thành với chủ trương thống nhất đất nước phải thông qua đối thoại. Sự “mềm dẻo” trong chính sách ngoại giao của Chun Doo Hwan dù không phải là sáng tạo mới nhưng vẫn là một bước đi đầy cân nhắc và có tính toán. Cùng một khuôn

28

mẫu với Park Chung Hee, nhờ đối thoại bắc cầu cho quan hệ nhưng Chun Doo Hwan lại lấy lĩnh vực văn hóa - xã hội làm bước đệm và mục tiêu an ninh - chính trị làm đích đến. Với phương châm này, chính quyền của ông quyết tâm đặt vấn đề “dân tộc” và “dân chủ” lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung phát triển kinh tế. Về cơ bản, chính sách ngoại giao của Chun Doo Hwan là sự tiếp nối đường lối đối ngoại của từ thập niên 60 của thế kỷ XX nhưng trên nền tảng “di sản” kinh tế của Park Chung Hee. Đây là một lựa chọn thực tế và khôn ngoan trong bối cảnh vấn đề bán đảo Triều Tiên đã bị “quốc tế hóa” và các nước lớn chỉ muốn duy trì tình trạng chia cắt hai miền để bảo toàn lợi ích chính trị của riêng mình. Với việc công bố “Công thức thống nhất hòa bình”, hay còn gọi là “Công thức hòa giải dân tộc và thống nhất dân chủ” (1982), Chun Doo Hwan kêu gọi chấm dứt “quan hệ không bình thường” giữa hai bên trên cơ sở tăng cường các cuộc tiếp xúc bình thường và mở rộng phạm vi trao đổi, hợp tác Nam – Bắc đối với thương mại, giao thông, viễn thông và các lĩnh vực khác [109]. Hàn Quốc đã chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa hai miền và đưa ra hàng loạt đề nghị nối liền quan hệ: Đề nghị nối lại phiên họp trù bị và tiến hành gặp gỡ giữa Thủ tướng hai nước (10-1980); đề nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp cao nhất của hai miền (11-4-1981). Hàn Quốc còn công bố dự thảo về kế hoạch thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Thống nhất Cao Ly (22-01-1982). Bên cạnh đó, những lời đề nghị giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - kỹ thuật cũng được đưa ra xem xét. Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc còn kỳ vọng về một cuộc gặp gỡ giữa Hội Chữ thập đỏ hai miền để thảo luận về vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán. Quan hệ liên Triều đã thực sự “hạ nhiệt” khi Hàn Quốc đồng ý nối lại đàm phán kinh tế và tích cực hỗ trợ cho các nạn nhân lũ lụt của miền Bắc (1984). Đầu năm 1986, hai bên cùng tham gia đàm phán cấp cao với mục đích xoa dịu căng thẳng giữa hai miền, ngăn chặn chiến tranh, xem xét đề án thống nhất của cả hai bên và không đối đầu trực tiếp trên trường quốc tế. Nhờ chính sách ngoại giao tích cực và cởi mở, chính quyền Chun Doo Hwan đã từng bước tháo gỡ những khúc mắc và hiểm lầm giữa hai nước. Tuy nhiên, việc hàn gắn một mối quan hệ vốn rạn nứt từ lâu và là “di sản” của Chiến tranh lạnh quả là trọng trách quá lớn đối với Tổng thống Chun. Khó khăn chủ yếu mà Hàn Quốc phải đối mặt lúc bấy giờ lại là việc miền Bắc yêu cầu miền Nam phải chấm dứt một số hành động liên minh quân sự với Mỹ và hủy bỏ luật an ninh quốc gia. Chính động thái này của CHDCND Triều Tiên đã đẩy quan hệ hai miền rơi vào bế tắc. Tỏ rõ lập trường cứng rắn của mình, miền Bắc liên tục né tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp và bày tỏ thái

29

độ bất hợp tác với chính phủ Hàn Quốc. Cũng vì lẽ đó, việc lựa chọn giải pháp đối đầu hay đối thoại giữa hai miền kéo dài mãi cho đến cuối thập kỷ 80. Đánh giá một cách khách quan, ngay từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã có một sự “tiết chế” đáng kể trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đang tìm cách thoát khỏi sự bao bọc tuyệt đối của Mỹ do định chế của “Hiệp ước an ninh chung” (1953) để nhìn nhận vấn đề đối ngoại bằng “con ngươi” của chính mình. Nhờ nỗ lực “hóa rồng” bằng con đường công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã làm thay đổi về cơ bản tính chất mối quan hệ với Mỹ, từ chỗ là đồng minh lệ thuộc một chiều đến chỗ là đối tác kinh tế bình đẳng. Kể từ đây, sự gia tăng về khối lượng đầu tư và thương mại giữa hai nước tương ứng với việc giảm dần nguồn viện trợ từ phía Mỹ. Thực tế này đã thức tỉnh suy nghĩ của người Hàn Quốc. Họ cho rằng:“Trong hơn 30 năm qua, chúng ta đã sống tương đối yên tâm dưới sự bảo hộ của Mỹ. Nhưng khi thế giới ngày càng phân chia thành nhiều cực và sức mạnh của chúng ta ngày càng tăng lên thì kiểu quan hệ Hàn Quốc - Mỹ như trước đây không còn thích hợp nữa” [15; tr. 6]. Có thể thấy, đi đôi với một nền kinh tế phát triển là sự nâng cao về ý thức tự cường và tinh thần tự chủ của quốc gia. Nhận thức này thôi thúc Hàn Quốc phải từng bước xây dựng cho mình một đường lối ngoại giao độc lập. Với việc đưa ra “thuyết chủ thể, thuyết tự cường”, Tổng thống Park Chung Hee được coi là thế hệ lãnh đạo đầu tiên yêu cầu Hàn Quốc phải tự chủ trong xây dựng sách lược phòng vệ và hoạch định chiến lược ngoại giao. Quan điểm này của ông được thể hiện trong tuyên bố đặc biệt về chính sách “thống nhất hòa bình” (23-6-1976); theo đó, Hàn Quốc thực hiện mở cửa đối với tất cả các nước (không phân biệt ý thức hệ và thể chế chính trị). Đây được xem là cơ sở tồn tại cho “Công thức thống nhất hòa bình mới” của Chun Doo Hwan vào thập niên 80. Nhìn lại chặng đường đã qua, trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã dành ra không ít tâm sức và cả sự kiên nhẫn để thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước - một nội dung chủ đạo trong chính sách với CHDCND Triều Tiên. Nội dung nhất quán, xuyên suốt này không ngừng được kế tục và phát triển suốt hơn bốn thập niên với cả hai mặt thành công và hạn chế. Nhà độc tài Syng Man Rhee đã mở đầu nền Cộng hòa thứ nhất với chính sách ngoại giao “Bắc tiến”, sau đó là “Bắc tiến và thống nhất”. Tính chất cứng rắn và cực đoan trong đường lối đối ngoại của vị tổng thống đầu tiên đã khoét sâu vết nứt trong quan hệ giữa hai miền. Chủ trương thống nhất đất nước bằng “sắt và máu” của Syng Man Rhee vừa làm suy nhược nền kinh tế trong nước (do quá dồn sức vào phát triển quân sự), vừa “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa chống đối của lực lượng quân sự miền Bắc. Điều tất yếu mà hai chính sách

30

nói trên mang lại chỉ là kết cục lật đổ chính quyền Syng Man Rhee và cáo chung nền Cộng hòa đầu tiên (1960). Kế thừa một di sản đổ nát và đói nghèo từ tay Syng Man Rhee, Park Chung Hee buộc phải “sắm vai” người xoay chuyển vận mệnh quốc gia với một đường lối chính trị đối lập (đặt kinh tế lên trên quân sự). Chính sách “Đệ nhất kinh tế” ra đời cho thấy Hàn Quốc muốn tạo dựng sự thăng bằng trong cán cân quan hệ với Mỹ và tích cực củng cố nội lực cho vấn đề thống nhất Triều Tiên. Park Chung Hee đã đưa ra “thuyết chủ thể, thuyết tự cường”, bước đầu tỏ rõ quan điểm “độc lập” trong chính sách đối ngoại dù đang triệt để khai thác sự bảo trợ quân sự từ phía Mỹ. Rõ ràng, vai trò chính trị của Washington đã sớm được Tổng thống Park nhận thức và điều tiết, thế nhưng Hàn Quốc vẫn phải nương nhờ “cái bóng” của “Hiệp ước an ninh chung” (1953) do năng lực quân sự hạn chế và chương trình hòa giải hai miền chỉ vừa mới bắt đầu. Thực tế này cho thấy Hàn Quốc khó lòng rũ bỏ vai trò đồng minh chiến lược với Mỹ và xóa nhòa mọi ảnh hưởng của cường quốc này trên bán đảo Triều Tiên. Sự hiện diện của 37.000 binh lính Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX vẫn là bằng chứng cho thấy miền Nam luôn trong “vòng tay” của Mỹ. Đó là còn chưa kể đến “kỳ tích sông Hàn” – thành tựu lớn lao về phát triển kinh tế của Hàn Quốc cũng được xây đắp trên cơ sở viện trợ kinh tế chủ yếu từ Washington. Với sự chi phối và tầm ảnh hưởng như thế, Mỹ thực sự là “sợi dây cương” để kiểm soát và điều chỉnh Hàn Quốc. Một đường lối ngoại giao tích cực, đa chiều và cởi mở, rõ ràng, đã được Hàn Quốc khởi xướng và bước đầu thực hiện với những bước phát triển mới. Tuy nhiên, mục tiêu cải thiện quan hệ với miền Bắc Triều Tiên và tiến tới thống nhất đất nước vẫn chưa thể cán đích. Nhìn lại “di sản” Chiến tranh lạnh với những diễn biến đa chiều và phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, người dân Hàn Quốc vẫn không nguôi kỳ vọng về viễn cảnh thống nhất hai miền - điều mà nền chính trị nước này vẫn phải tiếp tục theo đuổi trong các chính sách ngoại giao đầu thế kỷ XXI. 1.2. Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước từ sau Chiến tranh lạnh Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự hai cực Xô – Mỹ bị phá vỡ, hệ thống XHCN sụp đổ đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới trong quan hệ quốc tế – thời kỳ mà sự phân chia ảnh hưởng khu vực và thế giới được xác lập chủ yếu từ kết quả cạnh tranh kinh tế chứ không phải chạy đua vũ trang. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, kể cả Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường đối thoại, hợp tác, giảm bớt đối đầu, thù địch để phù hợp với cục diện thế giới đa cực. 1.2.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực và sự thay đổi chiến lược của các nước lớn 1.2.1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực

31

Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, cục diện Chiến tranh lạnh bắt đầu rạn vỡ sau gần nửa thế kỷ tồn tại. Đây là hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô ròng rã hơn 20 năm. Trật tự hai cực Yalta – hình thái biểu hiện của cuộc đối đầu Đông – Tây có nguy cơ sụp đổ khi các siêu cường đã nhận thức kết cục “tự diệt” của quan hệ thù địch. Trước đó, quá trình “xói mòn” từng bước của trật tự thế giới cũ đã được thúc đẩy do sự ra đời của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), sự xuất hiện của khối Thị trường chung châu Âu (EEC), thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á – Phi – Mỹ Latinh và kết quả xuất hiện lực lượng “Thế giới thứ ba”. Tuy vậy, cơ sở tồn tại của trật tự thế giới cũ chỉ thực sự bị triệt tiêu khi chế độ XHCH ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, CNXH hiện thực lâm vào thoái trào (1991). Với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, một trật tự thế giới mới bắt đầu manh nha trong lòng các cặp liên minh cũ. Đó là thế giới “nhất siêu đa cường” mang đặc điểm “một hệ thống toàn cầu đơn nhất về thương mại và quan hệ tiền tệ” [37; tr. 313] như dự báo của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từ đầu năm 1975. Cùng với sự đảo lộn về cơ cấu địa – chính trị tại nhiều khu vực, tình hình quốc tế từ sau Chiến tranh lạnh còn chứng kiến sự thay đổi đáng kể về nội dung và tính chất của quá trình giao lưu toàn cầu, trong đó xu thế phụ thuộc, hợp tác và thẩm thấu lẫn nhau về kinh tế trở thành nội dung chủ đạo. Đặc điểm này đã lôi kéo hàng loạt quốc gia bước vào cuộc đua “bất khả kháng” về tài chính và công nghệ. Khi những cân nhắc về địa – kinh tếvượt qua những toan tính về địa – chính trị, các nước mong muốn quy tụ trong một thị trường chung và tham gia vào xu thế toàn cầu hóa. Sự đan xen, chồng lấn giữa hai mặt hợp tác và cạnh tranh, cơ hội và thách thức đã bước đầu dự báo về một cục diện thế giới mới - an toàn hơn nhưng lại bất ổn và khó tiên đoán hơn [40; tr. 45]. Chính những diễn biến đa chiều của tình hình thế giới cộng với sự xuất hiện nền kinh tế tri thức trong lòng cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến đời sống quan hệ quốc tế đương đại. Bối cảnh này đòi hỏi các nước phải tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trước xu thế phát triển và hội nhập tất yếu của lịch sử. Khi thời đại đối đầu đã nhường chỗ cho kỷ nguyên hòa hợp, tại châu Á – Thái Bình Dương lại xuất hiệnnhững “khoảng trống quyền lực” không dễ lấp đầy. Về cơ bản, khu vực này vẫn là “tâm điểm” tranh giành bá quyền của các thế lực nước lớn dù cho quá trình này diễn ra âm thầm chứ không gay gắt và trực diện như trước. Nguy cơ xung đột mâu thuẫn và bùng nổ chiến tranh, vì lẽ đó, vẫn có thể đe dọa đến an ninh khu vực. Với trường hợp Đông Bắc Á, tàn dư của Chiến tranh lạnh còn khá đậm nét ngay

32

cả khi cuộc chiến này chỉ còn là “di sản”. Đây là khu vực có nội tình phức tạp bậc nhất bởi sự chồng chéo giữa mô hình chính trị cũ với xu thế phát triển mới; trong đó, nổi bật nhất vẫn là đặc điểm cùng tồn tại, vận hành, cùng cải cách, đấu tranh, cùng kiềm chế, phát triển giữa các thể chế chính trị - xã hội TBCN và XHCN [12; tr. 22]. Tuy vậy, vào thời kỳ “tan băng” của đối đầu Đông – Tây trong quan hệ quốc tế, các nước ở trong và ngoài khu vực đã từng bước điều tiết, cân bằng sự đối đầu về ý thức hệ với những biểu hiện hết sức tích cực. Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Moskva (5-1991), Liên Xô và Trung Quốc cam kết duy trì một không gian hòa bình, ổn định trong khu vực thông qua việc từ bỏ chính sách “một Triều Tiên”, từng bước cân bằng quan hệ với Hàn Quốc. Mỹ cũng chủ động nới lỏng chính sách cô lập, kiềm chế CHDCND Triều Tiên và cắt giảm nguồn cung cho chiến lược “ngăn chặn” CNCS. Thậm chí, Washington còn tăng cường tiếp xúc và viện trợ lương thực có giới hạn cho Bình Nhưỡng vì mục đích nhân đạo ngay từ đầu năm 1989. Sự thay đổi đáng kể về lập trường chính trị của các nước cũng thúc giục Nhật Bản tính đến khả năng tạo dựng quan hệ với CHDCND Triều Tiên, từ đó, đặt cơ sở cho mối quan hệ láng giềng thân thiện. Với những diễn biến ấy, các quốc gia ở Đông Bắc Á bắt đầu ý thức và mong muốn về một sự tồn tại độc lập, từng bước tự chủ trong quan hệ quốc tế. Theo đó, tư tưởng dựa dẫm và ỷ lại vào thế lực nước lớn dần được loại bỏ, nhường chỗ cho nỗ lực phát triển tự thân của mỗi quốc gia. Định hướng này yêu cầu các nước trong khu vực từng bước gạt bỏ những vướng mắc còn tồn đọng về chính trị, tích cực tham gia hợp tác và liên kết khu vực để trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. 1.2.1.2. Sự thay đổi chiến lược của các nước lớn Bán đảo Triều Tiên là một trong những khu vực địa - chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương với sự đan xen lợi ích của nhiều cường quốc: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, bán đảo này chịu sự chi phối đậm nét của cục diện thế giới “lưỡng cực”. Ngay cả khi quan hệ quốc tế chính thức bước vào thời kỳ hòa dịu, vị trí then chốt của khu vực này trên bàn cờ chính trị của các nước lớn vẫn không hề suy giảm. Cùng với Iraq, bán đảo Triều Tiên trở thành địa bàn trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ tại châu Á. Trong bối cảnh Nhật Bản đang phát triển cực nhanh về kinh tế; Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng về quân sự - chính trị thì sứ mệnh dẫn dắt và lãnh đạo thế giới của Mỹ lại bị đe dọa hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ điều này, Mỹ coi việc kiểm soát hai miền Triều Tiên và chi phối hai cường quốc (Nhật Bản,

33

Trung Quốc) là nhiệm vụ sống còn của mình ở Đông Bắc Á. Ý đồ chiến lược nói trên định hướng Mỹ cần phải: (1) Duy trì sự chia cắt lâu dài bán đảo Triều Tiên, tạo dựng một môi trường bất ổn vừa đủ để hợp lý hóa sự can thiệp của mình tại khu vực; (2) ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, tạo cớ cho hợp tác quân sự Mỹ - Nhật Bản nhằm kiềm chế các thế lực cạnh tranh ở Đông Á; (3) củng cố liên minh truyền thống với Hàn Quốc thông qua Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn (1953) và duy trì 37.000 lính Mỹ ở miền Nam; (4) sử dụng chiêu bài “hợp tác kinh tế” để đưa bán đảo Triều Tiên hòa nhập vào nền kinh tế thị trường, đưa Trung Quốc hội nhập vào các thể chế khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng, tự do theo chuẩn mực của Mỹ. Nỗ lực chuyển hóa tình hình khu vực theo hướng vừa “thúc đẩy”, vừa “kiềm chế” đã tạo ra “cái neo” an toàn cho sự dừng chân của Mỹ ở Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, do chịu tác động của xu thế đối thoại và hội nhập từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã bắt đầu tăng cường tiếp xúc, cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên; đồng thời đứng ra dàn xếp những thỏa thuận có lợi cho tiến trình hòa giải của Hàn Quốc. Hơn thế nữa, siêu cường này còn xúc tiến các hoạt động giao lưu văn hóa – xã hội, viện trợ nhân đạo nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa. Những thay đổi trên là điều kiện thuận lợi để Hàn Quốc từng bước điều chỉnh chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, khởi đầu bằng việc khuyến khích nước này mở cửa, tiến tới cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Đối với Nhật Bản, sự gần gũi về mặt địa lý đã gắn chặt vấn đề an ninhquốc gia với bán đảo Triều Tiên. Do vậy, ngay từ năm 1992, Chính phủ nước này đã tuyên bố: “Duy trì hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên là điều tối quan trọng đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản ở Đông Á” [16]. Tuy nhiên, do sự đối đầu ý thức hệ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã trung thành với chính sách “một Triều Tiên”, chủ động loại bỏ Bình Nhưỡng ra khỏi mối quan hệ khu vực và ngăn cấm các quan chức hai bên tiếp xúc với nhau ở trong nước và ở nước thứ ba. Với mong muốn gia tăng vai trò chính trị của mình cho tương xứng với vị thế cường quốc kinh tế từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã trật tự hai cực, Nhật Bản xác định bán đảo Triều Tiên là địa bàn trọng điểm giúp nước này nhanh chóng trở thành “người khổng lồ hai chân”. Để thực hiện được mục tiêu đó, nỗ lực tăng cường ảnh hưởng lên bán đảo Triều Tiên thông qua con đường hòa giải và hợp tác là sự lựa chọn tất yếu của ngoại giao Nhật Bản. Một yếu tố khác cũng cần nhắc đến trong sự thay đổi tư duy đối ngoại của Nhật Bản là sức ép từ sự điều chỉnh quan hệ của các nước lớn đối với Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên từ sau Chiến tranh

34

lạnh. Bị thúc ép phải bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ở Đông Bắc Á, Nhật Bản đã bắt đầu tăng cường đối thoại với CHDCND Triều Tiên nhằm đảm bảo “lợi ích kép”: An ninh quốc gia và hòa bình khu vực. Theo định hướng này, nước Nhật không chỉ phối hợp với Mỹ trong khâu hoạch định chính sách với Bình Nhưỡng mà còn chủ động thúc đẩy quan hệ toàn diện với cả hai miền Triều Tiên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội. Là bên can dự trực tiếp trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và tham gia ký kết Hiệp định đình chiến (1953), Trung Quốc ngay từ đầu đã là một nhân tố không thể thiếu trong vấn đề hòa bình khu vực. Để giữ vững “vùng đệm” cho riêng mình ở Đông Bắc Á, quốc gia này đã cùng lúc đóng cả hai vai trò: Một là, vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên để mặc cả với các bên trong vấn đề an ninh khu vực; hai là, vai trò “kiềm hãm” tiến độ thống nhất bán đảo Triều Tiên nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và tìm kiếm vai trò chính trị lớn hơn ở Đông Á. Xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc, từ sau Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã tích cực cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề toàn vẹn lãnh thổ với Đài Loan; đồng thời chủ động tiếp cận Hàn Quốc do nhu cầu bức bách về vốn và công nghệ trong phát triển kinh tế. Từ nửa cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nước này đã duy trì việc đối xử bình đẳng với cả hai miền Triều Tiên; đồng thời có quan điểm cởi mở hơn về thời kỳ thuộc địa Nhật Bản. Ở một phương diện khác, để phát triển thành siêu cường thế giới, Trung Quốc cũng rất cần một “sân sau” hòa bình và ổn định, do đó, nước này không muốn CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc gây ra một hiệu ứng “dây chuyền” trong vấn đề hạt nhân đối với các nước láng giềng trong đó có Nhật Bản. Nhận thức này đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành nhân tố tích cực trong việc giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy xu thế hòa dịu trong khu vực. Như vậy, bắt nguồn từ những ý đồ chiến lược khác nhau cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều chủ trương ủng hộ cho một quá trình liên kết lãnh thổ hòa bình, từ từ và từng bước trên bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, nỗ lực công nhận chéo và bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau trong khu vực cũng tác động mạnh mẽ đến quan hệ liên Triều theo chiều hướng giảm đối đầu, tăng cường đối thoại. Đây sẽ là điều kiện khách quan thuận lợi giúp Hàn Quốc đẩy mạnh chính sách hòa giải dân tộc với CHDCND Triều Tiên; đồng thời tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản ở chính trường Đông Bắc Á. 1.2.2. Tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu cố kết quan hệ khu vực của Hàn Quốc 1.2.2.1. Tình hình kinh tế - xã hội của Hàn Quốc Chiến tranh lạnh kết thúc nhưng di sản của nó - bán đảo Triều Tiên thì vẫn tiềm

35

ẩn nguy cơ mâu thuẫn và xung đột. Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan là liên minh ý thức hệ từ thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên đã bị phá vỡ khi các quan hệ đối tác dựa trên lợi ích kinh tế đang dần hình thành. Xu thế phát triển mới thôi thúc hai miền Triều Tiên nới lỏng quan hệ đối địch, đẩy mạnh quan hệ hợp tác bởi mô hình “tự cô lập” của miền Bắc và nương nhờ nước lớn của miền Nam đã không còn phù hợp với bối cảnh “thế giới phẳng”. Về cơ bản, quá trình hội nhập từ sau Chiến tranh lạnh có tác động ngược chiều đến hai chủ thể chính trị trên bán đảo Triều Tiên, trong đó phần bất lợi có xu hướng nghiêng hẳn về phía miền Bắc do Liên Xô (từ năm 1991 là Nga) rồi Trung Quốc lần lượt thiết lập quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1990 và 1992. Khi mối liên hệ giữa Bắc Kinh – Bình Nhưỡng thay đổi, liên minh quân sự Nga – Bắc Triều Tiên cũng chấm dứt vì Hiệp ước quân sự (1961) đã bị Moskva thẳng thừng xóa bỏ. Từ chỗ “tự niêm phong” trước các thế lực phương Tây, đến nay, CHDCND Triều Tiên lại rơi vào tình cảnh “bị cô lập” với thế giới bên ngoài. Vào thời điểm nhà nước CHDCND Triều Tiên đang khủng hoảng, đơn độc và bế tắc thì bên kia vĩ tuyến 38, Hàn Quốc lại phát triển cực nhanh nhờ trung thành với định hướng xuất khẩu và tích cực tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu. Sau khi hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, Hàn Quốc từng bước khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế thế giới nhờ thế mạnh về chế tạo và xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao. Từ đầu năm 1996, Hàn Quốc đã là nền kinh tế phát triển với vai trò của nhà cung cấp bộ nhớ máy tính và đóng tàu lớn thứ hai thế giới; nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ ba; nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn thứ tư; nhà sản xuất xe hơi lớn thứ năm; đồng thời là nhà sản xuất thép số một toàn cầu [60; tr. 96]. Với kết quả này, Hàn Quốc nghiễm nhiên rũ bỏ hình ảnh “quốc gia rỗng ruột” từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XX để tự tin sánh bước cùng các nước công nghiệp mới (NICs) với tư cách là một trong bốn “con rồng châu Á”. Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) của các nước phát triển (1996). Sự kiện này đánh dấu một bước khởi đầu hoàn toàn mới - thời kỳ xây dựng đất nước bằng chiến lược toàn cầu hóa (Segyehwa). Dựa vào nền tảng kinh tế vững chắc, Hàn Quốc đã giành được những bước tiến mới trên mặt trận chính trị - ngoại giao nhờ tiếp cận các đồng minh chiến lược của Bình Nhưỡng bằng những khoản vay lãi suất thấp từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Sức mạnh kinh tế của một quốc gia công nghiệp trẻ đã lôi cuốn, thuyết phục được Nga và Trung Quốc “kết giao” với đối thủ của họ từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Trên cơ sở cải thiện quan hệ với các quốc gia lớn, Hàn Quốc đã nỗ lực tiếp cận với các nước thuộc “Thế giới thứ ba” thông qua hình thức viện trợ vốn và hỗ trợ kỹ thuật (đặc biệt là chuyển giao công nghệ). Nhiều tổ chức quốc tế đa phương như: Qũy Hợp tác và Phát 36

triển Kinh tế (EDCF), Ngân hàng Thế giới về Tái thiết và Phát triển (IBRD), Qũy tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng nhận được sự ủng hộ tài chính từ nước này vào đầu thập niên 90. Rõ ràng, hình ảnh về một “Hàn Quốc mới” – dân chủ, cởi mở và thân thiện đã được Chính phủ nước này dày công tạo dựng nhằm nâng cao tình hữu nghị song phương với các quốc gia vốn tồn tại sự khác biệt về thể chế chính trị. 1.2.2.2. Nhu cầu cố kết quan hệ khu vực của Hàn Quốc Đặc điểm xung đột và tích tụ mâu thuẫn giữa hai bên vĩ tuyến 38 trong hơn 55 năm qua đã thúc đẩy mong muốn đối thoại của Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên. Vốn là một dân tộc thống nhất, cùng chung cội nguồn lịch sử và văn hóa, người Triều Tiên nhận thấy rõ nỗi bất hạnh và thống khổ của tình cảnh “khúc ruột phân đôi” trong mỗi đợt đoàn tụ gia đình ly tán. Dù cho thống nhất đất nước còn là viễn cảnh với quá nhiều chướng ngại (nhất là khi vấn đề bán đảo Triều Tiên đã bị quốc tế hóa), thế nhưng sự kỳ vọng của nhân dân hai miền về kết cục “sum họp” dân tộc thì chưa bao giờ nguôi. Theo kết quả điều tra của kênh truyền hình KBS (1990), cứ 10 người Hàn Quốc thì có đến 9 người tin tưởng vào khả năng thống nhất và hơn một nửa trong số này cho rằng dân tộc của họ sẽ tái hợp trong vòng 20 năm tới [99; tr. 65]. Nguyện vọng gắn kết dân tộc của người dân, trong tương lai, vẫn là nền tảng cơ bản để Hàn Quốc thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu kinh tế và văn hóa – xã hội trong chính sách với Bắc Triều Tiên. Khi xu hướng hòa hoãn của thế giới lên đến đỉnh cao, việc cải thiện quan hệ liên Triều vẫn là ưu tiên số một của Hàn Quốc để xoa dịu tư tưởng đối địch, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và “mở đường” cho tiến trình hòa giải dân tộc. Đối với Nhật Bản, mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng giữa hai quốc gia láng giềng là cơ sở duy trì lợi ích của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, “kỳ tích sông Hàn” về phát triển kinh tế của miền Nam Triều Tiên có đóng góp khách quan của Nhật Bản trong việc định hướng mô hình công nghiệp hóa và thành lập các tập đoàn kinh doanh. Với tư cách là nền kinh tế đi sau, nhìn chung Hàn Quốc thua kém Nhật Bản về vốn và công nghệ; ngoài ra, nền kinh tế nước này còn liên tục chịu thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Trong hơn hai thập niên, mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào nước láng giềng vẫn còn rất lớn. Để duy trì sự phát triển của mình, Hàn Quốc tiên quyết phải dựa vào Nhật Bản để bổ khuyết những thiếu hụt về kỹ thuật, phương thức sản xuất và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Trong vấn đề an ninh khu vực, Hàn Quốc cũng rất cần sự ủng hộ của chính quyền Tokyo nhằm dàn xếp mối bất hòa trong quan hệ liên Triều. Ngay cả những thời điểm khi vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ đang trở thành “rào cản” trong quan hệ song phương, Hàn Quốc vẫn phải thúc đẩy trao đổi thương mại và củng cố liên minh quân 37

sự với Nhật Bản vì không muốn đối mặt với nguy cơ suy yếu nguồn lực quốc gia và suy giảm vị thế chính trị trong khu vực. Về phía Trung Quốc, mong muốn hợp tác của Hàn Quốc đối với nước này chủ yếu bắt nguồn từ sự gia tăng vị thế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh ngay từ đầu thế kỷ XX. Trên bình diện kinh tế, Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” – nơi cung cấp đến 1/3 sản lượng ti-vi và máy điều hòa, 1/4 máy giặt và 1/5 tủ lạnh cho toàn cầu… [11; tr. 9]. Sức nóng từ nền kinh tế tiêu thụ đến 1/10 nguồn năng lượng của cả thế giới đã lôi cuốn Hàn Quốc vào guồng phát triển của Trung Quốc. Bên cạnh đó, với đặc điểm thị trường rộng lớn, sở hữu nguồn nhiên liệu dồi dào và nhân công giá rẻ, Trung Quốc sẽ là sự “tiếp sức” đắc lực cho Hàn Quốc trong nỗ lực chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế hướng ra xuất khẩu trong cuộc cạnh tranh với nước láng giềng Nhật Bản. Trên bình diện an ninh – chính trị, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng được biểu hiện khá rõ nét: (1) Sự gần gũi về mặt địa lý giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên; (2) ảnh hưởng lâu dài của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên; (3) nhu cầu phát triển quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc; (4) sự kiềm chế lẫn nhau trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Trong các yếu tố kể trên, tính chất bền chặt của mối quan hệ Trung – Triều vẫn là đặc điểm chi phối lớn nhất đến nỗ lực thống nhất dân tộc của Hàn Quốc. Với tư cách là đồng minh quân sự song phương từ năm 1950 và là “trung tâm” viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên từ năm 1994, Trung Quốc không khác gì “nguồn sống” cho sự tồn tại chế độ ở Bình Nhưỡng cả trong và sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhận thức được điều này, ngay từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã đẩy mạnh chính sách hướng về phương Bắc, tỏ rõ mong muốn độc lập với Mỹ trong các vấn đề quốc tế và xích lại gần Trung Quốc để “tăng thêm công nhận về sự tồn tại của Seoul như là một chính thể hợp pháp của Triều Tiên” [9; tr. 73]. Dù có quan điểm khác biệt về lập trường thống nhất hai miền nhưng cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều tìm được tiếng nói chung trong việc không tấn công quân sự, không trừng phạt Bình Nhưỡng và không chấp nhận một bán đảo Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Hơn thế nữa, do sự chi phối ký ức từ thời thuộc địa, sự bất đồng về vấn đề lãnh thổ và sự trỗi dậy của Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay, Hàn Quốc tiên quyết phải xây dựng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc nhằm duy trì lợi ích quốc gia (nâng cao vị thế đất nước) và lợi ích dân tộc (thống nhất bán đảo Triều Tiên).

38

1.2.3. Định hướng điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc Trên cơ sở các điều kiện khách quan và chủ quan, ngay từ thập niên cuối của thế kỷ XX, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã quyết tâm thay đổi nền ngoại giao nước nhà trong bối cảnh các siêu cường đang tích cực điều chỉnh quan hệ với nhau, thậm chí là điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nhằm dàn xếp những “di sản” mà chính họ đã tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đối với Hàn Quốc, vấn đề đổi mới toàn diện và sâu sắc lĩnh vực ngoại giao đã được Park Chung Hee khởi xướng từ trước dựa vào sự “trưởng thành” nhanh chóng của kinh tế đất nước. Trên cơ sở “thuyết chủ thể - thuyết tự cường”, nhiều chính sách đối ngoại mới của Hàn Quốc đã ra đời từ thập niên 90 của thế kỷ XX đều thể hiện lập trường dân tộc tự chủ. Ngay từ đầu, yếu tố hạt nhân của ngoại giao nước nhà đã được Hàn Quốc xác định là tinh thần “tự lực cánh sinh”. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, nền chính trị nước này đặc biệt nhấn mạnh thêm một yếu tố khác, đó là tính thực dụng. Do khu vực Đông Bắc Á có sự song song tồn tại giữa “cán cân quyền lực” và cơ chế “chuyển giao quyền lực” nên Hàn Quốc buộc phải có những chính sách đối ngoại mới thức thời, mềm dẻo và linh hoạt để nhanh chóng cân bằng và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Với việc giảm bớt sựe ngại và phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc đã trở thành nhân tố hàng đầu đối với tình hình an ninh và ổn định trong khu vực. Do đó, tính chất “cực đoan” một chiều của đường lối đối ngoại cũ theo kiểu hoàn toàn dựa dẫm vào Mỹ và Nhật Bản, triệt để phủ nhận CHDCND Triều Tiên đã dần bị loại bỏ, thay thế vào đó là chiến lược mở rộng quan hệ với các quốc gia đồng minh của Bình Nhưỡng, trong đó có Trung Quốc. Chủ trương “đi đường vòng” của ngoại giao Hàn Quốc nhằm hướng đến mục tiêu củng cố an ninh, phát triển kinh tế và vun đắp nền tảng chính trị cho sự nghiệp thống nhất liên Triều. Đây được coi là bước đột phá lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh lạnh bởi vì nó phản ánh đầy đủ và chân xác tính chất “toàn cầu” trong chiến lược ngoại giao mới. Sự đa dạng và phức tạp trên chính trường Đông Bắc Á buộc Hàn Quốc phải lựa chọn khu vực này là hướng ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình. Giữa lúc mâu thuẫn kép về cạnh tranh quốc tế và hòa giải dân tộc vẫn chưa được giải quyết thì khu vực này lại nảy sinh hàng loạt vấn đề nổi cộm do bất đồng quá khứ, tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là nguy cơ hồi sinh chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Thực tế này đặt ra những thách thức cho Hàn Quốc trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại trên cơ sở vừa khắc phục khiếm khuyết của nền tảng chính trị cũ, vừa tháo gỡ những vướng mắc của các cuộc xung đột ngoại giao mới. Về cơ bản, chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc sẽ 39

tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn: Một là, tích cực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hòa giải dân tộc, chấm dứt tình trạng chia cắt hai miền; hai là, tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa – xã hội nhưng vẫn cảnh giác vấn đề an ninh – chính trị với Nhật Bản; ba là, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị chiến lược với Trung Quốc. Định hướng chính sách đối ngoại mới cho thấy Hàn Quốc đã xác định ngoài vai trò của các cường quốc bên ngoài (Mỹ và Nga) thì Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên chính là những chủ thể có khả năng quyết định trực tiếp đến vận mệnh chính trị của bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh quốc tế mới, các nước đang chuyển mình theo xu thế hòa bình - hợp tác, vượt qua những rào cản về thể chế và ý thức hệ. Do vậy, bản thân Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, tất yếu, cũng trở thành những đối tác chiến lược của nhau. Ngay cả việc thực hiện chính sách đối với hai miền Triều Tiên, các quốc gia nói trên cũng đồng quan điểm duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo để bảo toàn lợi ích của chính mình [3; tr. 38-39]. Đây là cơ sở thực tiễn để Hàn Quốc tạo lập một môi trường an ninh - ổn định trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời, dẫn dắt khu vực bước vào thời kỳ hợp tác chiến lược từ sau Chiến tranh lạnh. Tiểu kết chương 1. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010) đã chịu sự “định dạng” của yếu tố lịch sử từ sau khi Hàn Quốc lập quốc và cả những biến thiên của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước từ sau Lãnh chiến. Theo đó, trong thời kỳ đối đầu Đông – Tây, do sự khống chế và ràng buộc của Mỹ, ký ức đau thương về thời kỳ thuộc địa Nhật Bản (1910 – 1945) và Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) nên Hàn Quốc đã một mực duy trì quan điểm đối ngoại cực đoan, cứng rắn với các nước láng giềng và lựa chọn chính sách khiêu khích, kích động, tạo sức ép. Từ thập niên 70 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX mở ra một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Nhờ sự lớn mạnh về thực lực kinh tế, Hàn Quốc bước đầu có quan hệ bình đẳng với Mỹ và mong muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ hơn với các nước Đông Bắc Á. Đường lối đa nguyên hóa đối ngoại do Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng và Chun Doo Hwan kế thừa đã định hướng Seoul gạt bỏ ký ức chiến tranh để mở cửa tiếp xúc với các nước XHCN. Cùng với đó, những điều kiện thuận lợi ở bên trong và bên ngoài khu vực từ sau khi quan hệ quốc tế bước vào thời kỳ hòa dịu cũng thôi thúc Hàn Quốc tạo dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng ở Đông Bắc Á, khởi đầu bằng việc điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm cải thiện và tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trên các lĩnh vực hợp tác cơ bản của đời sống xã hội.

40

CHƯƠNG 2 NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮCÁ (1989 - 2010)

2.1. Trên lĩnh vực an ninh - chính trị Lịch sử dân tộc Triều Tiên đã để lại cho Hàn Quốc một bài học xương máu về việc tự nắm giữ vận mệnh, tự quyết định số phận để không trở thành “quân bài” chiến lược trong bàn cờ chính trị của các siêu cường. Ý thức này thúc giục Hàn Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của mình ngay tại khu vực thay vì dựa dẫm vào “cái bóng” của các thế lực bên ngoài. Đây là cơ sở thực tiễn luận giải cho bước chuyển hướng chiến lược của Hàn Quốc sang đa nguyên hóa đường lối ngoại giao, tích cực theo đuổi chính sách độc lập, tự chủ đối với các nước Đông Bắc Á. 2.1.1. Đối với Nhật Bản Kể từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc xác định quan hệ với Nhật Bản là nhiệm vụ chính trị then chốt nhằm duy trì khuôn khổ hợp tác song phương và đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhận thức này xuất phát từ thực tế cả hai nước đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á và đều chia sẻ những lợi ích chung về phương diện chính trị, kinh tế trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của mối quan hệ song phương này vẫn là ký ức thù hận của Hàn Quốc về quá khứ cai trị của thực dân Nhật Bản và những hệ lụy xã hội của nó (phụ nữ làm nô lệ tình dục, vấn đề sách giáo khoa lịch sử, tranh chấp nhóm đảo Dokdo/Takeshima). Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, làn sóng chống Nhật ở Hàn Quốc vẫn chưa hề lắng dịu. Thực tế này bắt nguồn từ sự can thiệp có chủ ý của Nhật Bản vào việc giải quyết vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh những bất đồng lịch sử giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Chính vì tâm lý cảnh giác và đề phòng, chính sách “Ngoại giao phương Bắc” của chính quyền Roh Tae Woo vẫn chú trọng cải thiện quan hệ liên Triều hơn là đẩy mạnh liên kết với Nhật Bản. Dù không mấy mặn mà với vai trò “đồng minh láng giềng” nhưng sự thay đổi của tình hình khu vực và thế giới từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX bắt buộc Hàn Quốc phải thắt chặt “liên minh rời rạc” với Nhật Bản nếu không muốn tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và tương lai chính trị của Mỹ ở khu vực bị ảnh hưởng. Với sự tính toán này, Tổng thống Roh Tae Woo đã định hướng Hàn Quốc cải thiện quan hệ với Nhật Bản ngay thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh.

41

Kế hoạch “hâm nóng” mối quan hệ với nước láng giềng đã được Tổng thống Kim Young Sam kế thừa ngay sau khi lên nắm quyền (1993). Tuy nhiên, không giống như người tiền nhiệm, Chính phủ dân sự của Kim Young Sam lại có cách ứng xử đầy mâu thuẫn với chính quyền Hosokawa. Nhà lãnh đạo này đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với quyết tâm cải thiện quan hệ với Nhật Bản bằng việc tách hợp tác kinh tế ra khỏi vấn đề lịch sử và xây dựng mối quan hệ đối tác hữu nghị hướng tới tương lai trên cơ sở coi Tokyo là “tâm trục” trong chính sách đối ngoại của mình. Từ đầu năm 1994, Kim Young Sam đề ra chính sách “ngoại giao bốn bên” (hay còn gọi là chính sách “ngoại giao tứ cường”) trong đó nhấn mạnh việc duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản và phát triển quan hệ hữu nghị với Nga, Trung Quốc [53; tr. 188]. Cách tiếp cận gần gũi này của Kim Young Sam đã thuyết phục Nhật Bản “xin lỗi và bày tỏ sự hối hận sâu sắc về hành vi xâm lược, về chế độ thực dân và nỗi thống khổ của các dân tộc láng giềng ở châu Á” [171]. Thế nhưng, khi Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao và quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản bắt đầu rạn nứt từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, Kim Young Sam lại có xu hướng quay trở lại với tình cảm chống Nhật khi nhìn thấy sự sa sút của tình hình kinh tế nước này. Do sự “đổi chiều” về quan điểm ngoại giao, ngay trong vấn đề giải quyết tranh chấp Dokdo/Takeshima, chính quyền Kim Young Sam cũng lựa chọn giải pháp đối đầu trực diện khi tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập chung giữa hải quân và không quân Hàn Quốc trong khu vực gần nhóm đảo nói trên nhằm chống lại “bất cứ kẻ xâm lược nào” [152]. Năm 1995, Tổng thống Kim Young Sam tổ chức họp báo chung với Chủ tịch Giang Trạch Dân nhân chuyến thăm Trung Quốc nhằm tuyên bố chính sách “kháng Nhật” với nội dung: “Chúng ta phải cảnh giác chống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng các chính trị gia người Nhật vẫn cố tình nhìn nhận sai lệch về vấn đề lịch sử giữa các bên. Chúng tôi (Hàn Quốc) sẽ sửa thói xấu này của Nhật Bản” [78; tr. 86]. Về bản chất, mối quan hệ giữa hai nước luôn có sự phân cực về mặt quan điểm và tư tưởng “chống Nhật” của Kim Young Sam đã củng cố thêm sự phân cực này. Thái độ chống đối của Hàn Quốc không chỉ xuất phát từ mối quan hệ “nạn nhân” với “kẻ xâm lược” trong quá khứ mà còn là định kiến về hành vi “hai mặt” (vừa xin lỗi, vừa tô vẽ lịch sử) của Chính phủ Nhật Bản. Thực tế này khiến cho mối quan hệ láng giềng tưởng như “gần gũi thân thuộc” trở nên “gần gũi mà xa lạ” do sự đan xen giữa mong muốn hợp tác - phát triển với tình cảm căm ghét - oán hận nước Nhật của nhân dân Hàn Quốc. Dù hai nước đã

42

chính thức bình thường hóa quan hệ từ năm 1965 nhưng cho đến khi Kim Young Sam kết thúc nhiệm kỳ (1997), tinh thần “hữu nghị” hay “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” với Nhật Bản thực chất cũng chỉ là vỏ bọc. Đến đầu năm 1998, dư luận Hàn Quốc gần như chấn động khi Chính phủ mới kêu gọi người dân không nên chỉ nghĩ về nước Nhật trước chiến tranh mà nên nghĩ về nước Nhật sau chiến tranh với nỗ lực thực hiện quá trình dân chủ hơn 50 năm qua. Định hướng gác lại quá khứ, xây dựng tương lai với Nhật Bản là lý do khiến Tổng thống Kim Dae Jung không yêu cầu nước này phải xin lỗi vì lịch sử thực dân mà chỉ tập trung ca ngợi những nỗ lực sau chiến tranh nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế thông qua Hiến pháp hòa bình và hỗ trợ phát triển ở nước ngoài của Nhật Bản. Xuất phát từ mong muốn khép lại quá khứ đau buồn của hai dân tộc và chấm dứt cuộc khủng hoảng chính sách với Nhật Bản trong suốt 33 năm (1965 - 1998), Kim Dae Jung đã thân chinh sang Nhật và tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh với Thủ tướng Keizo Obuchi nhằm đưa ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn Quốc - Nhật Bản trong thế kỷ XXI”. Trong tuyên bố này, “Nhật Bản bày tỏ sự hối hận sâu sắc và chân thành xin lỗi vì đã gây ra đau khổ cho nhân dân Hàn Quốc trong suốt thời kỳ thuộc địa” [172].Với việc đánh giá cao nhận thức lịch sử của Thủ tướng Obuchi, Hàn Quốc mong muốn chủ đề cơ bản trong chính sách đối với Nhật Bản là xây dựng mối quan hệ tương lai theo định hướng hòa giải và hợp tác láng giềng thân thiện, cùng nhau vượt qua rào cản lịch sử và xóa bỏ hận thù giữa hai dân tộc. Chính sách ngoại giao sáng tạo và hướng tới tương lai của Tổng thống Kim Dae Jung đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Trên cơ sở Tuyên bố chung (1998), hợp tác trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao giữa hai nước ngày càng được thắt chặt thông qua việc triển khai hệ thống liên lạc, trao đổi thông tin khẩn cấp giữa hai quân đội và đẩy mạnh cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Định hướng tăng cường quan hệ với Nhật Bản theo quan điểm thực tế của Kim Dae Jung bắt nguồn từ nhu cầu hợp tác chung nhằm giải quyết hòa bình vấn đề của CHDCND Triều Tiên thông qua tiến trình đàm phán sáu bên. Kết quả hợp tác trên mặt trận chính trị - ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là “đầu mối” quan trọng để duy trì cuộc đối thoại đa phương với Mỹ, Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên hướng tới giải trừ hạt nhân; đồng thời làm mềm hóa thái độ của Mỹ trong cách giải quyết vấn đề của Bình Nhưỡng. Trong thực tế, hai nước đã thành công khi “lôi kéo” Mỹ cùng tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Los Cabos - Mehico (26-

43

10-2002) nhằm đưa ra Tuyên bố chung về việc hối thúc Bình Nhưỡng đình chỉ các chương trình hạt nhân và khẳng định lập trường duy trì giải pháp hòa bình thay vì đe dọa vũ lực với mục đích tiêu diệt Nhà nước Cộng sản [163]. Nhờ chính sách ngoại giao tích cực, Kim Dae Jung đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Koizumi trong việc tiếp cận CHDCND Triều Tiên từ đầu năm 1998. Đây là cơ sở quan trọng để Hàn Quốc đẩy mạnh tiến trình hòa giải dân tộc và cân bằng trạng thái “chông chênh” của chính mình ở khu vực do mối quan hệ “tay ba” giữa CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Ý tưởng về việc xây dựng quan hệ với Nhật Bản như một “trụ đỡ” trong quan hệ quốc tế xuất phát từ chính sách “ngoại giao bốn bên” của Kim Young Sam vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Đến tháng 9-2002, khi Kim Dae Jung sang thăm Nhật Bản lần thứ hai, chính sách nói trên của người tiền nhiệm đã được ông phát triển thành chiến lược “ngoại giao hài hòa bốn bên” với trọng tâm là duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, cải thiện quan hệ với Nga, Trung Quốc và củng cố quan hệ với Nhật Bản. Từ đây, liên minh Hàn Quốc – Nhật Bản trở thành mắt xích quan trọng giúp Hàn Quốc duy trì cơ chế điều tiết quan hệ ở khu vực, cụ thể là củng cố tam giác chiến lược “Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc” với mục đích tăng cường an ninh quốc gia và khống chế sự trưởng thành quân sự của Nhật Bản. Có thể thấy, trong suốt thời kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung, quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản đã có được những bước tiến dài nhờ việc thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt, tích cực, gần gũi trên cơ sở phù hợp lợi ích dân tộc và chiến lược phát triển của quốc gia. Mặc dù vậy, những vấn đề lịch sử còn tồn đọng vẫn là mối đe dọa thường trực, tác động đến nỗ lực “bình thường hóa” quan hệ của cả hai bên. Trong hai năm đầu của thế kỷ XXI, chính quyền Kim Dae Jung cũng phải đối mặt với không ít sóng gió do sự bùng phát làn sóng chống Nhật sau khi Thủ tướng Junichiro Koizumi liên tục đến thăm đền Yasukuni (nơi thờ những binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong CTTG thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh) vào năm 2001 và năm 2002. Cùng thời gian đó, những nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng cầm quyền và đảng đối lập ở Hàn Quốc đồng loạt công bố danh sách 798 nhân vật “thân Nhật”, trong đó có cả cựu Thủ tướng Lee Wan Yong – người từng hậu thuẫn cho quân đội Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910. Sự kiện này không chỉ gây xáo trộn mối quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả ngoại giao mà Tổng thống Kim Dae Jung đã dày công vun đắp từ cuối thế kỷ XX. Định hướng cùng nhau vượt qua quá khứ và xây dựng tương lai là sự chọn lựa tất yếu, là con đường không thể không bước qua của ngoại

44

giao hai nước. Vì lẽ đó, mối quan hệ này không chỉ cần duy trì, phát triển mà phải được bảo vệ trước những sóng gió của vấn đề lịch sử từ thời thuộc địa. Đây được xác định như nội dung chủ chốt trong chính sách với Nhật Bản vào thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Roh Moo Hyun. Là thế hệ lãnh đạo đầu tiên ở Hàn Quốc sinh ra từ sau thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, Roh Moo Hyun mong muốn càng sớm càng tốt xóa nhòa ký ức đau thương giữa hai nước và dồn sức cho một mục tiêu lớn hơn, đó là xây dựng “kỷ nguyên Đông Bắc Á trong thế kỷ XXI” với vai trò kiến tạo nòng cốt của Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng với tuyên bố “sẽ tốt hơn cho Hàn Quốc khi chấm dứt đối đầu lịch sử và không khiêu khích Nhật Bản bằng cách chỉ trích hay lên án quá khứ” [128; tr. 86], tháng 6-2003, Roh Moo Hyun bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo nhằm thuyết phục Thủ tướng Nhật Bản Koizumi chấm dứt các cuộc thăm viếng tại đền Yasukuni. Đây là hành động thiện chí đầu tiên của tổng thống Hàn Quốc chứng tỏ nỗ lực gắn kết quan hệ hai nước trên cơ sở tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng song phương về vấn đề lịch sử bởi theo đánh giá của Thủ tướng Koizumi: “Với Tổng thống Roh Moo Hyun, hai nước hoàn toàn có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng nhau hướng tới tương lai” [97; tr. 32].Thái độ gần gũi trong cách tiếp cận với Nhật Bản đã giúp Hàn Quốc phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp trong năm 2004 và hứa hẹn đạt nhiều bước tiến quan trọng nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2005. Tuy nhiên, trái với dự đoán, việc thực hiện chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” theo nguyên tắc nhân nhượng CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Roh Moo Hyun vào cùng thời điểm đã gián tiếp làm rạn nứt mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Tình hình tiếp tục xấu đi khi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shotaro Yachi tuyên bố với các nghị sỹ Hàn Quốc: “Nhật Bản không muốn chia sẻ cho Hàn Quốc nguồn tin tình báo của Mỹ về Bắc Triều Tiên bởi Mỹ không tin Hàn Quốc bằng Nhật Bản” [28]. Sự nghi kỵ của Chính phủ Nhật Bản trong các phát ngôn gây chia rẽ đã làm cho chính sách hâm nóng quan hệ của người tiền nhiệm Kim Dae Jung về cơ bản bị phá sản. Từ sau khi quận Shimane (miền Tây Nhật Bản) thông qua sắc lệnh coi ngày 22-02 là ngày “Takeshima” nhằm khẳng định chủ quyền với nhóm đảo này, Tổng thống Roh Moo Hyun đã chính thức thay đổi chính sách với Nhật Bản theo đường lối đối ngoại cứng rắn và không khoan nhượng. Bước điều chỉnh này được công bố đồng thời cùng với sự ra đời của “chủ nghĩa Roh Moo Hyun”, theo đó: “từ chỗ không đề cập đến vấn đề lịch sử, Hàn Quốc sẽ truy tìm tận gốc rễ những vấn đề xảy ra trong thời kỳ thực dân và sử dụng các

45

biện pháp rắn để thay đổi thái độ cố chấp của chính quyền Nhật Bản” [97; tr. 28]. Có thể hiểu, sự thay đổi chính sách đối với Nhật Bản trong thời kỳ cầm quyền của Roh Moo Hyun gắn liền với bước chuyển dịch tư tưởng của nhà lãnh đạo Hàn Quốc, đi từ chỗ kế thừa chủ nghĩa thực dụng (thân Nhật) của cựu Tổng thống Kim Dae Jung đến chỗ bảo vệ chủ nghĩa dân tộc (chống Nhật) của dư luận trong nước và bài xích chủ nghĩa dân túy ở Nhật Bản. Đặc điểm này thể hiện khá rõ thông qua hai cột mốc phát triển quan hệ vào năm 2003 và cuộc khủng hoảng song phương bắt đầu từ năm 2005. Sự ra đời của “chủ nghĩa Roh Moo Hyun” dự báo một góc nhìn hoàn toàn mới của Hàn Quốc về vấn đề lịch sử đối với Nhật Bản bằng việc vận dụng các giải pháp “chiến tranh ngoại giao”. Với tuyên bố: “Chính phủ sẽ phản ứng cứng rắn trước hành động tranh chấp nhóm đảo Dokdo và âm mưu biện bạch cho cuộc xâm lược thuộc địa trong quá khứ” [27], Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã thông qua “học thuyết mới về quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc” (17-3-2005) bao gồm những quan điểm cơ bản và phương hướng đối phó với hành vi bôi nhọ lịch sử và chiếm đoạt bán đảo Triều Tiên lần thứ hai của Nhật Bản [97; tr. 29]. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc đưa ra “kim chỉ nam” trong chính sách đối với nước láng giềng nhằm khẳng định lập trường cứng rắn trong cả ba vấn đề lịch sử liên quan. Thứ nhất, về tranh chấp nhóm đảo Dokdo/Takeshima, Hàn Quốc đáp trả việc luật hóa “ngày Takeshima” bằng tuyên bố công nhận ngày 19-6 là “ngày Daemodo” để kỷ niệm sự kiện Hàn Quốc phái quân đội đến đảo này năm 1419. Ngày 09-6-2005, chính quyền tỉnh Bắc Kyongsang (Hàn Quốc) thông qua sắc lệnh coi tháng 10 hằng năm là “tháng Dokdo” và phản đối “ngày Takeshima” của Nhật Bản bằng cách tuyệt giao quan hệ với chính quyền và Hội đồng dân biểu tỉnh Shimane (gần khu vực tranh chấp giữa hai nước). Thứ hai, về vấn đề sách giáo khoa lịch sử, Hàn Quốc kịch liệt phản đối sự thanh minh cho quá khứ thời chiến của Nhật Bản khi cho rằng quá trình hợp nhất giữa hai nước trước đây hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của Hàn Quốc và nhờ vào những di sản thuộc địa mà Hàn Quốc tiến bộ và phát triển như hiện nay. Từ việc chỉ trích sự thất bại của các chính quyền tiền nhiệm trong việc đối phó với sự lật lọng của Nhật Bản, Tổng thống Roh Moo Hyun đã chủ động khơi mào “cuộc chiến ngoại giao” nhằm lên án tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên từ năm 1910. Thứ ba, về vấn đề nô lệ tình dục ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác tại châu Á, NSC công bố các nguyên tắc mới trong chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản (17-9-2005) nhằm yêu cầu Chính phủ Nhật Bản xin lỗi và bồi thường cho các nữ nạn nhân Hàn Quốc cũng như các nước châu Á khác trong CTTG thứ hai.

46

Việc thực hiện một chính sách lưỡng cực: Vừa tôn trọng tinh thần quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản, vừa duy trì quan điểm gây bất đồng lịch sử với Nhật Bản của Tổng thống Roh Moo Hyun đã hoàn toàn chấm dứt khi quyền lực chuyển giao cho nhà lãnh đạo mới – doanh nhân Lee Myung Bak. Ngày 25-02-2008, ngay trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Lee khẳng định: “Sẽ thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, phát triển quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và giữ vững lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề của Bắc Triều Tiên” [161].Rõ ràng trong chiến lược hướng về châu Á, Chính phủ mới đã không né tránh việc phát triển chính sách “ngoại giao thực dụng” nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Do đó, để đảm bảo thành công cho nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Lee Myung Bak cam kết thắt chặt quan hệ với Nhật Bản. Theo định hướng này, Hàn Quốc đã nỗ lực khắc phục tình trạng căng thẳng với nước láng giềng theo quan điểm tách rời quan hệ ngoại giao khỏi vỏ bọc của chủ nghĩa dân tộc và nền tảng chính trị quốc nội từ thời Roh Moo Hyun. Trong những ngày đầu sau bầu cử, Lee Myung Bak đã mong muốn tạo dựng “mối quan hệ hướng tới tương lai” với Nhật Bản trên cơ sở chia sẻ các giá trị chung của nền dân chủ. Ông là tổng thống Hàn Quốc thứ ba liên tiếp có ý thức xoa dịu quá khứ bằng cách xây dựng tương lai với Nhật Bản thông qua hợp tác chính trị song phương. Một cách uyển chuyển và khéo léo, Chính phủ Lee Myung Bak đã hóa giải bất đồng quá khứ giữa hai nước với tuyên bố:“Hàn Quốc và Nhật Bản cần... cố gắng nuôi dưỡng mối quan hệ hướng tới tương lai với một thái độ tích cực. Sự thật lịch sử là không thể chối bỏ, nhưng chúng ta cũng không nên cản trở mối quan hệ tốt đẹp này vì những tranh chấp trong quá khứ” [147]. Tính toán, so sánh thiệt hơn trong quan hệ với Nhật Bản, Lee Myung Bak nhận thấy có quá nhiều lợi ích mà Hàn Quốc sẽ nhận được nếu chủ động “khép lại” quá khứ giữa hai bên, trong đó bao gồm khả năng tạo ra cặp quan hệ chiến lược Hàn Quốc - Nhật Bản trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân và lập thế quân bình tại khu vực. Với quan điểm coi hợp tác với Nhật Bản là “giải pháp kép” giúp Hàn Quốc vừa tự vệ, vừa phát triển ở Đông Bắc Á, Lee Myung Bak đã xác định chính sách tiếp cận của mình là bước đi đúng đắn được kế thừa từ những người tiền nhiệm tiến bộ chứ không phải sự phủ nhận chính sách ban đầu của Hàn Quốc. Xuất phát từ nhận thức này, Lee đã chủ động viếng thăm Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda vào tháng 4- 2008 và cam kết tái khởi động kế hoạch “ngoại giao con thoi” trên cơ sở tăng cường

47

hiểu biết, tin cậy lẫn nhau nhằm cung cấp kênh đối thoại thường xuyên cho các nhà hoạch định chính sách của hai nước. Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda tại Tokyo (21-4-2008) đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình cải thiện quan hệ hai bên. Nhờ việc thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, Hàn Quốc đã không yêu cầu bất cứ lời xin lỗi nào từ Nhật Bản mà chỉ tập trung thảo luận về mối quan hệ “hướng tới tương lai” trên cơ sở đồng minh an ninh, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa – xã hội thông qua các cuộc họp thường xuyên giữa những người đứng đầu hai Chính phủ. Vào tháng 9-2009, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng trước cơ hội nâng cấp quan hệ song phương nhờ chính sách ngoại giao cởi mở của Lee Myung Bak và kết quả chuyển giao quyền lực theo hướng có lợi cho quan hệ hai nước của Chính phủ Nhật Bản. Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama – thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) là người chủ trương xác định lại mối quan hệ với Hàn Quốc theo hướng “gần gũi và thân thuộc”. Trong tuyên bố ngày 10-8-2009, ông khẳng định: “muốn đối mặt với lịch sử bằng thái độ chân thành và muốn học cách chấp nhận quá khứ vì tất cả phản ánh trung thực những sai lầm của chính chúng ta (người Nhật)” [98; tr. 14]. Thủ tướng Yukio Hatoyama mong muốn xóa bỏ những bất đồng lịch sử với Hàn Quốc và cùng Lee Myung Bak xây dựng mối quan hệ “hướng tới tương lai”. Để thực hiện điều này, ông cam kết không đến thăm đền Yasukuni để tránh gây tranh cãi giữa hai nước và có kế hoạch đến Seoul vào đầu tháng 10-2009 nhằm thảo luận về các vấn đề song phương, trong đó bày tỏ thiện chí viếng thăm Hàn Quốc của Nhật Hoàng Akihito. Đến cuối năm 2010, những nỗ lực của Lee Myung Bak đã mang lại thành công nhất định trong kết quả cải thiện mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản. Với việc chủ động thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, chính quyền Lee Myung Bak đã dũng cảm vượt qua rào cản lịch sử để duy trì quan hệ “đồng minh” với kẻ thù cũ. Từ chỗ gây ra “cuộc chiến ngoại giao” song phương do bất đồng quan điểm về quyền sở hữu nhóm đảo Dokdo/Takeshima (từ năm 1952), về vấn đề sách giáo khoa lịch sử và vấn nạn nô lệ lao động, nô lệ tình dục (từ sau CTTG thứ hai), hai bên đã chủ động gạt bỏ thù hận quá khứ, cùng phối hợp trên một mặt trận chung nhằm chống lại chương trình làm giàu uranium và hành vi khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên. Trên cơ sở đó, hai nước tiếp tục đạt được thỏa thuận về tăng cường hợp tác an ninh thông qua trao đổi quốc phòng và các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Dù trong thực tế, Hàn Quốc vẫn còn cảnh giác về ý đồ chiến lược của Nhật Bản trong khu vực và nhiều người dự đoán vấn

48

đề bất đồng lịch sử có thể xuất hiện trở lại vào năm 2010 (kỷ niệm 100 năm Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc) thế nhưng quan hệ hai bên vẫn khá êm đẹp khi chính sách thực dụng của Lee Myung Bak đã thuyết phục được Thủ tướng Naoto Kan nhắc lại lời xin lỗi Hàn Quốc vài ngày trước khi lễ kỷ niệm được diễn ra. Nhờ trung thành với giải pháp nhân nhượng và hợp tác, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tự tin bước qua thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI với những tiến bộ vượt bậc trong nỗ lực cải thiện, nâng cấp và phát triển quan hệ song phương. Những động thái trên hứa hẹn sẽ là tiền đề quan trọng giúp Hàn Quốc tiếp tục vun đắp mối quan hệ hướng tới tương lai với Nhật Bản theo những định hướng cơ bản sau: Thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc cam kết cùng với Nhật Bản thúc đẩy hợp tác của “bộ tứ” quan hệ: Mỹ - Nga - Nhật Bản - Hàn Quốc và Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân; đồng thời duy trì lợi ích giữa các bên tại khu vực Đông Bắc Á. Các quốc gia nói trên đã thống nhất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thường niên từ năm 2008; đồng thời thiết lập cơ chế đàm phán đa phương lần thứ ba tại Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2010, thông qua “tầm nhìn chiến lược đến năm 2020” nhằm kêu gọi sự hợp tác và trao đổi trong 10 năm tiếp theo giữa các nước lớn trong khu vực. Từ những kênh đối thoại này, Hàn Quốc công khai ủng hộ lập trường của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề con tin giữa nước này với CHDCND Triều Tiên, mặt khác, bày tỏ nhu cầu hợp tác cùng Nhật Bản trong tiến trình hòa giải dân tộc, tiến tới thống nhất hai miền Triều Tiên. Thứ hai, Hàn Quốc mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản để mở rộng và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị với các quốc gia trong khu vực chứ không phải đối mặt với sự bất hòa chính trị do nhận thức khác nhau về quan điểm lịch sử. Từ nhận thức này, năm 2008, Thủ tướng Yasuo Fukuda và Tổng thống Lee Myung Bak đã nhất trí tạo ra “một kỷ nguyên mới” giữa hai nước với chủ trương đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo. Định hướng đối ngoại nói trên đã phát huy tác dụng trong việc đưa chính sách an ninh – chính trị Hàn Quốc ra khỏi sự lệ thuộc của quá khứ và gắn nó với lợi ích chiến lược của quốc gia. Dù quan hệ hai nước vẫn phải đối mặt với sự thù hận kéo dài do sự chiếm đóng của Nhật Bản (1910 - 1945) và những di sản của nó (sự thật lịch sử của sách giáo khoa, sách Trắng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Dokdo/Takeshima…), thế nhưng nỗ lực hợp tác giữa hai nước vẫn phải được duy trì vì sự ổn định của mối quan hệ này không còn giới hạn ở vấn đề song phương mà liên quan trực tiếp đến an ninh, hòa bình trong khu vực Đông Bắc Á.

49

Thứ ba, thông qua việc xây dựng mối quan hệ đối tác ba bên Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc dự định tăng mức đóng góp quốc tế của mình bằng cách gia tăng hợp tác với nước láng giềng Nhật Bản. Mong muốn này của Hàn Quốc dựa trên cơ sở cả hai nước đều có sự lựa chọn chính sách tương tự nhau, ví như cùng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ phát triển chính thức và điều hành các cơ quan hợp tác quốc tế, trong đó có Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Hàn Quốc và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Nhật Bản. Đây là nỗ lực chung của cả hai bên nhằm kiến tạo mối quan hệ hợp tác vững chắc vì một chiến lược cùng có lợi và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Có thể thấy, trong suốt hơn hai thập niên kể từ sau Chiến tranh lạnh, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản đã góp phần định hình tính chất “hai mặt”: vừa hợp tác – vừa đấu tranh trong quan hệ đối ngoại song phương. Suốt một thời gian dài, vấn đề nổi cộm về sự thật lịch sử, tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước cho thấy chủ nghĩa dân tộc và sự bất hòa nhận thức vẫn là một trở ngại không nhỏ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Cũng vì lý do này, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực an ninh - chính trị càng phải kiên định với lập trường cùng chia sẻ, cảm thông và tin tưởng để giải quyết những vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước. Với quan điểm ấy, việc thể hiện một thái độ gần gũi, cách tiếp cận mềm mỏng nhưng linh hoạt, uyển chuyển vẫn là sự lựa chọn thiết thực của Hàn Quốc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia tại “vùng trũng an ninh” Đông Bắc Á. Ngay cả khi bị đánh giá là một “chân yếu” trong tam giác quan hệ Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc do thiếu vắng một nền tảng hợp tác mang tính chiến lược [8; tr. 85], chính sách đối ngoại của các thế hệ lãnh đạo ở Hàn Quốc vẫn hướng đến mục tiêu xây dựng quốc gia này trở thành đối tác “gần gũi và thân thuộc” với Nhật Bản bằng cách vượt qua các tranh chấp về vấn đề lịch sử và tận dụng lợi thế của nhau trong quá trình hình thành trật tự quyền lực mới ở Đông Á. 2.1.2. Đối với Trung Quốc Kế thừa nền tảng đối ngoại khá tốt đẹp từ thời Chun Doo Hwan, cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Tổng thống kế nhiệm Roh Tae Woo đã xác lập chính sách “Ngoại giao phương Bắc” với nội dung trọng tâm là cải thiện quan hệ với các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc, Liên Xô và khu vực Đông Âu [130; tr. 627-630]. Theo đường lối chính trị này, từ sau Olympic Seoul (1988), Hàn Quốc đã tăng cường tiếp cận và cải thiện quan hệ với các đồng minh truyền thống của Bắc Triều Tiên. Seoul thậm chí còn vượt qua rào cản ý thức hệ để xây dựng “tình bằng hữu” với Hungary

50

(1989) và Liên Xô (1990). Chính sách đối ngoại thực dụng của Roh Tae Woo không chỉ thuyết phục tuyệt đại đa số các nước XHCN bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc mà quan trọng hơn còn thu hút Trung Quốc ra khỏi đường lối đối ngoại khép kín và cứng nhắc của Bắc Triều Tiên [79; tr. 68]. Dấu hiệu ấm dần lên trong quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc trước thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh phản ánh toan tính chính trị của giới cầm quyền bởi Đặng Tiểu Bình muốn tách Seoul khỏi mối quan hệ với Đài Loan còn Roh Tae Woo thì tranh thủ vai trò trung gian của Trung Quốc để tiếp cận và hòa giải với CHDCND Triều Tiên. Về phần mình, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở khu vực ngày càng lớn, vai trò của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng, Hàn Quốc buộc phải tính đến việc tạo dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc để duy trì lợi ích quốc gia ở khu vực. Đặc điểm này tác động trực tiếp đến mong muốn “hòa giải” và cải thiện quan hệ láng giềng của Tổng thống Roh Tae Woo từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Có thể thấy, đối tượng chủ yếu mà chính sách “Ngoại giao phương Bắc” hướng đến là các nước XHCN, trong đó khả năng cải thiện quan hệ với Trung Quốc là rõ nét hơn cả. Không chịu áp lực thống nhất như Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, không bị gán ghép vào liên minh quân sự như Hàn Quốc và Nhật Bản, mối quan hệ Hàn Quốc và Trung Quốc dù là toan tính chính trị của giới cầm quyền nhưng lại là sự “kết duyên” tự nguyện từ cả hai phía. Điều kiện thuận lợi này đã thôi thúc chính quyền Roh Tae Woo đẩy nhanh tiến độ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (24-8-1992). Trong Tuyên bố chung thiết lập ngoại giao chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Ock khẳng định: “Thiết lập quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hàn Quốc có lợi cho việc nới lỏng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và cũng có lợi cho công cuộc kiến tạo hòa bình ở khu vực châu Á” [55; tr. 321]. Sự kiện này được coi như cuộc chuyển hướng đường lối trong chính sách ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc vì nó khép lại bốn thập kỷ quan hệ thù địch giữa hai nước do đối đầu ý thức hệ và xung đột trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Với ý nghĩa to lớn ấy, Tổng thống Roh Tae Woo đã tuyên bố trên hãng tin Reuters: “Mối quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới vì nó báo hiệu sự kết thúc của Chiến tranh lạnh ở khu vực Đông Á” [139]. Từ sau khi Roh Tae Woo nỗ lực dịch chuyển quan hệ hai bên từ trạng thái đối đầu sang hợp tác hữu nghị, Tổng thống kế nhiệm Kim Young Sam cũng mong muốn

51

“tiếp cận” Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Chủ tịch Giang Trạch Dân trong việc cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên và thúc đẩy hai miền sớm gia nhập Liên hợp quốc. Nhờ động lực này, Kim Young Sam đã thân chinh sang Bắc Kinh (3- 1994) nhằm tìm hướng giải quyết cho hai vấn đề: Phi hạt nhân hóa và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Từ kết quả cải thiện quan hệ Hàn – Trung vào thời kỳ cầm quyền của Roh Tae Woo và Kim Young Sam, tổng thống kế nhiệm Kim Dae Jung đã được kế thừa mối quan hệ khá vững chắc để tiếp tục củng cố chính sách với Trung Quốc trên lĩnh vực chính trị. Bước tiến quan trọng nhất mà Hàn Quốc đạt được trong thời gian Kim Dae Jung nắm quyền là thành tựu nâng cấp quan hệ song phương sau sáu năm duy trì tình cảm láng giềng hữu nghị (1992 - 1998). Chuyến thăm Trung Quốc (11-1998) của Tổng thống Kim Dae Jung đã đánh dấu một chặng đường phát triển mới trong quan hệ hai nước với “Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc”. Bản Tuyên bố nêu rõ: (1) Xây dựng “mối quan hệ hợp tác Trung – Hàn hướng tới thế kỷ XXI” nhằm mục đích thiết lập quan hệ cho tương lai dựa trên nguyên tắc của “Hiến chương Liên hợp quốc”, tinh thần “Thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đại Hàn Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, hợp tác được tăng cường giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao; (2) tiếp tục theo đuổi đàm phán bốn bên, từng bước thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; (3) mở rộng và tăng cường trao đổi, thăm viếng giữa các nhà lãnh đạo, cơ quan Chính phủ, Quốc hội và đảng phái chính trị của hai nước [18]. Điều cơ bản nhất là ngay trong Tuyên bố chung (1998), Tổng thống Kim Dae Jung đã ủng hộ chính sách “một nước Trung Hoa” và quan điểm coi Đài Loan là bộ phận lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc [18]. Những khẳng định quan trọng trên cho thấy văn kiện ngoại giao giữa hai nước không đơn thuần chỉ là “nút thắt” quan hệ theo chủ ý của Kim Dae Jung và Giang Trạch Dân mà còn là bằng chứng sinh động về sự chuyển hướng chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực theo xu hướng ngày càng thực dụng hơn. Rõ ràng, ngay từ khi lập quốc, ngoại giao Hàn Quốc chủ yếu dựa vào Mỹ và mối liên minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc - quốc gia tầm trung đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng quan hệ với tất cả các nước và giành thế chủ động trong việc hoạch định chiến lược ngoại giao. Việc cắt đứt mối liên hệ lâu đời với Đài Loan, lựa chọn hình mẫu quan hệ với Trung

52

Quốc theo chiều hướng đi lên: “hợp tác thân thiện” (1992) và “đối tác hợp tác” (1998) của Hàn Quốc cho thấy mong muốn thoát khỏi những áp đặt trong chính sách ngoại giao lấy Mỹ làm trung tâm từ những năm 1950 và giữ một khoảng cách tương đối an toàn với Nhật Bản. Định hướng này cũng là nội dung cốt lõi trong chính sách của Tổng thống Roh Moo Hyun đối với Trung Quốc. Tuy vậy, không giống người tiền nhiệm Kim Dae Jung luôn hướng chính sách của Hàn Quốc về phía Thái Bình Dương và lục địa châu Á, Roh Moo Hyun chủ trương đưa đất nước đi lên bằng việc giảm phụ thuộc vào các quốc gia đồng minh và duy trì vai trò cân bằng của Hàn Quốc ngay tại khu vực. Vì vậy, ngay khi mới lên nắm quyền, Roh Moo Hyun đã bày tỏ lập trường hết sức rõ ràng về việc duy trì chính sách độc lập với Mỹ, bắt đầu từ khâu xây dựng lực lượng vũ trang tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, ông lại lựa chọn chính sách mang tính thực tiễn, trong đó tập trung chủ yếu vào tiến trình hòa giải liên Triều và củng cố quan hệ đối tác hợp tác với Bắc Kinh. Theo quan điểm của chính quyền Roh Moo Hyun, Trung Quốc chính là sự thay thế tiềm năng cho Mỹ với tư cách là một đối tác chiến lược trong tương lai của Hàn Quốc. Kết quả thăm dò của tờ nhật báo hàng đầu Hàn Quốc Dong-a Ilbo (4-2004) cũng cho thấy lập trường tương tự khi phần lớn các thành viên Quốc hội thuộc đảng cầm quyền đều mong muốn “chính sách đối ngoại tương lai của Hàn Quốc tập trung vào Trung Quốc thay vì chú trọng vào Mỹ” [50]. Nhận thức trên đây bắt nguồn từ sự khác biệt trong lựa chọn chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi Tổng thống Roh Moo Hyun công bố chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” (chính sách khuyến khích hòa giải và hợp tác) với CHDCND Triều Tiên thì Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lại tuyên bố ý định muốn phá bỏ chế độ ở Bình Nhưỡng [29]. Đối với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong khi người Mỹ lo ngại về nguy cơ phổ biến loại vũ khí này thì Hàn Quốc lại “thấp thỏm” với nguy cơ xung đột quân sự. Những khác biệt nói trên giữa hai nước khiến Hàn Quốc dần muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ để tìm kiếm sự “đồng điệu” trong chính sách Bắc Triều Tiên với Trung Quốc. Hơn thế nữa, lợi ích chính trị của Trung Quốc trong vai trò “trung gian hòa giải” liên Triều hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tiếp cận Bình Nhưỡng của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Do đó, tất nhiên, Tổng thống Roh Moo Hyun không những lựa chọn chính sách “một Trung Quốc” của những người tiền nhiệm mà còn nỗ lực nâng cấp quan hệ song phương với Trung Quốc thành “đối tác hợp tác toàn diện” ngay từ năm 2003. Như vậy, cùng với các nhà

53

lãnh đạo Roh Tae Woo và Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun là vị tổng thống thứ ba của Hàn Quốc thể hiện thái độ “gần gũi” với Trung Quốc mặc dù ông hiểu rằng chính sách hòa giải liên Triều, hợp tác với khu vực và độc lập hơn với Mỹ về ngoại giao có thể sẽ làm suy yếu tam giác chiến lược của lực lượng đồng minh. Quan hệ Hàn – Trung mặc dù được thiết lập khá muộn (1992) nhưng trong suốt hai thập niên, các thế hệ lãnh đạo của Hàn Quốc từ Roh Tae Woo đến Roh Moo Hyun ngay từ đầu đều nhất trí theo quan điểm thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Lee Myung Bak trở thành tổng thống, ông lại tuyên bố trong Diễn văn nhậm chức (25-02-2008): “Hàn Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Mỹ và tăng cường hơn nữa liên minh chiến lược giữa hai nước” [161]. Lời hứa nâng tầm quan hệ Hàn – Mỹ của Lee Myung Bak ít nhiều làm lung lay niềm tin của Trung Quốc về khả năng vun đắp mối quan hệ “đối tác hợp tác toàn diện” do Tổng thống Roh Moo Hyun và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kiến tạo từ năm 2003. Do sự chi phối đậm nét của hệ tư tưởng và sự cạnh tranh vị thế lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đương nhiên không muốn “gắn bó” với bất cứ nước nào có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ. Theo logic này, việc Hàn Quốc công khai củng cố liên minh với Mỹ chẳng khác gì lời cam kết đoạn tuyệt quan hệ với Trung Quốc. Sự lo lắng của Bắc Kinh về khả năng rạn nứt tình hữu nghị Hàn – Trung ngày càng có cơ sở khi Lee Myung Bak từ chối duy trì chính sách “Ánh dương”, “Hòa bình và thịnh vượng” nhằm cự tuyệt giải pháp hòa giải – hòa bình với CHDCND Triều Tiên. Những động thái này của Hàn Quốc đã làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Chính phủ mới sẽ xóa bỏ chính sách tích cực mà hai tổng thống tiền nhiệm Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã dành cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trái ngược với mọi dự đoán, sau lễ nhậm chức, Lee Myung Bak lại nỗ lực thúc đẩy mối liên kết Hàn – Trung. Trong năm đầu tiên nắm quyền, Lee Myung Bak đã đến thăm Bắc Kinh ba lần (cả bốn vị tổng thống trước đó: Roh Tae Woo, Kim Young Sam, Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đều chỉ đến Trung Quốc duy nhất một lần trong suốt nhiệm kỳ), trong đó bao gồm chuyến thăm cấp Nhà nước (5-2008), tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh (8-2008) và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM (10-2008). Ngay trong chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên, Lee Myung Bak đã cam kết với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: (1) Nâng cấp “quan hệ đối tác hợp tác toàn diện” thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” nhằm đẩy mạnh trao đổi giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội; (2) thành lập một cơ

54

chế đối thoại chiến lược cấp cao giữa hai Bộ Ngoại giao và phát triển đối thoại an ninh ngoại giao; (3) tăng cường trao đổi giữa các nhà lãnh đạo, các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và đảng phái chính trị. Đặc biệt, trong Tuyên bố chung (2008), Tổng thống Lee Myung Bak đã khẳng định quan điểm: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất và Hàn Quốc cam kết kiên trì chính sách “một Trung Quốc” [175]. Trên cơ sở xây dựng “quan hệ hợp tác đối tác chiến lược” từ năm 2008, Lee Myung Bak đã thúc đẩy các hoạt động trao đổi cấp cao bằng việc duy trì 13 cuộc họp trong các Hội nghị Thượng đỉnh song phương và 15 cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao với Trung Quốc [102]. Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong chính sách đối ngoại, Hàn Quốc đã tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự nhằm phát triển quan hệ song phương trong các vấn đề khu vực, quốc tế; đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi về đầu tư, tài chính, truyền thông, năng lượng, bảo vệ môi trường, khoa học và công nghệ; mở rộng phạm vi giao lưu của giới trẻ hai nước. Liên quan đến các cuộc đàm phán sáu bên, Tổng thống Lee Myung Bak cũng chủ động hợp tác với Trung Quốc nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và duy trì an ninh, ổn định ở Đông Bắc Á. Cách tiếp cận với Trung Quốc của Tổng thống Lee Myung Bak đã thể hiện rõ ý thức cân bằng quan hệ của Hàn Quốc với các nước trong khu vực. Vì thế, ngay cả khi đã tuyên bố ưu tiên liên minh Mỹ - Hàn trong chính sách đối ngoại, ông vẫn xác định Hàn Quốc – Trung Quốc là một trong những mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất cần tiếp tục được củng cố. Nhờ việc duy trì lập trường ngoại giao “nước đôi”, Lee Myung Bak đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi tình thế “mắc kẹt” giữa mối quan hệ “liên minh chiến lược” với Mỹ và “đối tác hợp tác chiến lược” với Trung Quốc; đồng thời lợi dụng áp lực đồng minh Mỹ - Hàn để vun đắp “tình bằng hữu” với Trung Quốc. Có thể thấy, sự khác biệt lớn nhất của Lee Myung Bak so với những người tiền nhiệm là coi quan hệ Hàn – Mỹ như chất xúc tác đối với quan hệ Hàn – Trung. Cũng vì đặc trưng này, chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Lee thể hiện rõ sự “cộng hưởng” của hai yếu tố: Một là, sự kế thừa quan điểm hợp tác với Trung Quốc của cựu Tổng thống Roh Moo Hyun; hai là, sự tái xác lập vai trò đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông bán cầu từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Quan điểm ngoại giao thực dụng cùng với thành tựu nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2008 đã giải tỏa phần nào những lo ngại của Trung Quốc về việc Lee Myung Bak có thể “làm ngơ” với chính sách “một Trung Quốc” của các tổng thống tiền nhiệm. Để duy trì kết quả cải thiện quan hệ song phương từ thời Tổng thống Roh Tae

55

Woo và Chủ tịch Dương Thượng Côn, Trung Quốc không thụ động “ngồi chờ” chính sách của Hàn Quốc mà đã cử Đại sứ đến Seoul ngay sau ngày Lee Myung Bak nhậm chức hai tuần. Sự kiện Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gửi đặc phái viên đến gặp tổng thống mới đắc cử là sự “hồi đáp” cho chính sách đề cao quan hệ Hàn – Mỹ của Lee Myung Bak. Hành động trên còn nhằm mục đích ngăn chặn sự phân biệt đối xử “bên trọng” – “bên khinh” của Hàn Quốc đối với Mỹ và Trung Quốc. Từ việc chủ động bày tỏ quan điểm “các nước láng giềng không chỉ cần trở thành đối tác quan trọng của nhau về kinh tế mà còn phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong các vấn đề chính trị, ngoại giao và an ninh” [43; tr. 125], đặc phái viên Trung Quốc đã gửi đi thông điệp hết sức rõ ràng và tích cực về mong muốn thắt chặt tình hữu nghị với Hàn Quốc. Theo đó, từ sau khi thiết lập cơ chế đối thoại giữa Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc và các Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cả hai bên đã công nhận nhau là đối tác quan trọng trong các cuộc đàm phán chính trị và ngoại giao. Cùng với kết quả nâng cấp quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” (2008), Chính phủ Hàn Quốc đã dành vị trí ưu tiên ngày càng cao cho Trung Quốc trong chính sách của mình. Ngay trong cuộc gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ IV (Toronto – Canada) vào ngày 27-6- 2010, Tổng thống Lee Myung Bak đã khẳng định: “Hàn Quốc đặc biệt coi trọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc và sẵn sàng tăng cường hợp tác hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đó” [176]. Xuất phát từ nhu cầu củng cố, hợp tác chính trị và tăng cường quan hệ ngoại giao (đặc biệt là tận dụng ảnh hưởng của nước thứ ba trong việc giải quyết bất đồng trên bán đảo Triều Tiên), các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác ngày càng khăng khít với Trung Quốc một cách tích cực và đầy “chủ động”. Trong hơn hai thập niên định hướng cải thiện quan hệ với Trung Quốc khởi đầu từ chính sách “Ngoại giao phương Bắc” của Tổng thống Roh Tae Woo, hai nước đã đạt được những bước tiến vượt bậc trên lĩnh vực chính trị. Cụ thể là, quan hệ Hàn – Trung liên tục được nâng cấp theo lộ trình 5 năm, từ “tình hữu nghị và quan hệ hợp tác” song phương vào năm 1992 đến “quan hệ đối tác hợp tác trong thế kỷ XXI” dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung (1998), “quan hệ đối tác hợp tác toàn diện” trong thời kỳ cầm quyền của Roh Moo Hyun (2003) và “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” được công bố ngay trong lần đầu tiên Lee Myung Bak đến Bắc Kinh (2008). Nhờ nắm giữ vai trò then chốt trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những đối tác chính trị quan trọng của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á.

56

2.1.3. Đối với CHDCND Triều Tiên Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh dần đi vào hồi kết, dấu hiệu ấm dần lên của các mối quan hệ quốc tế đã định hướng rõ tính chất cân bằng và hòa dịu trong chính sách đối ngoại của các nước. Đây được coi là “thời điểm vàng” để Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa chính sách hòa giải dân tộc và cải thiện quan hệ với các nước XHCN. Với nhận thức này, ngay trong diễn văn nhậm chức (1988), Tổng thống Roh Tae Woo đã tuyên bố: “Hàn Quốc sẽ mở rộng các kênh hợp tác quốc tế với những quốc gia mà trước đây chúng tôi chưa từng trao đổi hoặc tiếp xúc nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chính sách ngoại giao hướng về phương Bắc” [129; tr. 175-180]. Quan điểm này cũng được ông tái khẳng định trong bài phát biểu kỷ niệm ngày Độc lập Hàn Quốc (01-3-1988): “Dù khó khăn và gian khổ, tôi vẫn cam kết mở đường cho tiến trình thống nhất dân tộc. Tôi sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các quốc gia ở phía Bắc vì chính họ mới có thể giúp chúng ta (Hàn Quốc) đạt được tiến bộ cho mục đích cuối cùng” [140; tr. 39]. Với quyết tâm trên, ngày 07-7-1988, đêm trước Thế vận hội Olympic lần thứ 24 tổ chức tại Seoul, Tổng thống Roh Tae Woo chính thức kêu gọi các nước XHCN cổ vũ tiến trình thống nhất hai miền và ủng hộ chính sách ngoại giao đa phương của Hàn Quốc. Chính sách này một mặt thực hiện cơ chế hỗ trợ miền Bắc nhằm tạo nền tảng hợp nhất từ bên trong; mặt khác tăng cường cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu để tạo môi trường hàn gắn từ bên ngoài. Tác động kép từ hai phía (khu vực và quốc tế) được kỳ vọng sẽ làm nên “cú hích” lịch sử, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của cả hai miền Triều Tiên. Trên nền tảng tư tưởng của đường lối đối ngoại mới, Roh Tae Woo đưa ra năm nguyên tắc cơ bản để thực hiện chính sách của mình, theo đó Hàn Quốc: (1) Kiềm chế mọi hành vi cô lập Bắc Triều Tiên; (2) thực hiện tái thống nhất trên cơ sở liên kết với các chính sách của miền Bắc; (3) thảo luận đồng thời các vấn đề chính trị và phi chính trị; (4) theo đuổi chính sách “hướng Bắc” trên cơ sở sự đồng thuận của quốc gia; (5) theo đuổi chính sách “hướng Bắc” nhưng vẫn duy trì hợp tác với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là Mỹ” [64; tr. 258-259]. Có thể thấy, với chính sách “Ngoại giao phương Bắc”, Roh Tae Woo đã nỗ lực thay đổi định kiến thù địch trong tư duy đối ngoại của Bình Nhưỡng bằng lòng thiện chí và sự nhân nhượng. Ngay trong “Tuyên bố đặc biệt về quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (07-7-1988), chính quyền Roh Tae Woo đã chỉ rõ: “Vấn đề chia cắt bán đảo Triều Tiên không phải gắn với bản chất hệ thống chính trị của CHDCND Triều Tiên hay chính sách hiếu chiến

57

của CHDCND Triều Tiên, mà là gắn liền với thực tế cả miền Nam và miền Bắc đều coi nhau như kẻ thù” [130; tr. 627-630]. Từ việc xác định Bình Nhưỡng là thành viên trong cộng đồng dân tộc Triều Tiên, không phải là kẻ thù “duyên nợ” của Hàn Quốc, Roh Tae Woo đã đề xuất sáu nội dung trọng điểm trong chính sách mới đối với Bình Nhưỡng như sau: (1) Xúc tiến giao lưu Bắc - Nam; (2) Mở cửa tự do đi lại cho người Triều Tiên, đoàn tụ các gia đình ly tán; (3) Mở cửa mậu dịch Bắc - Nam; (4) Không phản đối CHDCND Triều Tiên hợp tác phi quân sự với nước ngoài; (5) Bình thường hóa quan hệ hai miền; (6) Giúp đỡ CHDCND Triều Tiên tiếp xúc với Mỹ và Nhật Bản [121; tr. 11- 15]. Ngày 11-9-1989, “Công thức thống nhất cộng đồng dân tộc Triều Tiên” cũng được Hàn Quốc chính thức công bố, trong đó xác định ba giai đoạn tiến tới thống nhất: Đầu tiên, thực hiện “Liên bang” tạm thời giữa hai miền; sau đó, thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa – xã hội và cuối cùng thực hiện hợp nhất về chính trị, ngoại giao. Tinh thần hợp tác của miền Bắc đã thúc đẩy các cuộc gặp gỡ cấp Thủ tướng giữa hai bên tại Seoul (9-1990) và Bình Nhưỡng (10-1990). Thành công trên góp phần đưa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng tham gia vào Liên Hợp Quốc (1991); đồng thời thúc đẩy hai Nhà nước chính thức thừa nhận lẫn nhau trên cơ sở ký kết “Hiệp định cơ bản Bắc – Nam” hay “Hiệp định về hòa giải, không xâm lược, trao đổi và hợp tác” (13-12-1991) nhằm cam kết không sử dụng vũ lực và giải quyết mọi bất đồng trong quan hệ hai bên thông qua đối thoại [107; tr. 200-207]. Tuy nhiên, ngay cả khi “Hiệp định cơ bản Bắc - Nam” (1991) đã được ký kết, ngay cả khi Kim Il Sung tuyên bố thay thế quan hệ đối đầu, thù địch bằng sự hòa hợp cùng tồn tại thì kết quả hàn gắn giữa hai miền vẫn dễ dàng “bốc hơi” khi có sự can dự của Mỹ. Thực tế, chỉ với việc lôi kéo Hàn Quốc cùng tố cáo chương trình phát triển hạt nhân bí mật của Bắc Triều Tiên (đầu thập niên 90), Mỹ đã có thể phá vỡ thành quả của chính sách “Ngoại giao phương Bắc”. Một lần nữa, tình hình khu vực trở nên nóng bỏng khi Bình Nhưỡng quay lưng với Hàn Quốc để đáp trả tinh thần đồng đội của liên minh Hàn - Mỹ trong các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Dựa trên nền tảng chính sách “Ngoại giao phương Bắc” của Roh Tae Woo, Tổng thống kế nhiệm Kim Young Sam chủ trương thúc đẩy vấn đề dân chủ và hòa hợp dân tộc trên cơ sở ngoại giao “hòa đàm”. Quan điểm này được chính Ngoại trưởng Han Song Chu đưa ra tại Hội nghị Ngoại giao Hàn Quốc (31-5-1993) với tuyên bố: “Cho đến nay, đường lối ngoại giao của chúng ta vẫn bắt nguồn từ tình trạng chia cắt nên chỉ tập trung vào việc phong tỏa và cạnh tranh với Bắc Triều Tiên; nhưng nay

58

thì sự cạnh tranh đó cần được chấm dứt. Chúng ta phải lôi kéo CHDCND Triều Tiên để tái thống nhất thay vì tìm cách kiềm chế và phong tỏa họ” [100; tr. 142]. Định hướng chiến lược nói trên được Kim Young Sam cụ thể hóa bằng chính sách “Ngoại giao mới” với năm đặc thù cơ bản của hoạt động đối ngoại: Toàn cầu hóa; đa dạng hóa; đa nguyên hóa; hợp tác khu vực và định hướng tương lai [46; tr. 361-365]. Mong muốn chủ yếu của Hàn Quốc khi đề ra chính sách này là dung hòa mối quan hệ “bốc đồng” của miền Bắc thông qua đối thoại, giải quyết vấn đề hạt nhân và giải quyết vấn đề nhân đạo. Mặc dù có cùng mục tiêu và với quyết tâm cao như các tổng thống tiền nhiệm nhưng bản thân Kim Young Sam lại có quan điểm chính trị riêng về vấn đề thống nhất và về chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Từ việc đưa ra “Công thức thống nhất ba giai đoạn trong xây dựng một cộng đồng dân tộc Triều Tiên” (1994), nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cho thấy sự vận dụng và tiếp thu tư tưởng chính trị của Roh Tae Woo trong phiên bản công thức thống nhất mới của mình với việc giữ lại ba giai đoạn hợp nhất và bổ sung thêm các giá trị: Tự do, dân chủ và hạnh phúc [107; tr. 50]. So với các thế hệ lãnh đạo trước, Kim Young Sam đã thiết kế một chiến lược ngoại giao tỉ mỉ và chặt chẽ đối với CHDCND Triều Tiên. Thậm chí, trong ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng Triều Tiên (1945 - 1995), ông còn chủ động trấn an tư tưởng của chính quyền miền Bắc với việc công bố ba nguyên tắc cơ bản nhằm thiết lập hòa bình giữa hai miền: (1) Trung thành với bản Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1953); (2) cùng giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán đa phương; (3) cùng giải quyết mâu thuẫn liên Triều trong khuôn khổ thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên [107; tr. 56]. Tuy nhiên, khi CHDCND Triều Tiên công khai ý định phản bội Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã ký với Hàn Quốc (1992) và đơn phương rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân – NPT (1993), Kim Young Sam đã không còn kiên nhẫn để duy trì một chính sách ngoại giao mềm dẻo, nhân nhượng mà chuyển sang chính trị hóa đường lối đối ngoại bằng việc củng cố chính sách can dự và liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh, nguy cơ tuyệt giao quan hệ thương mại, du lịch giữa hai nước. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị liên Triều kéo dài đến tận năm 1997- sau khi Kim Young Sam rời khỏi nghị trường. Quyết tâm khắc phục những hạn chế trong chính sách của người tiền nhiệm, từ tháng 2-1998, Tổng thống mới Kim Dae Jung đã mạnh dạn điều chỉnh đường lối đối ngoại với ba trọng tâm: Một là, tăng cường ngoại giao kinh tế nhằm khắc phục hậu quả

59

khủng hoảng; hai là, thiết lập quan hệ hữu nghị với Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc; ba là, tích cực cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên [111; tr. 24]. Mục tiêu cơ bản và lâu dài trong chính sách của Kim Dae Jung là phát triển kinh tế và thống nhất dân tộc. Trong đó, việc xây dựng một nền tảng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ là điều kiện then chốt giúp Hàn Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện trước mắt. Đặc điểm này khiến cho Chính phủ mới không muốn đẩy nhanh tiến trình thống nhất như trước mà tập trung chuyển đổi cơ cấu chính trị trên bán đảo Triều Tiên từ đối đầu sang hòa giải và hợp tác. Quan điểm nói trên được Kim Dae Jung khẳng định trong tuyên bố về “Tác động của Hiệp định khung Mỹ - Triều Tiên đến tái thống nhất Triều Tiên” (1994), theo đó Hàn Quốc đề nghị tiến trình thống nhất dân tộc phải được thực hiện dựa trên ba nguyên tắc: Độc lập, hòa bình và dân chủ. Ông còn đưa ra công thức thống nhất ba giai đoạn, trong đó bao gồm việc thành lập một liên minh ở giai đoạn đầu, một liên bang ở giai đoạn hai và thống nhất ở giai đoạn ba. Từ việc hoạch định chiến lược ngoại giao mới trên cơ sở ba nguyên tắc và công thức tái thống nhất, Kim Dae Jung cho rằng Bắc Triều Tiên là một chế độ biệt lập, chuyên quyền nhưng dễ bị thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải do các nhà lãnh đạo mà do cơ sở nội tại và bối cảnh bên ngoài không còn thuận lợi cho chế độ hiện hành [23; tr. 2]. Những nhận định trên đã gợi mở một hướng đi hoàn toàn mới cho chính sách của Hàn Quốc. Theo đó, miền Nam sẽ không áp đặt hay khống chế mà chủ động thuyết phục từng bước, qua đó giúp miền Bắc nhận thức rõ sự cần thiết phải “tự thay đổi” để thích nghi với môi trường bên ngoài. Hàm ý sâu xa này của Kim Dae Jung 1 được đúc rút từ truyện ngụ ngôn “Gió Bắc và Mặt trời” của Aesop0F [153; tr. 12]. Trong đó, “Mặt trời” là biểu trưng cho chính sách ngoại giao “Ánh dương” với mục tiêu vận động, lôi kéo miền Bắc mở cửa và cải cách xã hội. Còn “gió Bắc” đại diện cho những chính sách đối ngoại truyền thống của Hàn Quốc với chủ trương bao vây, cô lập và cấm vận CHDCND Triều Tiên. Chính sách “Ánh dương” được công bố trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống Kim Dae Jung (25-02-1998) với ba nguyên tắc: (1) Không tha thứ bất cứ hành vi khiêu khích vũ trang nào từ phía Bắc Triều Tiên; (2) không có ý định thống nhất bằng cách gây tổn hại hoặc thôn tính miền Bắc; (3) tích cực thúc đẩy hòa giải và hợp tác giữa hai miền [145]. Chính sách mới không thực hiện lồng ghép cả hai mục tiêu thống

1Trong câu chuyện, Mặt trời thắng gió Bắc trong cuộc thách đấu ai cởi được áo khoác của lữ khách. Trong khi gió thổi mạnh chỉ khiến kẻ bộ hành ôm khư khư chiếc áo thì sức nóng của Mặt trời khiến người đó tự cởi bỏ chiếc áo của mình. 60

nhất và hòa giải như Kim Young Sam mà tập trung vào các hoạt động trao đổi kinh tế, viện trợ xã hội nhằm thực hiện trước hết mục tiêu hòa giải dân tộc. Quan điểm chính trị này được nêu bật trong sáu nhiệm vụ trọng điểm của “Ánh dương”, theo đó Hàn Quốc cam kết: (1) Cải thiện quan hệ liên Triều trên cơ sở Hiệp định cơ bản (12-1991); (2) thúc đẩy hợp tác kinh tế theo nguyên tắc tách kinh tế ra khỏi chính trị; (3) tăng cường giao lưu văn hóa – xã hội; (4) thực hiện đoàn tụ các gia đình ly tán; (5) hỗ trợ dự án Lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho CHDCND Triều Tiên; (6) xây dựng nền tảng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên [145]. Thực hiện các nhiệm vụ nói trên có tác dụng khắc phục hai hạn chế cố hữu trong chính sách can dự dưới thời Kim Young Sam nhằm không để cho vấn đề an ninh dẫn dắt quan hệ liên Triều và không chuyển hướng chính sách so với những nguyên tắc đối ngoại đã đề ra. Sau nhiều thập kỷ đối đầu, ước nguyện của nhân dân hai miền về việc xây dựng một quốc gia ổn định, thống nhất trên tinh thần dân tộc tự quyết đã thúc đẩy cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng (13-6-2000). Hội nghị Thượng đỉnh tháng 6- 2000 được đánh giá là thành tựu cơ bản nhất của chính sách “Ánh dương” bởi “nếu không có cuộc gặp gỡ liên Triều này, việc hàn gắn quan hệ hai miền sẽ phải mất ít nhất vài năm hoặc thậm chí là vài thập kỷ” (Suh Choo Suk - Học viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc) [20; tr. 11]. Hội nghị còn được đánh giá cao nhờ đưa ra Tuyên bố 2 chung Bắc – Nam (6-2000)1F làm nguyên tắc hướng dẫn cho nỗ lực chung sống hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và tháo gỡ cơ cấu đối đầu của Chiến tranh lạnh giữa hai bên từ năm 1948. Đến đầu năm 2003, chính sách Bắc Triều Tiên của nhà cầm quyền Roh Moo Hyun được công bố trong diễn văn nhậm chức là lời cam kết duy trì khuôn khổ của chính sách “Ánh dương” với mong muốn“biến bán đảo Triều Tiên trở thành nơi phát ra thông điệp hòa bình kết nối vùng đất Á - Âu rộng lớn với Thái Bình Dương” [173]. Phạm vi chính sách của Roh Moo Hyun rộng hơn nhiều so với chính sách “Ánh dương” của Kim Dae Jung nhưng nhiệm vụ hòa giải liên Triều vẫn là ưu tiên số một. Chính sách hòa dịu trước đây được Roh Moo Hyun kế

2Tuyên bố chung Bắc – Nam gồm 5 điểm: 1. Vấn đề thống nhất Triều Tiên do chính người Triều Tiên quyết định 2. Thống nhất quan điểm về lời đề nghị Liên bang của miền Bắc và Liên hiệp của miền Nam 3. Tích cực giải quyết các vấn đề nhân đạo 4. Củng cố lòng tin bằng việc thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa – xã hội 5. Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan chức năng của hai miền. Chủ tịch Kim Jong II sẽ thăm Seoul vào thời điểm thích hợp. 61

thừa và phát triển dưới một tên gọi mới: Chính sách “Hòa bình và thịnh vượng”. Giải pháp hòa bình được Hàn Quốc xác định là “chìa khóa” cho cả ba vấn đề: Giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, duy trì sự ổn định của mối quan hệ liên Triều và thiết lập một trật tự hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á. Chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” hướng đến việc giải quyết hai mục tiêu cơ bản: Một là, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; hai là, thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả hai miền, tích cực góp phần vào sự thịnh vượng ở khu vực Đông Bắc Á. Để thực hiện những mục tiêu đó, chính quyền Roh Moo Hyun đưa ra bốn nguyên tắc: (1) Giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại; (2) hợp tác liên Triều trên cơ sở hiểu biết và có đi có lại; (3) hợp tác quốc tế trên cơ sở hai miền Triều Tiên đóng vai trò chủ đạo; (4) mở rộng sự tham dự của nhân dân, nâng cao tính minh bạch và tranh thủ sự ủng hộ của các Đảng phái [113; tr. 17]. Những mục tiêu và nguyên tắc nói trên góp phần duy trì một cơ chế hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia trong khu vực, hạn chế sự can dự của các thực thể bên ngoài, kiểm soát mặt trái của viện trợ kinh tế và đưa vấn đề hòa giải liên Triều trở thành nội dung chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Roh Moo Hyun luôn nhấn mạnh: “Chính sách Ánh dương là cần thiết và phải được tiếp tục vì sự sống còn và thịnh vượng của quốc gia” [112; tr. 32]. Việc duy trì “chính sách ràng buộc” với CHDCND Triều Tiên từ thời Kim Dae Jung xuất phát từ nhận thức hòa giải và hợp tác là con đường ngắn nhất để tiếp cận và thay đổi Nhà nước ở miền Bắc. Chính sách này dựa trên quan điểm sự đảm bảo đời sống về kinh tế và chính trị sẽ làm gia tăng tính phụ thuộc của CHDCND Triều Tiên vào thế giới bên ngoài, từ đó, buộc quốc gia này phải thay đổi thái độ và hành vi của mình. Mặc dù được đánh giá là một trong những chính quyền có tính hòa giải nhất với miền Bắc, thậm chí còn hơn cả đồng minh chiến lược của Bình Nhưỡng là Trung Quốc nhưng Roh Moo Hyun vẫn không khỏi lo ngại về khả năng nhượng bộ chính trị của CHDCND Triều Tiên. Do không thể thuyết phục và thay đổi lập trường cứng rắn của CHDCND Triều Tiên về việc phát triển vũ khí hạt nhân, chính quyền Roh Moo Hyun liên tiếp chứng kiến sự leo thang của miền Bắc đối với hoạt động làm giàu uranium từ cuối năm 2002, tái khởi động lò phản ứng và tuyên bố rút khỏi NPT đầu năm 2003. Nhằm tránh kết cục đổ vỡ cho chính sách “Hòa bình và thịnh vượng”, chính quyền Roh Moo Hyun đã chủ trương giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên một cách hòa bình. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lấn lướt của miền Bắc đối với mục tiêu phát triển

62

quân sự, Hàn Quốc đã đề ra ba nguyên tắc: (1) Không thừa nhận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, (2) thực hiện giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, (3) phát huy vai trò tích cực của Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan [113; tr. 18]. Không muốn rơi vào tình thế bị động mỗi khi miền Bắc gia tăng đối đầu quân sự, Roh Moo Hyun đề nghị thực hiện “lồng ghép” hai mục tiêu: Giải quyết vấn đề hạt nhân và phát triển quan hệ liên Triều, trong đó lĩnh vực hợp tác song phương sẽ bao gồm cả Hiệp ước quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Giải pháp này được đưa ra trên cơ sở nhận định: “Bắc Triều Tiên không thể sở hữu vũ khí hạt nhân và mở cửa kinh tế cùng một lúc. Miền Bắc nên từ bỏ vũ khí hủy diệt để duy trì an ninh khu vực và đổi lấy sự viện trợ về kinh tế” [142]. Đầu năm 2007, Roh Moo Hyun đưa ra ý tưởng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai với cam kết “hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu hành động trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên” [128; tr. 120]. Phương châm hòa giải, tiếp xúc nhẹ nhàng và xây dựng lòng tin của Hàn Quốc đã thúc đẩy việc ký kết “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng vào tháng 10-2007. Bản tuyên bố tám điểm tái khẳng định tinh thần của Tuyên bố chung (15-6-2000) trong việc duy trì những tiến bộ của quan hệ hai miền, đảm bảo hòa bình 3 và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho toàn khu vực2F [114]. Nhờ vậy, ngay cả khi những khúc mắc về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chưa được tháo gỡ, số lượng các cuộc đối thoại song phương vẫn không ngừng tăng. Tính từ tháng 3 đến tháng 9-2007 đã có 113 cuộc đàm phán Bắc – Nam được tổ chức, 74 thỏa thuận được ký kết cùng với 10 cuộc đàm phán liên Triều cấp Bộ trưởng được triệu tập [86; tr. 35].

3Nội dung 8 điểm của “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (10-2007): 1. Miền Nam và miền Bắc tích cực duy trì và nỗ lực thực hiện Tuyên bố ngày 15-6 2. Miền Nam và miền Bắc đồng ý xây dựng vững chắc mối quan hệ liên Triều Tiên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng, vượt qua sự khác biệt về ý thức hệ và tính hệ thống 3. Miền Nam và miền Bắc đồng ý hợp tác chặt chẽ nhằm chấm dứt tình trạng xung đột quân sự, giảm thiểu căng thẳng và đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên 4. Miền Nam và miền Bắc đều nhận ra sự cần thiết phải chấm dứt Hiệp ước đình chiến hiện tại và xây dựng một cơ chế hòa bình vĩnh viễn. Miền Nam và miền Bắc cam kết cùng nhau thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa ba hoặc bốn bên liên quan trực tiếp đến vấn đề bán đảo Triều Tiên và tuyên bố chấm dứt chiến tranh 5. Miền Nam và miền Bắc đồng ý để tạo điều kiện, mở rộng và phát triển hơn nữa các dự án hợp tác kinh tế liên Triều trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế cân bằng và thịnh vượng ở bán đảo Triều Tiên phù hợp với các nguyên tắc của lợi ích chung, cùng thịnh vượng và hỗ trợ lẫn nhau 6. Miền Nam và miền Bắc nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực xã hội bao gồm lịch sử, ngôn ngữ, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao để làm nổi bật lịch sử lâu đời và văn hóa đặc sắc của dân tộc Triều Tiên 7. Miền Nam và miền Bắc tích cực thúc đẩy các dự án về hợp tác nhân đạo 8. Miền Nam và miền Bắc nhất trí tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích của người dân Triều Tiên và các quyền và lợi ích của người Triều Tiên ở nước ngoài.

63

Kết quả này phản ánh sự tiến bộ trong quan hệ liên Triều và nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong việc thiết lập một cơ chế hòa bình giữa hai miền bán đảo. Tuy nhiên, đến tháng 02-2008, sau khi nhậm chức tổng thống, Lee Myung Bak đã mong muốn chấm dứt chính sách “ngoại giao cho không” của hai nhà lãnh đạo tiền bối Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun. Ý định này xuất phát từ thực tế Hàn Quốc đã phải chi gần 1,9 tỷ USD để viện trợ cho CHDCND Triều Tiên trong suốt bảy năm (2000 - 2007) [181] nhưng vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn bỏ ngỏ. Chính quyền Lee Myung Bak đã cam kết theo đuổi đường lối đối ngoại hòa bình và hòa giải, khuyến khích CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân dựa vào ba nguyên tắc: (1) Bài trừ vũ khí hạt nhân; (2) tăng cường giải pháp đối thoại; (3) Hàn Quốc đóng vai trò nòng cốt trong việc giải quyết xung đột giữa các bên [117; tr. 5]. Tuy nhiên, trong thực tế, tổng thống Lee lại là người trung thành với chủ nghĩa thực dụng, do đó, tinh thần hòa giải và hợp tác với miền Bắc thực chất cũng chỉ là “lớp vỏ bọc” bên ngoài của chính sách đối ngoại. Với việc chỉ trích “Ánh dương”, “Hòa bình và thịnh vượng” là hai chính sách sai nguyên tắc và “đơn phương xoa dịu”, Lee Myung Bak đã quyết tâm thay thế các chiến lược ngoại giao cũ bằng chính sách “ngoại giao thực dụng” trên cơ sở tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, thúc đẩy hợp tác có điều kiện với CHDCND Triều Tiên và nâng cao vai trò của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” được ông công bố trong diễn văn nhậm chức (25-02-2003) thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ: “Phi hạt nhân hóa” (giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên); “mở cửa” (giúp miền Bắc xây dựng quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật Bản và tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế). Quan trọng nhất, Lee Myung Bak cam kết nâng cao thu nhập bình quân đầu người cho CHDCND Triều Tiên từ 500 USD lên 3000 USD trong vòng 10 năm với điều kiện tiên quyết là nước này phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và mở cửa nền kinh tế [161]. Chính sách nói trên còn bao gồm một chương trình chi tiết nhằm hỗ trợ miền Bắc ở cả năm lĩnh vực kinh tế - xã hội kèm theo các giải pháp cụ thể tương ứng: Tài chính (thúc đẩy xuất khẩu), công nghiệp (đào tạo 300.000 công nhân), cơ sở hạ tầng (xây dựng đường cao tốc), chất lượng cuộc sống (đảm bảo an sinh xã hội) và giáo dục (đầu tư 40 tỷ USD thông qua quỹ hợp tác quốc tế) [117; tr. 11]. Chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” vốn được khởi nguồn từ kế hoạch ngoại giao “cùng có lợi, cùng thịnh vượng” giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên do Lee Myung Bak đề xướng. Cam kết “cùng có lợi và cùng thịnh vượng”

64

trong quan hệ liên Triều được Bộ trưởng Bộ Thống nhất tuyên bố lần đầu vào ngày 26- 3-2008 và Tổng thống Lee Myung Bak tái khẳng định trước Quốc hội (11-7-2008) với nội dung: “Ưu tiên số một của Hàn Quốc trong chính sách với CHDCND Triều Tiên là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trên cơ sở tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi cho cả hai bên” [135; tr. 9]. Về hình thức, chính sách của Lee Myung Bak vẫn tuyệt đối trung thành với giải pháp vận động, thuyết phục Bình Nhưỡng cùng phát triển và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, về bản chất thì đây lại là một chính sách nhằm “ưu tiên Hàn Quốc” và “hạn chế CHDCND Triều Tiên”. Kế hoạch “phi hạt nhân hóa, mở cửa” được phác thảo dựa trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên phong phú và lao động dồi dào của miền Bắc để thành lập 5 khu kinh tế tự do và duy trì hơn 100 công ty xuất khẩu của hai miền với khả năng thu về ít nhất 3 triệu USD giá trị hàng hóa mỗi năm. Hơn thế nữa, từ kết quả cải thiện quan hệ liên Triều của chính sách “Tầm nhìn 3000”, các tuyến giao thông huyết mạch giữa hai miền có thể được nối lại, tạo điều kiện thuận lợi cho Hàn Quốc nhập khẩu khí đốt và tài nguyên từ vùng Viễn Đông nước Nga (thậm chí từ cả châu Âu) thông qua đường bộ và xuất khẩu hàng hóa trên tuyến đường sắt xuyên Siberia. Như vậy, cùng với quá trình phục hồi kinh tế của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc cũng sẽ tìm được một điểm tựa vững chắc để mở rộng sản xuất và chinh phục địa vị nền kinh tế lớn của thế giới. Chính sách khôn ngoan và có tính toán của Lee Myung Bak đã dành cho Hàn Quốc không ít lợi thế. Nó cũng mang lại lợi ích kinh tế cho CHDCND Triều Tiên nhưng với điều kiện nước này phải từ bỏ một mục tiêu chính trị lớn hơn là ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. Việc yêu cầu CHDCND Triều Tiên chủ động từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy cơ hội hợp tác kinh tế với Hàn Quốc theo “học thuyết Myung Bak” (MB Doctrine) gợi nhớ đến giải pháp chính trị “có đi có lại” của Kim Young Sam vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên so với thời điểm đó, chính sách Bắc Triều Tiên lúc này của Hàn Quốc còn cứng rắn hơn nhiều. Để củng cố chính sách “Tầm nhìn 3000”, chính quyền Lee Myung Bak đã kiên quyết khép lại “thập kỷ mất mát” (10 năm viện trợ vô điều kiện cho CHDCND Triều Tiên) bằng việc xét lại tất cả những cam kết đã ký giữa hai bên từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất (6-2000) và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai (10-2007), bao gồm cả lời hứa viện trợ hàng tỷ USD của Roh Moo Hyun vào năm 2007 cho CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn tính đến việc sửa đổi chính sách cơ bản 5 năm (2008 - 2012) về phát triển quan hệ liên Triều từ thời Roh Moo Hyun để phù hợp với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của chính sách “Tầm nhìn 3000”.

65

Sự điều chỉnh chính sách của Lee Myung Bak có khả năng kích động “chủ nghĩa phiêu lưu” ở miền Bắc và đẩy quan hệ hai miền rơi vào cục diện đối đầu. Tuy nhiên, khác với thái độ “nóng vội” trước đây, CHDCND Triều Tiên đã không thể hiện bất cứ một phản ứng cực đoan nào đối với chương trình hành động của tổng thống Hàn Quốc tính từ thời điểm Lee Myung Bak tranh cử đến giai đoạn đầu khi ông lên nắm quyền. Quan hệ liên Triều chỉ bắt đầu dậy sóng khi Hàn Quốc liên tiếp đưa ra những quan điểm cứng rắn và đơn phương gây áp lực với CHDCND Triều Tiên. Trước tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Ha Joong:“Tốc độ phát triển quan hệ liên Triều từ nay được quyết định bởi những tiến bộ trong chương trình giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng”(26-3-2008) [148], Bắc Triều Tiên đã có hành động đáp trả đầu tiên với việc ngăn cấm các quan chức Hàn Quốc đặt chân đến khu công nghiệp chung Kaesong. Hơn thế nữa, trong cuộc điều trần trước Quốc hội về vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên của Tham mưu Trưởng Quân đội Kim Tae Young (27-3-2008), Hàn Quốc còn khẳng định: “Chúng tôi biết đích xác vị trí cất giữ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và sẽ chủ động tấn công nếu cần thiết” [73]. Dưới áp lực răn đe và ngăn chặn của Lee Myung Bak, CHDCND Triều Tiên càng có thêm “động lực” để thúc đẩy quyết liệt hơn, đồng bộ hơn chương trình hạt nhân của mình. Ngày 28-3-2008, CHDCND Triều Tiên đã “hồi đáp” chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” của Lee Myung Bak bằng tuyên bố cắt đứt quan hệ liên Triều, ngừng tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân theo cam kết sáu bên của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2007 và tiến hành vụ thử tên lửa ở bờ biển phía Đông thủ đô Bình Nhưỡng. Đến đầu năm 2009, CHDCND Triều Tiên đơn phương hủy bỏ tất cả các thỏa thuận về quân sự, chính trị với Hàn Quốc, trong đó bao gồm Hiệp định về phòng chống tai nạn đụng độ trên biển đã ký kết với cựu Tổng thống Roh Moo Hyun vào năm 2004. Với những bước lùi trong quan hệ liên Triều, chính quyền Kim Jong Il đã kết tội Lee Myung Bak vì đã ưu tiên quan hệ Hàn - Mỹ, thanh lọc các thế lực theo đường lối thống nhất, diễn tập chiến tranh và gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Không khó để nhận ra quan hệ liên Triều Tiên gần như không có bước tiến nào đáng kể tính từ tháng 02-2008. Thực tế này không chỉ phản ánh kết quả chính sách Bắc Triều Tiên dưới thời Lee Myung Bak mà còn cho thấy tác động của các yếu tố bên trong, đặc biệt là thái độ của CHDCND Triều Tiên đối với việc giải giáp vũ khí hạt nhân – điều kiện tiên quyết để đi đến thống nhất dân tộc. Như vậy, có thể hiểu, những hạn chế trong kết quả cải thiện quan hệ liên Triều có phần trách nhiệm từ cả hai phía:

66

Về phía CHDCND Triều Tiên, nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phát triển và tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân đã liên tục đẩy quan hệ liên Triều đứng trước miệng hố chiến tranh. Thái độ thách thức của chính quyền Kim Jong Il đe dọa trực tiếp đến tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, làm đảo lộn chính sách “phi hạt nhân hóa và mở cửa” của Lee Myung Bak. Quan hệ liên Triều ngày càng xấu đi còn do hành vi gây rối của CHDCND Triều Tiên trong vụ đắm tàu hải quân Cheonan và các cuộc tấn công pháo binh trên biên giới Yeonpyeong của Hàn Quốc vào năm 2010. Về phía Hàn Quốc, ngay từ đầu, chính quyền Lee Myung Bak đã tuyên bố phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình và lồng ghép vấn đề kinh tế với những tiến bộ về chính trị. So với hai tổng thống tiền nhiệm, thay đổi lớn nhất trong chính sách Bắc Triều Tiên của ông là lồng ghép quan hệ liên Triều vào vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và “xét lại” các chương trình hợp tác giữa hai bên nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho Hàn Quốc. Kết quả là, nỗ lực “chế ngự” Bắc Triều Tiên của Lee Myung Bak đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đáp trả bằng việc vô hiệu hóa các thỏa thuận đã ký kết giữa hai miền tại Hội nghị Thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007. Có thể thấy, việc thiết lập và duy trì một cơ chế hòa bình giữa hai miền Triều Tiên (1989 - 2010) đã trải qua nhiều biến động phức tạp. Dù có những bước tiến (trong thời kỳ của Roh Tae Woo, Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun) hay những bước lùi (trong thời kỳ của Kim Young Sam, Lee Myung Bak) thì chính sách Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc, về cơ bản, vẫn có tác dụng kích thích và tạo động lực để cả hai miền tăng cường đối thoại vì hòa bình, hòa giải và hợp tác. Nhờ có cơ sở này, ngay cả khi vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng chưa được giải quyết và giấc mơ thống nhất liên Triều chưa thành hiện thực thì sự xích lại gần nhau giữa hai chủ thể chính trị từng đối đầu gay gắt trong quá khứ vẫn là xu hướng chủ đạo và không thể đảo ngược. Đối với khu vực Đông Bắc Á, hơn hai thập niên kể từ sau Chiến tranh lạnh là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến vượt bậc của Hàn Quốc về tư duy và nhận thức đối ngoại trong việc kiến tạo “quan hệ dân tộc” với CHDCND Triều Tiên, thắt chặt “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” với Trung Quốc và củng cố “quan hệ đồng minh” với Nhật Bản. Dù mâu thuẫn dân tộc, bất đồng lịch sử vẫn tồn đọng và ít nhiều đã có ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách của Hàn Quốc trên lĩnh vực an ninh - chính trị nhưng về tổng thể, biểu đồ hợp tác vì hòa bình và phát triển của khu vực đã từng bước được dịch chuyển theo chiều hướng đi lên (thậm chí có những lúc đạt đến đỉnh điểm). Điều

67

quan trọng là, để hạn chế xung đột khu vực và giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc đã định hướng đổi mới chính sách trên các lĩnh vực hợp tác khác (đi đầu là kinh tế) nhằm gia tăng sự ràng buộc lợi ích giữa các quốc gia trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. 2.2. Trên lĩnh vực kinh tế Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã xác định trung tâm ngoại giao của thế kỷ XXI sẽ chuyển từ lĩnh vực an ninh - chính trị sang lĩnh vực kinh tế. Vì lẽ đó, chính sách của nước này đối với khu vực cũng hướng vào mục tiêu “đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút mọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài và khẳng định vị thế quốc tế của Hàn Quốc” [138; tr. 8]. Bên cạnh đó, với đặc thù mối quan hệ phức tạp và chồng chéo giữa CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản nên hợp tác trên lĩnh vực này còn phải gánh vác một nhiệm vụ quan trọng khác là xoa dịu bất đồng lịch sử và điều hòa đối đầu quân sự giữa Hàn Quốc với các quốc gia trong khu vực. 2.2.1. Đối với Nhật Bản  Về thương mại Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, Hàn Quốc đã tích cực điều chỉnh chính sách với Nhật Bản nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác và thúc đẩy kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở hai nước. Theo định hướng đó, thương mại hai chiều bắt đầu tăng trưởng từ 220 triệu USD (1965) lên khoảng 3.000 triệu USD (1973), đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Nhật Bản [103; tr. 45]. Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, trao đổi thương mại song phương tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc với khối lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, nghịch lý đặt ra là kim ngạch thương mại giữa hai nước lớn bao nhiêu thì thâm hụt thương mại của Hàn Quốc lại nhiều bấy nhiêu. Do đó, để duy trì mối quan hệ kinh tế cân bằng, bình đẳng với Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc xác định thúc đẩy mậu dịch và hạn chế nhập siêu là hai nhiệm vụ “cốt lõi” trong chính sách của mình trên lĩnh vực kinh tế. Xuất phát từ đặc điểm yếu kém hơn về công nghệ so với Nhật Bản, Hàn Quốc phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thô để tái xuất trong khi sức cạnh tranh giá bán yếu do đồng Won liên tục lên giá. Tình trạng này kéo dài đã gây nên căn bệnh “kinh niên” - thâm hụt thương mại cho nền kinh tế. Ngay từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhanh, đạt mức 3,8 tỷ USD (1988), 4 tỷ USD (1989) và chạm ngưỡng 5,9 tỷ USD (1990). Năm 1991, thương mại hai nước ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử lên đến 7,7 tỷ USD

68

[65; tr. 133]. Để khắc phục tình trạng nói trên, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc – Nhật Bản (6-1992), các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí đề xuất một “kế hoạch cụ thể nhằm điều chỉnh mức thâm hụt thương mại” trong quan hệ kinh tế song phương, khởi đầu là việc thành lập quỹ hợp tác kỹ thuật công nghiệp ở mỗi nước. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo đưa ra chính sách “Phát triển kinh tế mới” nhằm tận dụng môi trường quốc tế thuận lợi từ sau Chiến tranh lạnh để mở rộng quan hệ hợp tác với những nền kinh tế phi truyền thống, trong đó có Nga và Trung Quốc. Định hướng này được Chính phủ Hàn Quốc xác định là giải pháp trọng tâm giúp tăng cường khả năng điều tiết, tiến tới giảm dần sự lệ thuộc kinh tế vào lực lượng đồng minh và tạo ra “bộ ba” thương mại Hàn Quốc – Trung Quốc – Nga cân bằng với tam giác kinh tế Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản [1; tr. 10]. Về bản chất, chính sách “kinh tế mới” không đơn giản chỉ là nỗ lực gia tăng hợp tác kinh tế nội vùng mà còn là sự chuyển hướng chiến lược của Hàn Quốc khi chấp nhận lấy kết quả thặng dư thương mại của các trung tâm kinh tế (Nga và Trung Quốc) để “khỏa lấp” khoản thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Dù chỉ được đánh giá là giải pháp tình thế vì chưa thể giải quyết tận gốc tình trạng mất cân đối trong hợp tác kinh tế giữa hai nước nhưng Hàn Quốc vẫn cho thấy bước đột phá về mặt tư duy khi loại bỏ yếu tố đồng minh an ninh ra khỏi chính sách phát triển kinh tế cả về trung và dài hạn. Nhờ vào kết quả tăng cường buôn bán với các đối tác mới của khu vực, trong chín tháng đầu năm 1992, mức thâm hụt thương mại của Hàn Quốc đã được thu hẹp, còn lại 4,8 tỷ USD, thấp hơn mức 5,8 tỷ USD so với chín tháng cùng kỳ năm trước [66; tr. 135]. Thời điểm quyền lực được chuyển giao cho chính quyền Kim Young Sam (1993), Hàn Quốc cũng đã thực hiện một giải pháp đồng bộ khác nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại bằng việc đẩy mạnh chính sách “hạn chế nhập khẩu hàng hóa”. Chính sách nói trên được kế thừa từ chương trình “Đa dạng hóa nhập khẩu” do Tổng thống Park Chung Hee phát động vào năm 1978 nhằm giới hạn nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc, trong đó thực hiện áp đặt nhập khẩu cho các sản phẩm: Xe có động cơ, ti-vi màu, đầu máy video và các công cụ sản xuất công nghiệp chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản. Chính sách này được Kim Young Sam đưa ra vào thời điểm trao đổi thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản liên tục chịu mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, giải pháp này đã không thể duy trì đến đầu năm 1996 do Hàn Quốc phải tự cắt giảm các mặt hàng trong chương trình đa dạng hóa nhập khẩu để chuẩn bị gia nhập OECD.

69

Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á diễn ra buộc Hàn Quốc phải đánh giá lại hiệu quả chính sách kinh tế đối với Nhật Bản mà nước này từng theo đuổi. Xuất phát từ thực trạng yếu kém của nền kinh tế trong bối cảnh xu thế phát triển chung của thế giới ngày càng gắn chặt với tiến trình toàn cầu hóa, Kim Dae Jung đã từng bước điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại theo hướng chủ động tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hợp tác khu vực, trong đó, Nhật Bản được xác định là bạn hàng chủ yếu của Hàn Quốc. Về phương diện thương mại, trong thời kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung, Nhật Bản vẫn là đối tác lớn thứ hai và là nước xuất khẩu lớn nhất vào Hàn Quốc. Với vị trí quan trọng như vậy, trong chuyến thăm Tokyo vào tháng 10-1998, Tổng thống Kim Dae Jung đã đưa ra cam kết về “Kế hoạch hành động cho mối quan hệ đối tác mới Nhật Bản – Hàn Quốc trong thế kỷ XXI”. Theo đó, Chính phủ hai nước nhất trí: “Nhật Bản – Hàn Quốc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế một cách cân bằng và bình đẳng. Hai bên cam kết tăng cường tham vấn chính sách kinh tế cho nhau cũng như tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp chính sách giữa hai nước tại các Diễn đàn đa phương như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế của các nước phát triển (OECD) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)” [172]. Tuyên bố chung giữa Tổng thống Kim Dae Jung và Thủ tướng Keizo Obuchi có tính chất định hướng cho chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Điều này được thể hiện khá rõ thông qua ba kết quả: Thứ nhất, tháng 3-1999, Hàn Quốc đã chủ động cùng với Nhật Bản nghiên cứu tính khả thi của Hiệp định mậu dịch tự do song phương (FTA). Sự thay đổi chính sách đối với các FTA dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung đánh dấu bước khởi đầu ấn tượng cho chính sách thương mại truyền thống của Hàn Quốc khi nước này xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để giảm giá bán trong nước đối với những hàng hóa nhập khẩu mà Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi thế so sánh [2; tr. 7-8]. Từ việc xác lập khuôn khổ trao đổi mậu dịch, chính sách cắt giảm hàng hóa nhập khẩu từ các nước thứ ba cũng được Hàn Quốc cam kết thực hiện nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của cả hai quốc gia. Thứ hai, tháng 7-1999, Hàn Quốc bãi bỏ hoàn toàn chính sách “đa phương hóa nhập khẩu” (công cụ cắt giảm thâm hụt thương mại chủ yếu dưới thời Tổng thống Kim Young Sam) nhằm loại bớt những rào cản trong thương mại tự do với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của hệ thống kinh tế toàn cầu. Thứ ba,

70

từ sau khi tham gia vào quá trình đàm phán với các nước để gia nhập WTO và ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do lần đầu tiên với Chile (KCFTA), Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục tiến thêm một bước khi thúc đẩy sự ra đời của Diễn đàn mậu dịch tự do Nhật Bản – Hàn Quốc và đạt được thỏa thuận đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vào năm 2003. Vào thời kỳ cầm quyền của Roh Moo Hyun, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế được phản ánh thông qua cam kết thúc đẩy trao đổi thương mại và thiết lập mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ của “Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản - Hàn Quốc” (EPA) và “Tuyên bố chung Nhật - Hàn” tại Hội nghị Thượng đỉnh (2003), các Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Hàn vào tháng 7 và tháng 12- 2004. Về vấn đề EPA, năm cuộc họp song phương đã được tổ chức vào năm 2004 trên cơ sở các cuộc đàm phán được khởi động từ tháng 12-2003 với mục đích: (1) Đưa ra quy tắc chung và nghị quyết hóa các vấn đề tranh chấp kinh tế; (2) phát triển thương mại hàng hoá; (3) thực hiện miễn thuế, các biện pháp kiểm dịch thực vật và các rào cản kỹ thuật đối với hoạt động thương mại; (4) xúc tiến thương mại qua biên giới, tăng cường lĩnh vực dịch vụ và cư trú cho người nước ngoài vì mục đích kinh doanh; (5) đề xuất các vấn đề thương mại quan trọng (Chính phủ thu mua bằng sở hữu trí tuệ); (6) đẩy mạnh hợp tác và (7) cùng công nhận các dự thảo văn bản về vấn đề thương mại giữa hai nước [96; tr. 30]. Với việc xác định Hàn Quốc, Nhật Bản là đối tác kinh tế chiến lược của nhau, hai bên đã chủ động tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ thông qua việc phá dỡ rào cản thương mại, cắt giảm thuế và tăng cường trao đổi hàng hóa. Cùng với sự quay trở lại của các vòng đàm phán cấp cao vào năm 2008 và cam kết mở lại vòng đàm phán EPA vào năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều từ khoảng 53 tỷ USD (2003) đã tăng lên 89,2 tỷ USD (2008) và vượt ngưỡng 74 tỷ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm 2010 [67; tr. 137]. Nhờ kết quả hợp tác kinh tế ngày càng tốt đẹp, vấn đề thương mại tự do cũng được đưa ra thảo luận. Trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản – Hàn Quốc (07-6-2003) với chủ đề “Xây dựng nền tảng hợp tác Nhật Bản – Hàn Quốc hướng tới một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á”, Tổng thống Roh Moo Hyun đã chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải ký kết một FTA toàn diện giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thúc đẩy thương mại song phương và tăng cường năng lực cạnh tranh của cả hai nước, trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy sự ra đời càng sớm càng tốt của FTA [174]. Lộ trình

71

thực hiện FTA và kế hoạch hành động chi tiết cho chiến lược FTA đã được chuẩn bị từ thời Kim Dae Jung. Tổng thống Roh Moo Hyun là người củng cố lại chương trình nghị sự của người tiền nhiệm bằng cách xác định một lộ trình cụ thể với việc xếp Nhật Bản vào nhóm đối tác ưu tiên cùng với Chile, Singapore và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA). Xuất phát từ chính sách thúc đẩy quan hệ kinh tế đối với khu vực, chính quyền Roh Moo Hyun đã chứng tỏ Hàn Quốc là đối tác tin cậy của Nhật Bản khi coi FTA giữa hai nước không chỉ là mục tiêu quan trọng để đưa Hàn Quốc trở thành một “Nhà nước thương mại mới” mà còn là bước khởi đầu cho một FTA Đông Bắc Á trong tương lai. Mặc dù đã ra sức thúc đẩy sự ra đời của FTA Nhật Bản – Hàn Quốc nhưng Chính phủ Roh Moo Hyun vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ ký kết Hiệp định do sự chênh lệch quá lớn giữa cán cân thương mại hai chiều. Theo Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, nước này đã thâm hụt thương mại với Nhật Bản gần 200 tỷ USD kể từ khi thiết lập ngoại giao chính thức vào năm 1965. Mức thâm hụt này liên tục mở rộng qua từng năm và ước tính tăng hơn 6 tỷ USD nếu FTA giữa hai nước có hiệu lực [154]. Do chưa có giải pháp khắc phục triệt để, vấn đề thâm hụt thương mại tiếp tục lặp lại và mở rộng hơn trong những năm 2000. Theo báo cáo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), thâm hụt thương mại với Nhật Bản từ 14,7 tỷ USD (2002) đã tăng lên 24,4 tỷ USD (2004) và đạt mức 25,39 tỷ USD (2006). Chỉ riêng trong trong sáu tháng đầu năm 2010, mức thâm hụt này đã đạt mức cao kỷ lục 18,07 tỷ USD cùng với số hàng hóa đăng ký nhập khẩu trị giá 30,9 tỷ USD. Con số này đánh dấu mức thâm hụt lớn nhất với Nhật Bản trong lịch sử trao đổi thương mại hai chiều, thậm chí còn lớn hơn mức thâm hụt cao nhất trước đó 17,13 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2008 [177]. Để giải quyết bài toán thâm hụt thương mại với Nhật Bản, Tổng thống kế nhiệm Lee Myung Bak không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại song phương mà còn nỗ lực duy trì chính sách “phát triển kinh tế mới” của Roh Tae Woo, tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia mới nổi, trong đó có Trung Quốc nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào xuất khẩu của Nhật Bản từ 11,9% (2000) xuống còn 6,0% (2010) [57; tr. 7]. Cam kết tái khởi động đàm phán FTA song phương cũng được Tổng thống Lee Myung Bak và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo (28-6-2009). Có thể thấy, so với chính quyền tiền nhiệm Roh Moo Hyun, Tổng thống Lee Myung Bak từ đầu đã công khai mục tiêu chính sách chiến

72

lược “ngoại giao toàn cầu” và “quan hệ thực dụng” nhằm cộng hưởng tốt hơn với Nhật Bản trên cơ sở lợi ích kinh tế. Nỗ lực của Chính phủ đối với việc xây dựng một cơ chế hợp tác chung, lấy kết quả hợp tác thương mại làm “hạt nhân” cho thấy quyết tâm của Hàn Quốc trong việc nâng tầm quan hệ đối tác giữa hai nước trong thế kỷ XXI. Như vậy, trong thời kỳ 1989 - 2010, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế tập trung chủ yếu vào hai nội dung: Một là, Hàn Quốc tăng cường trao đổi thương mại hai chiều và coi Nhật Bản là đối tác chiến lược chủ chốt ở Đông Bắc Á. Hai là, Hàn Quốc định hướng thu hẹp thâm hụt buôn bán với Nhật Bản thông qua ba giải pháp: Hợp tác kinh tế với Trung Quốc; hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản và thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất. Tuy nhiên, do trình độ kinh tế thấp hơn, lại thực hiện “lồng ghép” cơ chế bảo trợ với mô hình phát triển kinh tế gần giống Nhật Bản nên Hàn Quốc vẫn chưa khắc phục được những hạn chế sau đây: Thứ nhất, cơ cấu thương mại hai nước vẫn đặc trưng bởi tình trạng thâm hụt kinh niên của Hàn Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế của tập đoàn Samsung, từ năm 1980 trở đi, xuất khẩu của Hàn Quốc cứ tăng 1% thì hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản lại tăng 0,96%. Trong năm 2010, dù kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản đã cao hơn 2,2 lần so với năm 1990 nhưng nhập khẩu từ Nhật Bản lại cao hơn đến 3,5 lần. Thứ hai, dù Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến tới đàm phán và thỏa thuận một cơ chế hợp tác chung nhưng ý tưởng về FTA song phương vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi và một FTA chính thức vẫn chưa ra đời. Thực tế là, nếu thực hiện cơ chế thương mại tự do, Hàn Quốc phải xóa bỏ hàng rào thuế quan, mở cửa cho hàng hóa Nhật Bản. Như vậy, thâm hụt thương mại sẽ càng lớn hơn. Ngoài ra, do cơ cấu ngành giữa hai nước hoàn toàn tương tự nhau nên các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc (điện, ô tô, hóa chất) cũng cạnh tranh với Nhật Bản trên thị trường quốc tế. Ở khía cạnh này, FTA trở thành tác nhân kìm hãm thương mại song phương. Thứ ba, kết quả trao đổi mậu dịch đã và đang gánh chịu những tác động bất lợi do vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Do vậy, quy mô thương mại và nỗ lực phát triển kinh tế của cả hai bên cũng bị hạn chế. Dù còn tồn tại một số điểm yếu trong hợp tác kinh tế với Nhật Bản nhưng nỗ lực xúc tiến thương mại của Hàn Quốc vẫn có ý nghĩa thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực. Nhờ có quá trình này, Nhật Bản đã tìm ra thị trường xuất khẩu tiềm năng, còn Hàn Quốc thì tích lũy được kinh nghiệm trong việc định ra

73

các chính sách phù hợp về phát triển nguồn vốn, công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề nhằm khắc phục tình trạng nhập siêu của chính mình.  Về đầu tư Do sự chi phối của yếu tố dân tộc chủ nghĩa và ký ức thuộc địa với Nhật Bản nên hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn còn chậm phát triển. Từ sau khi xác định lĩnh vực này là một trong những động lực thúc đẩy sự ra đời của FTA, Hàn Quốc đã tích cực điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho tương xứng với vị thế kinh tế của hai nước. Theo đó, nhiệm vụ cơ bản trong chính sách kinh tế mới của Hàn Quốc là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản; đồng thời tái đầu tư trở lại thị trường này. Sau thập niên 70 của thế kỷ XX, khởi nguồn từ nhu cầu liên doanh sản xuất và chuyển giao công nghệ, “cơn lốc đầu tư” của Nhật Bản đã đổ bộ vào khu vực Đông Á và đạt được kết quả khá tích cực ở Hàn Quốc. Trong 5 năm đầu của thập niên 1990, lượng đầu tư của Nhật Bản luôn chiếm đến 1/3 tổng số vốn mà nước này dành cho các nước Đông Á [168]. Dựa vào kết quả nói trên, Hàn Quốc đã không chủ động đề ra chính sách nào đáng kể nhằm thu hút các nhà đầu tư láng giềng, nhất là khi quá khứ với Nhật Bản về thời kỳ thuộc địa vẫn chưa hề phai nhạt. Sau khi Kim Young Sam trở thành tổng thống, Hàn Quốc bắt đầu xóa bỏ định kiến về vốn nước ngoài; đồng thời nới lỏng các quy định “hà khắc” về đầu tư gián tiếp và trực tiếp ở Hàn Quốc. Quá trình đầu tư trực tiếp cũng đã được đơn giản hóa khá nhiều trong thời kỳ cầm quyền của ông. Từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á diễn ra, thái độ của Hàn Quốc đối với việc thu hút FDI còn khá thụ động. Lúc này, Chính phủ đã không quan tâm nhiều đến việc loại bỏ những rào cản để thúc đẩy lĩnh vực hợp tác đầu tư với Nhật Bản. Từ sau khi Kim Dae Jung chính thức nắm quyền, Hàn Quốc mới bắt đầu đạt được những bước tiến thực sự trong việc thu hút FDI của Nhật Bản và phát triển FDI của chính mình. Xuất hiện trên chính trường ngay giữa “tâm bão” khủng hoảng tài chính năm 1998, nhà lãnh đạo Kim DaeJung đã xác định thúc đẩy đầu tư nước ngoài là “trục chính” trong chiến lược cải thiện cơ cấu công nghiệp, gia tăng dự trữ ngoại tệ và tạo điều kiện phục hồi kinh tế đất nước. Với nhận thức này, từ tháng 4-1998, chính quyền của ông đã thành lập Trung tâm Dịch vụ Đầu tư Hàn Quốc (KISC) – hoạt động như một “cánh tay đắc lực” cho Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại (KOTRA). Vào tháng 11-1998, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài (FIPA) với nội dung đơn giản hóa các thủ tục và loại bỏ tệ quan liêu trong hợp tác kinh tế. Hàn Quốc cũng cho phép thành lập các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài, cho

74

phép người nước ngoài sở hữu đất đai, vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển thặng dư đầu tư ra bên ngoài và cắt giảm thuế quan. Chính quyền Kim Dae Jung còn tích cực giải quyết tình trạng thất nghiệp, mở rộng mạng lưới quản lý lao động nhằm hỗ trợ đầu tư nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông cũng khá thành công trong việc thay đổi định kiến của người dân đối với hoạt động đầu tư nhờ tạo ra cơ hội việc làm, phát triển kinh tế địa phương và thu hút ngoại hối. Riêng đối với Nhật Bản, thay vì thực hiện chính sách “hạn chế nhập khẩu” của nhà lãnh đạo tiền bối Kim Young Sam, Kim Dae Jung lại chủ trương cân bằng kim ngạch thương mại thông qua chính sách phát triển đầu tư với nội dung: (1) Hỗ trợ phát triển công nghệ cho các ngành cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện cho công nghiệp Hàn Quốc; (2) kêu gọi các công ty trong nước tăng cường xuất khẩu sang Nhật Bản; (3) khuyến khích và thu hút các công ty Nhật Bản đầu tư vào Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện và sản phẩm lắp ráp [81]. Tuy nhiên, nỗ lực điều chỉnh chính sách nhằm thu hút FDI của Hàn Quốc vẫn chưa thu được kết quả đáng kể do suy thoái kinh tế và tình trạng “đóng băng” đầu tư vào khu vực Đông Á từ sau giai đoạn đầu trong chiến lược toàn cầu của Nhật Bản. Bên cạnh đó, các công ty của Nhật cũng ít quan tâm đến thị trường Hàn Quốc do những yếu tố thu hút đầu tư như dân số đông, nhân công rẻ, nguyên liệu thô phong phú, rủi ro thấp… Hàn Quốc hầu như không thể đáp ứng được. Thực tế này làm cho chính sách thu hút đầu tư của Hàn Quốc chỉ nhận được kết quả giảm sút FDI từ mức 20% (đầu thập niên 1990) xuống còn 8% (cuối thập niên 1990). Kết quả trên khá tương phản với nỗ lực tái đầu tư vào Nhật Bản của các công ty Hàn Quốc (từ đầu năm 1980 đến tháng 9-1999) với số vốn 540 triệu USD, trong đó khoản đầu tư hằng năm trị giá 100 triệu USD vẫn được Hàn Quốc duy trì đến trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á [76; tr. 133]. Để giảm bớt sự chênh lệch này, Kim Dae Jung đã lựa chọn giải pháp gia tăng số lượng các công ty Hàn Quốc trở thành đối tác kinh tế với Nhật Bản; đồng thời kêu gọi các công ty Nhật Bản thành lập khu công nghiệp chuyên biệt về linh kiện và nguyên liệu thô nhằm nâng cao trình độ sản xuất công nghiệp trong nước và thu hẹp thâm hụt thương mại kinh niên của Hàn Quốc. Với sự chuyển hướng này, ngay từ năm 2000, Hàn Quốc đã thu hút nguồn FDI trị giá 1.074 triệu USD từ Nhật Bản trong tổng số 15,7 tỷ USD FDI của Nhật Bản ra nước ngoài [166]. Năm 2003, trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh hai nước với chủ đề: “Xây dựng nền tảng hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc hướng tới một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á”, Tổng thống Roh Moo Hyun đã cam kết mở rộng

75

hoạt động đầu tư với Nhật Bản bằng việc tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua quá trình ký kết Hiệp định Đầu tư song phương; đồng thời đẩy nhanh hơn nữa sự ra đời của Hiệp định này [174]. Theo định hướng đó, ngay sau khi Hiệp định đầu tư giữa hai nước chính thức có hiệu lực, nguồn vốn của Nhật Bản đổ vào Hàn Quốc liên tục tăng mạnh, đạt 333 triệu USD (2003), 771 triệu USD (2004) và chạm ngưỡng 1.736 triệu USD (2005) [166].Vượt qua sự sụt giảm FDI trong hai năm 2006, 2007 và cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Hàn Quốc (sau Mỹ và EU) với nguồn vốn tích lũy đạt 13,3 tỷ USD từ cuối năm 2003. Trong thời kỳ Roh Moo Hyun nắm quyền, 26 công ty Nhật Bản trong tổng số 56 công ty nước ngoài đã đầu tư 456 triệu USD vào ba tỉnh: Gyeonggi, Chungcheong và Paju của Hàn Quốc nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử của Samsung Electronics và LG Electronics. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết hợp tác với JAFCO châu Á (công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản) để lập quỹ hợp tác đầu tư 50 triệu USD dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc. Từ sau khi Lee Myung Bak kế nhiệm Roh Moo Hyun, lĩnh vực đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển ở cả hai chiều. Với việc đưa “chủ nghĩa thực dụng” vào trong chính sách kinh tế, cụ thể là xúc tiến đầu tư với Nhật Bản để điều tiết cán cân thương mại, các công ty Hàn Quốc đã mạnh dạn đưa vốn ra bên ngoài để mở rộng mạng lưới sản xuất. Quá trình này đã thúc đẩy FDI của Hàn Quốc lên mức 279 triệu USD (2008), 255 triệu USD (2009) và 274 triệu USD (2010) [166]. Mặc dù nguồn vốn này còn khá khiêm tốn so với mức đầu tư trung bình hơn 1.500 triệu USD của Nhật Bản (2008 - 2010) nhưng nó cũng cho thấy sự biến chuyển to lớn trong tư duy kinh tế của Hàn Quốc, từ chỗ mở rộng đầu tư sang Mỹ, các nước châu Âu và Trung Quốc sang đầu tư vào thị trường Nhật Bản. Rõ ràng, so với lĩnh vực thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển (đối với Nhật Bản) và giai đoạn thăm dò (đối với Hàn Quốc). Do sự chi phối của đặc điểm này, FDI của Nhật Bản dành cho Hàn Quốc vẫn chưa thể bù đắp được khoản thâm hụt thương mại còn quá lớn giữa hai nước. Trong tương lai, mức độ ổn định và tốc độ tăng trưởng FDI của Nhật Bản vẫn phụ thuộc rất lớn vào Hàn Quốc, đặc biệt là chính sách của nước này trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Do vậy, để có được bước đột phá trong thu hút FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc cần vượt qua tâm lý thù hận về quá khứ cai trị thực dân với quốc gia láng giềng để tiến tới xây dựng một môi trường đầu tư cởi mở, công bằng và thân thiện. Những rào cản từ

76

các vấn đề nổi cộm như: Tranh chấp lao động trong các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc, áp đặt mức thuế 8% đối với linh kiện nhập khẩu từ Nhật Bản… cũng cần sớm được khắc phục nhằm tạo tính “ổn định” trong chính sách thu hút đầu tư và gây dựng lòng tin cho nỗ lực tái đầu tư của Hàn Quốc. Đây là việc làm cần thiết nhằm “định hướng” Nhật Bản tập trung hợp tác đầu tư với Hàn Quốc thay vì chuyển hướng sang Trung Quốc – thị trường tiềm năng của Nhật Bản ngay từ đầu thế kỷ XX. 2.2.2. Đối với Trung Quốc Hợp tác kinh tế được coi như “sợi dây” ràng buộc và gắn kết quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả chính trị và văn hóa. Ý thức rõ điều đó, từ sau Chiến tranh lạnh, dưới tác động của bối cảnh hội nhập khu vực sâu rộng và kết quả đổi mới – mở cửa ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách trên lĩnh vực hợp tác này và tạo ra sự bùng nổ chưa từng có trong kết quả trao đổi thương mại và xúc tiến đầu tư giữa hai nước.  Về thương mại Trên cơ sở những tiến bộ trong quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc từ thời Tổng thống Chun Doo Hwan, người kế nhiệm Roh Tae Woo đã tiến thêm một bước trong việc thúc đẩy giao lưu buôn bán thông qua chính sách “Ngoại giao phương Bắc”. Với chủ trương lấy lợi ích kinh tế “mở đường” cho ngoại giao, Roh Tae Woo đã thuyết phục Đặng Tiểu Bình thiết lập quan hệ buôn bán với Hàn Quốc. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước xóa bỏ giao dịch song phương gián tiếp (thông qua Hồng Kông) kể từ năm 1975, tiến đến đạt kim ngạch thương mại trực tiếp 3,5 tỷ USD vào năm 1990 - vượt qua cả lợi nhuận kinh doanh giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên là 480 triệu USD [127; tr. 68]. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào thành quả chính trị của chính sách “Ngoại giao phương Bắc” (về tiếp cận các nước XHCN) của Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo kết hợp với kinh nghiệm lịch sử (về quan điểm cải cách, đổi mới kinh tế và mở cửa đất nước) của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Xác định đa dạng hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc là con đường ngắn nhất giúp Hàn Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào hai đối tác kinh tế Mỹ và Nhật Bản, Tổng thống Roh Tae Woo ngay từ đầu đã nỗ lực tạo ra những điều kiện thuận lợi trong trao đổi buôn bán hai chiều. Từ sau khi văn phòng đại diện của Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc (CCOIC) được khai trương tại Bắc Kinh và Seoul (1991), Roh Tae Woo tiếp tục đạt được bước tiến mới về thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại; Hiệp định thành lập

77

Ủy ban Hỗn hợp kinh tế, thương mại và kỹ thuật với Trung Quốc (1992), đồng thời chủ động tuyên bố sẵn sàngtrao đổi và hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, trước hết là kinh tế [64; tr. 343-344]. Trong Thông cáo chung với Chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn (30-9-1992), Tổng thống Roh Tae Woo khẳng định: “Hàn Quốc sẽ cùng với Trung Quốc thúc đẩy trao đổi thương mại song phương và duy trì hợp tác trong các tổ chức khu vực, điển hình là APEC vì tăng cường hợp tác kinh tế ở Đông Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương hoàn toàn có lợi cho sự phát triển và thịnh vượng chung giữa các quốc gia” [64; tr. 343-344]. Mong muốn thúc đẩy toàn diện và sâu sắc hơn các kết quả hợp tác kinh tế Hàn - Trung của Tổng thống Roh Tae Woo đã được chính quyền Dương Thượng Côn hưởng ứng bằng việc“đưa ra quy chế tối huệ quốc dành cho Hàn Quốc và quy định giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này từ 5% đến 30%” ngay trong Hiệp định Thương mại (1992) [132]. Nhờ có thể chế thuận lợi và cơ sở pháp lý rõ ràng, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử từ 6,4 tỷ USD (1992) lên 10 tỷ USD (1994) và 20 tỷ USD (1996) [51; tr. 2]. Cho đến tận thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á, mậu dịch song phương giữa hai nước vẫn tăng bình quân 20% mỗi năm và đạt 23,7 tỷ USD vào năm 1997 [17]. Trong giai đoạn Tổng thống Kim Dae Jung nắm quyền (1998 - 2003), Hàn Quốc định hướng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc để bước vào thế kỷ XXI vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc, vì sự ổn định và phát triển ở Đông Bắc Á [18]. Do đó, so với các đối tác truyền thống (Mỹ và Nhật Bản), hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả hơn. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 20% mỗi năm và vượt quá 40 tỷ USD vào năm 2002. Nhờ kim ngạch xuất khẩu gia tăng liên tục, kinh tế Hàn Quốc đã sớm phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển ổn định từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Với việc chiếm thị phần ngày càng lớn trong trao đổi xuất – nhập khẩu hai chiều, Trung Quốc thậm chí còn làm lu mờ vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế Hàn Quốc khi trở thành đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này vào năm 2003 (chiếm 18,1% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài của Hàn Quốc). Về phần mình, cũng trong năm này, Hàn Quốc là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Trung Quốc (xếp sau Mỹ, EU, Hồng Kông, Nhật Bản và ASEAN).

78

Bảng 2.1. Thị phần xuất - nhập khẩu của Hàn Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc (các năm được chọn) Đơn vị: % Xuất khẩu Nhập khẩu Năm Mỹ Nhật Bản Trung Quốc Mỹ Nhật Bản Trung Quốc 1991 25,8 17,2 1,4 23,2 25,9 4,2 1996 16,7 12,2 8,8 22,2 20,9 5,7 2000 21,8 11,9 10,7 18,2 19,8 8,0 2001 20.7 11 12,1 15,9 18,9 9,4 2002 20,2 9,3 14,6 15,1 19,6 11,4 2003 17,7 8,9 18,1 13,9 20,3 12,3 2004 16,9 8,5 19,6 12,8 20,6 13,2 2005 14,5 8,4 21,8 11,7 18,5 14,8 2006 13,3 8,2 21,3 10,9 16,8 15,7 2007 12,3 7,1 22,1 10,4 15,8 17,7 2008 11,0 6,7 21,7 8,8 14 17,7 2009 10,4 6 23,9 9,0 15,3 16,8 2010 10,7 6 25,1 9,5 15,1 16,8 Nguồn: Bank of Korea, Economic Statistics System (2010) Từ năm 2004 đến năm 2005, tổng khối lượng trao đổi thương mại song phương đã tăng thêm 26,6% từ 79,4 tỷ USD lên 100,5 tỷ USD với thặng dư thương mại thuộc về Hàn Quốc lần lượt là 20 tỷ USD và 24 tỷ USD [105; tr. 56]. Chính vì điều này, Trung Quốc đã liên tục phát sinh thâm hụt thương mại và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc từ năm 2003 (xem bảng 2.1). Thực chất, vấn đề thâm hụt thương mại của Trung Quốc đã xuất hiện từ năm 1993 (ở mức 1,22 tỷ USD) và liên tục mở rộng do quy mô giao dịch giữa hai nước ngày càng lớn. Tuy nhiên, phải đến thời hai tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, vấn đề này mới trở thành nội dung chính trong hợp tác kinh tế Hàn – Trung và được đưa vào Tuyên bố chung (1998) với quan điểm: “Hàn Quốc ghi nhận sự mất cân đối trong cán cân thương mại hai chiều và nỗ lực hạn chế sự chênh lệch này thông qua việc mở rộng toàn diện buôn bán song phương với Trung Quốc” [18]. Với cam kết áp dụng các biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy buôn bán song phương và cân bằng kim ngạch thương mại, chính quyền Kim Dae Jung đã đề xuất ý tưởng thành lập “Cơ quan tư vấn thường trực về các vấn đề kinh tế” nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt “kinh niên” của Trung Quốc. Ngày 10-4-2007,

79

trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Phủ Chủ tịch Cheong Wa Dae (Seoul), Tổng thống Roh Moo Hyun cũng nêu rõ ba định hướng quan trọng trong hợp tác kinh tế chung, theo đó Hàn Quốc: “Một là, sẵn sàng hợp tác để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại của Trung Quốc và cam kết giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này; hai là, tái khẳng định mong muốn cùng Trung Quốc đạt kim ngạch thương mại song phương 200 tỷ USD vào năm 2012; ba là, tích cực nghiên cứu tính khả thi của Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước” [106; tr. 68]. Đây đồng thời cũng là ba nội dung chủ yếu trong chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Roh Moo Hyun và Lee Myung Bak trên lĩnh vực kinh tế. Với nỗ lực gia tăng khối lượng mậu dịch hai chiều để điều tiết cán cân thương mại và tiến tới đàm phán ký kết FTA, kim ngạch thương mại song phương đã được thúc đẩy lên mức 159,89 tỷ USD vào năm 2007 (gấp 30 lần so với năm 1992) và đạt 186 tỷ USD vào năm 2008 (tăng bình quân hằng năm 28% kể từ năm 1992). Thâm hụt thương mại của Trung Quốc cũng giảm từ 47,7 tỷ USD (2007) còn 38,2 tỷ USD (2008) [59; tr. 661]. So với Tổng thống Roh Moo Hyun, Lee Myung Bak ngay từ đầu đã coi việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và nâng cấp kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình. Ý thức tầm quan trọng của Trung Quốc từ sau cuộc khủng hoảng khu vực và kết cục suy giảm của nền kinh tế Mỹ từ đầu năm 2008, ngay sau khi trúng cử tổng thống, Lee Myung Bak đã khẳng định với đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc“nâng cấp quan hệ kinh tế Hàn – Trung vì Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc” [131]. Mong muốn nói trên của Lee Myung Bak hoàn toàn xuất phát từ thực tế Hàn Quốc đang phụ thuộc ngày càng chặt chẽ vào thị trường tiêu thụ hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn số một, chiếm đến 22% tổng kim ngạch ngoại thương trị giá gần 700 tỷ USD. Trung Quốc còn là đối tác mang lại nguồn thặng dư thương mại hằng năm khoảng 20 tỷ USD cho Hàn Quốc trong bối cảnh nước này vẫn nhập siêu với hầu hết các bạn hàng, điển hình như Nhật Bản. Lợi ích thiết thực từ việc củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã định hướng Lee Myung Bak tập trung vào hai vấn đề: Một là, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương; hai là, xúc tiến đàm phán và ký kết FTA với Trung Quốc. Về vấn đề gia tăng mậu dịch hai chiều, ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàn – Trung (12-2008), Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết tăng cường sản xuất và trao đổi thương mại song phương nhằm duy trì sự thịnh vượng chung ở Đông Bắc Á, trong đó

80

nội dung cơ bản nhất là hai nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu và đưa ra sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực [149]. Nỗ lực gắn kết quan hệ với Trung Quốc không chỉ mang lại sự phục hồi nhanh chóng cho Hàn Quốc mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển đến đỉnh cao sau khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc (chiếm khoảng 22% xuất khẩu và 18% nhập khẩu vào năm 2008 - bảng 2.1). Ngược lại, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và là nước nhận nhập khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc với thặng dư thương mại gần 32,5 tỷ USD (2009). Từ thành công này, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (28-5-2010), Tổng thống Lee Myung Bak đã chủ động đề nghị: “Hai nước tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, cụ thể hóa các nguyên tắc hợp tác thương mại trung và dài hạn, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các lĩnh vực hợp tác thương mại mới để tương xứng với vị thế quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” [157]. Kết quả gia tăng mậu dịch hai chiều không chỉ phản ánh qua con số kim ngạch thương mại đột phá ở mức 180 tỷ USD (2010) [102] mà còn biểu hiện qua nỗ lực chung của cả hai nước trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008), việc điều tiết cán cân xuất – nhập khẩu và phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Về vấn đề xúc tiến đàm phán và ký kết FTA với Trung Quốc, từ tháng 11-2004, hai nước đã công bố khả năng nghiên cứu FTA song phương trên cơ sở thỏa thuận giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Roh Moo Hyun trong các cuộc họp cấp cao tại Hội nghị APEC (Santiago – Chile). Việc nghiên cứu (không chính thức) về FTA Hàn - Trung cũng được bắt đầu từ năm 2005. Sau khi Hiệp định thương mại tự do Hàn – Mỹ (KORUS FTA) được ký kết vào ngày 30-6-2007, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA với Hàn Quốc. Về phần mình, trong Tuyên bố chung Trung - Hàn (28-5-2008), Tổng thống Lee Myung Bak đã nêu rõ quan điểm: (1) Hoan nghênh tiến độ mau lẹ của các nghiên cứu chung về FTA Hàn Quốc - Trung Quốc do các cơ quan của hai Chính phủ thống nhất xây dựng và tiếp tục nghiên cứu các FTA song phương cùng có lợi; (2) điều chỉnh và bổ sung vào báo cáo nghiên cứu chung về kế hoạch phát triển trung và dài hạn hợp tác thương mại Hàn Quốc - Trung Quốc do các nhà lãnh đạo hai nước đề ra từ năm 2005 nhằm tạo ra những bước phát triển mới về hợp tác kinh tế; (3) tích cực hợp tác với Trung Quốc để từng bước đạt được sự cân bằng trong kim ngạch thương mại song phương. Đối với Hiệp định lần này, Lee Myung Bak khẳng định: “Hàn Quốc sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để duy trì trao đổi cấp cao và đối thoại chính trị nhằm nâng cao hơn nữa thương mại song

81

phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng FTA” [160]. Thông điệp này đã được Tổng thống Lee nhắc lại lần thứ ba trong cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (27-6-2010) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ IV (Toronto – Canada) với tuyên bố: “Càng sớm càng tốt, Hàn Quốc mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và hội nhập kinh tế ở Đông Á” [176]. Vốn là nền kinh tế theo định hướng thương mại, từ sau Chiến tranh lạnh đến thập niên đầu thế kỷ XXI, Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế nhằm tận dụng triệt để ba điều kiện thuận lợi: (1) Sự gần gũi về địa lý; (2) nỗ lực xây dựng Cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á bằng Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản, trong đó Hàn Quốc đóng vai trò trụ cột; (3) khả năng bổ sung giữa hai nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới nhờ kết hợp tài nguyên và lực lượng lao động giá rẻ của Trung Quốc với công nghệ, trình độ quản lý của Hàn Quốc. Nhờ thực hiện nhất quán ba nội dung cơ bản trong chính sách kinh tế với Trung Quốc (thúc đẩy kim ngạch thương mại; cân đối cán cân xuất – nhập khẩu và xúc tiến ký kết AFTA) trong hơn hai thập niên, Hàn Quốc đã tìm được đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất, nước nhập khẩu nhiều nhất với nguồn thặng dư thương mại cao nhất cho mình. Đây là tiền đề quan trọng để Hàn Quốc tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc trong thế kỷ XXI.  Về đầu tư Từ năm 1985 đến năm 1987, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc chủ yếu được thực hiện gián tiếp thông qua các công ty có trụ sở ở các nước thứ ba. Hai trường hợp đầu tư trực tiếp đầu tiên được thực hiện vào năm 1988, nhanh chóng gia tăng từ 12 dự án trị giá 9,8 tỷ USD (1989) lên 112 dự án trị giá 85 triệu USD (1990). Cuối năm 1991, đầu tư của Hàn Quốc ở Trung Quốc đã chiếm 11,4% tổng số dự án và 3,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc với 181 dự án trị giá 165 triệu USD. Bên cạnh đó, các dự án liên doanh cũng được các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc xúc tiến, trong đó có ba dự án của Daewoo đầu tư xây dựng một nhà máy xe hơi ở Phúc Châu, một liên doanh khai thác mỏ than ở Sơn Tây và một dự án xây dựng nhà máy điện ở Nam Kinh. Tập đoàn LG cũng gửi một phái đoàn đến Trung Quốc để thảo luận về chương trình đầu tư sản xuất thiết bị điện tử và hóa chất. Sau khi hai nước ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư (30-9-1992), ngày càng nhiều các công ty Hàn Quốc coi Trung Quốc là điểm đến ưa thích về đầu tư nước ngoài. Cho đến năm 1996, Hàn Quốc đầu tư 1.568 triệu USD với 874 dự án chủ

82

yếu tập trung ở các tỉnh Thiên Tân, Sơn Đông, Liêu Ninh và Thượng Hải. Cuối tháng 6-1998, Trung Quốc trở thành thị trường đầu tư trực tiếp lớn thứ hai khi nhận được 4.800 dự án trị giá 5,9 tỷ USD từ Hàn Quốc. Cuối tháng 9-1998, các nhà thầu Hàn Quốc đã ký kết 80 hợp đồng xây dựng với Trung Quốc có tổng trị giá 4,1 tỷ USD. Về phần mình, Hàn Quốc cũng nỗ lực thu hút FDI từ nước bạn và trở thành đối tượng đầu tư lớn thứ 7 của Trung Quốc [17]. Trong thời gian Kim Dae Jung nắm quyền (1998 - 2003), Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đầu tư ra bên ngoài để kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và đẩy nhanh quá trình nâng cấp cơ cấu lao động. Nhờ sự gần gũi về địa lý, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định cộng với lực lượng lao động đông đảo giá rẻ và nguồn tài nguyên dồi dào, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành điểm đầu tư số một của Hàn Quốc trong những năm 2000 [156]. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc chủ yếu ở khu vực Đông Bắc, bao gồm Sơn Đông, Cát Lâm và Liêu Ninh nhằm phát triển các sản phẩm dệt may, thiết bị điện tử, ô tô, máy móc viễn thông. Đầu tư vào Trung Quốc đạt mức 27,2 tỷ USD (2002) và chiếm gần 50% FDI của Hàn Quốc (2003). Trong năm 2004, Hàn Quốc đã vượt qua nhiều nước trên thế giới (trong đó có Nhật Bản) về kết quả đầu tư vào Trung Quốc với số vốn 6,25 tỷ USD, hơn 22.000 công ty Hàn Quốc có cơ sở sản xuất ở nước này với trung bình 12 khoản đầu tư mới mỗi ngày. Trong chiến lược xuất khẩu tư bản sang châu Á, các tập đoàn kinh doanh lớn của Hàn Quốc (Chaebol) cũng xác định Trung Quốc là địa bàn trọng điểm của mình. Trong năm 2005, Hàn Quốc đã tập trung đầu tư hơn 30.000 công ty chi nhánh của Chaebol [36; tr. 97]. Tại Trung Quốc, Chaebol Hyundai chủ yếu phát triển công nghiệp chế tạo phụ tùng ô tô và container. Daewoo liên doanh với Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử và kính xây dựng; tập đoàn năng lượng SK phát triển sản xuất các thiết bị viễn thông; Samsung và LG đầu tư vào công nghiệp điện dân dụng. Cuối năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập hơn 30.000 doanh nghiệp ở Trung Quốc với vốn 35 tỷ USD, riêng tập đoàn điện tử Samsung đã chi hơn 5 tỷ USD để phát triển hoạt động kinh doanh chiếm tới gần 50% dịch vụ trên toàn cầu của hãng [14]. Trong Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc (28-5-2008), Tổng thống Lee Myung Bak đã“hoan nghênh việc sửa đổi và ban hành Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Trung Quốc với Hàn Quốc; đồng thời thống nhất quan điểm Hiệp định nhằm bảo vệ và mở rộng đầu tư hai chiều, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh doanh đôi

83

bên cùng có lợi” [175]. Trong bản Tuyên bố này, Lee Myung Bak vận động các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Trung Quốc thông qua các hoạt động kinh tế thường niên giữa hai nước như: Triển lãm và xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hội chợ quốc tế Trung Quốc. Các tập đoàn lớn như LG và Samsung cũng đã nhận thấy cơ hội kinh doanh từ các sự kiện Olympic Bắc Kinh (2008) và World Expo (2010) ở Thượng Hải. Tại Hội nghị Ủy ban Hợp tác đầu tư Hàn Quốc – Trung Quốc lần thứ VI ở Bắc Kinh (23-11-2009), Bộ trưởng Kinh tế Hàn Quốc (kiêm Chủ tịch Ủy ban Hợp tác đầu tư hai nước) Choi Kyung Hwan đã“kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư tại Hàn Quốc, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực: Thương mại điện tử, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tận dụng lợi thế so sánh của Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không, hàng không vũ trụ và khoa học đời sống nhằm tăng cường kết quả hợp tác giữa hai nước” [92]. Theo định hướng này, tích lũy đầu tư của Hàn Quốc đã lên tới 37,6 tỷ USD với 30.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh tại Trung Quốc (2008). Nhờ số vốn 28,8 tỷ USD FDI của Hàn Quốc ở Trung Quốc (2003 - 2010), mạng lưới thương mại và sản xuất của hai nền kinh tế đã không ngừng được mở rộng, quan hệ song phương cũng vì thế trở nên sâu sắc hơn. Kết quả này cho thấy hiệu quả chính sách của Hàn Quốc trên lĩnh vực kinh tế nhằm tối ưu hóa vai trò đối tác chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. 2.2.2.3. Đối với CHDCND Triều Tiên Khác với Nhật Bản và Trung Quốc, hoạt động trao đổi - hợp tác kinh tế liên Triều không chỉ tạo ra lợi ích cho cả hai bên mà còn tác động đến tư duy mở cửa, đổi mới của miền Bắc, xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tích cực góp phần vào sự nghiệp thống nhất liên Triều. Với sự điều chỉnh nội dung hợp tác trong chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển đầy đột phá.  Về thương mại Sau khi bán đảo Triều Tiên hình thành hai quốc gia độc lập, CHDCND Triều Tiên chủ trương xây dựng nền kinh tế định hướng XHCN trong khi đó Hàn Quốc lại phát triển nền kinh tế thị trường TBCN. Do sự khác biệt này, trao đổi thương mại giữa hai bên hầu như bị gián đoạn trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ý tưởng hợp tác kinh tế liên Triều chỉ được đề xuất lần đầu tiên trong biên bản “Hiệp định về thực hiện hợp tác thương mại và kinh tế của Ủy ban kinh tế chung Nam – Bắc” (20-6-1985) do Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ký kết tại Bàn Môn Điếm [61; tr. 16]. Tuy nhiên,

84

quá trình hợp tác kinh tế chung giữa hai miền gắn liền với những lĩnh vực quan trọng như: Chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội đã không được thực hiện đúng như cam kết. Khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo đơn phương đưa ra “Tuyên bố đặc biệt về quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (07-7-1988) với chính sách “mở cửa buôn bán liên Triều, coi đây là buôn bán trong nước, trong phạm vi cộng đồng dân tộc” [130; tr. 627-630] thì thương mại gián tiếp (thông qua nước thứ ba) giữa hai bên mới bắt đầu hình thành. Theo định hướng của chính sách “Ngoại giao phương Bắc”, các giải pháp xúc tiến thương mại đã được ban hành, trong đó bao gồm “Luật hải quan hợp tác liên Triều” và “Luật về quỹ hợp tác liên Triều” (01-8-1990). Nhờ có nền tảng pháp lý rõ ràng, hai bên từng bước mở rộng hoạt động trao đổi kinh tế trong lĩnh vực dân sự, tuy nhiên kết quả hợp tác ban đầu còn khá khiêm tốn, chỉ dưới 20 triệu USD trong cả hai năm 1989 và 1990 [111; tr. 108]. Từ sau khi Hiệp định cơ bản Nam – Bắc (“Hiệp định về hòa giải, không xâm lược, trao đổi và hợp tác”) được ký kết giữa Thủ tướng Hàn Quốc Chung Won Shik và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDCND Triều Tiên Yon Hyong Muk (1991), thương mại hai chiều mới thực sự có bước đột phá. Những nội dung cơ bản liên quan đến thương mại liên Triều 4 được quy định trong Chương III của Hiệp định (Hợp tác và Trao đổiNam – Bắc)3F [107; tr. 204] tạo điều kiện cho hai nước cùng tăng cường, thúc đẩy giao lưu buôn bán. Các sản phẩm trao đổi lúc bấy giờ chủ yếu là nguyên liệu thô, nông sản (xuất khẩu

4Chương III (Hợp tác và Trao đổi hai miền Nam – Bắc): Bao gồm 9 Điều khoản (Điều 15-Điều 23) Điều 15. Để thúc đẩy sự phát triển hội nhập, bình đẳng của kinh tế quốc gia và sự thịnh vượng của dân tộc, hai bên cam kết trao đổi - hợp tác kinh tế, bao gồm việc phát triển chung các nguồn lực, thương mại hàng hóa cũng như thương mại nội địa và liên doanh. Điều 16. Hai bên thực hiện giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Khoa học và công nghệ, giáo dục, văn học và nghệ thuật, y tế, thể thao, môi trường, xuất bản và báo chí bao gồm các ấn phẩm báo in, phát thanh và phát sóng truyền hình. Điều 17.Hai bên thúc đẩy hoạt động du lịch và tiếp xúc liên Triều dành cho công dân hai nước. Điều 18.Hai bên cho phép trao đổi thư từ, gặp mặt và thăm viếng thành viên của những gia đình ly tán; khuyến khích việc đoàn tụ tự nguyện của các gia đình ly tán và có biện pháp giải quyết các vấn đề nhân quyền khác. Điều 19. Hai bên nối lại các tuyến đường sắt, đường bộ bị phá hủy; mở lại tuyến vận tải đường biển và đường hàng không Nam – Bắc. Điều 20. Hai bên thiết lập và kết nối các phương tiện cần thiết cho dịch vụ bưu chính và viễn thông Nam – Bắc; đảm bảo bảo mật thư điện tử và điện báo. Điều 21. Hai bên hợp tác kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác trên trường quốc tế; gắn kết quan hệ với nước ngoài Điều 22. Để thực hiện Hiệp định về Trao đổi và Hợp tác kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác, hai bên cần sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp đối với từng lĩnh vực cụ thể, bao gồm: Ủy ban chung về Trao đổi và Hợp tác kinh tế liên Triều (trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận này). Điều 23. Thành lập Ủy ban Trao đổi và Hợp tác liên Triều trong khuôn khổ đối thoại cấp cao Nam – Bắc trong vòng 1 tháng kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực nhằm thảo luận về các biện pháp cụ thể, đảm bảo việc thực hiện và tuân thủ Hiệp định về trao đổi và hợp tác Nam-Bắc.

85

sang Hàn Quốc) và dệt may, hóa chất (xuất khẩu sang CHDCND Triều Tiên). Quá trình hợp tác nói trên đã đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt ngưỡng 100 triệu USD vào năm 1991, tăng gần gấp 6 lần so với thời điểm năm 1989 (xem biểu đồ 2.1). Biểu đồ 2.1. Trao đổi thương mại liên Triều (1989 - 2000)

450 ĐƠN VỊ: TRIỆU USD 425 400

350 333 287 308 300

250 187 252 222 200 173 195 150 111 100

50 19 13 0 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 Nguồn: Ministry of Unification, Republic of Korea (2001), White Paper on Korean Unification, p. 109. Tháng 3-1993, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT và đe dọa làm gián đoạn hợp tác thương mại giữa hai nước. Tuy vậy, khi các cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân vào ngày 21-10-1994 thì Hàn Quốc lại nhanh chóng mở rộng mậu dịch hai chiều. Chính phủ nước này đã công bố “các biện pháp xúc tiến hợp tác kinh tế liên Triều” (09- 11-1994) nhằm mục đích mở cửa kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Đáng tiếc là, do sự chuyển hướng của chính sách “Ngoại giao mới” với việc coi Bắc Triều Tiên là kẻ thù quân sự, nhà cầm quyền Kim Young Sam liên tục đưa ra cảnh báo cắt đứt quan hệ thương mại, kiểm soát gắt gao các chuyến viếng thăm của doanh nghiệp hai nước và hạn chế thành lập văn phòng chi nhánh của các công ty Hàn Quốc trênlãnh thổ phía Bắc. Vì lý do này, kim ngạch song phương thường xuyên biến động và có xu hướng tăng giảm thất thường. Trong giai đoạn 1993 - 1997, thương mại liên Triều có mức suy giảm đột ngột: 252 triệu USD (1996) và mức tăng phục hồi: 308 triệu USD (1997). Hợp tác buôn bán liên Triều bắt đầu gia tăng liên tục và ổn định kể từ khi Kim Dae Jung lên nắm quyền và thực hiện chính sách “Ánh dương” với phương châm gần gũi, hòa giải và hợp tác với CHDCND Triều Tiên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó kinh tế đóng vai trò “trụ cột”. Logic của chính sách này là thông qua quá trình hợp tác

86

thương mại, hai miền Nam – Bắc có thể tạo dựng lòng tin, giảm đối đầu quân sự trên chiến tuyến cuối cùng của Chiến tranh lạnh. Cùng với việc bãi bỏ lệnh cấm trao đổi thương mại, du lịch tại khu vực phi quân sự, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 02- 1998, Kim Dae Jung đã điều chỉnh chính sách kinh tế với CHDCND Triều Tiên theo ba nguyên tắc: (1) Tách biệt kinh tế với chính trị, (2) hợp tác trên cơ sở nhu cầu thị trường, (3) hợp tác trên cơ sở quyền lợi của các bên tham gia [61; tr. 16]. Định hướng đưa kinh tế thoát khỏi sự chi phối của chính trị vốn xuất phát từ thực tế quan hệ thương mại liên Triều liên tục bị kìm hãm hoặc gián đoạn do vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Rút kinh nghiệm từ hạn chế này, Kim Dae Jung chủ trương sẽ nâng cao kết quả và tính ổn định của hợp tác liên Triều bất chấp căng thẳng quân sự ở trong và ngoài khu vực. Để chứng tỏ thiện chí “cùng hợp tác, cùng phát triển”, Kim Dae Jung đưa ra bốn phương châm trong chính sách kinh tế đối với miền Bắc, bao gồm: (1) Vấn đề dễ làm trước, vấn đề khó làm sau; (2) Kinh tế trước, chính trị sau; (3) các tổ chức phi chính phủ trước, chính phủ sau; (4) cho trước, nhận sau [47; tr. 519]. Với đường lối hợp tác ôn hòa và đầy nhân nhượng, Kim Dae Jung đã chứng tỏ quyết tâm cùng thúc đẩy và phát triển nền kinh tế quốc dân với CHDCND Triều Tiên theo “Tuyên bố chung Nam – Bắc” (2000) bằng việc ký kết các Hiệp định về bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần [111; tr. 205-206]. Hai bên còn dành cho nhau Quy chế tối huệ quốc (MFN) nhằm giúp cho các doanh nghiệp hoạt động ở cả hai miền với điều kiện thanh khoản thuận tiện tại các ngân hàng. Kết quả này phản ánh bước tiến đáng kể của hoạt động thương mại liên Triều dưới tác động chính sách hòa giải và hợp tác của Kim Dae Jung. Bảng 2.2. Kim ngạch thương mại liên Triều (2001 - 2010) Đơn vị: triệu USD Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Nhập 176 272 289 258 340 520 765 932 934 1.044 khẩu Xuất 227 370 435 439 715 830 1.032 888 745 868 khẩu Tổng 403 642 724 697 1.055 1.350 1.797 1.820 1.679 1.912 Nguồn: Ministry of Unification, Republic of Korea, White Paper on Korean Unification (2010; 2013)

87

Theo số liệu thống kê của bảng 2.2, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng thêm 239 triệu USD (2001 - 2002) cùng với mức tăng tương ứng của nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 96 triệu USD và 143 triệu USD. Đầu năm 2003, Chính phủ kế nhiệm Roh Moo Hyun tuyên bố thực hiện chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” trên cơ sở kế thừa thành tựu của “Ánh dương” với mục tiêu trọng tâm là tăng cường giao lưu kinh tế liên Triều. Theo đó, Hàn Quốc đã vận động CHDCND Triều Tiên thực hiện Thông cáo 9 điểm về xúc tiến hợp tác liên Triều với nội dung“nhanh chóng chuyển đổi hình thức giao dịch và gia công hàng hóa giữa hai miền từ gián tiếp sang trực tiếp” [26]. Hai bên còn tiến tới thiết lập đường dây liên lạc xuyên biên giới lần đầu tiên về các vấn đề thương mại kể từ sau khi hai miền chia cắt (1953). Hàng loạt giải pháp mới đã thúc đẩy kết quả buôn bán tăng trưởng theo cấp số nhân. Nếu năm 2003, kim ngạch thương mại liên Triều ở mức 720 triệu USD thì đến thời điểm 2007, con số này là gần 1,8 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần trong vòng bốn năm (bảng 2.2). Hàn Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của CHDCND Triều Tiên (chỉ xếp sau Trung Quốc) với khối lượng hàng hóa trao đổi song phương chiếm tới một phần tư tổng kim ngạch thương mại của miền Bắc. Bước tiến vượt bậc trong buôn bán hai chiều không chỉ góp phần xoa dịu những bất đồng về an ninh – chính trị song phương mà còn làm hồi sinh nền kinh tế suy nhược của CHDCND Triều Tiên. Liên tục trong 5 năm (2000 - 2005), GDP của miền Bắc luôn đạt mức tăng trưởng dương, trung bình 2,2% mỗi năm, chỉ số GNP cũng tăng trưởng từ 2% đến 3% kể từ năm 2001 [137]. Sau khi Ủy ban Xúc tiến hợp tác kinh tế liên Triều đưa ra Tuyên bố chung (12 điểm) với nội dung thúc đẩy giao lưu buôn bán vào năm 2005và hai bên tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2007, trao đổi thương mại đã vượt qua những ảnh hưởng do vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên (10-2006) để đạt đến mốc phát triển thăng hoa. Theo đó, thương mại liên Triều bắt đầu mang tính chất hàng hóa từ năm 2008 với tỷ trọng buôn bán hai chiều tăng 94% chỉ trong sáu tháng đầu năm (so với 78% cùng kỳ năm trước), riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng 47% so nửa đầu năm 2007. Tổng kim ngạch thương mại trong năm này cũng đạt ngưỡng 1,8 tỷ USD. Đối với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Roh Moo Hyun trước sau vẫn cố gắng không để cho vấn đề hạt nhân ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại liên Triều nhờ chủ trương giải quyết cả hai vấn đề kinh tế và chính trị thông qua các kênh đối thoại. Vậy nên, nếu làm một phép so sánh nhằm đánh giá hiệu quả chính sách kinh tế với Bắc Triều Tiên thì rõ ràng Roh Moo Hyun là nhà lãnh đạo thành công hơn cả với 5,6 tỷ USD kim ngạch thương mại liên Triều so với Kim Dae Jung (2 tỷ USD) và Kim

88

Young Sam (1,23 tỷ USD). Số lượng hàng hóa trao đổi liên Triều cũng có mức biến thiên tương ứng, theo đó có 3.606 mặt hàng giao dịch thành công dưới thời Roh Moo Hyun. Đây là kết quả cao nhất đạt được so với mức của hai con số 2.636 và 1.188 [119; tr. 259] lần lượt thuộc về Kim Dae Jung và Kim Young Sam. Sau một thời gian dài thương mại liên Triều có mức tăng trưởng ổn định nhờ vào chính sách hòa giải dân tộc của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, đến đầu năm 2008, sau khi đắc cử tổng thống, Lee Myung Bak đã tuyên bố thực hiện chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa”. Không khó để nhận ra, đặc điểm mấu chốt trong chính sách này là lồng ghép chính trị vào với kinh tế và “chính trị đi trước, kinh tế theo sau”. Học thuyết “Myung Bak” đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải tháo dỡ vũ khí hạt nhân trước khi nhận được sự hợp tác kinh tế từ Hàn Quốc. Do đó, thứ tự ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Lee là: (1) Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên; (2) mở cửa Bắc Triều Tiên; (3) thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế chung [116; tr. 32]. Chiến lược này hoàn toàn trái ngược với chính sách của hai vị tổng thống tiền nhiệm – những người luôn coi kinh tế là “chìa khóa” để mở cánh cửa chính trị. Không chỉ kiểm soát gắt gao vấn đề hợp tác kinh tế hai chiều, Lee Myung Bak còn phớt lờ “Luật Xúc tiến phát triển quan hệ Bắc – Nam” của Chính phủ tiền nhiệm Roh Moo Hyun nhằm thúc đẩy trao đổi liên Triều từ năm 2008 đến cuối năm 2012. Do sự điều chỉnh chính sách của Lee Myung Bak cộng với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kết quả sút giảm nhu cầu trong nước nên kim ngạch thương mại liên Triều chỉ đạt mức 1,68 tỷ USD (2009), giảm 7,8% so với 1,82 tỷ USD (2008) và giảm 6,5% so với 1,8 tỷ USD (2007). Sự giảm sút này làm hạn chế xuất khẩu hàng hóa liên Triều (giảm 143 triệu USD) so với thời điểm 2008. Cùng với đó, các mặt hàng trao đổi trong cơ cấu thương mại cũng bắt đầu dịch chuyển theo chiều hướng đi xuống từ 859 sản phẩm (2008) còn lại 822 sản phẩm (2009) và 795 sản phẩm (2010) [119; tr. 259]. Tuy vậy, kim ngạch thương mại liên Triều vẫn đạt 153,5 triệu USD vào tháng 2 và 994 triệu USD chỉ trong tháng 6 (2010), tăng gần 55% so với cùng kỳ năm 2009 [117; tr. 154]. Nhờ vào kết quả này nên ngay cả khi mậu dịch liên Triều giảm 30% trong những tháng cuối năm 2010 do Chính phủ đình chỉ các hoạt động thương mại từ sau sự cố chìm tàu Cheonan và bắn pháo vào đảo Yeonpyeong thì tổng kim ngạch thương mại vẫn đạt 1.912 triệu USD. Như vậy, tiến trình hợp tác thương mại liên Triều (1989 - 2010) đã trải qua không ít thăng trầm và biến động do sự chi phối của các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên mà trực tiếp nhất vẫn là chính sách của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Dù không phải thời điểm nào kết quả trao đổi, buôn bán hai chiều cũng thuận lợi với mức

89

tăng cao và ổn định nhưng thành tựu tăng trưởng bốn con số (1.912 triệu USD) so với mốc khởi điểm 19 triệu USD (1989) vẫn là một thắng lợi ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế. Bước tiến này không chỉ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở hai nước mà còn góp phần hóa giải những mâu thuẫn, xung đột và từng bước hàn gắn quan hệ dân tộc trên bán đảo Triều Tiên.  Về đầu tư So với hợp tác thương mại liên Triều, hợp tác đầu tư có bước phát triển chậm hơn do thiếu vắng một cơ chế chính sách rõ ràng. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, các doanh nghiệp Hàn Quốc mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường miền Bắc. Lực lượng này chủ yếu là các tập đoàn kinh doanh gia đình (Chaebol) – những doanh nghiệp “đầu tàu” ra đời từ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1962 - 1966) dưới tác động chính sách “Đệ nhất kinh tế” của Park Chung Hee. Hai tập đoàn Hyundai và Daewoo là những nhà đầu tư đầu tiên vào CHDCND Triều Tiên lần lượt vào các năm: 1989 và 1992. Kế đó, các tập đoàn kinh doanh khác cũng mạnh dạn đưa vốn của mình qua bên kia biên giới. Quá trình này có sự tham gia của Samsung, Lucky – Goldstar (LG), Ssangyong, Sunkyong, Kolon, Dongyang, Hanwha, Hyosung, Kohap, Lotte, Jinro và Hanil [48; tr. 37]. Từ sau các dự án kinh tế của Daewoo, Chaebol LG đã lên kế hoạch đầu tư vào cụm công nghiệp Sonbong với việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đấu nối đường dây liên lạc cáp quang giữa hai miền. Đây được coi là sự hưởng ứng của LG đối với chính sách “mở rộng đầu tư liên Triều trong khu vực phi thương mại Najin – Sonbong”được Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam công bố nhân kỷ niệm lần thứ 51 ngày giải phóng dân tộc (15-8-1996) [107; tr. 242-249]. Tập đoàn điện tử Samsung thì đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ti-vi gần khu vực sông Đại Đồng (Taedong) ở miền Bắc để xuất khẩu thành phẩm về Hàn Quốc. Năm 1998, Samsung tiếp tục công bố dự án kinh tế mới trị giá 1 tỷ USD một năm. Dự án này kéo dài trong vòng 10 năm với mục tiêu sản xuất các sản phẩm điện tử (điện thoại di động, con chíp điện tử, máy phát thanh…), mỗi năm thu về lợi nhuận 3 tỷ USD. Sau khi Kim Dae Jung lên nắm quyền, Chính phủ của ông đã tạo ra bước đột phá mới cho hoạt động đầu tư với định hướng cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách tập trung trước hết vào lĩnh vực kinh tế thông qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc liên doanh với CHDCND Triều Tiên. Với việc thực hiện chính sách “Ánh dương” theo phương châm lôi kéo, hòa giải, kiên quyết đưa chính trị

90

ra khỏi nội dung hợp tác kinh tế, Tổng thống Kim Dae Jung đã khuyến khích các Chaebol đầu tư mạnh vào một số dự án kinh tế trọng điểm ở miền Bắc. Về phía mình, CHDCND Triều Tiên cũng bắt đầu thực hiện cải cách, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với đường lối ngoại giao hòa bình của Hàn Quốc. Nhờ đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong việc ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư (11-2000) nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế, tránh những rủi ro phi thương mại giữa hai nước [69; tr. 26]. Trong hoạt động hợp tác đầu tư, Tổ hợp công nghiệp Kaesong, dự án khu du lịch núi Kumkang và dự án khôi phục các tuyến đường giao thông liên Triều được coi là tiêu biểu nhất. Những dự án kinh tế này thể hiện rõ chính sách đầu tư chiến lược của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên. . Tổ hợp công nghiệp Kaesong Nhờ sự hậu thuẫn của Chính phủ hai bên, mô hình đầu tư thành công nhất trên bán đảo Triều Tiên đã ra đời. Đó là dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp Kaesong (KIC) hay Gaeseong - kết quả hợp tác giữa Hyundai và Tổng công ty Bất động sản Hàn Quốc (KOLAND). Dự án này được tập đoàn kinh tế Hyundai khởi xướng từ năm 1998 nhằm hưởng ứng chính sách “Ánh dương” với mục tiêu cải thiện quan hệ liên Triều của Tổng thống Kim Dae Jung. Đây cũng là mô hình kinh tế thành công nhất trong chính sách cam kết hỗ trợ CHDCND Triều Tiên của chính quyền Roh Moo Hyun. Ngày 22-8-2000, đặc khu kinh tế ở phía Tây vùng phi quân sự, cách biên giới liên Triều khoảng 10 km về hướng Bắc được chính thức khởi công. Tổ hợp công nghiệp được xây dựng trên diện tích 66 triệu km2 với toàn bộ chi phí đầu tư trong giai đoạn khởi điểm trị giá hơn 370 triệu USD do Hàn Quốc bỏ ra đến hơn 70%. Năm 2010, tổ hợp này có tới 71 công ty dệt may, 9 công ty hóa chất, 23 công ty sản xuất kim loại – máy móc, 13 công ty điện tử và 5 công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất khác [158; tr. 7]. Trong vòng 5 năm (2005 - 2010), KIC đã thu về 16.148 USD giá trị hàng hóa xuất khẩu từ 4 thị trường chủ yếu: Australia, EU, Nga và Trung Quốc. Kết quả này vượt xa dự tính của các nhà lãnh đạo hai nước, nó cho thấy KIC đã thoát khỏi những ảnh hưởng về xung đột chính trị liên Triều từ năm 2008 và đối đầu an ninh từ năm 2010 để vươn lên giành được thành tựu phát triển kinh tế đầy ngoạn mục.

91

. Dự án khu du lịch núi Kumgang Dự án hợp tác du lịch giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tập trung chủ yếu ở vùng giới tuyến quân sự của hai nước, trong đó tiêu biểu nhất là đặc khu du lịch 5 núi Kumgang (Geumgang) hay còn gọi là “Kim Cương”4F . Dự án được khởi xướng vào năm 1998 do Hyundai Asan của Hàn Quốc và Tổng cục Du lịch CHDCND Triều Tiên hợp tác điều hành. Đây là kết quả chính sách Bắc Triều Tiên của Kim Dae Jung dựa trên nguyên tắc “tách kinh tế ra khỏi chính trị” và đẩy mạnh các giải pháp hợp tác song phương, mở cửa cho các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên. Khu du lịch Kumgang còn là kết quả của Tuyên bố chung giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il vào năm 2000, cho phép Hyundai Asan đầu tư và khai thác độc quyền trong vòng 50 năm các tour du lịch qua biên giới đến núi Kumgang. Dự án được ví như con “át chủ bài” trong chính sách “Ánh dương” của Kim Dae Jung nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp nhân nhượng, tập trung giúp đỡ kinh tế nhưng vẫn tác động mạnh mẽ đến tư duy mở cửa và đổi mới kinh tế của miền Bắc. . Dự án khôi phục các tuyến đường giao thông Ngày 19-02-1992, hai miền Triều Tiên nhất trí thông qua Hiệp định Cơ bản Bắc – Nam, trong đó đề cập đến việc “nối liền các tuyến đường sắt và đường bộ bị chia cắt trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên” (Điều 19, Chương III) [107; tr. 200-207]. Trong chính sách Bắc Triều Tiên của mình, Chính phủ Kim Dae Jung cũng tuyên bố “nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều là giải pháp chiến lược nhằm nới lỏng căng thẳng và đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên” [173]. Theo chiến lược này, Hàn Quốc đã chính thức phát lệnh khôi phục các tuyến đường sắt và đường bộ nối liền hai bên vĩ tuyến 38 vào ngày 18-9-2000. Kế hoạch tu bổ hệ thống giao thông liên Triều được áp dụng đối với hai tuyến đường sắt: Gyeongui, Kyongwon và tuyến đường bộ Donghae. Tuyến đường sắt Gyeongui dài 500 km, chạy dọc theo bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, nối liền Seoul (Hàn Quốc) với thị trấn giáp ranh biên giới Trung Quốc Shinuiju (CHDCND Triều Tiên) được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Chính sách khôi phục tuyến đường này được Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung công bố tại Diễn

5 Kumgang cao 1.638 mét, thuộc dãy núi Taebaek (Thái Bạch) chạy dọc theo phía Đông bán đảo Triều Tiên, nay thuộc tỉnh Kang Won, CHDCND Triều Tiên.

92

đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) ở Copenhagen (2002) từ ý tưởng “du lịch bằng xe lửa đến Paris, London và mở ra một con đường tơ lụa bằng sắt nối liền vùng Viễn Đông với châu Âu. Những chuyến xe lửa khởi hành từ châu Âu có thể vượt qua lục địa Á - Âu để đến Seoul và Pusan (Hàn Quốc) hay cảng container lớn nhất thế giới là cửa ngõ đến Thái Bình Dương. Tương tự như vậy, xe lửa khởi hành từ Hàn Quốc có thể tiếp cận khu vực Tây Âu và Đại Tây Dương” [170]. Sau khi hoàn thành, đường sắt Gyeongui sẽ rút ngắn đáng kể khoảng thời gian đi bằng đường biển từ Inchon đến Nampo (từ 13-14 ngày còn lại 1-3 ngày), qua đó giảm giá thành vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc sang Âu châu. Dự án đường sắt thứ hai là tuyến giao thông Kyongwon ở ven biển đông bán đảo Triều Tiên. Đây là điểm nút nối liền Seoul (Hàn Quốc), Wonsan (CHDCND Triều Tiên) với Vladivostok (CHLB Nga). Sau một thập kỷ kể từ khi Hiệp định cơ bản được ký kết (1992), tuyến đường trên bờ biển phía Tây (đường sắt Gyeongui) và hai trục giao thông chạy đồng thời trên bờ biển phía Đông (đường sắt Kyongwon và đường bộ Donghae) cũng chính thức kết nối trở lại vào ngày 18-9-2002. Thành tựu tốt đẹp này chứng tỏ sự nhất quán trong chính sách kinh tế của Roh Moo Hyun từng được ông công bố trong diễn văn nhậm chức (25-02-2003): “Chúng ta phải sớm mang lại những ngày tháng màhành khách có thể mua vé tàu tại Busan, đi du lịch đến Paris và tất cả các địa điểm trung tâm của châu Âu thông quaBình Nhưỡng, Shinuiju và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, Mông Cổ và Nga” [146]. Bên cạnh các trục giao thông chủ chốt như: Donghae và Gyeongui, tuyến đường sắt dài 25km giữa Munsan (Hàn Quốc) và trạm Bongdong của tổ hợp công nghiệp Kaesong (CHDCND Triều Tiên) cũng được kết nối vào tháng 12-2007. Tuyến đường bộ giữa Bình Nhưỡng và thành phố biên giới Kaesong dài 170km cũng được Hàn Quốc tu sửa cho CHDCND Triều Tiên vào năm 2008. Đây đều là những “huyết mạch” chiến lược có ý nghĩa gia tăng tốc độ phát triển của khu liên hợp công nghiệp Kaesong và xúc tiến du lịch đường bộ đến khu nghỉ dưỡng núi Kumgang. Về cơ bản, từ sau năm 1989, chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực trên lĩnh vực kinh tế có cùng một mục đích là tăng cường giao lưu hợp tác, trong đó chú trọng trao đổi mậu dịch, giảm thiểu chênh lệch cán cân thương mại, thúc đẩy đàm phán ký kết FTA (đối với Nhật Bản, Trung Quốc), cải thiện thương mại hai chiều, hỗ trợ kinh tế và đầu tư

93

vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa trong tiến trình hòa giải dân tộc (đối với CHDCND Triều Tiên). So với lĩnh vực an ninh - chính trị, chính sách trên lĩnh vực kinh tế của Hàn Quốc đã thu được nhiều tiến bộ hơn cả, nhất là khi cả Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều tiên đều trở thành những đối tác kinh tế quan trọng ngay từ đầu thế kỷ XXI. Có thể thấy, đây vừa là cơ sở ràng buộc mối liên kết giữa Hàn Quốc với khu vực, vừa là cơ hội thúc đẩy nhu cầu giao lưu và tăng cường hiểu biết ở Đông Bắc Á. 2.3. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội Khi Chiến tranh lạnh đi vào hồi kết, nhu cầu cùng hợp tác và phát triển trên các lĩnh vực an ninh - chính trị và kinh tế đã đưa các nước trong khu vực xích lại gần nhau. Đây là thời điểm quan trọng để Hàn Quốc điều chỉnh chính sách đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trên lĩnh vực văn hóa – xã hội nhằm xoa dịu ký ức chiến tranh, phổ biến “làn sóng Hàn Quốc” và thúc đẩy hòa hợp dân tộc. 2.3.1. Đối với Nhật Bản Dù có sự liên kết khá chặt chẽ về mặt văn hóa nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản lại không thể duy trì mối quan hệ láng giềng gần gũi do quá khứ thực dân tàn bạo của người Nhật ngay trên bán đảo Triều Tiên. Ký ức hai lần xâm lược Hàn Quốc (thế kỷ XVI), thống trị trở lại (1910 - 1945) cùng với hành động “triệt hạ” văn hóa bản địa đã tích tụ không ít hận thù cho dân tộc Triều Tiên. Do sự chi phối của yếu tố tâm lý, trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Chính phủ Hàn Quốc đã nghiêm cấm mọi hoạt động giao lưu văn hóa và tiếp xúc xã hội với Nhật Bản. Chính sách “đóng cửa” của Hàn Quốc trên lĩnh vực này vừa xuất phát từ lòng thù hận vừa gắn liền với nguy cơ Nhật Bản chiếm lĩnh thị phần công nghiệp văn hóa trong nước và sự lan tràn nguồn văn hóa phẩm bất hợp pháp có tính chất bạo lực hoặc khiêu dâm, làm vẩn đục văn hóa Hàn Quốc. Cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do nhu cầu thúc đẩy toàn diện quan hệ giữa các nước trong khu vực, Hàn Quốc bắt đầu tiếp cận với những sản phẩm văn hóa của Nhật Bản như truyền hình, âm nhạc và phim ảnh. Các chương trình trao đổi văn hóa (biểu diễn âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, gặp gỡ thanh niên) được tiến hành luân phiên ở cả hai nước. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra hết sức dè dặt và hạn chế. Mãi đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, sự “phong tỏa” của Hàn Quốc đối với văn hóa Nhật Bản mới thực sự được nới lỏng nhờ nhận thức tích cực của Tổng thống Kim Dae Jung trong việc chống đối quan điểm văn hóa “bài ngoại” của các thế hệ lãnh đạo tiền

94

bối. Ngay trong diễn văn nhậm chức (25-02-1998), Kim Dae Jung đã tuyên bố chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản khi khẳng định “thúc đẩy giao lưu văn hóa với các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản là việc làm cần thiết nhằm phát triển văn hóa dân tộc và toàn cầu hóa văn hóa dân tộc” [145]. Trên cơ sở đó, hội nhập văn hóa giữa hai nước từng bước được thúc đẩy và đi vào chiều sâu, “làn sóng Nhật Bản” ở Hàn Quốc cũng được biết đến nhiều hơn trong thời kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung. Sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước (1998), các cuộc họp chính thức ở cấp Nhà nước cũng được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy trao đổi văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Với việc đạt được Tuyên bố chung Hàn Quốc - Nhật Bản (1998), chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản một lần nữa được chính quyền Kim Dae Jung nhắc lại và cam kết thực hiện bằng việc xóa bỏ lệnh cấm đối với ba lĩnh vực: Âm nhạc, điện ảnh và truyện tranh [70; tr. 602]. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, những quy định hà khắc và phân biệt của Hàn Quốc đối với văn hóa Nhật Bản thực sự được nới lỏng. Kết quả này đã cho phép các bộ phim nổi tiếng, các buổi hòa nhạc với quy mô vừa và nhỏ tại những hội trường dưới 2.000 chỗ được công khai trình chiếu và biểu diễn ở Hàn Quốc. Ngành công nghiệp biểu diễn Nhật Bản được cấp phép hoạt động vào năm 1999 và đến thời điểm năm 2000 thì phim hoạt hình, nhạc pop, băng đĩa, trò chơi và các chương trình truyền hình của nước này đều đã hiện diện trong đời sống văn hóa của Hàn Quốc. Từ sau năm 1998, lệnh cấm đối với văn hóa Nhật Bản tiếp tục được Kim Dae Jung nới lỏng lần thứ hai vào tháng 6-2000. Nhờ có bước tiến này, những bộ phim về chủ đề truyền thống gia đình và các buổi biểu diễn âm nhạc quy mô lớn của Nhật Bản đã được công chúng Hàn Quốc đón nhận rộng rãi. Những đổi thay nói trên cho thấy sự vận động tích cực của Chính phủ trong việc điều chỉnh chính sách đối với Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - xã hội ngay từ cuối thế kỷ XX. Mặc dù đã chủ động tiếp nhận văn hóa và xóa bỏ ký ức đau thương giữa hai nước nhưng chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản cũng có lúc bị gián đoạn trong thời kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung. Sự ngắt quãng này bắt nguồn từ hai lý do: Một là, Nhật Bản phát hành sách giáo khoa lịch sử có nội dung phủ nhận trách nhiệm trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên; đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima; hai là, các quan chức Nhật Bản, đặc biệt là Thủ tướng Junichiro Koizumi thường xuyên viếng thăm đền Yasukuni – nơi thờ những binh sỹ 95

Nhật Bản mà Hàn Quốc coi là “tội phạm chiến tranh”. Do những vướng mắc về vấn đề chính trị giữa hai nước chưa được giải quyết nên tiến trình hợp tác trên lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng phải đối diện với nguy cơ “bế tắc” ngay trong năm đầu thế kỷ XXI. Sau thời điểm khủng hoảng quan hệ vào năm 2001, sự kiện đồng tổ chức Cúp bóng đá thế giới (2002) đã tạo cơ hội cho hai nước xích lại gần nhau và thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa – xã hội trong năm Quốc gia Nhật Bản – Hàn Quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Tổng thống Kim Dae Jung lần thứ ba nới lỏng lệnh cấm đối với văn hóa Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ song phương sau những tranh cãi về vấn đề lịch sử và chủ quyền. Bước điều chỉnh này của chính quyền Kim Dae Jung chủ yếu bắt nguồn từ mong muốn giao lưu, hội nhập văn hóa của nhân dân hai nước vào thời điểm mà giới trẻ Hàn Quốc đang khao khát tiếp cận với văn hóa bên ngoài còn Nhật Bản thì gần như bị khuynh đảo bởi “cơn sốt” văn hóa Hàn từ ẩm thực, phim ảnh, âm nhạc cho đến thời trang. Sau sự kiện Hàn Quốc thúc đẩy giao lưu văn hóa – xã hội với Nhật Bản từ năm 1998, hai nước đã đạt được những bước tiến đầu tiên trên con đường tạo dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đây là nền tảng quan trọng để người kế nhiệm Roh Moo Hyun (2003 - 2008) tiếp tục vun đắp mối quan hệ láng giềng gần gũi trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Với mong muốn thúc đẩy toàn diện và sâu sắc kết quả giao lưu giữa nhân dân hai nước, khi đến thăm Nhật Bản (6-2003), Tổng thống Roh Moo Hyun đã tuyên bố “Hàn Quốc sẽ mở rộng việc tiếp nhận văn hóa Nhật Bản để kích hoạt nỗ lực giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia” [128; tr. 93]. Phát biểu khai mạc tại cuộc họp báo chung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - Hàn Quốc vào năm 2003, một lần nữa, Roh Moo Hyun khẳng định: “Tiếp tục thực hiện chính sách mở cửa đối với văn hóa Nhật Bản bằng việc duy trì các hoạt động giao lưu thể dục - thể thao, trao đổi thanh niên, gặp gỡ lãnh đạo các cấp, miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc sang Nhật Bản, mở đường bay giữa phi trường Kimpo với Haneda, duy trì trao đổi du lịch và sớm kết thúc việc ký kết Hiệp định An sinh Xã hội giữa hai nước” [101; tr. 205]. Với tuyên bố trên, việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với văn hóa Nhật Bản được Roh Moo Hyun công bố vào tháng 9 và tháng 12-2003 đã chính thức có hiệu lực vào tháng 01 và tháng 9-2004. Nhờ quyết tâm duy trì chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản từ thời Kim Dae Jung, Tổng thống Roh Moo Hyun đã đạt được một bước tiến dài trong việc loại bỏ gần như hoàn toàn những hạn chế đối với âm nhạc, video giải trí, phim ảnh và các chương trình truyền hình có xuất xứ từ Nhật Bản ngay trong năm 2004 (xem bảng 2.3).

96

Bảng 2.3. Lộ trình thực hiện chính sách “mở cửa” của Chính phủ Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa – xã hội (1988 - 2004) Thời điểm Các giai đoạn Nội dung thực hiện bắt đầu Giai đoạn 1 10-10-1988 1. Tiếp nhận phim ảnh và video của Nhật Bản; hai nước hợp tác sản xuất phim truyện 2. Cho phép xuất bản truyện tranh Nhật Bản (Manga) và trình chiếu phim hoạt hình Nhật Bản (Anime) Giai đoạn 2 10-9-1999 1. Tiếp nhận phim ảnh và video của Nhật Bản 2. Cho phép biểu diễn âm nhạc ở các sân khấu dưới 2.000 chỗ ngồi Giai đoạn 3 27-6-2000 1. Tiếp nhận phim ảnh và video của Nhật Bản 2. Cho phép phát hành các Album ca nhạc của Nhật Bản (hạn chế phổ biến lời bài hát) 3. Chấp nhận tất cả các trò chơi giải trí của Nhật Bản, bao gồm: trò chơi trên máy tính cá nhân và trò chơi trực tuyến (cấm sử dụng các trò chơi từ băng đĩa Nhật Bản) 4. Cho phép phát sóng các chương trình truyền hình ở các thể loại: Thể thao, phim tài liệu. Cho phép truyền dẫn các chương trình truyền hình của Nhật Bản qua ti-vi, truyền hình cáp và các thiết bị vệ tinh truyền dẫn. Giai đoạn 4 16-9-2004 1. Tiếp nhận phim ảnh và video của Nhật Bản 2. Cho phép phát hành đĩa CD, băng thu âm và phổ biến lời bài hát Nhật Bản 3. Không hạn chế với mọi trò chơi giải trí của Nhật Bản 01-01-2004 4. Cho phép phát sóng các chương trình truyền hình của Nhật Bản qua cáp và vệ tinh truyền dẫn: Cập nhật thông tin về đời sống, giáo dục, điện ảnh và giới thiệu phim hoạt hình Nhật Bản. 5. Cho phép phổ biến lời bài hát và kịch truyền hình Nhật Bản (dành cho người xem từ 12 tuổi trở lên) 6. Hợp tác sản xuất kịch truyền hình. Nguồn: Korean Cultural Tourist Bureau and Chosen Nippo (2004)

97

Nhờ đón nhận các sản phẩm văn hóa Nhật Bản theo quan điểm ngày càng tích cực và cởi mở, Chính phủ Hàn Quốc đã “mở đường” cho các hoạt động giao lưu xã hội giữa hai nước diễn ra rộng khắp với nhiều nội dung, trong đó, tiêu biểu nhất là trao đổi học thuật và hợp tác giáo dục. Cụ thể, Hàn Quốc đã chủ động phối hợp với Nhật Bản tổ chức các dự án nghiên cứu chung về văn hóa, lịch sử và chính trị giữa hai nước nhằm tăng cường hiểu biết và tháo gỡ những khúc mắc trong quá khứ. Các dự án này không chỉ nhận được sự quan tâm của Chính phủ mà còn được đông đảo các cá nhân (nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, nhân dân hai nước) đồng tình ủng hộ bằng việc hỗ trợ thu thập, xử lý tư liệu và kiểm chứng kết quả nghiên cứu. Từ năm 2002, hai bên nhất trí thành lập Ủy ban Nghiên cứu lịch sử chung Hàn Quốc - Nhật Bản nhằm thống nhất nội dung lịch sử giảng dạy trong các trường phổ thông ở cả hai quốc gia. Bên cạnh đó, một số cơ quan lớn ở Hàn Quốc (Thư viện Quốc hội, Học viện Ngoại giao) và các trung tâm lưu trữ của Nhật Bản (Thư viện Quốc gia, Trung tâm Tài nguyên Lịch sử châu Á, Cục Lưu trữ Bộ Ngoại giao) chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, phổ biến các tài liệu nghiên cứu chung của hai nước với cộng đồng quốc tế bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thiện chí hợp tác của cả Chính phủ và nhân dân hai nước trong các dự án chung không chỉ góp phần củng cố lòng tin chính trị mà còn thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu về văn hóa và đời sống của nhau. Đây chính là cơ sở để duy trì chương trình trao đổi học sinh, sinh viên giữa hai Bộ Giáo dục từ đầu những năm 90 và phong trào biên soạn, phổ biến tài liệu học tập tiếng Hàn và tiếng Nhật sau khi Kim Dae Jung xóa bỏ lệnh cấm đối với văn hóa Nhật Bản (1998). Việc Hàn Quốc đón nhận các hoạt động giao lưu văn hóa – xã hội giữa hai nước đã thúc đẩy Nhật Bản tăng cường trao đổi văn hóa của mình; đồng thời chủ động giới thiệu đất nước và con người Hàn Quốc với nhân dân trong nước. Chính vì lý do này, số lượng các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại Nhật Bản gia tăng nhanh chóng từ 143 cơ sở (1995) lên 285 cơ sở (2001) và 335 cơ sở (2004) [58]. Đặc biệt, từ ngày 19-12-2004, đài truyền hình NHK (Nhật Bản) còn phát sóng chương trình đầu tiên giới thiệu về “làn sóng văn hóa Hàn Quốc” ở châu Á trên kênh truyền hình vệ tinh của mình. Nhờ kiên trì thực hiện chính sách “mở cửa” với Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - xã hội từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã có thêm cơ sở và động lực để quảng bá hình ảnh của quốc gia; đồng thời thúc đẩy quan hệ hai nước tiến xa hơn trong năm hữu nghị Hàn Quốc – Nhật Bản (2005). Ngay trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước (2005) với chủ đề “Xây dựng nền tảng hợp tác Nhật Bản – Hàn Quốc hướng tới một kỷ

98

nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á”, Tổng thống Roh Moo Hyun đã xác định nền tảng tăng cường hợp tác giữa hai nước là sự hiểu biết lẫn nhau, là tình hữu nghị bền chặt và nỗ lực giao lưu - tiếp xúc trên nhiều lĩnh vực, giữa nhiều thế hệ, đặc biệt là giữa những người trẻ - lực lượng lãnh đạo kế cận ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Xuất phát từ nhận thức đó, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Roh Moo Hyun đã cam kết duy trì, phát triển quan hệ hợp tác với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, trong đó tập trung vào ba nội dung chủ yếu: Thứ nhất, hai nước tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động: (1) Trao đổi văn hóa và học thuật nhân kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ; (2) thực hiện dự án “Vì tương lai Hàn Quốc – Nhật Bản” nhằm trao đổi khoảng 10.000 thanh niên hai nước trong các sự kiện văn hóa và thể thao chung; (3) tăng cường trao đổi và nâng cao hiểu biết tại các Diễn đàn đối thoại Nhật Bản - Hàn Quốc; (4) duy trì tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo trẻ của hai nước trên lĩnh vực khoa học và văn hóa. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác du lịch, xem xét cấp giấy miễn thị thực cho học sinh, sinh viên tham gia chương trình trao đổi giáo dục giữa hai nước. Thứ ba, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa: (1) Tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua sự kiện “tuần văn hóa Nhật Bản” tại Hàn Quốc và “tuần văn hóa Hàn Quốc” tại Nhật Bản; (2) thúc đẩy giao lưu văn hóa - thể thao, tìm hiểu ngôn ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc trong các dự án trao đổi song phương của thế kỷ XXI; (3) hợp tác, trao đổi giữa nhân dân hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thúc đẩy giao lưu, tìm hiểu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở mỗi nước [174]. Định hướng thúc đẩy sâu sắc và toàn diện chính sách “mở cửa” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội với Nhật Bản từ sau Hội nghị Thượng đỉnh (2005) đã mang lại khá nhiều thành tựu cho nỗ lực tăng cường hiểu biết giữa hai quốc gia vào năm 2006, điển hình là sự kiện Nhật Bản trao trả hài cốt của 101 binh sỹ tử trận trong CTTG thứ hai được thờ tại đền Yutenji (Tokyo) cho Chính phủ Hàn Quốc (01-2006) và hai nước đồng tổ chức lễ hội đường phố tại Daehakro (Seoul) với chủ đề “Festival Hàn Quốc – Nhật Bản” (9-2006) [106; tr. 282]. Cũng trong năm này, phim hoạt hình, truyện tranh, trò chơi video và tiểu thuyết Nhật Bản đã xuất hiện cực kỳ rộng rãi, khoảng 70% bản dịch truyện tranh nước ngoài ở thị trường Hàn Quốc là của Nhật Bản, hơn 50 cuốn tiểu thuyết trong số 100 tiểu thuyết bán chạy nhất tại Trung tâm Sách Kyobo (lớn nhất Seoul) cũng đều là ấn phẩm Nhật Bản [94; tr. 132]. Những tiến bộ trong việc Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác văn hóa - xã hội với Nhật Bản đã giúp hai nước có mối quan hệ ngày càng gần gũi. Tuy nhiên, trong thực tế, sự khác biệt về nhận thức của Chính phủ hai bên về các vấn đề chung như sự thật lịch sử

99

hoặc tranh chấp lãnh thổ vẫn tồn tại do sự chi phối sâu sắc của lập trường dân tộc chủ nghĩa. Chính vì đặc điểm này, ngay cả khi hai nước đã đạt được những bước tiến chưa từng có về tăng cường hiểu biết lẫn nhau, Hàn Quốc vẫn tỏ thái độ lạnh nhạt trong việc tiếp nhận văn hóa Nhật Bản mỗi khi bất đồng chính trị giữa hai nước xuất hiện. Điển hình, từ sau khi quận Shimane (Nhật Bản) công bố ngày “Takeshima” nhằm khẳng định chủ quyền với nhóm đảo hai nước đang tranh chấp, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc Kim Myung Gon tuyên bố với báo giới Seoul: “Hiện còn quá sớm để mở cửa hoàn toàn thị trường giải trí Hàn Quốc cho Nhật Bản. Một bộ phận người dân vẫn có cảm giác thù địch và không sẵn lòng đón nhận văn hóa của nước này. Chúng tôi đang chờ đợi sự chấp thuận và tình cảm cởi mở hơn từ phía công chúng” [31]. Sau sự kiện nói trên, Tổng thống Roh Moo Hyun đã mở rộng phạm vi trao đổi, giao lưu giữa hai nước với nước thứ ba thông qua việc tổ chức các cuộc họp ba bên giữa Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc định kỳ hai năm một lần bắt đầu từ năm 2007. Sáng kiến này có tác dụng “trung hòa” các tác động tiêu cực của vấn đề chính trị song phương đến kết quả hợp tác văn hóa - xã hội giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vai trò của ba quốc gia “trụ cột” trong tiến trình bảo tồn và phát huy văn hóa Đông Á. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác văn hóa – xã hội trong phát triển quan hệ hai nước, các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã nỗ lực duy trì các chương trình trao đổi song phương nhằm “xoa dịu” mâu thuẫn trong các vấn đề an ninh chung. Theo chiều hướng đó, sau khi chính thức nắm giữ cương vị tổng thống, Lee Myung Bak cũng mong muốn khép lại quá khứ và ưu tiên hợp tác toàn diện với Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa – xã hội. Với cam kết phát triển quan hệ song phương dựa trên chính sách “ngoại giao thực dụng”, Lee định hướng Hàn Quốc không đối đầu trực diện với Nhật Bản về vấn đề sách giáo khoa lịch sử và tranh chấp chủ quyền (xảy ra vào tháng 5-2008) mà nỗ lực cùng với Trung Quốc thắt chặt giao lưu trên lĩnh vực văn hóa – xã hội nhằm tăng cường hiểu biết đa phương. Cùng với sự ra đời của “Tuyên bố Jeju” (25-12-2008) và “Tuyên bố Busan” (09-9-2009), Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã thiết lập một nền tảng hợp tác liên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy giao lưu văn hóa – xã hội và trao đổi giữa nhân dân ba nước. Không chỉ duy trì cơ chế hợp tác đa phương với các quốc gia trong khu vực, Lee Myung Bak còn ý thức về việc tạo dựng mối quan hệ “hướng tới tương lai” với Nhật Bản. Phát biểu khai mạc tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama (09-10-2009), Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cam kết: “Sẽ tiếp tục

100

đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước và bắt đầu thúc đẩy công tác này ngay từ vòng đàm phán thứ ba của Ủy ban Trao đổi Văn hóa Hàn Quốc – Nhật Bản” [180]. Trên cơ sở đó, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước như: Triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, xuất bản báo chí, giới thiệu âm nhạc, phim ảnh, tìm hiểu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhau đã được duy trì và đẩy mạnh. Hàn Quốc tiếp tục đạt được kết quả về việc ký kết thỏa thuận với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (14-10-2010) về việc trao trả các tài liệu và hiện vật lịch sử có liên quan đến triều đại cho Chính phủ Hàn Quốc [70; tr. 602]. Có thể thấy, kể từ khi Kim Dae Jung thực hiện chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản và tích cực thúc đẩy các hoạt động giao lưu xã hội giữa hai nước vào năm 1998, quan hệ ngoại giao Hàn – Nhật đã đạt được những bước tiến chưa từng có ngay từ đầu thế kỷ XX. Từ chỗ hoàn toàn “cự tuyệt” các sản phẩm văn hóa, các chương trình trao đổi dân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc đã chủ động nới lỏng lệnh cấm và nỗ lực duy trì hoạt động giao lưu văn hóa – xã hội giữa hai nước trong suốt hơn một thập niên. Nhờ vào kết quả đó, con số khoảng 10.000 người thăm viếng hai nước mỗi năm kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ (1965) đã tăng lên 10.000 người mỗi ngày vào đầu thế kỷ XXI [68; tr. 57]. Dù còn tồn tại không ít vướng mắc do rào cản tâm lý và ý thức dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề lịch sử nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn định hướng duy trì chính sách cởi mở với Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa – xã hội nhằm nâng cao các tiêu chuẩn văn hóa, tăng cường hiểu biết và “xoa dịu” bất đồng chính trị tồn tại dai dẳng ở hai nước. Điều quan trọng là, chính sách của Hàn Quốc trong lĩnh vực này không chỉ tập trung vào các hoạt động trao đổi song phương mà còn mở rộng phạm vi hợp tác với các nước trong khu vực trên các nội dung trao đổi học thuật, tổ chức triển lãm, giới thiệu văn hóa… nhằm hạn chế sự lấn át của chủ nghĩa dân tộc đối với mục tiêu hợp tác và phát triển toàn diện mối quan hệ song phương Hàn – Nhật. 2.3.2. Đối với Trung Quốc Củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa – xã hội là cơ hội để Hàn Quốc, Trung Quốc tăng cường hiểu biết, chia sẻ nền tảng văn hóa Nho giáo và các giá trị truyền thống châu Á. Sau khi quan hệ giữa hai nước bị gián đoạn suốt hơn bốn thập kỷ của Chiến tranh lạnh, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược đẩy mạnh trao đổi song phương trên lĩnh vực then chốt này và coi đây là nội dung trọng tâm trong chính sách đối với Trung Quốc.

101

Kể từ khi Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách - mở cửa (1978) và quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập giữa Hàn Quốc và Trung Quốc (1992), trao đổi song phương trên lĩnh vực văn hóa – xã hội đã liên tục phát triển. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Kim Young Sam, hai nước đã ký kết “Hiệp định hợp tác văn hóa Hàn Quốc - Trung Quốc” vào ngày 28-3-1994. Đây là văn kiện ngoại giao đầu tiên giữa hai bên từ sau Chiến tranh lạnh có nội dung định hướng chính sách và khuyến khích giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phi chính trị với 18 điều khoản, tập trung vào năm nhóm vấn đề cơ bản: Một là, thúc đẩy hợp tác giáo dục (trao đổi chuyên gia và tài liệu học tập, giao lưu học thuật, công nhận trình độ và chứng chỉ giáo dục của nhau); hai là, thúc đẩy hợp tác văn hóa – nghệ thuật (giao lưu giữa văn nghệ sỹ hai nước, trao đổi thanh niên, xúc tiến du lịch, thành lập các tổ chức văn hóa chung, tổ chức các sự kiện văn hóa chung, xuất bản các ấn phẩm văn hóa của nhau); ba là, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa bất hợp pháp; bốn là, thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực truyền thông (phim ảnh, truyền hình, phát thanh); năm là, thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực thể thao (tổ chức, tham gia các sự kiện thể thao của nhau, của khu vực và quốc tế) [104; tr. 265]. Hiệp định hợp tác (1994) không chỉ góp phần gia tăng hiệu suất trao đổi văn hóa – xã hội giữa hai nước trong suốt nửa thập niên mà còn tạo dựng cơ sở vững chắc cho mối quan hệ “đối tác hợp tác trong thế kỷ XXI”. Kế thừa kết quả hợp tác song phương của Tổng thống Kim Young Sam, ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh (1998), Tổng thống kế nhiệm Kim Dae Jung đã khẳng định: “Hàn Quốc bây giờ không chỉ cần tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế mà còn phải tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội” [93; tr. 231]. Quan điểm này được thể hiện trong Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc (1998), theo đó, Tổng thống Kim Dae Jung đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các chương trình giao lưu, tiếp xúc song phương vì mục đích phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai với Trung Quốc bằng cam kết: (1) Triệu tập thường xuyên cuộc họp “Ủy ban văn hóa hỗn hợp Trung – Hàn” nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác văn hóa ở nhiều nội dung, phù hợp với “Hiệp định về hợp tác văn hóa giữa hai nước”; (2) đồng ý tổ chức và ủng hộ tích cực các hoạt động kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập nước Cộng hòa Hàn Quốc (vào năm 1998) và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (vào năm 1999); (3) đẩy mạnh quan hệ tiếp xúc về giáo dục và đào tạo trên cơ sở “Thỏa thuận trao đổi hợp tác giáo dục” giữa hai nước (1998); (4) khuyến khích hợp tác trao đổi song phương và cùng nỗ lực phát triển ngành du lịch; (5) vun đắp

102

quan hệ kết nghĩa giữa lãnh đạo địa phương ở các cấp nhằm tăng cường quan hệ văn hóa giữa hai nước; (6) hoan nghênh ký kết “Hiệp ước pháp lý về các vấn đề tội phạm”, “Hiệp định về đơn giản hóa thủ tục thị thực và cấp thị thực nhiều lần”, “Bị vong lục về trao đổi hợp tác thanh niên” [18]. Nội dung trao đổi, giao lưu văn hóa – xã hội của Tuyên bố chung (1998) đã được kế thừa và phát triển từ “Hiệp định hợp tác văn hóa Hàn Quốc - Trung Quốc” (1994) nhưng chủ yếu tập trung vào ba vấn đề lớn: Du lịch, giáo dục và tăng cường quan hệ ở cấp địa phương. Theo đường hướng trọng tâm này, từ cuối năm 2000 đã có 56 thành phố của Hàn Quốc kết nghĩa với các địa phương của Trung Quốc, số lượng du học sinh Hàn Quốc ở Trung Quốc tăng lên 15.000. Các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Dương, Đại Liên, Thanh Đảo (Trung Quốc) đến Seoul hoặc Pusan (Hàn Quốc) đã được khai thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch của nhân dân hai nước [106; tr. 282]. Năm 2003, trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Roh Moo Hyun tại Bắc Kinh, Hàn Quốc đồng ý thúc đẩy quan hệ hữu nghị láng giềng trên cơ sở coi Trung Quốc là đối tác quan trọng trong hợp tác chính trị, kinh tế, 6 văn hóa; đồng thời là “điểm khởi đầu” của “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) tại Đông Á5F . Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Roh Moo Hyun, việc duy trì và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của “Hallyu” ở Trung Quốc được xác định là nội dung cơ bản trong chính sách văn hóa – xã hội của Hàn Quốc. Với cam kết trong diễn văn nhậm chức (25-02-2003): “Sẽ tích cực quảng bá hình ảnh Hàn Quốc và thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghiệp văn hóa” [145], Tổng thống Roh Moo Hyun là người đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với “làn sóng Hàn Quốc” để làm động lực tăng trưởng của quốc gia. Với việc coi âm nhạc là nhân tố cốt lõi của ngành công nghiệp này, Roh Moo Hyun đã đầu tư 40 tỷ won (2007) để tạo ra “làn sóng Hàn Quốc” tại Trung Quốc và nỗ lực biến nước nhà trở thành cường quốc văn hóa toàn cầu [169; tr. 5]. Phát triển “Hallyu” ở Đông Á (mà Trung Quốc là tâm điểm) nằm trong chiến lược kích cầu giao thông, du lịch và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc. Quá trình đưa “Hallyu” vào thị trường Trung Quốc đi từ quảng bá văn hóa, xuất khẩu văn hóa, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường văn hóa bản địa (bảng 2.4).

6 “Hallyu” mô tả sự bùng nổ của ngành giải trí Hàn Quốc ở Trung Quốc từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX; trong đó, các bộ phim truyền hình, nhạc pop và những ngôi sao giải trí Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm của làn sóng này. Tên gọi “Hallyu” do nhật báo trẻ Bắc Kinh đặt ra vào năm 1999.

103

Bảng 2.4. Các giai đoạn phát triển “Hallyu” ở Trung Quốc Các giai đoạn Đặc điểm Nội dung Giai đoạn 1 Quảng bá văn hóa - Giới thiệu phim ảnh Hàn Quốc - Triển lãm âm nhạc (K-pop) Giai đoạn 2 Xuất khẩu các sản phẩm - Xuất khẩu chương trình phát thanh, văn hóa chủ lực truyền hình - Xuất khẩu điện ảnh, K-pop, các trò chơi điện tử trực tuyến - Tổ chức hòa nhạc và bán vé xem phim ở nước ngoài Giai đoạn 3 Thâm nhập thị trường - Phát triển trào lưu du lịch Hàn văn hóa bản địa Quốc, du lịch kết hợp phẫu thuật (Hallyu 2.0: Làn sóng Hàn thẩm mỹ trong giới trẻ Trung Quốc. Quốc trong kỷ nguyên truyền - Phổ biến ngôn ngữ, ẩm thực, thời thông xã hội) trang Hàn Quốc thông qua: Facebook, Twitter, YouTube, Cyworld và các trang mạng xã hội.

Nguồn:M. Kim (2011), Stages of Hallyu, “The Role of the Government in Cultural Industry, Some Observations, from Korea's Experience”, Keio Communication Review, no. 33, p. 167. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đã phát triển cực kỳ mau lẹ do sự bùng nổ “Hallyu” trước hết là ở Trung Quốc. Năm 2000, 24 bộ phim Hàn Quốc đã được nhập khẩu và phát sóng trên các kênh truyền hình của Trung Quốc. Các trò chơi trực tuyến cũng phát triển nhanh chóng đạt 102 triệu USD (2000) với doanh thu toàn cầu sánh ngang những bộ phim truyền hình [62]. Ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến và âm nhạc hiện đại Hàn Quốc (K-pop) được xác định là những sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của văn hóa Hàn Quốc. Theo công bố của tờ Korea Times (22-12-2005), các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh và phát thanh truyền hình có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Với sức phát triển như vũ bão của “Hallyu”, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc đã liên tục gia tăng; trong đó, khách Trung Quốc có số lượng đông đảo nhất từ 28.909 người (1995); 32.761 người (1996) - trước thời điểm bùng nổ “Hallyu” đã tăng lên 137.816 người (1999); 314.433 người (2002) và 392.142 người (2006, chiếm 14,6% tổng số khách du lịch nước

104

ngoài đến Hàn Quốc) [85]. Chỉ tính riêng năm 2005, số khách du lịch của cả hai nước đã đạt gần 4.250.000 người [105; tr. 56]. “Làn sóng Hàn Quốc” ở Trung Quốc cho thấy triển vọng mới trong mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược và nỗ lực phát triển kinh tế tri thức thời hậu công nghiệp dựa trên chính sách văn hóa – xã hội của Hàn Quốc. Kế tục các tổng thống Kim Young Sam, Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, Lee Myung Bak là thế hệ lãnh đạo thứ tư ở Hàn Quốc mong muốn sử dụng “Hallyu” như là một công cụ quyền lực mềm của chính sách đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa – xã hội với tuyên bố: “Làn sóng Hàn Quốc bây giờ đã lan rộng khắp thế giới… và văn hóa đã trở thành một ngành công nghiệp. Chúng ta (Hàn Quốc) phải phát triển khả năng cạnh tranh trong chính ngành công nghiệp này, từ đó đặt nền tảng để trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ về các hoạt động văn hóa” (Diễn văn nhậm chức ngày 25-02-2008) [161]. Từ chiến lược đưa Hàn Quốc đứng vào top 5 trong ngành công nghiệp văn hóa thế giới của Tổng thống Roh Moo Hyun, Lee Myung Bak đã nỗ lực xây dựng Hàn Quốc trở thành “Hollywood của phương Đông” và bước đầu phát triển thương hiệu “Hallyu-wood” trước hết ở Trung Quốc vì đây là quốc gia đông dân và dân số trẻ. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Lee Myung Bak chủ yếu dựa vào sức mạnh truyền thông để đưa “làn sóng Hàn Quốc” vào thị trường Trung Quốc thông qua phim ảnh. Nhờ phản ánh các giá trị truyền thống Nho giáo nhưng vẫn tổng hợp đầy đủ yếu tố âm nhạc, ẩm thực, thời trang… điện ảnh Hàn Quốc đã tạo ra sức hút thực sự, lôi cuốn lớp trẻ Trung Quốc vào “cơn sốt” trang phục, ngôn ngữ, và trào lưu đi du lịch đến các địa điểm nổi tiếng trong phim ảnh Hàn Quốc. Sức lan tỏa mãnh liệt của điện ảnh trong nước đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch, K-pop và các trò chơi trực tuyến (Giai đoạn Hallyu 2.0). Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Hàn Quốc, sự phát triển của ngành điện ảnh đã thu hút 1,2 triệu du khách Trung Quốc (2008); 1,34 triệu khách (2009) và 1,88 triệu khách (2010) [151]. Đây là số lượng lớn nhất trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc. Lĩnh vực âm nhạc (K-pop) và ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Hàn Quốc cũng tìm được chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc nhờ mức độ phổ biến của nhạc phim và các kịch bản phim nổi tiếng. Chỉ tính riêng năm 2008, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đã đạt 362,8 triệu USD so với 306,8 triệu USD (2007) và 233,2 triệu USD (2006) [95; tr. 81]; trong đó, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường tiêu thụ chủ yếu. Hơn 80% sản phẩm văn hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Hàn Quốc trong năm này là các trò chơi trực tuyến; các nhân vật trong tiểu thuyết, phim truyện và kịch (10,6%); ấn phẩm xuất bản (5,4%) và các chương trình phát thanh truyền hình (2,2%) [71; tr. 123]. 105

Cùng với nỗ lực phát triển “Hallyu” ở Trung Quốc, từ năm 2008 chính quyền Lee Myung Bak bắt đầu đẩy mạnh các chương trình trao đổi thanh niên giữa hai nước sau khi Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc ra đời (28-5-2008) với ba nội dung chính: (1) Mở rộng chương trình trao đổi thanh thiếu niên giữa hai nước và thúc đẩy chương trình trao đổi học bổng giữa hai Chính phủ; (2) nhất trí hợp lý hóa các thủ tục xin thị thực nhằm tăng cường giao lưu nhân dân; (3) tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tích cực hỗ trợ trao đổi lịch sử và văn hóa với các trường đại học của Trung Quốc [175]. Theo cam kết của Tuyên bố trên, năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã mời 400 sinh viên Trung Quốc sang Hàn Quốc trong chương trình trao đổi học thuật, nghiên cứu chung về môi trường và đi thực tế tại các khu công nghiệp. Từ năm 2010, hằng năm Hàn Quốc đều cử đoàn đại biểu khoảng 100 người tham gia vào các sự kiện giao lưu, trao đổi văn hóa chung tổ chức ở Trung Quốc. Trong cuộc gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (27-6-2010) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ IV (Toronto – Canada), Tổng thống Lee Myung Bak đã tái khẳng định “chính sách mở rộng các hoạt động giao lưu thanh niên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đồng thời củng cố tình hữu nghị với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc” [176]. Nhờ vào chủ trương này của Chính phủ, cuối năm 2010, có 65.000 du học sinh Hàn Quốc và 75.000 du học sinh Trung Quốc tham gia học tập ở cả hai nước. Ngoài ra, khoảng từ 600.000 người đến 800.000 người Hàn Quốc cư trú dài hạn hoặc ngắn hạn ở Trung Quốc - con số này dự kiến đạt 1 triệu người vào năm 2015 [90]. Có thể thấy, trong hơn hai thập niên từ sau Chiến tranh lạnh, nhờ duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc về chính trị, ngoại giao và kinh tế, Hàn Quốc đã có điều kiện thuận lợi thúc đẩy trao đổi thường xuyên giữa hai nước trên lĩnh vực văn hóa – xã hội. Với việc điều chỉnh chính sách theo hướng tiếp cận gần gũi, coi Trung Quốc là “tâm điểm” của các trào lưu văn hóa mới và các chương trình giao lưu thanh niên, Hàn Quốc đã ra sức củng cố tình hữu nghị giữa hai bên và qua đó, từng bước thay đổi vị thế quốc tế của chính mình ở khu vực. Từ chỗ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc về cơ bản đã hoàn toàn chinh phục và lôi cuốn các nước Đông Bắc Á (trước hết là Trung Quốc) vào “cơn bão Hallyu” bằng sức mạnh của điện ảnh, âm nhạc và các chương trình phát thanh truyền hình. Đây là tiền đề quan trọng để hai bên xóa bỏ hận thù từ thời Chiến tranh Triều Tiên và cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trong thế kỷ XXI.

106

2.3.3. Đối với CHDCND Triều Tiên Văn hóa – xã hội được xem là lĩnh vực then chốt có tác dụng kết nối tinh thần dân tộc và xóa bỏ nghi kị trong quan hệ liên Triều, tạo cơ sở thuận lợi cho chiến lược thống nhất bán đảo Triều Tiên. Với ý nghĩa đó, kể từ sau Chiến tranh lạnh, các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã từng bước điều chỉnh chính sách với CHDCND Triều Tiên trên lĩnh vực văn hóa – xã hội bằng việc thực hiện song song ba nội dung cơ bản: Viện trợ nhân đạo, đoàn tụ gia đình ly tán và giao lưu văn hóa theo hướng tiếp cận ngày càng gần gũi và trên lập trường dân tộc chủ nghĩa.  Viện trợ nhân đạo Lũ lụt tàn phá ở miền Bắc từ giữa những năm 1990 đã làm cho nạn đói lan rộng ở Bắc Triều Tiên. Năm 1994, CHDCND Triều Tiên thừa nhận thiếu hụt lương thực nghiêm trọng và phải tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo do Tổ chức Tầm nhìn quốc tế, Hội Cứu trợ Thiên Chúa giáo tại California và Chính phủ Hàn Quốc phối hợp gây quỹ. Khi CHDCND Triều Tiên đang ở trên miệng hố khủng hoảng, phải cầu cứu nguồn dự trữ ngũ cốc của Nhật Bản, Tổng thống Kim Young Sam vẫn một mực duy trì nguồn viện trợ vô cùng “nhỏ giọt” cho miền Bắc và chủ động cản trở mọi hỗ trợ từ bên ngoài. Phó Thủ tướng Hàn Quốc Woong Bae Rha thậm chí còn không ít lần cảnh báo Nhật Bản về “nguy cơ căng thẳng quan hệ nếu nước này đơn phương cung cấp viện trợ cho CHDCND Triều Tiên mà không có sự tham gia của Hàn Quốc” [56; tr. 231]. Chính vì coi lương thực là “đòn bẩy ngoại giao” để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân nên Kim Young Sam kiên quyết không gửi gạo cứu đói cho đến khi miền Bắc chấp nhận tham gia vào đàm phán bốn bên. Quan điểm này được chính tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong Thông điệp kỷ niệm ngày giải phóng dân tộc (15-8- 1993) với tuyên bố: “Chỉ khi nào CHDCND Triều Tiên đảm bảo sự minh bạch về các hoạt động hạt nhân và chịu ngồi vào bàn đàm phán, Hàn Quốc mới đồng ý hỗ trợ nhân đạo” [78; tr. 241]. Từ năm 1995, chính quyền Kim Young Sam bắt đầu thực hiện chính sách “đổi viện trợ lương thực, lấy đàm phán ngoại giao” (hay còn gọi là giải pháp “thực phẩm vì hòa bình”). Theo đó, Hàn Quốc đưa sang miền Bắc 150.000 tấn gạo để mở đường cho việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, dự định chính trị này chẳng những không thành công mà còn kéo theo kết quả hạn chế trong công tác viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc trong những năm tiếp theo. Từ chỗ đóng góp đến 80,5% tổng giá trị viện trợ của cộng đồng quốc tế cho Bắc Triều Tiên với 232,3 triệu USD (1995), viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc đột ngột sút giảm và chỉ chiếm 4,5% tổng giá trị viện trợ của thế giới với 4,6 triệu USD (1996) [111; tr. 147].

107

Mô hình viện trợ theo kiểu “có đi có lại” của Kim Young Sam đã hoàn toàn chấm dứt sau khi chính quyền Kim Dae Jung lên nắm quyền và liên tục cung cấp 400.000 tấn lương thực và 300.000 tấn phân bón mỗi năm cho CHDCND Triều Tiên [34]. Đây là hệ quả của chính sách viện trợ nhân đạo được Kim Dae Jung công bố trong diễn văn nhậm chức (25-02-1998): “Quan hệ liên Triều cần được phát triển trên cơ sở hòa bình, hòa giải và hợp tác. Chúng tôi (Hàn Quốc) sẽ không keo kiệt trong vấn đề viện trợ lương thực cho miền Bắc thông qua Chính phủ và các tổ chức tư nhân” [145]. Cam kết nói trên của Tổng thống Kim Dae Jung không chỉ thúc đẩy hoạt động nhân đạo bằng việc vận chuyển thực phẩm và nông sản cho CHDCND Triều Tiên mà còn phản ánh mong muốn theo đuổi tiến trình hòa giải liên Triều ở đa cấp thông qua “chính sách nhiều kênh” - cho phép các nhóm công dân và doanh nghiệp Hàn Quốc liên lạc, hỗ trợ các tổ chức xã hội của Bắc Triều Tiên vì mục đích nhân đạo. Trên cơ sở đó, từ đầu năm 1999, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng các kênh viện trợ trực tiếp cho miền Bắc nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả trợ giúp nhân đạo của khu vực tư nhân. Từ chỗ có 10 tổ chức tư nhân tham gia viện trợ (1999); đến năm 2000, 13 tổ chức đã cùng góp sức vào hoạt động nhân đạo của Chính phủ [111; tr. 152]. Giữa năm 2000, 8 tổ chức tư nhân khác tiếp tục tham gia vào hoạt động này với số tiền 2,7 tỷ Won dành cho 5 chương trình phát triển nông nghiệp; 1,65 tỷ Won cho 2 dự án về sức khỏe - y tế và 1,06 tỷ Won cho 2 chương trình cứu trợ nhân đạo khẩn cấp khác [111; tr. 153]. Kết quả này làm gia tăng trở lại tỷ lệ đóng góp hằng năm của Hàn Quốc trong tổng số giá trị hàng hóa viện trợ của cộng đồng quốc tế, lần lượt chiếm 38,5% (2000); 27,5% (2001) và 34,5% (2002). Việc chú trọng vào công tác viện trợ nhân đạo của Chính phủ Hàn Quốc (1998 - 2003) cho thấy sự khác biệt căn bản giữa giải pháp “cho trước, nhận sau” của Kim Dae Jung với logic tiếp cận theo kiểu không tháo dỡ vũ khí hạt nhân, không có viện trợ nhân đạo ở tất cả các cấp của chính quyền Kim Young Sam. Lập trường này được chính ông khẳng định trong “Thông điệp đầu năm” (03-01-2000) và tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính Phủ (26-01-2000): “Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng chương trình viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên bằng lòng thiện chí, trong đó đặc biệt coi trọng công tác viện trợ phân bón” [111; tr. 148]. Quan điểm ôn hòa, mềm mỏng của chính quyền Kim Dae Jung đã giúp Hàn Quốc cùng một lúc đạt được hai mục tiêu: Vừa kiểm soát tình trạng đối đầu trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, vừa gia tăng sự phụ thuộc ngày càng lớn của Bắc Triều Tiên về phương diện kinh tế. Bài học quan trọng này tiếp tục được Tổng thống kế nhiệm Roh Moo Hyun vận dụng triệt để trong việc thực hiện các chương trình nhân đạo. Vào thời kỳ cầm quyền của ông, Hàn Quốc luôn duy trì vai trò trụ cột trong công tác cứu trợ

108

thông qua 3 tổ chức nòng cốt của Liên Hợp Quốc: Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2005, nguồn lương thực và phân bón cung cấp cho miền Bắc có giá trị lên đến 860 tỷ Won, chiếm gần 53% tổng số viện trợ của Hàn Quốc dành cho CHDCND Triều Tiên. Chỉ tính riêng năm 2005, Hàn Quốc đã cung cấp 500.000 tấn gạo (chiếm 25% tổng sản phẩm lương thực của miền Bắc). Vượt qua những sóng gió trong vấn đề chính trị, các chương trình nhân đạo của Hàn Quốc lại được tái khởi động từ tháng 02-2007 sau khi Tổng thống Roh Moo Hyun và Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đưa ra “Tuyên bố 10 điểm” khẳng định: “Xuất phát từ tình cảm dân tộc và tinh thần nhân đạo, Hàn Quốc cam kết cung cấp 400.000 tấn gạo và 500.000 tấn phân bón cho CHDCND Triều Tiên” [32]. Sự nhất quán của Tổng thống Roh Moo Hyun trong việc duy trì thường xuyên và liên tục hoạt động cứu trợ nhân đạo có tác dụng hàn gắn mối quan hệ liên Triều từng bị “đứt gãy” vào thời kỳ cầm quyền của Kim Young Sam. Trong suốt 10 năm (1998 - 2008), hai Chính phủ Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã viện trợ vô điều kiện cho miền Bắc lần lượt là 449 triệu USD và 1.402 triệu USD (xem biểu đồ 2.2). Chỉ tính riêng vào thời kỳ Roh Moo Hyun nắm quyền, khoảng 450.000 tấn lương thực đã được cung cấp miễn phí hằng năm cho Bắc Triều Tiên (2003 - 2007). Những khoản viện trợ này tương đương với số hàng hóa cứu trợ của Trung Quốc dành cho Bình Nhưỡng. Biểu đồ 2.2. Viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho CHDCND Triều Tiên (1993 - 2008) Đơn vị: triệu USD

ROH MOO HYUN

KIM DAE JUNG

KIM YOUNG SAM

0 200 400 600 800 1000 1200 1400 1600 1800 2000 KIM YOUNG SAM KIM DAE JUNG ROH MOO HYUN Chính phủ 261,72 449,77 1402,53000 Khu vực tư nhân 22,36 191,25 432,46

Nguồn: Korea Overseas Information Services (2010)

109

Không thể phủ nhận, bên cạnh vai trò nòng cốt của Chính phủ, khu vực tư nhân cũng đã tham gia tích cực vào công tác cứu trợ nhân đạo với mức đóng góp ngày càng đáng kể. Theo biểu đồ 2.2, vào thời kỳ cầm quyền của Kim Young Sam, tư nhân chỉ chiếm 8% tổng số cứu trợ của Hàn Quốc vì các tổ chức xã hội hoạt động từ đầu năm 1993 đều bị Chính phủ giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế nỗ lực cứu đói miền Bắc. Tuy nhiên, tình hình này đã bắt đầu thay đổi khi Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun thực hiện chính sách viện trợ nhiều kênh, qua đó trực tiếp thúc đẩy mức đóng góp của khu vực tư nhân lên 191 triệu USD (chiếm 28%) và 432 triệu USD (chiếm 12% giá trị hàng hóa cứu trợ của Hàn Quốc trong cả hai thời kỳ), tăng 27,7% và 44% so với thời chính quyền Kim Young Sam. Bước sang năm 2009, quá trình chuyển giao quyền lực ở Hàn Quốc đã làm đảo lộn đáng kể hoạt động viện trợ nhân đạo ở trong nước. Với quan điểm chính trị thực dụng, Tổng thống Lee Myung Bak quyết tâm theo đuổi nguyên tắc “ABR” (Anything but Roh) (Bất cứ điều gì ngoại trừ chính sách của Roh Moo Hyun) [54; tr. 11-12]. Nỗ lực liên kết giữa giải giáp hạt nhân với hỗ trợ cứu đói của Lee Myung Bak được coi là “phiên bản” chính sách “Ngoại giao mới” của Kim Young Sam. Thế nhưng, về mức độ cương quyết và thái độ cứng rắn thì Lee Myung Bak thậm chí còn vượt xa nhà lãnh đạo tiền bối. Cách tiếp cận thực dụng của chính quyền mới đòi hỏi Bắc Triều Tiên không chỉ tuân thủ nguyên tắc có điều kiện “có đi có lại” mà còn phải “cho trước nhận sau”. Sự lựa chọn chính sách thực dụng như vậy đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán sáu bên, các thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 2008 và còn làm ngưng trệ mọi hoạt động viện trợ nhân đạo. Các chương trình hỗ trợ cho CHDCND Triều Tiên, lúc bấy giờ, chủ yếu chỉ được duy trì bởi các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) với mức đóng góp 30,3 triệu USD tiền mặt và 4.000 tấn ngũ cốc [35].  Đoàn tụ các gia đình ly tán Thời điểm Chiến tranh lạnh vừa kết thúc, vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán luôn bị gán ghép và chịu ảnh hưởng sâu sắc do sự đối lập quan điểm chính trị của cả hai Nhà Nước. CHDCND Triều Tiên cho rằng nhiệm vụ xã hội này chỉ có thể được giải quyết sau khi bán đảo đã hoàn toàn thống nhất, còn Hàn Quốc thì coi đây là bước thử nghiệm đầu tiên trong quá trình tái hợp dân tộc. Do cách tiếp cận vấn đề bằng “nhãn quan” chính trị chứ không phải theo quan điểm nhân đạo nên ngay từ đầu, Bình Nhưỡng đã không mặn mà với hoạt động này. Năm 1984, hai bên lần đầu tiên đạt được thỏa thuận về việc tiếp xúc giữa 35 hộ gia đình Hàn Quốc với 30 gia đình người Bắc Triều Tiên sau khi miền Nam giúp đỡ

110

miền Bắc khắc phục hậu quả lũ lụt. Lo sợ việc đoàn tụ các gia đình ly tán có thể bị gián đoạn nếu Hàn Quốc đình chỉ viện trợ, chính quyền Roh Tae Woo đã đưa ra “Tuyên bố Đặc biệt về Quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (hay còn gọi là “Tuyên bố ngày 07-7-1988”), “Hướng dẫn về hợp tác, trao đổi liên Triều” (12-6-1989) và “Luật Hợp tác – trao đổi liên Triều” (1990) nhằm mở đường cho việc thực hiện chính sách đoàn tụ ở nước thứ ba. Ba văn kiện nói trên là nền tảng pháp lý vững chắc với nội dung nhất quán là: “Tích cực duy trì và đẩy mạnh việc trao đổi, tiếp xúc giữa thân nhân hai miền thông qua kiều bào người Hàn Quốc và người Triều Tiên ở nước ngoài để tái hợp các gia đình ly tán” [130; tr. 627-630]. Kể từ năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu đưa vấn đề này vào các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều và từ năm 1992, nó chính thức trở thành một điều khoản trong Hiệp định Cơ bản với nội dung: “Hai bên cho phép trao đổi thư từ, gặp gỡ và viếng thăm giữa thành viên hoặc họ hàng của những gia đình ly tán, thúc đẩy đoàn tụ tự nguyện và có biện pháp giải quyết các vấn đề nhân quyền” [111; tr. 244-247]. Tuy nhiên, văn bản nói trên đã nhanh chóng bị Bắc Triều Tiên “phớt lờ” từ sau sự kiện thống nhất nước Đức và sự sụp đổ CNXH ở các nước Đông Âu, Liên Xô (1989 - 1991). Với mong muốn CHDCND Triều Tiên thể hiện vai trò nhiều hơn trong nỗ lực tái hợp thân nhân hai miền, trong phát biểu kỷ niệm ngày Giải phóng dân tộc (15-8-1994), Tổng thống Kim Young Sam thẳng thắn đề nghị: “Bình Nhưỡng không những phải thừa nhận tình cảnh đau khổ của các gia đình ly tán là một vấn đề nhân quyền cơ bản mà cần sớm hợp tác với Seoul để khắc phục hậu quả của nó” [107; tr. 234-241]. Nhờ vào sự vận động tích cực của Chính phủ, năm 1996, 2.485 gia đình Hàn Quốc đã được tiếp xúc với người dân Bắc Triều Tiên, 33% trong số họ trực tiếp hoặc gián tiếp xác minh về nơi ở của các thành viên trong gia đình thông qua thân nhân hoặc dịch vụ tìm kiếm ở nước thứ ba [107; tr. 162]. Sau khi Tổng thống Kim Dae Jung lên nắm quyền, vấn đề đoàn tụ gia đình ly tán trở thành ưu tiên số một trong chính sách Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc. Xuất phát từ nhận thức: “Kiểu quan hệ “Chiến tranh lạnh” kéo dài giữa hai miền suốt hơn nửa thế kỷ làm cho các thành viên của những gia đình ly tán không thể biết cha mẹ và anh chị em của mình còn sống hay đã chết… cần sớm được chấm dứt” (Diễn văn nhậm chức ngày 25-02-1998) [145], Kim Dae Jung đưa ra “chính sách 4 điểm” về công tác này với nội dung: Thứ nhất, đoàn tụ gia đình ly tán là vấn đề nhân quyền, không thực hiện bằng đàm phán chính trị; thứ hai, đoàn tụ gia đình ly tán là vấn đề cấp bách, không được trì hoãn; thứ ba, đây là vấn đề nhân đạo, phải thực hiện trước các nhiệm vụ chính trị; thứ tư, giải quyết vấn đề gia đình ly tán nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và tái hòa hợp dân tộc

111

[82; tr. 35]. Bắt nguồn từ thực tế nhiều thành viên trong các gia đình ly tán đang qua đời vì tuổi già và không có cơ hội gặp mặt người thân, Tổng thống Kim Dae Jung đã ra sức thúc đẩy công tác đoàn tụ thân nhân bằng những giải pháp đồng bộ chưa từng có: (1) Thực hiện đoàn tụ khẩn cấp cho các thành viên thuộc thế hệ đầu tiên của các gia đình ly tán ở nước thứ ba với thủ tục pháp lý đơn giản và mức hỗ trợ tài chính lớn (800.000 Won để xác minh địa chỉ và 1.800.000 Won để đoàn tụ thân nhân); (2) xây dựng Trung tâm thông tin phục vụ đoàn tụ gia đình; (3) thiết lập cơ sở dữ liệu và khởi động trang web điện tử nhằm giải đáp thắc mắc về tìm kiếm người thân [111; tr. 142]. Đi đôi với việc thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp mới, chính quyền Kim Dae Jung còn đưa ra một quyết sách lịch sử (07-7-1998) khẳng định: “Theo khái niệm chung, gia đình ly tán bao gồm những người thân bị chia cắt trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, bên cạnh đó những thành phần bị bắt cóc, tù binh, dân tị nạn hoặc bỏ chạy khỏi miền Bắc cũng có thể được coi là một dạng khác của gia đình ly tán” [110; tr. 51]. Chính sách đổi mới nói trên của Kim Dae Jung đã đưa các hoạt động nhân đạo ở Hàn Quốc thoát khỏi những khuôn khổ ràng buộc của ý thức hệ. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này cũng tạo ra thách thức không nhỏ trong việc vận động, thuyết phục CHDCND Triều Tiên hợp tác giải quyết vấn đề nhân đạo với Hàn Quốc. Để tháo gỡ khó khăn, Tổng thống Kim Dae Jung đã thực hiện lồng ghép hai nhiệm vụ cơ bản, đó là: Vừa cam kết“tạo điều kiện trao đổi thư từ và bày tỏ thiện chí đoàn tụ các gia đình ly tán mà không gây hiềm khích chính trị đối với CHDCND Triều Tiên” [19; tr. 15], vừa kêu gọi miền Bắc tích cực tìm kiếm giải pháp khả thi cho vấn đề gia đình ly tán. Quá trình thuyết phục Bắc Triều Tiên hưởng ứng chính sách của Hàn Quốc bắt đầu có bước phát triển đột phá khi Kim Dae Jung thực hiện phương châm “lợi ích kinh tế đi trước, hợp tác nhân đạo theo sau”. Trên cơ sở đó, trong “Tuyên bố Berlin” vào năm 2000, chính quyền của ông đưa ra bốn gợi ý: Duy trì viện trợ kinh tế cho CHDCND Triều Tiên; thúc đẩy hòa giải - hợp tác liên Triều; tìm kiếm giải pháp đoàn tụ gia đình ly tán; trung thành với Hiệp định Cơ bản Bắc – Nam [111; tr. 29]. Đối với việc thực hiện đoàn tụ thông qua các tổ chức tư nhân, Hàn Quốc còn tạo điều kiện cho Chính phủ miền Bắc được hưởng mức phí dịch vụ cao từ 500 đến 1.000 USD để xác định danh tín và trao đổi thư từ, từ 5.000 đến 10.000 USD để thực hiện đoàn tụ ở nước thứ ba [83; tr. 72-74]. Nhờ cơ chế ưu đãi đặc biệt về kinh tế cho CHDCND Triều Tiên, chính quyền Kim Dae Jung đã gặt hái thành công ngoài mong đợi với trường hợp đoàn tụ thành công đầu tiên ở miền Bắc (1998) và ngày càng gia tăng đáng kể về mặt số lượng của các gia đình đoàn tụ ở hải ngoại (xem bảng 2.5).

112

Bảng 2.5. Đoàn tụ các gia đình ly tán ở nước thứ ba (12-6-1989 đến 31-12-2000) Đơn vị: số trường hợp, % Các Chưa Trung Nhật Năm Mỹ Canada nước xác Tổng Quốc Bản khác định Xác minh địa 2000 315 45 22 17 11 37 447 chỉ 1989-2000 1.561 369 117 57 58 157 2.319 (%) 2000 70,5 10 4,9 3,8 2,5 8,3 100 1989-2000 67,3 15,9 5 2,5 2.5 6,8 100 Đoàn tụ 2000 143 0 2 0 3 0 148 1989-2000 582 0 18 0 6 0 606 (%) 2000 96,6 0 1,4 0 2 0 100 1989-2000 96 0 3,0 0 1 1,2 100 Nguồn: Ministry of Unification, Republic of Korea, White Paper on Korean Unification (2001), p. 142. Theo thống kê ở trên, từ tháng 6-1989 đến hết tháng 12-2000, có 2.319 trường hợp xác minh được địa chỉ của người thân và 606 trường hợp thực hiện đoàn tụ thành công thông qua nước thứ ba. Nếu chỉ tính riêng năm 2000, đã có tới 447 trường hợp tìm được nơi ở của thân nhân và 148 trường hợp đoàn tụ. Việc tái hợp gia đình ly tán ở nước ngoài chủ yếu được các tổ chức tư nhân thực hiện ở Mỹ, Canada và Nhật Bản nhưng nhiều nhất là ở Trung Quốc, chiếm 96% tỷ lệ đoàn tụ thành công ở nước thứ ba trong hơn một thập niên. Kể từ năm 2000, 18 vòng đoàn tụ trực tiếp và 7 vòng đoàn tụ qua video đã được tổ chức, tạo điều kiện cho 21.000 người gặp lại người thân [164]. Kết quả nói trên tiếp tục được tổng thống kế nhiệm Roh Moo Hyun duy trì với việc phát huy tối đa vai trò của Hội Chữ thập đỏ hai nước trong vòng đàm phán hồi tháng 10-2007 nhằm thực hiện thỏa thuận của hai Chính phủ: Kêu gọi 400 người tái hợp trực tiếp mỗi năm, 100 người tham gia hội ngộ đặc biệt, 160 gia đình tái hợp thông qua truyền hình và 120 gia đình trao đổi thông tin qua thư từ, hình ảnh [162]. Xuất phát từ việc coi đoàn tụ gia đình ly tán là vấn đề hệ trọng và cấp bách của quốc gia, Roh Moo Hyun đã nỗ lực vun đắp những thành tựu được kế thừa từ người tiền nhiệm; đồng thời khẳng định chính sách của riêng mình thông qua “Tuyên bố về sự tiến bộ quan hệ liên Triều vì hòa bình và thịnh vượng” (10-2007) với hai nội dung trọng tâm: “Tăng cường đoàn tụ giữa các thành viên gia

113

đình ly tán thông qua hệ thống kết nối video và… cho phép gặp gỡ, tiếp xúc thân nhân tại trung tâm đoàn tụ ở khu nghỉ mát núi Kumgang sau khi công trình này chính thức hoàn thành” [115]. Quan trọng hơn, chính quyền Roh Moo Hyun còn tăng cường hỗ trợ kinh tế cho miền Bắc và phối hợp với Chủ tịch Kim Jong Il để tổ chức các cuộc đoàn tụ ngay trên bán đảo Triều Tiên. Bảng 2.6. Trao đổi và đoàn tụ các gia đình ly tán qua các thời kỳ tổng thống Đơn vị: số trường hợp Kim Young Kim Dae Roh Moo Tình trạng Sam Jung Hyun Xác minh tình trạng sống/chết 720 1.711 1.016 Trao đổi qua thư 3.348 3.604 3.442 Đoàn tụ ở nước thứ 3 119 451 - Đoàn tụ ở bán đảo Triều Tiên - 378 675 Nguồn: Ministry of Unification, White Paper on Korean Unification (2013), p. 263 Căn cứ vào số liệu ở bảng 2.6, Kim Dae Jung được đánh giá là tổng thống thực hiện tốt nhất chính sách đoàn tụ gia đình ly tán với 1.711 trường hợp xác minh nhân thân, 3.604 trường hợp trao đổi qua thư và 451 trường hợp đoàn tụ thành công ở nước thứ ba. Nhà lãnh đạo Roh Moo Hyun cũng có thành tích không kém trong việc tổ chức đoàn tụ ngay trên bán đảo Triều Tiên với tổng cộng 675 trường hợp thành công trong nhiệm kỳ của mình. Từ tháng 02-2008, tiến trình đoàn tụ các gia đình ly tán bắt đầu bị gián đoạn sau khi Lee Myung Bak lên nắm quyền. Ngay từ đầu, Tổng thống Lee đã muốn đưa vấn đề tù nhân chiến tranh và người Hàn Quốc bị bắt cóc vào nội dung đàm phán của Hội Chữ thập đỏ liên Triều với tuyên bố: “Giải quyết vấn đề tù nhân chiến tranh và người Hàn Quốc bị bắt cóc là một ưu tiên lớn trong chính sách Bắc Triều Tiên, đây đồng thời là nhiệm vụ cơ bản mà nhà nước phải thực hiện để bảo vệ người dân” [117; tr. 15]. Đây không phải là lần đầu tiên việc đoàn tụ cho nạn nhân chiến tranh được đưa ra (trước đó nhà lãnh đạo Kim Dae Jung đã nhắc đến vấn đề này trong Tuyên bố ngày 07-7-1998); tuy nhiên, do Lee Myung Bak thúc đẩy quá mạnh mẽ và quyết liệt vấn đề lịch sử nhạy cảm này đúng vào thời điểm quan hệ liên Triều đang trượt dốc nên chương trình nhân đạo của Hàn Quốc đã hoàn toàn bị đảo lộn. Tuy nhiên, đối mặt với thực tế có hơn 80.000 người Hàn Quốc đang chờ đợi để được đoàn tụ, trong đó có khoảng 260 người chết mỗi tháng vì tuổi già mà chưa gặp người thân, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải gửi

114

5.000 tấn gạo cho Bình Nhưỡng để đổi lấy sự nhượng bộ trong việc tổ chức đoàn tụ cho các gia đình. Do lựa chọn giải pháp cứng rắn và tạo áp lực ngay từ ban đầu, chính quyền Lee Myung Bak đã làm chậm lại nỗ lực tái hợp thân nhân của Hội Chữ thập đỏ hai nước, kéo theo kết quả hạn chế của Hàn Quốc trong công tác này. Đến năm 2009, hai bên mới nối lại hoạt động đoàn tụ nhân ngày lễ Tạ ơn. Tuy vậy, vòng đàm phán của Hội Chữ thập đỏ hai miền được dự kiến diễn ra vào tháng 11-2010 nhằm giải quyết vấn đề tái hợp cho các gia đình bị ly tán đã tiếp tục bị gián đoạn do CHDCND Triều Tiên tấn công quân sự vào đảo Yeonpyeong. Với những nguyên nhân trên, đến hết năm 2010, mới chỉ có 16 trường hợp xác minh được danh tín, 15 trường hợp trao đổi qua thư và 7 trường hợp đoàn tụ thành công [119; tr. 263].  Các hoạt động giao lưu văn hóa Bối cảnh Chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên đã làm cho các hoạt động hợp tác và trao đổi văn hóa - xã hội không thể diễn ra trong suốt một thời gian dài. Đến năm 1980, các cuộc đàm phán của Chính phủ hai nước đã bắt đầu được khởi động thì hợp tác văn hóa liên Triều mới có bước tiến triển nhờ vào tuyên bố ngày 07-7-1988 của Tổng thống Roh Tae Woo, trong đó khẳng định: “Hàn Quốc sẵn sàng theo đuổi tiến trình hợp tác, trao đổi Bắc - Nam trên tất cả các lĩnh vực”. Cụ thể là, “thúc đẩy trao đổi song phương giữa các chính trị gia, các quan chức kinh tế, các nhà truyền thông, các tổ chức tôn giáo, các văn nghệ sỹ, vận động viên, học giả và sinh viên… nhằm tăng cường giao lưu và mở cửa rộng rãi cho kiều bào ở nước ngoài được tự do tìm hiểu về hai miền Triều Tiên” [130; tr. 627-630]. Cùng với việc thành lập Ủy ban Xúc tiến Hợp tác - Trao đổi liên Triều (3-1989) và ban hành “Hướng dẫn về Trao đổi và Hợp tác liên Triều” (6-1989), tháng 2-1990, chính quyền Roh Tae Woo chính thức công bố chính sách “đối Bắc dung hòa” về giao lưu văn hóa – xã hội giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc: (1) Thực hiện trao đổi văn hóa từng phần; (2) không đối đầu, cạnh tranh trong thi đấu khu vực; (3) không bóp méo, phỉ báng văn hóa truyền thống của nhau; (4) bắt đầu hợp tác – trao đổi từ những lĩnh vực đơn giản; (5) chung sức đổi mới văn hóa dân tộc [52; tr. 98]. Năm 1990, những quy ước nói trên đã trở thành “hạt nhân” pháp lý của “Luật Hợp tác và Trao đổi liên Triều”. Mong muốn dẹp bỏ những nghi ngại của CHDCND Triều Tiên trong quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, tại cuộc hội đàm cấp cao liên Triều lần thứ năm (Seoul), chính quyền Roh Tae Woo nhất trí ký vào Hiệp định Cơ bản Bắc – Nam (1991) với cam kết cải thiện toàn diện quan hệ liên Triều theo nguyên tắc: “Hai bên thực hiện giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Khoa học và

115

công nghệ, giáo dục, văn học và nghệ thuật, y tế, thể thao, môi trường, xuất bản và báo chí bao gồm các ấn phẩm báo in, phát thanh và phát sóng truyền hình” [107; tr. 204]. Văn kiện lịch sử này là chiến lược cho toàn bộ quá trình tiếp xúc, trao đổi song phương trên lĩnh vực văn hóa – xã hội giữa hai nước trong suốt thế kỷ XX. Dưới tác động của bản Hiệp định, các hoạt động giao lưu văn hóa bắt đầu diễn ra sôi động từ năm 1991 (sau khi hai nước cử đoàn vận động viên chung tham dự giải vô địch bóng bàn thế giới, giải vô địch thanh niên thế giới FIFA) và bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao từ năm 1998 (sau khi Kim Dae Jung chính thức nắm quyền). Ngay trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên (15-6-2000), Tổng thống Kim Dae Jung đã khẳng định: “Hai nước cần mở rộng phạm vi trao đổi và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm: Xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, y tế và môi trường… nhằm xây dựng lòng tin và khôi phục sự thống nhất đất nước” [111; tr. 37]. Từ nhận thức các hoạt động giao lưu, tiếp xúc trên mặt trận văn hóa có tác dụng hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, chính quyền Kim Dae Jung đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hòa hợp dân tộc với việc đưa ra “Quy định giao lưu, hợp tác văn hóa – xã hội liên Triều” và phê chuẩn hàng loạt dự án hợp tác, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa nở rộ trên bán đảo Triều Tiên. Với phương châm “tiếp xúc thật nhiều”, “đối thoại thật nhiều”, “giao lưu thật nhiều”, kể từ năm 1998 đến trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều (6-2000), chính quyền Kim Dae Jung đã tổ chức thành công 53 cuộc trao đổi trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật với 123 người tham gia; 42 cuộc tiếp xúc trong lĩnh vực giáo dục với 350 người hưởng ứng; 31 cuộc giao lưu trong lĩnh vực thể dục thể thao và 61 cuộc tiếp xúc trong lĩnh vực tôn giáo [111; tr. 132]. Vào tháng 9-2000, đoàn vận động viên hai miền tham dự Đại hội Olympic mùa hè ở Sydney (Australia) đã cùng diễu hành dưới lá cờ xanh hòa bình và hát bài dân ca “Arirang”. Song hành với sự kiện lịch sử này, hai bên còn xúc tiến các hoạt động văn hóa – thể thao chung nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại khu nghỉ mát núi Kim Cương (2001) và thi đấu giao hữu giữa hai đội tuyển bóng đá nam với khẩu hiệu “chiến thắng của miền Bắc hay miền Nam – chúng ta là một” [25]. Những hoạt động nói trên cho thấy sự tích cực của Kim Dae Jung khi điều chỉnh chính sách Bắc Triều Tiên trên lĩnh vực văn hóa – xã hội trong bối cảnh có quá ít chương trình trao đổi nghệ thuật giữa hai nước diễn ra trước năm 1998. Từ mối quan tâm đặc biệt dành cho chính sách trao đổi văn hóa – xã hội liên Triều, Kim Dae Jung đã thể hiện quan điểm thực tế và đầy táo bạo khi chủ trương thúc

116

đẩy từng bước tiến trình tái thống nhất bằng các giải pháp “phi chính trị”. Chính phủ của ông khẳng định: “Sự phát triển của các hoạt động giao lưu văn hoá – xã hội là nền tảng vững chắc cho tiến trình thống nhất hòa bình giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Đấy cũng là cách để hai bên cùng vượt qua rào cản ý thức hệ và xóa bỏ sự chia rẽ dân tộc” [75]. Cùng với việc theo đuổi chính sách “Ánh dương” đối với Bắc Triều Tiên và thông qua Hiệp định ngày 15-6-2000, Kim Dae Jung đã thừa nhận vai trò đặc biệt của giao lưu liên Triều trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình liên quan. Nhờ định hướng đó, ngay trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, phim ảnh do CHDCND Triều Tiên sản xuất lần đầu tiên được công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình Hàn Quốc. Cách tiếp cận gần gũi và thiện chí của Kim Dae Jung tiếp tục được chính quyền Roh Moo Hyun kế thừa với việc ký kết “Hiệp ước Giao lưu văn hóa hai miền” (2003) và đưa ra “Tuyên bố về sự tiến bộ của quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (2007), theo đó: “Miền Nam và miền Bắc nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội bao gồm: Lịch sử, ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm làm nổi bật lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa giàu bản sắc của dân tộc” [115]. Với chủ trương này, cuối năm 2007, 12.700 người đã tham gia vào các sự kiện cộng đồng liên Triều – con số này tăng lên 15 lần so với thời điểm năm 1999 [87]. Tuy nhiên, các hoạt động văn hóa – xã hội liên Triều của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã không thể duy trì trong thời kỳ nắm quyền của Chính phủ bảo thủ Lee Myung Bak. Về cơ bản, trong chính sách Bắc Triều Tiên, “học thuyết MB” vẫn là cơ sở để Hàn Quốc tăng cường hiểu biết và đẩy mạnh ngoại giao văn hóa với các nước ở khu vực, trong đó có CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, do quan hệ liên Triều liên tục rạn nứt vì đường lối đối ngoại cứng rắn của Hàn Quốc và hàng loạt hành động khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên (thử nghiệm hạt nhân, tấn công tàu Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyeong) nên các chương trình trao đổi văn hóa - xã hội liên Triều đều bị hạn chế hoặc gián đoạn. Thực tế này làm cho kết quả tiếp xúc giữa hai miền đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Vào thời kỳ cầm quyền của Lee Myung Bak, các hoạt động trao đổi văn hóa – nghệ thuật thậm chí đã bị “xóa sổ” trong cả hai năm 2009 và 2010. Các hoạt động xã hội khác diễn ra hạn chế với số lượng người tham gia ít ỏi, điển hình: Giao lưu thể thao từ 23 người tham gia (2009) còn lại 3 người (2010); tiếp xúc tôn giáo từ 103 người (2009) còn lại 77 người (2010). Nếu tính riêng thời điểm Lee Myung Bak rời khỏi chính trường (2012) thì đã có đến 3 lĩnh vực văn hóa – xã hội không

117

diễn ra bất cứ hoạt động trao đổi liên Triều nào, bao gồm: Học thuật, thể dục thể thao và tiếp xúc dân sự [118; tr. 35]. Kết quả này là đáp án cho chính sách cứng rắn của Lee Myung Bak về cách tiếp cận và ứng xử đối với miền Bắc trong nỗ lực tái thống nhất. Trong suốt hơn hai thập niên kể từ sau Chiến tranh lạnh, chính sách của Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tập trung thực hiện các nhiệm vụ tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy hiểu biết chung, “mở cửa” văn hóa và mở rộng ảnh hưởng của “làn sóng Hàn Quốc” trong khu vực. Đối với CHDCND Triều Tiên, chính sách của Hàn Quốc còn hướng đến việc giải quyết các vấn đề nhân đạo (viện trợ lương thực và đoàn tụ thân nhân) nhằm xoa dịu vết thương dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ. Dù chính sách trao đổi, hợp tác của Hàn Quốc vẫn chịu tác động của yếu tố dân tộc chủ nghĩa trong vấn đề an ninh – chính trị (đối với Nhật Bản, Trung Quốc) và quan điểm “có đi có lại, có điều kiện” (đối với CHDCND Triều Tiên) nhưng Hàn Quốc đã cho thấy sự chuyển biến lớn về nhận thức, về thái độ và thiện chí xích lại gần hơn với các nước trong khu vực. Đây là một trong những nhân tố tích cực duy trì cơ sở hợp tác hòa bình ở Đông Bắc Á từ đầu thế kỷ XXI. Tiểu kết chương 2. Chính sách đối với các nước Đông Bắc Á trong suốt hơn hai thập niên (1989 - 2010) đã chứng tỏ tinh thần tự chủ, độc lập, sáng tạo và trưởng thành vượt bậc của ngoại giao Hàn Quốc. Mặc dù có nhiều cách thức tiếp cận khác nhau về nội dung, mục tiêu và phương châm hành động nhưng đặc điểm bao trùm của chính sách vẫn là tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực, tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn đối với điểm nóng Bắc Triều Tiên và vấn đề thống nhất dân tộc. Nhờ vậy, Hàn Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu cơ bản trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á. Mối quan hệ thù địch với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã phát triển thành quan hệ đối tác hợp tác; liên minh an ninh với Nhật Bản cũng từng bước được củng cố và đi vào chiều sâu. Với quan điểm xây dựng, tăng cường quan hệ toàn diện với các nước Đông Bắc Á trên cơ sở lòng tin và sự hiểu biết, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã vận động tương đối nhịp nhàng trước những biến thiên của tình hình an ninh – chính trị, kích thích phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa – xã hội và ứng phó với nguy cơ xung đột quân sự. Dù Đông Bắc Á còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn, cạnh tranh nhưng định hướng hòa giải, hợp tác và phát triển quan hệ toàn diện với Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên vẫn là lựa chọn tất yếu của ngoại giao Hàn Quốc trong bối cảnh hội nhập khu vực.

118

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 - 2010)

Do Đông Bắc Á là “địa bàn” nhạy cảm và phức tạp về an ninh (vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản; bất đồng lịch sử từ thời cổ đại với Trung Quốc…) cộng với sự cạnh tranh về kinh tế và gia tăng “sức mạnh mềm” theo quan điểm “dân tộc chủ nghĩa” nên Hàn Quốc buộc phải tính toán và đặt trọng tâm vào các mối quan hệ và các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Chính điều này đã định hình những đặc điểm chung và riêng trong chính sách của Hàn Quốcđối với từng chủ thể chính trị ở khu vực. Bên cạnh đó, những thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm cũng cần được Hàn Quốc nhìn nhận, đánh giá nhằm định hướng chính sách vận động theo đúng quỹ đạo của tình hình khu vực. 3.1. Những điểm chung và riêng trong chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên (1989 – 2010) Để phù hợp với xu thế hòa dịu của thế giới cũng như mục tiêu thống nhất dân tộc và hướng tới việc trở thành trung tâm của khu vực từ sau Chiến tranh lạnh, chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010) đã có nhiều thay đổi đáng kể trên cả ba lĩnh vực: An ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Hơn thế nữa, do nằm ở “cái rốn” tranh chấp quyền lực của châu Á, Hàn Quốc đã có những định hướng chiến lược cụ thể nhằm đảm bảo lợi ích sống còn của quốc gia. 3.1.1. Những điểm chung Thứ nhất, khu vực Đông Bắc Á trong đó cả Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đều là trọng tâm điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc sau Chiến tranh lạnh. Định hướng thay đổi chính sách đối với các nước Đông Bắc Á là chiến lược của Hàn Quốc từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, mong muốn này chỉ thực sự được thúc đẩy từ sau sự kiện sụp đổ các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô. Hệ quả của việc thay đổi cán cân quyền lực thế giới và quá độ hình thành trật tự đa cực đã “định hình” chính sách đối ngoại của Hàn Quốc theo hướng cải thiện quan hệ song phương, củng cố quan hệ đa phương và thúc đẩy hòa giải – hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào điều chỉnh chính sách, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với những “di sản” nặng nề của Chiến tranh lạnh. Trên lĩnh vực an ninh – chính trị, sự chia cắt bán đảo Triều Tiên và xung đột chủ quyền, bất đồng lịch sử với Nhật Bản là những nhân tố đe dọa đến hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á. Trên lĩnh vực kinh tế, tâm lý e

119

ngại, cảnh giác trước những đối thủ cũ (Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) và sự hiện diện của cường quốc mới (Nhật Bản) là thách thức đối với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế thế giới của Hàn Quốc. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, quá trình giao lưu, tiếp xúc của Chính phủ và nhân dân trong nước vẫn chịu ảnh hưởng của tâm lý chống Nhật, tinh thần dân tộc chủ nghĩa và những khác biệt trong quan điểm giải quyết vấn đề nhân đạo, đặc biệt là đoàn tụ gia đình ly tán giữa hai miền Triều Tiên. Do Đông Bắc Á là “đầu mối” của những vấn đề phức tạp và gay cấn bậc nhất trên con đường thống nhất, phát triển của Hàn Quốc nên định hướng điều chỉnh chính sách đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ngay tại thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh đã được Hàn Quốc đặc biệt coi trọng. Nội dung chủ yếu trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước ở khu vực đều là thúc đẩy hòa giải, hợp tác hòa bình nhằm kiến tạo một Đông Bắc Á hòa bình và thịnh vượng. Từ sau “Tuyên bố đặc biệt về quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” chính thức ra đời (07-7-1988), Hàn Quốc đã kiên định với nguyên tắc “sẵn sàng hợp tác với CHDCND Triều Tiên, nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và các nước XHCN để duy trì hòa bình lâu dài giữa hai miền bán đảo” [131; tr. 627-630]. Trong suốt hơn hai thập niên (1989 - 2010), vấn đề hòa giải dân tộc và hợp tác hòa bình đã trở thành nội dung cốt lõi trong chính sách đối với các nước Đông Bắc Á của Hàn Quốc. Mặc dù xu thế đa cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt trái (chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau) nhưng sự ràng buộc về lợi ích trong một thế giới hội nhập vẫn là cơ sở chính để Hàn Quốc đổi mới chính sách đối ngoại từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Thứ hai, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đều nằm trong tổng thể chính sách thống nhất dân tộc và liên kết khu vực từ sau Chiến tranh lạnh. Là “đấu trường” tranh giành lợi ích của các cường quốc trên thế giới, khu vực Đông Bắc Á luôn bị đe dọa bởi nguy cơ xung đột và bùng nổ chiến tranh. Với đặc điểm này, sự nghiệp “thống nhất dân tộc” của Hàn Quốc chỉ tiến triển thuận lợi khi nước này tạo dựng được mối quan hệ hòa bình, hợp tác với cả liên minh cũ (Nhật Bản) và đối tác mới (Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên). Đặc điểm lồng ghép “hai trong một” giữa chính sách dân tộc và chính sách khu vực từ sau Chiến tranh lạnh đã giúp Hàn Quốc nhận ra “mối liên kết” ẩn giấu bên trong các cặp quan hệ đối kháng này. Theo đó, từ chỗ là “cái gai” cần phải nhổ bỏ, CHDCND Triều Tiên đã trở thành nhân tố gắn kết mối quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc và là cơ sở để duy trì mối liên minh Hàn Quốc – Nhật Bản; từ chỗ bị đẩy vào tình thế “một mất, một còn” với các nước lớn trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc ngày nay đã có thể tự mình chọn lựa con đường phát triển và tái thống nhất nhờ theo đuổi chiến lược “đôi bên cùng thắng”.

120

Dưới áp lực hoàn thành chính sách dân tộc, Hàn Quốc đã có thêm động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn chính sách đối với các nước trong khu vực (gia tăng hợp tác an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội với Trung Quốc, Nhật Bản) để tìm kiếm sự đồng thuận về một bán đảo Triều Tiên không tiếng súng và không có vũ khí hạt nhân. Nằm trong tổng thể chính sách thống nhất dân tộc, chính sách Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc từ sau Chiến tranh lạnh dù còn nhiều biến động nhưng vẫn lấy hợp tác và hòa giải làm xu hướng chủ đạo. Sứ mệnh thống nhất dân tộc đã làm thay đổi nhận thức của Hàn Quốc về quan hệ đối đầu với Trung Quốc, quan hệ thù địch với CHDCND Triều Tiên và liên minh trá hình với Nhật Bản. Rõ ràng, với việc xác định: “Mục tiêu bao trùm của Hàn Quốc không phải là đối đầu quân sự; mục tiêu của Hàn Quốc là đạt được hòa bình thực sự và ổn định giữa hai miền bán đảo… là mang lại sự thịnh vượng cho toàn thể dân tộc… là thống nhất hòa bình Triều Tiên” [117; tr. 48], các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã định vị chính sách đối với các nước Đông Bắc Á vận động theo xu hướng hợp tác, phát triển và liên kết; trong đó, liên kết khu vực là sáng kiến của Hàn Quốc nhằm nâng cao khả năng hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên; qua đó, tạo bước đột phá cho tiến trình thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đều thể hiện tính hai mặt: Vừa tương trợ, hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế trong quá trình cùng tồn tại và phát triển. Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã bắt nhịp với xu thế hòa hoãn trong khu vực, coi đối thoại và hợp tác là “kim chỉ nam” của chính sách đối ngoại. Kết quả xích lại gần nhau giữa Hàn Quốc với các thực thể chính trị có hệ tư tưởng khác biệt (Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa và giải quyết các vấn đề an ninh chung đã thôi thúc sự ra đời của chủ nghĩa khu vực và cơ chế “kiềm chế mềm” trong giải quyết mâu thuẫn. Đây là điều kiện thuận lợi để Hàn Quốc chuyển đổi quan hệ “đối thủ” thành “đối tác”. Theo đó, ngoài việc thiết lập quan hệ chính thức với Nhật Bản từ năm 1965 nhờ sự dàn xếp của Mỹ, từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã công nhận Bắc Triều Tiên là Nhà nước độc lập (thông qua chính sách “Ánh dương”, “Hòa bình - thịnh vượng”); và chủ động xây dựng quan hệ với Trung Quốc vào năm 1992 (dưới tác động của chính sách “Ngoại giao phương Bắc”). Đáng tiếc là, sự kết thúc của Chiến tranh lạnh không tác động ngay lập tức đến khu vực Đông Bắc Á do cuộc đua giành giật ảnh hưởng và vị thế giữa các nước chưa có hồi kết. Cả Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đều có những tính toán và chiến lược riêng không “ăn khớp” với lợi ích quốc gia của Hàn Quốc. Trước hết, sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế,

121

quân sự, có ý muốn tranh giành ảnh hưởng và quyền quyết định trong vấn đề Triều Tiên đang cản trở nỗ lực thống nhất đất nước và trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực của Hàn Quốc. Hai là, toan tính của Nhật Bản muốn coi tiến trình hòa bình thống nhất và cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bình Nhưỡng là địa bàn thể nghiệm vai trò chính trị từ sau Chiến tranh lạnh đang hạn chế kết quả trao đổi liên Triều. Ba là, chương trình làm giàu uranium và chính sách “quân sự trước hết” của CHDCND Triều Tiên đang “thử lửa” lòng kiên nhẫn, tinh thần hợp tác và ý chí thống nhất dân tộc của Hàn Quốc. Hàng loạt nhân tố nói trên đã tác động đến chính sách khu vực của Hàn Quốc và làm cho các chính sách này thiếu tính ổn định do sự “định vị” của tư tưởng ngăn chặn và đối đầu trong “chủ nghĩa Roh Moo Hyun” đối với Nhật Bản; chính sách “Ngoại giao mới”, “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” đối với CHDCND Triều Tiên và “chủ nghĩa khu vực” đối với Trung Quốc. Ngoài ra, còn có cuộc cạnh tranh không khoan nhượng về phát triển kinh tế và phổ biến văn hóa giữa Hàn Quốc với các nước trong khu vực. Đặc điểm này từng bước định hình “cấu trúc kép” (vừa hợp tác - vừa đấu tranh; vừa phát triển - vừa kiềm chế) trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á. 3.1.2. Những điểm riêng Do bản chất mối quan hệ song phương giữa hai miền bị chia cắt, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên không phải là “chính sách đối ngoại” thông thường mà là chính sách dành cho “mối quan hệ đặc biệt” với nửa kia của một dân tộc thống nhất trước đây. Tính chất “đặc biệt” của mối quan hệ Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên được xác lập từ các yếu tố: (1) Bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt; (2) bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng có chiến tranh; (3) sự khác biệt của hai chế độ chính trị và mô hình kinh tế; (4) sự tồn tại biệt lập của Nhà nước cộng sản; (5) vấn đề sở hữu và phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. So với Nhật Bản và Trung Quốc, chính sách của Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề gay cấn và phức tạp hơn có liên quan đến quan hệ hai nước (hỗ trợ phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa – xã hội), liên quan đến vận mệnh dân tộc (hòa giải và thống nhất liên Triều), liên quan đến tình hình an ninh khu vực (phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên). Với đặc điểm này, chính sách Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc mang màu sắc và đặc trưng riêng, đó là chính sách “đối ngoại” nhưng cũng đồng thời là chính sách “đối nội”. Do tính chất “tuy hai mà một, tuy một mà hai” nên chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên hoàn toàn khác biệt so với chính sách đối với Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay từ khi lập quốc (1948), Hàn Quốc đã chủ động “hướng Bắc” và coi thống nhất đất nước (kể cả bằng vũ lực) là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách

122

khu vực. Việc thiết lập quan hệ với Nhật Bản (1965) cũng không nằm ngoài mục đích hỗ trợ cho nhiệm vụ chiến lược này của Hàn Quốc. Với Trung Quốc, do ảnh hưởng của tình trạng phân chia trật tự thế giới hai cực nên quan hệ Hàn – Trung cũng trải qua thời gian dài “băng giá”. Thời kỳ đầu sau Chiến tranh lạnh, mục tiêu chính sách của Hàn Quốc dù là phi hạt nhân hóa hay tồn tại hòa bình đều tập trung chủ yếu vào CHDCND Triều Tiên, trong khi đó, mối quan hệ với cả hai nước láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc có phần bị xem nhẹ. Bắc Triều Tiên được xác định là “địa bàn” trọng điểm trong chính sách đối với khu vực do làn sóng chống Nhật đang dâng cao còn kế hoạch “Ngoại giao phương Bắc” thì lại coi kết quả cải thiện quan hệ với Trung Quốc là “bàn đạp” cho mục tiêu chính trị của quốc gia. Vậy nên, cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc vẫn chưa xác lập chính sách cụ thể nào nhằm cải thiện, phát triển “quan hệ trực tiếp” với Nhật Bản và Trung Quốc như hai chủ thể chính trị độc lập mà không thông qua “lăng kính” chính sách của CHDCND Triều Tiên. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, ngoài nhiệm vụ hòa giải – hòa hợp với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu đạt được bước tiến dài trên con đường xây dựng tình bằng hữu với Trung Quốc, củng cố liên minh chiến lược với Nhật Bản và duy trì trạng thái cân bằng với cả hai nước trên các lĩnh vực hợp tác cơ bản: An ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội. Chiến lược của Hàn Quốc đối với Nhật Bản tương đối “đơn giản”. Chính phủ Hàn Quốc mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế, chính trị nhưng hạn chế liên kết về an ninh. So với Trung Quốc, quan hệ Hàn - Nhật đang bị “xói mòn” dưới tác động của chính sách đối ngoại Hàn Quốc. Do cùng chia sẻ các giá trị dân chủ trên nền tảng kinh tế thị trường và ngày càng bình đẳng hơn về quyền lực nên hiện nay chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản có xu hướng khôi phục mối quan hệ “cạnh tranh” giữa hai nước. Những va chạm gần đây do tranh cãi lịch sử, tranh chấp chủ quyền đang làm biến đổi cấu trúc ngoại giao song phương. Những nhân tố này cản trở không nhỏ đến các kết quả hợp tác an ninh giữa hai bên trên cơ sở liên minh với Mỹ. Khi ảnh hưởng của Nhật Bản không còn lớn như trước, tình trạng thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với nước này đang kéo dài và chưa có hướng khắc phục thì Trung Quốc lại vươn lên trở thành đối tác hợp tác chiến lược trong vai trò bạn hàng kinh tế số một (nước mang lại nguồn thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc) và cũng là quốc gia nắm giữ chìa khóa cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Với mong muốn đạt được một vị trí cân bằng hơn ở Đông Bắc Á, từ thời Tổng thống Roh Moo Hyun, Hàn Quốc đã bắt đầu quan tâm tới Trung Quốc nhiều hơn Nhật Bản. Trong cuộc thăm dò dư luận Hàn Quốc (2007), sự thăng tiến về kinh tế và chính trị của Trung Quốc nhận được nhiều thiện cảm lớn trong khi sự hoài nghi đối với Mỹ và Nhật Bản lại có chiều

123

hướng gia tăng [33; tr. 34]. Thanh niên Hàn Quốc coi du học Trung Quốc là một xu hướng thịnh hành và “Hallyu” cực kỳ phổ biến ở nước bạn. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc như một trung tâm đầu tư và sản xuất ở châu Á mang lại nhiều lợi ích hơn cả cho Nhà nước thương mại của Hàn Quốc nhờ thị trường đầu tư rộng lớn, khả năng bổ sung kinh tế cho nhau và tác động kích thích của xuất khẩu Trung Quốc đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trước thực tế này, Hàn Quốc đang tạo ra sự khác biệt giữa chính sách đối với Trung Quốc và Nhật Bản. Khi vấn đề lịch sử và lãnh thổ trong quan hệ Hàn - Nhật được đặt ra mà chưa có hướng giải quyết thì quan hệ Hàn - Trung lại không ngừng tiến triển. Điều này lý giải cho kết quả vào năm 2010 Hàn Quốc đã tổ chức 24 cuộc họp cấp cao với Trung Quốc, tần suất trung bình hai cuộc họp mỗi tháng trong khi đó nước này chỉ duy trì 16 cuộc họp trong năm với Nhật Bản (nhiều cuộc họp trong số đó diễn ra trong khuôn khổ đa phương) [143]. Đối với Hàn Quốc, Trung Quốc là “đối tác bên ngoài” quan trọng nhất. Việc duy trì sự “nồng ấm” của cặp quan hệ này hoàn toàn có lợi đối với sự nghiệp thống nhất Triều Tiên và nâng cao vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Dù ra đời muộn hơn nhiều so với quan hệ Hàn – Nhật nhưng “đối tác hợp tác chiến lược Hàn – Trung” vẫn là lựa chọn thiết thực của ngoại giao Hàn Quốc để duy trì lợi ích kinh tế, chính trị và hiện thực hóa mục tiêu thống nhất dân tộc trong thế kỷ XXI. 3.2. Những thành công và hạn chế trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010) 3.2.1. Những thành công đạt được 3.2.1.1. Góp phần thúc đẩy sự ra đời của các nghị quyết hòa bình về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên Để ngăn chặn sự tấn công từ bên ngoài của Mỹ; răn đe Hàn Quốc, Nhật Bản và làm điều kiện trao đổi cho các vấn đề về kinh tế hay viện trợ nhân đạo, CHDCND Triều Tiên đã không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân như “công cụ vạn năng” của chính mình. Ngay từ thời điểm năm 1993, nước này đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ nhất sau khi từ chối cho phép IAEA thanh sát các cơ sở làm giàu uranium và tuyên bố ý định rút khỏi NPT. Đến năm 2002, CHDCND Triều Tiên lần thứ hai dấy lên làn sóng hạt nhân, đe dọa đến tình hình an ninh và hòa bình khu vực. Nhờ tinh thần hòa giải của chính sách “Hòa bình và thịnh vượng”, Hàn Quốc đã thuyết phục Bắc Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại liên tục trong bảy vòng đàm phán liên Triều. Kiên quyết không dừng bước khi chưa đạt được kết quả, từ tháng 5 đến tháng 7-2003, Tổng thống Roh Moo Hyun đã đến Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc để tổ chức hàng loạt cuộc họp Thượng đỉnh và phát đi thông điệp hòa bình về vấn đề an ninh – chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2004, thông qua đàm phán sáu bên trong

124

cuộc họp APEC tại Santiago (Chile) và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3, các bên đã đạt được sự đồng thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với bốn nội dung sau đây: (1) Không khoan nhượng với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên; (2) tìm kiếm giải pháp hòa bình về vấn đề hạt nhân; (3) yêu cầu thái độ hợp tác và hành động có trách nhiệm của Bắc Triều Tiên đối với an ninh khu vực; (4) nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên [113; tr. 21]. Tại các cuộc họp này, Tổng thống Roh Moo Hyun đã cam kết coi việc giải quyết vấn đề hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên; đồng thời cam kết giải quyết hòa bình mọi vấn đề thông qua đối thoại. Với đường hướng của chính sách đối ngoại đó, Hàn Quốc đã trải qua một chặng đường dài để tìm kiếm sự tiến bộ trong các cuộc họp sáu bên; đồng thời cùng với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đưa ra những nghị quyết có tính chất cương lĩnh đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. 3.2.1.2. Thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác chủ yếu, từng bước cải thiện quan hệ giữa các nước và gia tăng liên kết khu vực Thứ nhất, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác chủ yếu giữa Hàn Quốc và khu vực. Trên lĩnh vực an ninh – chính trị, chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Đối với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc đã thay đổi giới hạn truyền thống của mối quan hệ liên Triều và từng bước phá vỡ cục diện Chiến tranh lạnh ở hai bên vĩ tuyến 38. Từ chỗ không có bất cứ cuộc tiếp xúc song phương nào (sau Chiến tranh Triều Tiên đến hết năm 1971) thì kể từ năm 1998 đến Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000, hai bên đã tổ chức thành công 124 cuộc họp (trung bình 24 cuộc họp mỗi năm) cùng với 49 thỏa thuận đạt được [80]. Hai bên còn nhất trí tổ chức hai vòng hội đàm quân sự liên Triều vào tháng 6-2004 nhằm thông qua Hiệp định về phòng chống tai nạn đụng độ trên biển và chấm dứt tuyên truyền chống đối tại khu vực phi quân sự. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chia cắt, chính sách đối thoại và hòa giải của Hàn Quốc đã giúp các bên đạt được sự nhất trí về những biện pháp hòa bình nhằm kiểm soát đối đầu và xung đột vũ trang. Bên cạnh việc cải thiện quan hệ và thúc đẩy hòa giải với CHDCND Triều Tiên, chính sách “Ngoại giao phương Bắc” của Tổng thống Roh Tae Woo đã định hướng Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (1992). Từ sau sự kiện này, hàng loạt chuyến thăm Trung Quốc của các Tổng thống Kim Young Sam (1994), Kim Dae Jung (1998), Roh Moo Hyun (2003) và Lee Myung Bak (2008) đã đưa quan hệ hai nước bước vào thời kỳ phát triển thăng hoa; ngoài ra còn thúc đẩy sự ra đời của hai Tuyên bố chung vào các năm 1998 và 2008. Các văn kiện ngoại giao này đều nêu rõ chính sách “một nước Trung Quốc” của Hàn Quốc và cam kết thúc đẩy toàn diện quan hệ song phương trên các lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội. Đối với Nhật Bản, định hướng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” là kết quả 125

tích hợp từ các chiến lược “ngoại giao tứ cường” (Kim Young Sam), “ngoại giao hài hòa bốn bên” (Kim Dae Jung) và đỉnh cao là chính sách “ngoại giao thực dụng” (Lee Myung Bak). Nỗ lực củng cố và thắt chặt quan hệ với Nhật Bản (1989 - 2010) đã góp phần xoa dịu định kiến quá khứ giữa hai dân tộc và hạn chế ảnh hưởng của các vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ đến quan hệ an ninh – chính trị song phương. Với việc đưa ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn Quốc – Nhật Bản trong thế kỷ XXI” (1998) và cam kết “nuôi dưỡng mối quan hệ hướng tới tương lai” (2008), Kim Dae Jung và Lee Myung Bak đã thúc đẩy hiệu quả chính sách nhất quán về hợp tác và phát triển đối với Nhật Bản; mặt khác, duy trì mối quan hệ “gần gũi và thân thuộc” giữa hai nước trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trên lĩnh vực kinh tế, chính sách của Hàn Quốc đã tác động tích cực đến tư duy đổi mới kinh tế của CHDCND Triều Tiên. Từng được xem là quốc gia “cửa đóng then cài”, nước này đã sống chung với tình trạng “tự cô lập” rồi “bị cô lập” bởi thế giới bên ngoài suốt trong nhiều thập kỷ. Đến khi Kim Dae Jung bày tỏ thiện chí nối lại quan hệ liên Triều thông qua chính sách hỗ trợ và đầu tư kinh tế, miền Bắc mới nhận thấy sự cần thiết của quá trình mở cửa, đổi mới để duy trì sự tồn tại của chế độ. Các dự án đầu tư ở phía Bắc khu phi quân sự (đặc khu công nghiệp Kaesong, cụm du lịch núi Kumkang – “con cả” của chính sách “Ánh dương”) cũng trở thành biểu tượng cho tiến trình hòa giải, thống nhất dân tộc. Đối với Trung Quốc, kết quả xây dựng mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” đã mang lại cho Hàn Quốc cơ hội chưa từng có về hợp tác kinh tế (bao gồm cả thương mại và đầu tư). Sau khi chính sách “Ngoại giao phương Bắc” ra đời, hai nước đã có quan hệ buôn bán trực tiếp từ năm 1990. Hai thập niên sau, nhờ lực đẩy của chính sách tăng cường kinh tế, kết quả nâng cấp quan hệ song phương theo lộ trình 5 năm và vai trò “đối tác hợp tác chiến lược”, Trung Quốc vươn lên trở thành điểm đầu tư số một và là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Việc nghiên cứu, tiến tới ký kết FTA giữa hai nước cũng được Hàn Quốc cam kết thúc đẩy trong “Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc” (2008). Về phía Nhật Bản, thông qua việc thực hiện chính sách “phát triển kinh tế mới” (Roh Tae Woo), chính sách “hạn chế nhập khẩu hàng hóa” (Kim Young Sam) và chiến lược “ngoại giao toàn cầu” (Lee Myung Bak), Hàn Quốc đã vượt qua những hạn chế trong quan hệ kinh tế song phương (thâm hụt thương mại, chênh lệch đầu tư) để tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại, cắt giảm hàng rào thuế quan và ký kết các Hiệp định kinh tế. Quá trình đàm phán ký kết FTA với Nhật Bản đã được Hàn Quốc chuẩn bị từ thời Tổng thống Kim Dae Jung và củng cố trong nhiệm kỳ của Roh Moo Hyun sau Hội nghị Thượng đỉnh (2005). Tổng thống Lee Myung Bak cũng bắt 126

đầu nghiên cứu FTA ba bên Hàn - Trung - Nhật nhằm triển khai “sáng kiến châu Á mới” của Hàn Quốc từ đầu năm 2008. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên đã xoa dịu vết thương chiến tranh và đưa hai miền xích lại gần nhau thông qua hoạt động viện trợ nhân đạo, đoàn tụ gia đình ly tán và giao lưu văn hóa – xã hội. Với việc đưa ra “Tuyên bố Đặc biệt về quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (1988), chính sách “đối Bắc dung hòa” (1990) và Hiệp định Cơ bản Bắc – Nam (1991), Tổng thống Roh Tae Woo đã đặt nền móng cho quá trình trao đổi văn hóa - xã hội giữa Chính phủ và nhân dân hai nước từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nỗ lực này được kế thừa bởi Tổng thống Kim Dae Jung với chính sách “Ánh dương” (1998), “Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều” (2000) và Tổng thống Roh Moo Hyun với “Hiệp ước Giao lưu văn hóa hai miền” (2003), “Tuyên bố về sự tiến bộ của quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (2007). Những văn kiện nói trên góp phần thúc đẩy quá trình tiếp xúc liên Triều diễn ra hòa bình trên tinh thần nhân đạo và hợp tác. Đối với Nhật Bản, chính sách “mở cửa” văn hóa của Hàn Quốc được Tổng thống Kim Dae Jung đưa ra từ năm 1998 và tiếp tục mở rộng vào các năm 2000 và 2002. Việc dỡ bỏ “rào cản” đối với âm nhạc, điện ảnh và truyện tranh Nhật Bản từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX được Tổng thống Roh Moo Hyun kế thừa và Lee Myung Bak phát triển trong gần một thập niên. Theo đó, Hàn Quốc không chỉ xóa bỏ hạn chế đối với video giải trí và các chương trình phát thanh, truyền hình của Nhật Bản mà còn tăng cường trao đổi thanh niên, hợp tác giáo dục và nghiên cứu văn hóa, lịch sử giữa hai nước. Với Trung Quốc, hai tổng thống Kim Young Sam và Kim Dae Jung đã chủ động thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực văn hóa – xã hội thông qua “Hiệp định Hợp tác văn hóa Hàn – Trung” (1994) và “Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc” (1998). Từ đầu năm 1999, nhờ vào kết quả hợp tác giáo dục, xuất bản, truyền thông, du lịch và thể dục – thể thao, Trung Quốc đã trở thành điểm khởi đầu của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) ở Đông Á. Với khả năng tiếp nhận và phổ biến âm nhạc, phim ảnh, các chương trình truyền hình Hàn Quốc, giới trẻ Trung Quốc đã đóng vai “sứ giả” văn hóa và là “chủ thể” trong các hoạt động trao đổi, giao lưu thanh niên được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Lee Myung Bak. Như vậy, nhờ đổi mới tư duy đối ngoại từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc đã chủ động đưa ra hàng loạt chính sách hợp tác, phát triển đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia, tích cực hòa giải và củng cố tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Hàn Quốc đã liên tục duy trì và thực hiện thành công suốt hơn hai thập niên. Thứ hai, cải thiện từng bước quan hệ giữa các nước ở trong và ngoài khu vực.

127

Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã khắc phục tình trạng bất thường và phá vỡ thế bế tắc trong mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản. Với lập luận nếu xảy ra khủng hoảng chính trị hay đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc chứ không phải Mỹ hay Nhật Bản sẽ ở vào tình thế bị đe dọa nhiều nhất, Tổng thống Kim Dae Jung đã thuyết phục hai quốc gia đồng minh cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng; đồng thời, yêu cầu Mỹ hủy bỏ lệnh trừng phạt và cho phép các nhà đầu tư thâm nhập vào thị trường miền Bắc. Dù chưa hết hoài nghi về Nhà nước Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Bill Clinton vẫn chấp nhận phương án “hòa giải” của chính sách “Ánh dương”. Kết quả này đã mở đường cho chuyến thăm của Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên Jo Kyong Rok đến Mỹ (08-10-2000) và chuyến trở lại Bình Nhưỡng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Madellin Albright (23-10- 2000). Nằm trong kế hoạch của chính sách “Ánh dương”, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung còn chủ động tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi (10-1998) và cam kết cùng nước này giải quyết vấn đề của Bắc Triều Tiên. Đây là cơ sở quan trọng để từ đầu năm 2000, CHDCND Triều Tiên sớm có cuộc hội đàm chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yohei Kono, Ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright bên lề Hội nghị ARF. Với sự hỗ trợ ngoại giao từ Seoul, Bình Nhưỡng đã bình thường hóa quan hệ với 16 quốc gia, kể cả EU trong vòng hai năm (2000 - 2002) [136; tr. 232-235]. Về phía Hàn Quốc, chính sách “Ngoại giao phương Bắc” của Tổng thống Roh Tae Woo cũng đã kích thích sự ra đời chiến lược “toàn cầu hóa” của Kim Young Sam (1995), chính sách hòa giải “Ánh dương” của Kim Dae Jung (1998), thuyết “nước trung gian” của Roh Moo Hyun (2003) và kế hoạch củng cố quan hệ với Mỹ, Nhật Bản của Lee Myung Bak (2008). Hàng loạt chính sách nói trên đã từng bước chứng tỏ vai trò tích cực, chủ động và mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa với tất cả các chủ thể chính trị ở trong và ngoài khu vực (không phân biệt trình độ kinh tế và ý thức chính trị). Đây là kết quả quan trọng nhất mà chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã đạt được kể từ sau Chiến tranh lạnh. Thứ ba, gia tăng liên kết khu vực. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã manh nha ý tưởng về quá trình hợp tác và liên kết các quốc gia trong một khu vực hoặc một cộng đồng chung. Trong thực tế, ý tưởng đó đã trở thành chiến lược “Toàn cầu hóa” (Segyehwa) và “Quốc tế hóa – tự do hóa” của Kim Young Sam (1993); “Cộng đồng Đông Á” trong công thức APT (ASEAN+3) của Kim Dae Jung (1998) và “Sáng kiến hợp tác Đông Bắc Á” (NEACI) của Roh Moo Hyun (2003). Trong những ý tưởng nói trên, sáng kiến của Roh Moo Hyun được đánh giá là bước phát triển đột phá với việc xây dựng một cộng đồng khu vực tin cậy, có đi có lại và cộng sinh nhằm giải quyết những thách thức chính 128

trị, kinh tế và văn hóa – xã hội phát sinh trong lòng Đông Bắc Á. Từ sự lớn mạnh nhanh chóng của quốc gia, Roh Moo Hyun đã tính đến khả năng liên kết khu vực để bắt kịp với thực tế: “Trong thời đại mới, tương lai của Hàn Quốc không còn giới hạn ở bán đảo Triều Tiên… Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Đông Bắc Á và điều này đang trở thành hiện thực. Giao dịch thương mại trong khu vực đã bằng một phần năm so với toàn cầu và tổng dân số của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã lớn hơn Liên minh châu Âu đến bốn lần” [146]. Những thuận lợi này chính là tiền đề của hợp tác kinh tế và đối thoại an ninh đa phương nhằm liên kết, phát triển khu vực thành một cộng đồng ổn định, thịnh vượng từ sau Chiến tranh lạnh. Vào đầu năm 2008, chính quyền Lee Myung Bak tiếp tục đưa ra sáng kiến “Hợp tác châu Á mới”. Chính sách ngoại giao này rộng hơn hẳn so với “trung tâm ngoại giao Đông Bắc Á” của Tổng thống Roh Moo Hyun vì nó phát triển chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc theo hai hướng: Thứ nhất, mở rộng phạm vi của chính sách đối ngoại truyền thống từ Đông Bắc Á ra toàn bộ châu Á; thứ hai, mở rộng nội dung hợp tác từ kinh tế sang an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội. Hàn Quốc cũng xác định “sáng kiến châu Á mới” có tác động tích cực đối với CHDCND Triều Tiên nhờ vào mối quan hệ “bắc cầu” với ASEAN. Bên cạnh đó, ARF cũng có thể trở thành một kênh đối thoại bổ sung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có thể thấy, sáng kiến liên kết Đông Bắc Á thành một cộng đồng chung (Roh Moo Hyun) hay mở rộng đối thoại hợp tác châu Á (Lee Myung Bak) dù khác nhau về phạm vi và quy mô nhưng đối tượng và mục đích thì không đổi. Nội dung xuyên suốt và nhất quán này trong chính sách đối ngoại chính là động lực để Hàn Quốc cải thiện quan hệ giữa các nước ở trong và ngoài khu vực; nâng cao vị thế đất nước đồng thời tạo sức mạnh quốc tế đối với vấn đề thống nhất Triều Tiên. 3.2.1.3. Nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hàn Quốc Từ sau khi giành được “kỳ tích sông Hàn” về phát triển kinh tế cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã bắt đầu tỏ rõ sự tự tin về vị thế mới của mình. Đây là cơ sở để các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định vai trò quốc gia ở khu vực và coi đó như một nội dung cốt lõi trong chính sách đối ngoại sau Chiến tranh lạnh. Ngay từ đầu năm 1988, trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo đã dự đoán: “Sức mạnh của quốc gia và lòng tự tôn của dân tộc sẽ tạo ra một sức bật vô cùng to lớn. Hàn Quốc chắc chắn sẽ được biết đến như một cường quốc trẻ, hùng mạnh của thế giới và là một nhà lãnh đạo ở châu Á – Thái Bình Dương” [129; tr. 175-180]. Tuyên bố này đã định hướng cho chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Hàn Quốc ở khu vực, nổi bật nhất trong hai thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Roh Moo Hyun và Lee Myung Bak. Trong diễn văn nhậm chức (25-02-2003), Roh Moo Hyun đề

129

xuất ý tưởng đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm kinh doanh và hậu cần quốc tế ở khu vực dựa vào hai cơ sở: Thứ nhất: “Bán đảo Triều Tiên ở trung tâm Đông Bắc Á là cây cầu lớn nối liền Trung Quốc, Nhật Bản, các lục địa và đại dương”; thứ hai: “Hàn Quốc có nguồn nhân lực sáng tạo, trình độ cao và cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc tốt. Các cơ sở hậu cần quốc tế trên đất liền, trên biển và trên không đang được hoàn thiện như: Sân bay quốc tế Incheon, Busan, cảng Gwangyang và hệ thống đường sắt siêu tốc. Đất nước đang được trang bị những tiền đề cơ bản để lãnh đạo Đông Bắc Á trong thế kỷ XXI” [146]. Nhằm tìm kiếm vai trò mới độc lập hơn và chủ động hơn cho Hàn Quốc trong khu vực, ngày 22-3-2005, Tổng thống Roh Moo Hyun tiếp tục đưa ra “thuyết nước trung gian” với mong muốn: “Chúng ta (Hàn Quốc) nên đóng một vai trò cân bằng không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn vì hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á” [120]. Học thuyết này có ý nghĩa chiến lược sâu xa đòi hỏi ngoại giao Hàn Quốc phải tự chủ và duy trì lập trường “nước đôi” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là bước khởi đầu cho nỗ lực xây dựng Hàn Quốc trở thành nhà môi giới và lực lượng cân bằng chính trị của khu vực. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2008, Tổng thống Lee Myung Bak đã theo đuổi chính sách “đối ngoại thực dụng” trên cơ sở tăng cường quan hệ với các cường quốc và nâng cao vai trò của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế. Lee Myung Bak coi Hàn Quốc như là một lực lượng duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á nhờ khả năng thúc đẩy hòa giải liên Triều phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và nắm giữ vai trò “cân bằng” sự cạnh tranh Trung - Nhật. Trong học thuyết chính trị mang tên ông (“Myung Bak” Doctrine), Lee Myung Bak đề ra ba nhiệm vụ trọng điểm mà Hàn Quốc phải thực hiện để nâng tầm vị thế đất nước bao gồm: Mở rộng phạm vi ngoại giao châu Á nhằm duy trì quan hệ đối tác với các quốc gia; tăng mức hỗ trợ của Hàn Quốc cho toàn cầu để tương xứng với vị thế của một nước công nghiệp phát triển (nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới); đẩy mạnh ngoại giao văn hóa và làm lan tỏa sức ảnh hưởng của Hàn Quốc thông qua quá trình mở cửa và tiếp xúc với khu vực và thế giới [84]. Từ mục tiêu xây dựng “Hàn Quốc toàn cầu” trong Tuyên bố nhậm chức, Tổng thống Lee Myung Bak đưa ra cam kết về việc gìn giữ hòa bình khu vực; đóng vai trò chủ đạo trong ký kết FTA Đông Bắc Á và mở rộng Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc từ 670 triệu USD năm 2007 (chiếm 0,07% tổng thu nhập quốc gia) lên hơn 3 tỷ USD vào năm 2015 [165]. Tóm lại, trong giai đoạn 1989 - 2010, sự thay đổi kịp thời và đồng bộ chính sách đối ngoại đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc tăng cường lợi ích quốc gia, duy trì lợi ích dân tộc, gia tăng liên kết khu vực và nâng cao vai trò, vị thế của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế. Kết quả này chứng tỏ sự trưởng thành, độc lập và ngày càng tự chủ của ngoại giao Hàn Quốc. Điều quan trọng nhất là chặng đường hơn hai

130

thập niên vừa qua không chỉ là thực tiễn sinh động để Hàn Quốc kiểm nghiệm tính đúng đắn, sự hợp lý và hiệu quả của chính sách mà còn là cơ hội cho quốc gia này phát hiện những “mặt trái” trong chiến lược đối ngoại để kịp thời điều chỉnh và khắc phục. 3.2.2. Những hạn chế cơ bản Do thực hiện lồng ghép nhiều nhiệm vụ quan trọng (cải thiện, phát triển quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trên các lĩnh vực chủ yếu; nâng cao vị thế của Hàn Quốc và thúc đẩy liên kết khu vực), chính sách đối ngoại của Hàn Quốc (1989 - 2010) đã bộc lộ một số hạn chế cơ bản. 3.2.2.1. Tính kém ổn định, chưa triệt để, thiếu minh bạch và bộc lộ nhiều tham vọng trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên Thứ nhất, đặc điểm kém ổn định được thể hiện trong chính sách của Kim Young Sam và Lee Myung Bak. Tổng thống Kim Young Sam lên nắm quyền trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang phải đương đầu với nhiều sóng gió, nhất là khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, do vậy, ông đã đề ra chính sách “Ngoại giao mới” nhằm kêu gọi miền Bắc cải cách, mở cửa và từ bỏ ý định “cộng sản hóa miền Nam”. Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng tiếp tục dấn sâu vào cuộc khủng hoảng hạt nhân và từ chối đối thoại song phương, Tổng thống Kim Young Sam lại tỏ ra nóng vội và mất kiên định với lập trường chính trị ban đầu. Việc thay đổi nhận thức, coi CHDCND Triều Tiên là kẻ thù nguy hiểm đã làm méo mó và biến dạng chính sách ngoại giao của Hàn Quốc bằng việc tích cực “can dự” và khuyến khích thay đổi chế độ ở miền Bắc. Ngay cả khi Kim Young Sam bắt đầu đổi hướng chính sách bằng khoản viện trợ nhân đạo 150.000 tấn gạo (1995) và kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên trong lịch sử thì quan hệ hai bên vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Dưới thời Tổng thống Lee Myung Bak, sau khi thực hiện chính sách cứng rắn với CHDCND Triều Tiên nhưng bất thành, ông đã thay đổi lập trường ban đầu bằng chủ trương hòa giải, cụ thể là đề nghị thiết lập văn phòng liên lạc thường trực giữa hai nước và mong muốn tái khởi động các cuộc đàm phán liên Triều. Từ chỗ kịch liệt lên án các khoản viện trợ “cho không” của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun, Lee Myung Bak cũng phải phê chuẩn khoản hỗ trợ nhân đạo 50.000 tấn ngô cho Bắc Triều Tiên và đồng ý nối lại viện trợ lương thực ngay cả khi chưa nhận được lời đề nghị từ nước này. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, Hàn Quốc một lần nữa quay trở lại đường lối đối ngoại cứng rắn với hai biểu hiện: Một là, “phớt lờ” các cam kết đã ký với CHDCND Triều Tiên ngay trong dịp kỷ niệm một năm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều (10-2008); hai là, đưa ra thông điệp: “Không lợi dụng quan hệ liên Triều vào mục đích chính trị” nhưng “sẽ tiếp tục chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền hiện thời” – tuyên bố

131

của Lee Myung Bak với Bộ Thống nhất (06-12-2008) [179]. Quan điểm nói trên của Hàn Quốc cùng với kết cục khủng hoảng quan hệ liên Triều đã làm dấy lên làn sóng phản đối chính sách Bắc Triều Tiên của Lee Myung Bak trong giới chính trị gia cấp tiến. Ngày 30-12-2008, tại cuộc họp khẩn của Quốc hội, cả ba lực lượng đảng phái đối lập đã thống nhất đưa ra nghị quyết chung yêu cầu Chính phủ lập tức thay đổi chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Đến thời điểm này, “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” đã trở thành áp lực chính trị đối với Lee Myung Bak trong việc tiếp cận Bắc Triều Tiên và duy trì đối thoại liên Triều. Thứ hai, đặc điểm chưa triệt để trong chính sách của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun. Trong thời kỳ Kim Dae Jung nắm quyền, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều (2000) là thành công lịch sử có ý nghĩa hàn gắn mối quan hệ hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tuyên bố chung của Hội nghị lại không liên quan đến bất cứ giải pháp cụ thể nào nhằm giảm bớt căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa hai bên. Do sự lỏng lẻo này, Tổng thống Kim Dae Jung đã không thể thuyết phục CHDCND Triều Tiên xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dù Hội nghị Thượng đỉnh từ tháng 6 đã kết thúc. Tương tự như vậy, khi Roh Moo Hyun trở thành tổng thống, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã ký kết “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (10-2007), tiến tới xóa bỏ chiến tranh và kiềm chế sự leo thang của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, văn bản này chỉ có hiệu lực tạm thời và không hề bị ràng buộc về mặt pháp lý. Do vậy, ngay sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu bất lực trước việc CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, trục xuất thanh sát viên IAEA, tái khởi động lò phản ứng 5MW và tái chế 8000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng để sản xuất plutonium. Vì lẽ đó, tuyên bố của Roh Moo Hyun về việc thiết lập sự “cân bằng” chính trị giữa Hàn Quốc với các quốc gia trong khu vực cũng vấp phải sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế. Thứ ba, đặc điểm thiếu minh bạch của Kim Dae Jung và tham vọng quá lớn của Roh Moo Hyun trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Năm 2001, chính sách “Ánh dương” bị vướng vào nghi án tài chính với tiết lộ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã bí mật bỏ ra ít nhất 500 triệu USD để tiếp đón Kim Dae Jung trước Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6 [89]. Các sĩ quan tình báo Hàn Quốc cũng khẳng định Tổng thống Kim Dae Jung đã chi đến 2.000 tỷ won (tương đương 1,7 tỷ USD) cho lãnh tụ Kim Jong Il để đền đáp thành công của Hội nghị Thượng đỉnh vào năm 2000. Đặc biệt, từ năm 1999 đến năm 2003, theo định hướng của Chính phủ, tập đoàn kinh tế số một của Hàn Quốc – Hyundai còn thanh khoản số tiền khoảng 600 triệu USD cho Dự án du lịch núi Kumgang và hai dự án kinh tế khác của CHDCND Triều Tiên. Số tiền này giúp miền Bắc linh hoạt hơn trong vấn đề tài chính và có điều 132

kiện tự trang bị 40 máy bay phản lực MIG của Nga, một tàu ngầm của Kazakhstan cùng những chế phẩm quan trọng khác để xây dựng một cơ sở sản xuất làm giàu uranium [178]. Đối với “Hòa bình và thịnh vượng”, mặc dù được đánh giá là một chính sách thành công, có tính ổn định và tinh thần kiến tạo nhưng Tổng thống Roh Moo Hyun vẫn thể hiện sự táo bạo quá mức khi đề ra những mục tiêu quá lớn: Vừa gắn kết quan hệ liên Triều, vừa xây dựng bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á phồn vinh. Tuy nhiên, trên thực tế sự trở mặt của CHDCND Triều Tiên ngay thời điểm Hàn Quốc đang ra sức củng cố và đẩy mạnh chủ trương hòa giải đã để lộ điểm yếu của chính sách này. Như vậy, với một kế hoạch đầy tham vọng như sáng kiến “Hòa bình và thịnh vượng” ở Đông Bắc Á, Tổng thống Roh Moo Hyun vẫn đang ở bước khởi đầu của lộ trình hòa bình tại khu vực [13]. 3.2.2.2. Sự phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm chính trị của cá nhân tổng thống cầm quyền trong chính sách đối ngoại Đối với trường hợp của CHDCND Triều Tiên, hơn hai thập niên kể từ sau Chiến tranh lạnh, hàng loạt chính sách của Hàn Quốc đã lần lượt ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh duy nhất là thống nhất dân tộc. Tuy nhiên, quá trình khởi xướng chính sách ở Hàn Quốc, thực chất lại là quá trình thử nghiệm rồi thay đổi chính sách, chứ không phải sự kế thừa và điều chỉnh nó một cách liên tục và có hệ thống. Với đặc điểm này, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên trên các lĩnh vực (an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội) đều chưa thể hiện rõ bản chất của một chính sách đối ngoại mà chỉ cho thấy quan điểm và lập trường của cá nhân người cầm quyền. Từ một mục tiêu “nhất quán”, các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc đã có quá nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chính quyền Kim Young Sam một mực theo đuổi chính sách cưỡng chế, trả đũa và có đi có lại trên cả ba lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội. Trong khi đó, chính sách can dự của hai Tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun lại trung thành với quan điểm: “Bằng cách thay đổi các quy tắc ngoại giao và áp dụng cách tiếp cận tự do dựa trên sự tham gia của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ giảm thiểu khả năng xung đột và tăng cường quan hệ liên Triều” [41; tr. 125-141]. Đầu năm 2008, với quan điểm chính sách can dự không đủ sức công phá “rào chắn hạt nhân” của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống kế nhiệm Lee Myung Bak lại đề ra chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” nhằm thay đổi diện mạo kinh tế và quan điểm chính trị của miền Bắc với nguyên tắc “có đi có lại sòng phẳng” và ra sức củng cố liên minh truyền thống với Mỹ. Có thể thấy, trong giai đoạn 1989 - 2010, sự xen kẽ giữa chủ trương hòa giải, nhân nhượng của các Tổng thống Roh Tae Woo, Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun với giải pháp cứng rắn, thực dụng theo kiểu “Tầm nhìn 3000” (Lee Myung Bak) và trước đó là “Ngoại giao mới” (Kim Young Sam) đã khiến Hàn

133

Quốc mất không ít thời gian để khôi phục kết quả hòa giải liên Triều sau mỗi đợt chuyển giao quyền lực. Đây chính là điểm yếu lớn nhất của Hàn Quốc khi nước này bước vào giai đoạn độc lập, tự chủ về chính sách đối ngoại từ sau Chiến tranh lạnh. Ở Đông Bắc Á, nếu chính sách Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc có đặc điểm thay đổi qua các đợt chuyển giao quyền lực thì chính sách đối với Nhật Bản, thậm chí, còn “xoay chiều” ngay cả trong nhiệm kỳ của một tổng thống. Từ đầu nhiệm kỳ của Kim Young Sam (1993) và Roh Moo Hyun (2003), Hàn Quốc coi việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản là nội dung cốt lõi trong chính sách đối với khu vực. Tuy nhiên trong nửa sau nhiệm kỳ, cả hai tổng thống đều nhanh chóng “đảo chiều” chính sách. Trong khi Kim Young Sam quay lại chống Nhật và lựa chọn giải pháp “đối đầu” cho vấn đề tranh chấp Dokdo/Takeshima (1995) thì Roh Moo Hyun lại phát động “cuộc chiến ngoại giao” và bài xích sự biện minh của Nhật Bản về quá khứ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (2005). So với người tiền nhiệm, Tổng thống Roh Moo Hyun thậm chí còn đổi hướng chính sách chóng vánh và quyết liệt hơn, chuyển từ quan điểm: “Hàn Quốc không tranh cãi về vấn đề lịch sử với Nhật Bản trong nhiệm kỳ của tôi” (Hội nghị Thượng đỉnh Hàn – Nhật tại đảo Jeju năm 2004) [77; tr. 39] sang tuyên bố: “Hàn Quốc sẽ đấu tranh để vạch trần tội ác của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên cũng như lịch sử 40 năm chiếm đóng, tra tấn, tù đày, cưỡng bức lao động và cả nạn nô lệ tình dục của quân đội nước này” (Phát biểu trên truyền hình năm 2006) [167]. Do quan điểm chính trị của cá nhân tổng thống cầm quyền tác động rất lớn đến việc hoạch định, thực thi và chuyển hướng chính sách nên Hàn Quốc gặp không ít khó khăn trong quá trình xác lập một mối quan hệ lâu dài và ổn định với các nước trong khu vực (nhất là sau mỗi đợt chuyển giao quyền lực hoặc xảy ra các sự cố về vấn đề an ninh). Đây là điểm yếu cố hữu mà ngoại giao Hàn Quốc cần khắc phục vì nhìn về tương lai mọi bất đồng và xung đột do “di sản” thời chiến đều không thể đảo ngược xu thế hợp tác và phát triển tất yếu của lịch sử. 3.2.2.3. Chính sách của Hàn Quốc vẫn làm nổi bật đặc điểm “nóng” về kinh tế, văn hóa – xã hội nhưng “lạnh” về an ninh – chính trị Đặc điểm “nóng” về kinh tế và văn hóa – xã hội do chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã biết nắm bắt thời cơ, biến thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh và hội nhập khu vực thành cơ hội phát triển quan hệ ở Đông Bắc Á. Trên lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc xác định Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, Đông Bắc Á là tâm điểm của các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật, trao đổi thanh niên, hợp tác giáo dục, hỗ trợ nhân đạo và phổ biến làn sóng “Hallyu”. Trong khi đó, đặc điểm “lạnh” về an ninh – chính trị là do chính sách của Hàn Quốc chưa giải quyết

134

được những bất đồng nổi cộm trong khu vực. Đối với Nhật Bản, thái độ bất mãn của Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử bắt nguồn từ sự thất bại của nước láng giềng khi đưa ra lời xin lỗi trong Hiệp ước Cơ bản (1965). Kết quả bình thường hóa quan hệ hai nước ngay sau đó cũng chỉ là kế hoạch vội vàng của Mỹ nhằm đối phó với làn sóng cộng sản ở Đông bán cầu. Do quá trình hòa giải thực sự giữa hai bên hoàn toàn bị bỏ qua nên từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc vẫn bị chi phối và ám ảnh bởi tình cảm “chống Nhật” trong chính sách đối ngoại của mình. Vào thời kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung, quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài nhờ thúc đẩy trao đổi kinh tế và thực hiện chính sách “mở cửa” về văn hóa – xã hội. Mặc dù vậy, nỗ lực hợp tác nói trên vẫn bị “gián đoạn” do sự trỗi dậy của ý thức dân tộc. Đặc điểm này khiến Hàn Quốc trở nên cực đoan và hiếu chiến khi chủ động trả đũa Nhật Bản bằng giải pháp “cấm vận” ngoại giao. Trong vấn đề sách giáo khoa xuyên tạc lịch sử, tháng 7-2001, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một loạt giải pháp răn đe: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cấm tàu hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ghé thăm cảng Incheon; Bộ Du lịch và Văn hóa đề xuất sửa đổi toàn diện chính sách “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản; Bộ Ngoại giao yêu cầu triệu hồi đại sứ tại Nhật Bản và sửa đổi “Tuyên bố chung” giữa hai nước (1998) [22]. Kịch bản này tiếp tục lặp lại vào năm 2005 khi Tổng thống Roh Moo Hyun chủ động khơi mào “cuộc chiến ngoại giao” và đơn phương cắt đứt liên lạc với chính quyền và Hội đồng dân biểu tỉnh Shimane để phản đối ngày “Takeshima” của Nhật Bản. Mặc dù không thể chối bỏ vấn đề lịch sử, nhất là khi Nhật Bản đang tăng cường tuyên bố chủ quyền trên nhóm đảo tranh chấp nhưng việc đơn phương tuyệt giao quan hệ giữa các tổ chức, đoàn thể và nhân dân hai nước để thể hiện sự phản đối với Nhật Bản là hành động đầy cảm tính và duy ý chí của ngoại giao Hàn Quốc. Rõ ràng, tuyên bố “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” đã được Seoul nhắc đến khá nhiều trong chính sách đối ngoại đầu thế kỷ XXI nhưng trên thực tế nó chỉ có tác dụng trên hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa – xã hội; trên mặt trận an ninh – chính trị, tinh thần ấy vẫn chưa thể bước qua cánh cửa của “chủ nghĩa dân tộc”. Ở Đông Bắc Á, ngay cả Trung Quốc là đối tác kinh tế số một và là điểm khởi đầu làn sóng “Hallyu” của Hàn Quốc nhưng quan hệ hai nước vẫn gặp rắc rối do các vấn đề an ninh chung: Tranh cãi lịch sử từ thời cổ đại về người thừa kế hợp pháp của vương triều Koguryo và Balhae; tranh giành chủ quyền đối với “Bạch Đầu sơn” (núi Trường Bạch nằm sát biên giới Trung Quốc, Bắc Triều Tiên); tranh chấp đảo Tô Nham mà Hàn Quốc gọi là Ieodo. Với những bất đồng nói trên, vào tháng 9-2006, Thứ trưởng Ngoại giao Lee Kyu Hyung đã tuyên bố hướng giải quyết của Chính phủ Hàn Quốc là: “Xử lý mọi trường hợp bóp méo lịch sử hoặc vi phạm chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc theo cách thức rõ ràng và cứng rắn” [30]. Hàn Quốc đã triển khai chiến dịch đả

135

kích quy mô lớn nhằm chống lại sự “ngụy biện, cưỡng đoạt lịch sử” của Trung Quốc từ thời cổ đại” và đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học biển, sân bay trực thăng, ra- đa, bến tàu trên vùng đảo Tô Nham để khẳng định chủ quyền và trấn áp các cuộc biểu tình chống đối từ phía Trung Quốc. Với trường hợp CHDCND Triều Tiên, đặc điểm “lạnh” về an ninh – chính trị thậm chí còn lấn lướt và đe dọa dấu hiệu “nồng ấm” ban đầu về hợp tác kinh tế và văn hóa – xã hội. Dù đã có quan hệ buôn bán, đầu tư và tiếp xúc dân sự từ năm 1988 nhưng sự đổi hướng chính sách liên tục của Hàn Quốc để ứng phó với quan điểm “quân sự trên hết” và trừng phạt chương trình phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã làm cho các dự án kinh tế phục vụ cho chính sách thống nhất bị bỏ dở; các kế hoạch viện trợ, đoàn tụ thân nhân ly tán và giao lưu văn hóa cũng không được thúc đẩy. Từ tháng 7-1998, toàn bộ dự án khu nghỉ mát núi Kumgang - biểu tượng “hòa bình” của hai miền Triều Tiên đã bị Tổng thống Lee Myung Bak đình chỉ sau khi quân đội Bắc Triều Tiên bắn chết công dân Hàn Quốc ở biên giới hai nước. Chính sách cứng rắn trên được CHDCND Triều Tiên đáp trả bằng việc chiếm dụng hầu hết tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ Hàn Quốc, phong tỏa tài khoản của các tổ chức kinh tế tư nhân và trục xuất lao động Hàn Quốc đang làm việc tại khu du lịch (4-2010). 3.3. Những bài học kinh nghiệm Trong những năm gần đây, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức: Sự suy giảm vai trò của Mỹ, sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản dưới sự bảo trợ của Mỹ và duy trì mối quan hệ ổn định lâu dài với CHDCND Triều Tiên. Hơn thế nữa, quan hệ Mỹ và Hàn Quốc cũng đang chuyển dần từ liên minh an ninh sang hợp tác kinh tế. Trong khi đó, quan hệ Hàn Quốc và Trung Quốc lại đang mở rộng từ lĩnh vực kinh tế sang vấn đề chính trị - ngoại giao song phương. Do vậy, những kinh nghiệm thực tiễn từ chính sách của Hàn Quốc đối với Đông Bắc Á (1989 - 2010) là rất cần thiết, không chỉ cho Hàn Quốc mà còn cho cả Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập khu vực. 3.3.1. Một số vấn đề đặt ra đối với Hàn Quốc Thứ nhất, thể hiện sự cân bằng trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên Một là, Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa chính sách thống nhất đất nước và chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Trong khi “Ánh dương” đơn giản chỉ là chính sách dành cho Bắc Triều Tiên, không quá đặt nặng vấn đề thống nhất thì “Ngoại giao mới” của Kim Young Sam và “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” của Lee Myung Bak lại quá coi trọng nỗ lực thống nhất đất nước mà xem nhẹ chính sách đối với Nhà nước ở miền Bắc. Ưu tiên số một trong chính sách của Hàn

136

Quốc là tìm kiếm một lộ trình nhằm đạt được những lợi ích và sự thịnh vượng chung của hai miền cũng như việc giải trừ vũ khí hạt nhân [135; tr. 9]. Chừng nào chưa đạt được mục tiêu này thì mọi cố gắng nhằm đẩy nhanh tiến trình tái thống nhất đều trở thành vô nghĩa. Thực tế cho thấy, vì coi trọng chính sách thống nhất đất nước hơn chính sách đối với CHDCND Triều Tiên nên Kim Young Sam đã vội vàng thực hiện giải pháp “ngăn chặn”, “kiềm chế” và trông chờ vào sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng. Cũng vì quá tính toán và thực dụng, Tổng thống Lee Myung Bak đã coi kết quả giải trừ vũ khí hạt nhân (chính sách thống nhất) là điều kiện then chốt để duy trì viện trợ nhân đạo và hợp tác kinh tế (chính sách đối với Bắc Triều Tiên). Quan điểm “phi hạt nhân hóa” phải “dẫn đường” cho hòa giải và hợp tác kinh tế của Hàn Quốc đã khiêu khích tinh thần hiếu chiến của CHDCND Triều Tiên với chuỗi sự kiện: Nữ du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại núi Kumkang (2008); phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai (2009), đánh chìm tàu Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyong (2010). Rõ ràng, dù mục tiêu cuối cùng của Hàn Quốc là thống nhất hoàn toàn bán đảo nhưng việc cân bằng giữa chính sách Bắc Triều Tiên và chính sách thống nhất đất nước vẫn là giải pháp khả dĩ nhằm hạn chế vấn đề cạnh tranh, gây sức ép, đe dọa xung đột vũ trang giữa hai miền và tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Hai là, Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa sức mạnh kinh tế và lòng tin chính trị. Khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa hai miền là một trong những lý do được Hàn Quốc đưa ra (ngay từ thời Tổng thống Syng Man Rhee) để lý giải cho quyết tâm thống nhất dân tộc. Từ sau Chiến tranh lạnh, để tiến gần hơn đến mục tiêu này, Hàn Quốc chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế, coi đó là công cụ của đường lối đối ngoại cứng rắn và chính sách sáp nhập của Chính phủ. Tuy nhiên, sự ỷ lại quá mức vào ưu thế này lại khiến cho chính sách của Hàn Quốc trở nên kém hiệu quả. Hàn Quốc không thể dựa vào sự vượt trội về kinh tế để áp đặt và đưa ra điều kiện chính trị đối với một Nhà nước đã bị “niêm phong từ trong máu”. Để không gây ra “hiệu ứng ngược”, sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc cần phải được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, cụ thể là thông qua con đường đầu tư, viện trợ, tăng cường giao lưu văn hóa, tiếp xúc xã hội để từng bước tạo dựng niềm tin với người “anh em”. Thực tế, không một quốc gia hoặc dân tộc nào trong lịch sử thế giới hiện đại đã hoặc đang được thống nhất hòa bình mà chỉ dựa vào lợi ích kinh tế. Việc hoạch định chính sách của Hàn Quốc, theo đó, cũng phải được thực hiện trên cơ sở hiểu biết, tin cậy thông qua quá trình giao lưu và tiếp xúc tự nguyện. Ba là, Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa giải pháp răn đe và giải pháp hòa giải với Bắc Triều Tiên. Trong giai đoạn 1989 - 2010, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên, về cơ bản, có thể chia thành hai nhóm: Thứ nhất, chính

137

sách “có đi có lại bảo thủ” (hay “chính sách diều hâu”); thứ hai, chính sách “có đi có lại linh hoạt” (hay “chính sách lan tỏa”). Hai tổng thống Kim Young Sam và Lee Myung Bak đại diện cho nhóm chính sách thứ nhất với kiểu quan hệ “có đi có lại bảo thủ”, gắn vấn đề chính trị với hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện đường lối ngoại giao này của Kim Young Sam và Lee Myung Bak lại đưa kinh tế Bắc Triều Tiên rơi vào khủng hoảng và tạo tình thế bất lợi cho quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn do Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Hai tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đại diện cho nhóm chính sách thứ hai với nguyên tắc “có đi có lại linh hoạt”, tách vấn đề chính trị ra khỏi hợp tác kinh tế. Nhóm chính sách này có ba đặc điểm: (1) Bất bình đẳng (bên này “chuyên cho” và bên kia “chuyên nhận”); (2) bất liên kết (“cho trước, nhận sau”); (3) bất đối xứng (lấy kết quả viện trợ nhân đạo, hợp tác kinh tế và văn hóa – xã hội để cải thiện quan hệ chính trị, an ninh). Thực tế cho thấy, chính sách đối với Bắc Triều Tiên muốn thắng lợi phải đảm bảo nguyên tắc kiên nhẫn, mềm mỏng và nhất là “cho trước, nhận sau” do miền Bắc luôn mặc định thực hiện “nhận trước, cho sau” với Hàn Quốc trên tất cả mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu trung thành quá mức với giải pháp nhân nhượng và viện trợ “vô điều kiện” thì chính sách của Hàn Quốc lại rất dễ sa vào vấn nạn “ngoại giao chi phiếu” hay “tiền cho Hội nghị Thượng đỉnh” như trường hợp chính sách “Ánh dương”. Những phân tích nói trên cho thấy chính sách hợp lý đối với CHDCND Triều Tiên không thể đơn giản chỉ là “chính sách cưỡng chế” hay “chính sách nhân nhượng” mà phải là “chính sách liên kết” – đó là sự kết hợp hiệu quả và cân bằng của cả hai nhóm chính sách nói trên. Giải pháp liên kết được thực hiện trên cơ sở vừa đối thoại, gây áp lực vừa hợp tác và răn đe; trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là tách phát triển kinh tế với hợp tác văn hóa – xã hội (bao gồm: Viện trợ nhân đạo, đoàn tụ gia đình ly tán và trao đổi dân sự) ra khỏi lĩnh vực chính trị, an ninh. Định hướng này là hoàn toàn khả thi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa, Bắc Triều Tiên không thể phát triển kinh tế mà không tiến hành cải cách và mở cửa. Việc cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc, chắn chắn, sẽ không được nước này lựa chọn vì nó liên quan đến vấn đề cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và quan trọng là hợp tác kinh tế với Hàn Quốc còn chưa đến “kỳ thu hoạch” [21]. Rõ ràng, giải pháp triệt để trừng phạt hoặc triệt để nhân nhượng không còn là sự lựa chọn duy nhất nhằm thay đổi thái độ và hành động của Bắc Triều Tiên. Quan hệ liên Triều cần được xây dựng dựa trên cả hai cơ sở “nguyên tắc” và “lòng tin” mới có thể phát triển mối quan hệ ổn định và bền vững giữa hai thực thể chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, thực hiện chính sách ngoại giao “trung lập” và “đa phương” đối với các nước trong khu vực.

138

Về trung và dài hạn, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến Hàn Quốc vì nếu siêu cường này theo đuổi cách tiếp cận đối đầu thì chắc chắn tình hình chính trị ở Đông Bắc Á sẽ bị “phân cực”. Tuy nhiên, khác với Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc chưa đủ thực lực để gây ảnh hưởng tuyệt đối tại khu vực. Tình huống phức tạp này đòi hỏi chính sách đối ngoại Hàn Quốc phải sáng tạo, khôn ngoan và nhất là không vội vã đứng về phía nào. Có thể coi các chiến thuật sau đây là những bước đệm cơ bản: Một là, ngoại giao Hàn Quốc phải “trung lập” hơn trong những vấn đề đối ngoại khu vực. Nghiên cứu tình hình chính trị ở Đông Bắc Á có thể giải mã ngoại giao Hàn Quốc trong những năm gần đây. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lee Myung Bak, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách thân Mỹ và ủng hộ Nhật Bản. Kết quả là mối quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc, Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên đã bị xem nhẹ và phải hứng chịu nhiều chướng ngại. Chừng nào Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được một sự cân bằng quyền lực trong trật tự chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương thì một cuộc đấu tranh âm ỉ vẫn tiếp tục diễn ra. Tình hình này buộc Hàn Quốc phải theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng về quyền lực với việc trở thành quốc gia trung lập trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, “trung lập” ở đây không có nghĩa là “tự cô lập”. Để đảm bảo lợi ích chiến lược của mình, Hàn Quốc vẫn phải duy trì liên minh với Mỹ và liên kết với Trung Quốc. Củng cố quan hệ Trung – Mỹ không chỉ mang lại lợi ích cho hai quốc gia này mà còn mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc. Hai là, duy trì mối quan hệ đa phương ở Đông Bắc Á. Để thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, Hàn Quốc không chỉ hợp tác với các nước láng giềng mà còn cần phát triển mạng lưới đa cấp với các học giả, doanh nhân và với Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có thể thu hút sự hợp tác của Nhật Bản, Nga, Australia, ASEAN và mở rộng hoạt động ngoại giao của mình nhờ vào sự hỗ trợ của các cường quốc trong khu vực và các tổ chức quốc tế. Chính sách của Hàn Quốc cần phải tạo dựng cho được một kênh đối thoại trực tiếp về hợp tác an ninh ở Đông Bắc Á nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan. Để làm được điều này, trước tiên, Hàn Quốc phải nối lại đàm phán sáu bên hoặc thiết lập một cuộc đối thoại chiến lược ba bên giữa Mỹ - Hàn Quốc - Trung Quốc để kiểm soát đối đầu trong khu vực. Hàn Quốc cần tận dụng vai trò “đa diện” của Trung Quốc trong việc kêu gọi đầu tư chung vào Bắc Triều Tiên gắn với quá trình đàm phán FTA giữa hai nước và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Tổ hợp công nghiệp Kaesong để ngăn chặn ý đồ lợi dụng cơ sở kinh tế vào mục đích chính trị của Bình Nhưỡng. Ba là, đa dạng hóa các chương trình nghị sự của khu vực. Việc phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; bất đồng lịch sử, tranh chấp lãnh thổ với Nhật 139

Bản, Trung Quốc là những vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Để ngăn chặn sự đối đầu gay gắt giữa các nước và tạo ra một khuôn khổ hợp tác về các vấn đề chung, Hàn Quốc cần chủ động đa dạng hóa các chương trình nghị sự để “trung hòa” và “pha loãng” tác động tiêu cực của những bất đồng, xung đột. Đặc biệt, Hàn Quốc cần duy trì bền vững “chính sách đa kênh” trong các cuộc đàm phán, thậm chí khắc phục hậu quả do khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác ba bên Hàn Quốc – Nhật Bản – Trung Quốc để cùng giải quyết các vấn đề chính trị và trao đổi văn hóa – xã hội ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc cũng nên lồng ghép vấn đề kinh tế vào các cuộc đàm phán sáu bên nhằm mang lại nguồn sinh khí mới cho các chương trình nghị sự vốn còn hạn chế về kết quả giải quyết vấn đề hạt nhân. Thứ ba, tách biệt chính sách phát triển kinh tế với hợp tác an ninh – chính trị. Cho đến hết thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề an ninh – chính trị song phương và đa phương vẫn đang dẫn dắt, chi phối chính sách kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc. Đối với CHDCND Triều Tiên, đây là hệ quả của việc duy trì mối quan hệ “bình đẳng” theo nguyên tắc “nhận trước – cho sau” và “cho bao nhiêu – nhận bấy nhiêu” của Tổng thống Lee Myung Bak. Việc lồng ghép hỗ trợ kinh tế với tiến độ giải trừ hạt nhân trong chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” không những phá hỏng quan hệ liên Triều mà còn gây ra cuộc “khủng hoảng kép” ở cả hai lĩnh vực hợp tác nói trên. Sai lầm cố hữu của Hàn Quốc trong chính sách Bắc Triều Tiên trong hơn hai thập niên qua là coi kinh tế như “điều kiện trao đổi” hay “phần thưởng” cho mọi sự tiến bộ về hợp tác an ninh – chính trị. Kiểu tư duy này cần sớm được loại bỏ vì vấn đề cốt lõi trong quan hệ liên Triều không phải là lương thực, phân bón hay tiền viện trợ mà là lòng tin và sự hiểu biết. Cũng như CHDCND Triều Tiên, kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc có sự bổ sung tốt cho nhau nên khả năng hợp tác trong tương lai là rất lớn. Hai nước đã tăng cường thông tin liên lạc, phối hợp thúc đẩy thương mại song phương cấp cao nhằm thắt chặt quá trình đàm phán FTA và tăng cường hợp tác kinh tế ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, từ năm 2010, quan hệ song phương ít nhiều bị ảnh hưởng do lập trường khác biệt của Trung Quốc về vụ đắm tàu Cheonan và vụ kích pháo vào đảo Yeonpyeong của Bắc Triều Tiên (2010). Bên cạnh đó, những tranh cãi lịch sử từ thời cổ đại, tranh giành Bạch Đầu sơn và đảo Tô Nham chưa có hướng giải quyết cũng rất dễ tác động đến thành tựu kinh tế to lớn giữa hai “đối tác hợp tác chiến lược”. Khi mà các bên đều ra sức bảo vệ quan điểm chính trị của mình và cam kết đấu tranh cho lẽ phải nhờ vào các cuộc khẩu chiến và các công trình quân sự trái phép thì việc chủ động “bóc tách” vấn đề an ninh – chính trị ra khỏi hợp tác kinh tế, đối với Hàn Quốc, càng trở nên cấp thiết. Tương tự trường hợp với Nhật Bản, quan hệ Hàn – Nhật từ sau Chiến tranh lạnh đã bắt

140

đầu được cải thiện nhờ nhu cầu phát triển kinh tế và duy trì quan hệ đồng minh nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Mặc dù vậy, liên tiếp sóng gió nổi lên do vấn đề lãnh thổ, lịch sử và yêu cầu bồi thường cho hàng nghìn người Triều Tiên bị cưỡng bức lao động – bị cưỡng ép tình dục trong CTTG thứ hai do Tổng thống Roh Moo Hyun phát động đã làm rạn nứt quan hệ hai bên. Cùng với việc đơn phương chấm dứt đàm phán để phản đối chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Koizumi, Roh Moo Hyun đã tạm hoãn đàm phán kinh tế và đình chỉ thành lập các kênh tham vấn tư nhân về đầu tư, hợp tác thương mại. Tình trạng này kéo dài có thể “đóng băng” quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Khi mà hai Chính phủ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể để giải quyết bất đồng thì Hàn Quốc cần sớm đưa hợp tác kinh tế thoát khỏi “vũng lầy” của các vấn đề an ninh. Thứ tư, đẩy mạnh chính sách “ngoại giao nhân dân” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội. Chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực, suốt hơn hai thập niên qua, chỉ thuần túy thể hiện quan điểm và ý chí chính trị của những người đứng đầu Nhà nước. Đặc điểm này khiến ngoại giao Hàn Quốc kém ổn định, thậm chí trở nên cực đoan trong thời kỳ cầm quyền của các tổng thống bảo thủ. Hạn chế nói trên chỉ có thể khắc phục khi Hàn Quốc coi “người dân” là chủ thể “đồng hoạch định” và “đồng hỗ trợ” cho chính sách. Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, “ngoại giao nhân dân” rất quan trọng vì chính thế hệ trẻ, các chuyên gia, vận động viên, văn nghệ sỹ… mới là những người trực tiếp trao đổi, giao lưu và đưa văn hóa, khoa học, giáo dục của Hàn Quốc xích lại gần khu vực mà không chịu sự chi phối quá sâu sắc của quan điểm chính trị hay ý thức hệ. Lấy trường hợp Nhật Bản làm thí dụ, mặc dù hai nước đang đối mặt với bất đồng, xung đột do các vấn đề an ninh – chính trị nhưng tình hình hoàn toàn có thể thay đổi nếu Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh chính sách “ngoại giao nhân dân” trên lĩnh vực then chốt này bằng việc tăng cường đối thoại giữa “thế hệ nói tiếng Hàn” của Hàn Quốc và thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh ở Nhật Bản. Qua đó, tăng cường tiếp xúc giữa học sinh, sinh viên, các nhà lãnh đạo trẻ nhằm kiến tạo mối quan hệ tiến bộ nhờ kiên trì chính sách “mở cửa” văn hóa. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như các nước láng giềng khác ở Đông Á đều có bề dày lịch sử về quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Đây là cơ sở để nước này xây dựng chính sách thông qua vai trò của các học giả và các phương tiện truyền thông. Hàn Quốc cũng nên quan tâm giáo dục thế hệ trẻ về vai trò “cầu nối” của họ đối với việc thúc đẩy ngoại giao với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các trại hè thanh niên và Diễn đàn văn hóa. Một yếu tố khác, Hàn Quốc cần biết tận dụng là lực lượng “kiều bào” khoảng 200.000 người trong thập kỷ qua đang sinh sống và học tập ở Trung Quốc,

141

trong đó có 50.000 sinh viên (số lượng sinh viên nước ngoài đông đảo nhất trong các trường Đại học ở Trung Quốc) [155]. Lực lượng này cần đóng vai trò truyền thông xã hội và những “sứ giả văn hóa” tích cực ở hải ngoại. Với trường hợp CHDCND Triều Tiên, chính sách của Hàn Quốc cần được thực hiện một cách cân bằng và toàn diện ở các cấp địa phương và nhân dân hai miền. Thực tế, Chính phủ Hàn Quốc trước đây đã từng phải đối mặt với cả một chính thể Nhà nước Bắc Triều Tiên cực đoan và hiếu chiến khi họ phớt lờ yếu tố nhân dân, yếu tố con người Bắc Triều Tiên mà chỉ tập trung ứng phó với chính sách của các nhà lãnh đạo. Không giống với Nhật Bản và Trung Quốc, việc thực hiện các vấn đề nhân đạo như viện trợ lương thực và đoàn tụ gia đình ly tán tạo điều kiện nhiều hơn cho nhân dân Hàn Quốc củng cố, thắt chặt tình cảm với “nửa kia” của dân tộc. Hàn Quốc cần có những nỗ lực thực sự để triển khai kế hoạch trao đổi nhân sự và các hoạt động phi chính phủ nhằm cải thiện vấn đề nhân quyền, cải thiện quan hệ với đồng bào miền Bắc và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai miền. Thứ năm, củng cố và gia tăng sức mạnh mềm trong chính sách đối với các nước trong khu vực. (1876 - 1949) - nhà lãnh đạo phong trào độc lập chống thực dân Nhật Bản, tổng thống cuối cùng của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc (1927) là người đầu tiên đề cập đến việc sử dụng văn hóa như một sức mạnh mềm của quốc gia với mong ước: “Tôi muốn đất nước của chúng tôi đẹp nhất trên thế giới dù điều này không đồng nghĩa với một đất nước hùng mạnh nhất… Thấu hiểu nỗi đau của một dân tộc bị xâm chiếm, tôi không muốn đất nước của tôi gây ra điều tương tự. Điều duy nhất tôi muốn là sức mạnh của một nền văn hóa cao quý vì nó làm cho chúng ta hạnh phúc và cũng mang đến hạnh phúc cho những người khác” [74] (Tự truyện “Baekbeomilji”). Định hướng phát triển văn hóa làm “lực đẩy” cho quốc gia đã thôi thúc sự ra đời của “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) từ cuối thế kỷ XX. Cùng với chính sách “mở cửa” văn hóa từ thời Kim Dae Jung, “Hallyu” có điều kiện thâm nhập sâu rộng vào đời sống của giới trẻ Nhật Bản, làm bùng nổ “cơn sốt Hàn Quốc” từ ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc đến thời trang xứ Hàn. Đặc biệt, riêng với điện ảnh, chỉ trong năm 2004, 29 bộ phim Hàn Quốc đã được trình chiếu ở Nhật Bản và có 63 trong tổng số 127 đài truyền hình mặt đất phát sóng 70 bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu năm 2005 [88; tr. 234]. Sự thành công của “Hallyu” đã tạo ra hình ảnh tích cực hơn của Hàn Quốc với thế hệ trẻ Nhật Bản; qua đó, thúc đẩy du lịch, nghiên cứu ngôn ngữ và các chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước. “Hallyu” cũng nên được Chính phủ Hàn Quốc sử dụng như một công cụ quyền lực mềm nhằm giảm bớt tâm lý chống đối Bắc Triều Tiên. Thực tế, để đưa “Hallyu” thâm nhập vào thị trường miền Bắc, tháng 5-2007, Hàn Quốc đã lần đầu tiên sản xuất bộ phim truyền hình “Hwang Jini” (dựa trên cuốn tiểu

142

thuyết của một tác giả người Bắc Triều Tiên) và công chiếu rộng rãi cho công chúng Bình Nhưỡng [150]. Sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc được Tổng thống Roh Moo Hyun đánh giá cao tới mức ông tin tưởng: “Một ngày nào đó, Hallyu sẽ giúp Hàn Quốc thống nhất bán đảo Triều Tiên” [133; tr. 50]. Đối với Trung Quốc, sau khi thực hiện chính sách mở cửa (từ năm 1978), quốc gia này đã thất bại trong việc cân bằng văn hóa truyền thống và tư tưởng Tây phương; trong khi đó, Hàn Quốc lại tìm ra một mô hình phát triển hiện đại có sự dung hòa giữa tư tưởng Nho giáo với văn hóa công nghiệp. Giới trẻ Trung Quốc sinh sau năm 1978 say mê Internet, yêu thích âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực và thời trang nên “Hallyu” được kỳ vọng là công cụ đắc lực giúp lan tỏa ảnh hưởng của Hàn Quốc sang Trung Quốc thông qua hoạt động du lịch và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật. Trước sự đổ bộ của “Hallyu” ở Đông Á, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định: “Người dân Trung Quốc, đặc biệt là thanh niên đã hoàn toàn bị thu hút bởi hiện tượng Hallyu. Chính phủ chúng tôi công nhận những đóng góp quan trọng của làn sóng này đối với kết quả giao lưu văn hóa – xã hội giữa hai nước” [134; tr. 227]. Khi “Hallyu” đã là cửa sổ để các nước châu Á nhìn vào Hàn Quốc, Chính phủ cũng nên chuyển dịch mô hình này từ “con cưng” của ngành công nghiệp văn hóa trở thành một hiện tượng đặc biệt có sức ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của cả khu vực. 3.3.2. Hàm ý đối với Việt Nam Là quốc gia nắm giữ vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược quan trọng ở Đông Á, tương tự như Hàn Quốc, Việt Nam luôn chịu ảnh hưởng và tác động qua lại do quan hệ đan xen giữa các cường quốc tại khu vực. Khi cán cân quyền lực đang dịch chuyển dần về phía Đông bán cầu, Việt Nam cần khôn khéo, linh hoạt và uyển chuyển trong chính sách nhằm phát triển quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực hợp tác then chốt (kinh tế, an ninh – chính trị, văn hóa – xã hội). Trong quá trình đó, việc tiếp cận, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á sẽ là một trong những cơ sở đặt nền tảng lý luận và thực tiễn quan trọng cho quá trình hoạch định, điều chỉnh chính sách của Việt Nam. Một số gợi ý sau đây có thể giúp Việt Nam tận dụng lợi thế so sánh của các bên trong quá trình phát triển và duy trì một khu vực Đông Á hòa bình, thịnh vượng. Thứ nhất, thực hiện chính sách ngoại giao cởi mở và cân bằng với khu vực Đông Bắc Á trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế đóng vai trò trung tâm. Hàn Quốc luôn phải đối mặt với sự xung đột lợi ích khốc liệt của hầu hết các quốc gia hùng mạnh cũng như sự đe dọa từ một trong những chính thể XHCN hay thay đổi nhất thế giới. Do vậy, sứ mệnh lịch sử của quốc gia này là học cách sinh tồn giữa những người khổng lồ dù với vị thế yếu hơn [4; tr. 304-305]. Đặc điểm nói trên khiến

143

Hàn Quốc có rất ít lựa chọn trong chính sách của mình và buộc phải co kéo với các đối tác mạnh hơn trong khu vực [49; tr. 64-90]. Đây là điểm tương đồng lớn nhất giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Do tác động của bối cảnh trật tự thế giới đa cực, Việt Nam và Hàn Quốc đều thực hiện những bước điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại nhằm linh hoạt ứng phó với sự thay đổi của cục diện khu vực, thế giới và “tự lực cánh sinh” trong môi trường “giữa những người khổng lồ”. Đến gần thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh, cả hai nước đều công bố các chính sách đối ngoại mới: “Chính sách ngoại giao phương Bắc” của Hàn Quốc (1988) và chính sách “Đổi mới” của Việt Nam (1986). Nếu chính sách ngoại giao Hàn Quốc thay đổi theo hướng bình thường hóa quan hệ với Nga, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc và các nước XHCN thì Việt Nam đưa ra chủ trương: (1) “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” (Văn kiện Đại hội IX) [6; tr. 119]; (2) “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” (Văn kiện Đại hội X) [7; tr. 112]. Từ sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới, chính sách đối ngoại của Việt Nam dần dần trở nên thực tế, linh hoạt và bớt nặng nề về ý thức hệ nhờ lối tư duy chính trị hiện đại và quan điểm ngoại giao tiến bộ. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (2008), với Nhật Bản và Hàn Quốc (2009). Trên thực tế, việc thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng đối với Đông Bắc Á đã được Việt Nam xác định từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX; trong đó, nỗ lực cân bằng quan hệ với các nước vẫn là mục tiêu mà Việt Nam cần phải theo đuổi trong suốt thế kỷ XXI. Bài học về việc điều tiết và cân đối sức mạnh của Hàn Quốc khi đứng giữa “địa bàn” tranh giành quyền lực của nước lớn để lại khá nhiều kinh nghiệm xương máu cho Việt Nam. Là nước nhỏ ở Đông Á, Việt Nam rất dễ bị tác động, chi phối, thậm chí bị lôi cuốn vào cuộc đua quyền lực của các nước nếu không trung thành với đường lối ngoại giao tự chủ, độc lập và nhất là thiết lập “quan hệ hài hòa” với khu vực. Kiểu quan hệ “bên trọng – bên khinh” sẽ khiến cho cả quốc gia nhỏ (Việt Nam), quốc gia tầm trung (Hàn Quốc) đánh mất thế chủ động và rơi vào tình trạng mâu thuẫn, xung đột giữa các bên. Trong khi Đông Á vẫn còn là điểm nóng về các vấn đề an ninh (bất đồng lịch sử, tranh chấp chủ quyền) thì việc tập trung vào chính sách phát triển kinh tế, xây dựng một khu vực thịnh vượng chung là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nỗ lực hợp tác kinh tế song phương không chỉ giúp bổ sung lợi thế cho nhau mà còn có tác dụng điều hòa mâu thuẫn trên lĩnh vực chính trị, an ninh và thúc đẩy trao đổi văn hóa – xã hội phát triển. Rõ ràng, nếu không có nền tảng hợp tác kinh tế, Hàn Quốc khó lòng tiếp cận CHDCND Triều Tiên, củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản và trở thành đối tác

144

chiến lược với Trung Quốc. Bài học về sức mạnh kinh tế và việc thực hiện chính sách kinh tế đôi bên cùng có lợi là điều Việt Nam cần đúc rút từ thực tiễn đối ngoại của Hàn Quốc đối với Đông Bắc Á. Trong bối cảnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt là đối tác thương mại lớn nhất, lớn thứ ba và thứ tư của Việt Nam (2010) thì việc thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều quan trọng là, Việt Nam cần chủ động tách vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi các bất đồng an ninh - chính trị và trao đổi văn hóa - xã hội nhằm duy trì có hiệu quả thành tựu hợp tác song phương. Thứ hai, tăng cường hợp tác và điều phối chính sách tại các Diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế như: Hợp tác Đông Á, ARF, APEC, ASEAN+3 và ASEM nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển và giải quyết các vấn đề thách thức của khu vực. Dù là siêu cường hay tiểu quốc ở Đông Á, việc tham gia tích cực vào các cơ chế sinh hoạt của những tổ chức quốc tế và khu vực về kinh tế, an ninh – chính trị như ASEAN, ARF, APEC, ASEM đều ít nhiều mang lại lợi ích cho các nước thành viên. Lấy trường hợp Hàn Quốc làm thí dụ. Hàn Quốc tham gia tiến trình hợp tác kinh tế Đông Á (ASEAN+3) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho quá trình cải cách, mở cửa kinh tế của CHDCND Triều Tiên, thúc đẩy hợp tác liên Triều và tạo lực đẩy cho quá trình thống nhất đất nước [10; tr. 148]. Về cơ bản, sự lựa chọn này của ngoại giao Hàn Quốc có tính chất “tương hỗ”: Lấy mục tiêu kinh tế thúc đẩy mục đích chính trị và ngược lại, tận dụng môi trường chính trị ổn định để tăng cường phát triển kinh tế. Đây là kinh nghiệm thực tiễn quý giá đối với ngoại giao Việt Nam. Khi các quốc gia ở Đông Á đều tập trung phát triển kinh tế, cải cách chính trị theo hướng dân chủ và giải quyết các vấn đề bên trong và bên ngoài khu vực bằng con đường đối thoại thì vai trò của các tổ chức, diễn đàn quốc tế tất yếu được nâng cao. Như vậy, quá trình tham gia, tăng cường hợp tác và điều phối chính sách của Việt Nam đối với ASEAN, ARF, APEC… càng khẳng định trách nhiệm, quyền lợi và địa vị của nước nhà trên trường quốc tế. Hiện nay, các nước Đông Bắc Á đang ra sức tranh giành ảnh hưởng và gia tăng vai trò dẫn dắt trong khu vực nên Việt Nam càng phải phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng thuận với các thành viên ASEAN nhằm thực hiện chính sách cân bằng giữa các nước lớn. Việc tham gia xây dựng cơ chế đối thoại an ninh khu vực cũng nên được Việt Nam đặc biệt coi trọng để có tiếng nói lớn hơn, quyết định hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bên cạnh đó, các diễn đàn và tổ chức quốc tế tại khu vực còn là kênh thông tin quan trọng để Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và tranh thủ nguồn vốn ODA với tư cách là thành viên năng động của ASEM, APEC, ASEAN+3 và tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.

145

Thứ ba, cần có chính sách ngoại giao khôn khéo trong giải quyết tranh chấp biển đảo, xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nhằm nâng cao vị thế đất nước. Tranh chấp biên giới và hải đảo là vấn đề gây xáo trộn nhiều nhất đối với cục diện an ninh khu vực. Do tính chất nhạy cảm, phức tạp và quan điểm giải quyết khá cứng rắn của các bên liên quan nên nguy cơ xung đột và đối đầu luôn rình rập Đông Bắc Á và cả khu vực Đông Á. Việc tranh giành nhóm đảo Dokdo/Takeshima (Hàn Quốc – Nhật Bản), quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Trung Quốc – Nhật Bản) và tranh chấp Bạch Đầu sơn, đảo Tô Nham/Ieodo (Trung Quốc - Hàn Quốc) chưa bao giờ nguội lạnh. Nhìn chung, bất đồng và mâu thuẫn nảy sinh do tranh chấp chủ quyền ở Đông Á đều liên quan đến Trung Quốc và vấn đề biển Đông của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Là quốc gia nhỏ, Việt Nam rất dễ chịu thua thiệt trong tranh chấp đường biên với nước láng giềng. Do đó, việc thể hiện một thái độ mềm mỏng, ôn hòa nhưng kiên quyết, chủ động phối hợp với các nước Đông Nam Á để đưa ra quan điểm giải quyết thống nhất với Trung Quốc là điều cần thiết. Thực tế tranh giành chủ quyền giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đối với đảo Ieodo/Tô Nham là bằng chứng cho thấy cách giải quyết vấn đề cứng rắn, thiếu thiện chí giữa các bên liên quan đã làm rạn nứt mối quan hệ song phương. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, Việt Nam nên đặt quan hệ Việt – Trung trong tổng thể các mối quan hệ quốc tế, không để bất đồng giữa hai nước tác động xấu đến quan hệ đối ngoại ở Đông Á và không vì vấn đề lãnh thổ mà thờ ơ với chính sách phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa - xã hội nhằm tăng cường hiểu biết giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ còn lâu dài và phức tạp, nó đòi hỏi các nước trong khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần có thái độ hợp tác, cầu thị, lấy đối thoại hòa bình làm phương châm giải quyết mọi bất đồng. Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong cuộc chiến không cân sức này, các nước vừa và nhỏ cũng cần tận dụng sức mạnh của các tổ chức khu vực, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ thế giới. Song song với nỗ lực bảo vệ lãnh thổ quốc gia theo nguyên tắc kiên trì đối thoại, Việt Nam rất cần xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với khu vực Đông Bắc Á và nâng cao vị thế quốc tế của chính mình. Để tạo dựng “lòng tin” với các nước, việc tạo lập một môi trường hợp tác, đầu tư thông thoáng ngay cả trong điều kiện có bất đồng an ninh với bên ngoài là việc làm vô cùng cấp thiết. Muốn vậy, Việt Nam phải chủ động đẩy nhanh tốc độ hội nhập, cải thiện cơ cấu và thể chế kinh tế, đưa ra chính sách kinh tế mới khuyến khích doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ khi tham gia vào sân chơi khu vực. Tận dụng triệt để sự hỗ trợ từ bên ngoài nhưng phát triển bằng sức mạnh nội sinh là bài học mà Việt Nam đã và đang đúc rút từ thực

146

tiễn xây dựng đất nước của các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Tiểu kết chương 3. Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thực hiện bước điều chỉnh chiến lược với khu vực Đông Bắc Á khi theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác thay vì chiến tranh, đối đầu và xung đột trong thời kỳ trước đó. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dù còn bộc lộ những hạn chế cơ bản như: Tham vọng, thiếu minh bạch, kém ổn định (chính sách với CHDCND Triều Tiên); lệ thuộc vào quan điểm chính trị cá nhân, mất cân đối giữa phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa với hợp tác an ninh – chính trị (chính sách đối với khu vực) nhưng nỗ lực “phá băng” ở hai bên vĩ tuyến 38 và tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định nhờ vào việc cải thiện và xây dựng quan hệ toàn diện với Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên là kết quả không thể phủ nhận của ngoại giao Hàn Quốc. Bài học về việc thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng, trung lập và đa phương đối với Đông Bắc Á của nước này cũng được rút ra cho Việt Nam. Đứng trước những vấn đề gay cấn của khu vực (phát triển hạt nhân, bất đồng lịch sử, tranh chấp chủ quyền), Hàn Quốc và Việt Nam đều cần tỉnh táo, khôn khéo, biết điều hòa sức mạnh giữa các cường quốc nhưng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa – xã hội nhằm xoa dịu căng thẳng, mở rộng hiểu biết và thắt chặt tình hữu nghị với các nước Đông Bắc Á vì an ninh, ổn định của hai quốc gia và toàn khu vực.

147

KẾT LUẬN

1. Do nằm ở vị trí trung tâm bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hơn hai thập niên qua đã hoàn toàn đặt cược vào kết quả cân bằng quyền lực, giảm đối đầu giữa các nước; hòa giải – hòa hợp dân tộc và hội nhập khu vực. Dưới tác động của bối cảnh quốc tế và quá trình xác lập ảnh hưởng của các siêu cường, ngoại giao Hàn Quốc đã có những bước điều chỉnh quan trọng để đảm bảo lợi ích dân tộc và kiến tạo một Đông Bắc Á ổn định, phồn vinh. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng trải qua nhiều cột mốc thăng trầm. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nội dung xuyên suốt và nhất quán trong chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực là thực hiện liên minh với Nhật Bản; duy trì đối đầu, thù địch với Trung Quốc và sáp nhập với CHDCND Triều Tiên kể cả bằng vũ lực do ảnh hưởng học thuyết “Hallstein” của Tây 7 Đức đối với Đông Đức6F . Đây là kết quả tích hợp của tình trạng xung đột Đông – Tây, quan điểm chống cộngcủa Syng Man Rhee và Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Hàn từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XX. Chính sách ngăn chặn và cô lập khu vực đã trở thành lực cản lớn nhất trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Từ sau Chiến tranh lạnh, kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế bắt đầu mở ra khi cuộc đối đầu giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị thế giới chấm dứt và bán đảo Triều Tiên - chiến trường chính của Chiến tranh lạnh ở châu Á đã dần trở nên nồng ấm. Dưới tác động của các nhân tố khách quan (xu thế hội nhập khu vực, sự thay đổi chiến lược của các nước lớn trên bán đảo Triều Tiên) và nhân tố chủ quan (tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước và nhu cầu cố kết của quốc gia đối với khu vực), Hàn Quốc đã chủ động điều chỉnh chính sách đối ngoại để kịp thời định hướng quan hệ với khu vực Đông Bắc Á trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội. 2. Dù chưa thể loại bỏ những bất đồng về vấn đề lịch sử, tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Nhật Bản và tìm lời giải cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng về cơ bản thành công lớn nhất của ngoại giao Hàn Quốc (1989 - 2010) là kiềm chế đối đầu giữa hai bên vĩ tuyến 38, củng cố liên kết khu vực và cải thiện quan hệ song phương với các nước.

7“Hallstein Doctrine” (đặt theo tên của Walter Hallstein): Đây là một học thuyết quan trọng trong chính sách đối ngoại của CHLB Đức (Tây Đức) sau năm 1955 nhằm tuyệt giao quan hệ với bất kỳ Nhà nước nào thừa nhận CHDC Đức (Đông Đức).

148

2.1. Đối với Nhật Bản, chính sách của Hàn Quốc được điều chỉnh theo hai hướng: Vừa phát triển quan hệ hợp tác về kinh tế, mở cửa văn hóa – xã hội vừa cảnh giác, đề phòng và đấu tranh trên lĩnh vực an ninh – chính trị nhằm kiềm chế tham vọng trở thành cường quốc quân sự của Nhật Bản tại khu vực. Dù còn đặt nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề bất đồng lịch sử và tranh chấp lãnh thổ nhưng quan hệ chính trị giữa hai nước đã đạt được những tiến bộ cơ bản trong nửa đầu nhiệm kỳ của Kim Young Sam, Roh Moo Hyun và có thời gian dài phát triển ổn định trong thời kỳ Kim Dae Jung nắm quyền với chính sách “hòa giải và hợp tác” (Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn Quốc - Nhật Bản trong thế kỷ XXI, 1998) và Lee Myung Bak với chính sách “ngoại giao thực dụng” (Diễn văn nhậm chức, 2008). Trên lĩnh vực kinh tế, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc. Hai bên còn xúc tiến việc đàm phán ký kết FTA nhằm thúc đẩy kinh tế song phương và xây dựng quan hệ đối tác thương mại mới vào thế kỷ XXI. Trong chính sách kinh tế mới từ sau Chiến tranh lạnh, Hàn Quốc coi việc thu hút đầu tư và tái đầu tư vào nước bạn là nhiệm vụ then chốt. Dù FDI của Nhật Bản chưa đủ bù đắp khoản thâm hụt thương mại giữa hai bên và năng lực tái đầu tư của Hàn Quốc vẫn còn hạn chế nhưng định hướng hợp tác song phương đã nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và từng bước đưa Hàn Quốc trở thành đối tác kinh tế bình đẳng với nước láng giềng. Theo định hướng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, từ năm 1998, Hàn Quốc cũng đã thực hiện chính sách “mở cửa” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội đối với Nhật Bản theo đề xuất của Tổng thống Kim Dae Jung. Bước đột phá này đã đẩy mạnh các chương trình trao đổi thanh niên, giao lưu văn hóa – nghệ thuật – thể thao và duy trì các dự án nghiên cứu chung về lịch sử hai nước. 2.2. Đối với Trung Quốc, sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hàn Quốc từ sau Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngoạn mục. Từ chỗ là đối thủ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, hai bên đã thiết lập ngoại giao chính thức, qua đó mở đường cho Trung Quốc trở thành “đối tác hữu nghị và hợp tác” (1992), “đối tác hợp tác trong thế kỷ XXI” (1998), “đối tác hợp tác toàn diện” (2003) và “đối tác hợp tác chiến lược (2008). Từ nhiệm kỳ của hai Tổng thống Kim Dae Jung và Lee Myung Bak, Hàn Quốc tuyên bố trung thành với chính sách “một nước Trung Quốc” (Tuyên bố chung năm 1998 và năm 2008). Việc lựa chọn hình mẫu “hợp tác thân thiện” với Trung Quốc cho thấy mong muốn cân bằng quan hệ khu vực của Hàn Quốc nhằm thoát khỏi chính sách áp đặt của Mỹ và mối ràng buộc an ninh với Nhật Bản. Đây cũng chính là động lực

149

thúc đẩy Hàn Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với nước láng giềng (1989 - 2010). Sau thời kỳ buôn bán gián tiếp thông qua Hồng Kông, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và là điểm đến số một của đầu tư Hàn Quốc ở nước ngoài (2008). Khoản thặng dư buôn bán với Trung Quốc còn giúp Hàn Quốc bù đắp “lỗ hổng” thâm hụt thương mại ngày càng lớn với Nhật Bản. Nhờ hợp tác thành công trên lĩnh vực chính trị và kinh tế, Hàn Quốc tiếp tục coi Trung Quốc là đối tác tin cậy trong các hoạt động giao lưu văn hóa và trao đổi dân sự. Từ sau khi ký kết “Hiệp định hợp tác văn hóa Hàn Quốc - Trung Quốc” (1994) và “Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc” (1998), âm nhạc, điện ảnh, trò chơi trực tuyến, chương trình phát thanh - truyền hình Hàn Quốc đã xuất hiện rộng rãi ở nước bạn và trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng của văn hóa xứ Hàn. Trung Quốc cũng đã được chọn làm điểm khởi đầu của “Hallyu” với các hoạt động trao đổi thanh niên sôi động bậc nhất ở Đông Á. 2.3. Đối với CHDCND Triều Tiên, chính sách của Hàn Quốc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và khó khăn hơn: Phát triển quan hệ đối ngoại (hợp tác cùng phát triển), giải quyết vấn đề dân tộc (thống nhất liên Triều) và đảm bảo an ninh khu vực (giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên). Tuy cùng theo đuổi những mục tiêu này, nhưng trên thực tế, tùy theo quan điểm và lập trường chính trị của mỗi tổng thống mà Hàn Quốc có cách tiếp cận cứng rắn (chính sách “Ngoại giao mới”, “Tầm nhìn 3000” của Kim Young Sam và Lee Myung Bak) hay nhân nhượng, mềm dẻo (chính sách “Ánh dương”, “Hòa bình và thịnh vượng” của Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun). Dù còn tồn tại không ít “sóng ngầm” trong quan hệ liên Triều nhưng về cơ bản, chính sách đối ngoại mới đã giúp Hàn Quốc khắc phục tình trạng mâu thuẫn và xung đột triệt để ở hai bên vĩ tuyến 38, đưa hai miền bước qua giai đoạn đối thoại sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Kết quả tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên trong lịch sử với việc đưa ra “Tuyên bố chung” (2000) và Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai với “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (2007) đã cho thấy nguyện vọng và ý chí hòa giải của toàn dân tộc Triều Tiên theo xu hướng hợp tác hòa bình của khu vực. Cũng do đặc điểm này, Hàn Quốc đã vượt qua những giới hạn về bất đồng lịch sử với miền Bắc để tích cực hỗ trợ kinh tế, thiết lập quan hệ buôn bán trực tiếp và thúc đẩy đầu tư ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Cùng với sự ra đời của các mô hình kinh tế: Khu du lịch núi Kumkang, Tổ hợp công nghiệp Kaesong, tuyến đường sắt Gyeongui và Kyongwon, đường bộ Donghae… Hàn Quốc không chỉ thúc đẩy hợp tác buôn bán, đầu tư, dịch vụ giữa hai bên mà còn “bắc

150

cầu” cho các hoạt động giao lưu và trao đổi văn hóa – xã hội. Với cả ba vấn đề: Viện trợ nhân đạo, đoàn tụ gia đình ly tán và hợp tác văn hóa, Hàn Quốc đều giành được những tiến bộ đáng kể nhờ sự định hướng của “Hiệp định Cơ bản Bắc – Nam” (1991), “Tuyên bố Đặc biệt về Quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (1998), “Tuyên bố chung” (2000) và “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng” (2007). Đây là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa giải – hòa hợp dân tộc và hướng đến mục tiêu thống nhất. Như vậy, nhờ tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại từ sau Chiến tranh lạnh, quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đã dần bước vào giai đoạn ổn định, quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc chính thức phát triển thăng hoa và hai miền Triều Tiên cũng đã trải qua giai đoạn tiếp xúc ban đầu để cùng đối thoại, hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an ninh chung. Từ đây, ngoại giao đa phương, xóa bỏ quan hệ đối ngoại phân cực về kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội đã trở thành nội dung chủ đạo trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á. 3. Mục tiêu hiện nay của ngoại giao Hàn Quốc là theo đuổi liên minh chiến lược với Mỹ, tăng cường quan hệ hữu nghị với Nhật Bản mà không phải hy sinh quan hệ hiện có với Trung Quốc. Có thể thấy, so với hai đồng minh chiến lược ở khu vực, vai trò “đối tác hợp tác chiến lược” với Trung Quốc ngày càng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến nỗ lực thống nhất đất nước và trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, do tác động đa chiều của các vấn đề chính trị ở trong và ngoài khu vực, chính sách tăng cường quan hệ Hàn – Trung trong thời gian tới vừa là định hướng củng cố hợp tác “song phương”, vừa là nỗ lực tổng hợp của Hàn Quốc nhằm dung hòa các mối quan hệ “đa phương” bao gồm liên minh Hàn - Mỹ, quan hệ Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung Quốc cũng như quan hệ nội bộ giữa hai miền Triều Tiên. Do đó, để đảm bảo hiệu quả chính sách đối với khu vực, Hàn Quốc cũng nên phân biệt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, theo đó phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu không thể đạt được ngay nhưng giảm bớt căng thẳng và đối đầu giữa hai miền thì lại có thể; khả năng thay đổi ảnh hưởng và hành vi của các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) thì chưa thể nhưng khả năng đóng vai trò “trung gian” hòa giải và điều tiết quan hệ giữa các bên lại ở trong tầm tay. Đông Bắc Á hôm nay ví như “nồi áp suất đầy hơi” nên Hàn Quốc cần đóng vai trò của “chiếc van an toàn” để đưa bớt áp lực dư thừa ra ngoài. Với đặc điểm này, chính sách

151

khu vực của Hàn Quốc trong những thập niên tới vẫn sẽ coi hòa giải, hợp tác, đối thoại và cùng phát triển là mục tiêu chiến lược và nhất quán. 4. Là một nước trong khu vực Đông Á, Việt Nam cần giữ mối quan hệ cân bằng, tranh thủ cơ hội hợp tác, khéo léo xử lý mâu thuẫn giữa các bên nhưng phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, chủ động phát triển quan hệ song phương và đa phương ở khu vực nhằm thu hút vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật và công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để tập trung phát triển kinh tế và giảm bớt sức nóng từ các vấn đề an ninh – chính trị giữa các bên. Việc tăng cường tìm hiểu, thúc đẩy trao đổi văn hóa - xã hội với Chính phủ và nhân dân các nước nhằm xây dựng hình ảnh mới của Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, hội nhập; qua đó, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế về giải quyết vấn đề chủ quyền biển đảo cũng là việc làm vô cùng cần thiết. Ở khu vực Đông Bắc Á, chính sách hòa giải, hợp tác và phát triển giữa Hàn Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định hoàn toàn có lợi cho Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần ủng hộ nguyện vọng thống nhất của nhân dân Triều Tiên trong khuôn khổ ARF; tranh thủ cơ hội hợp tác phát triển kinh tế với các nước thông qua ASEM, APEC và cơ chế ASEAN+3. 5. Việc điều chỉnh và xác lập chính sách ngoại giao đối với một khu vực có nhiều nội tình phức tạp bậc nhất như Đông Bắc Á là điều không hề đơn giản với cả Hàn Quốc và Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ, bất đồng lịch sử giữa các bên chưa được giải quyết thì quan hệ giữa Hàn Quốc, Việt Nam với các chủ thể chính trị còn lại trong khu vực vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức cần phải vượt qua. Chính vì đặc điểm này, sẽ là vội vàng và chủ quan nếu đưa ra kết luận chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010) là hoàn toàn thành công hay thất bại. So với Việt Nam, những vấn đề mà Hàn Quốc vấp phải với Nhật Bản, Trung Quốc, đặc biệt là CHDCND Triều Tiên còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Khi cơ hội phát triển của quốc gia gắn chặt với vận mệnh dân tộc, sự an nguy của khu vực và uy tín với quốc tế, Hàn Quốc vẫn phải tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện chính sách của mình để sinh tồn “giữa những người khổng lồ” và hàn gắn “vết thương chưa liền” từ thời Chiến tranh lạnh. Điều kỳ diệu là đứng trước vô vàn khó khăn, quốc gia này vẫn một mực tin tưởng về tương lai tươi sáng của khu vực vì “người Hàn Quốc có chung một giấc mơ – giấc mơ về một cộng đồng Đông Bắc Á hòa bình và thịnh vượng… Thời đại của Đông Bắc Á rồi sẽ đơm hoa kết quả và Hàn Quốc quyết nỗ lực để sớm đạt đến ngày đó” [146].

152

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN LUẬN ÁN

1. Hoàng Thị Minh Hoa, Phan Thị Anh Thư (2013), “Quan hệ thương mại Hàn Quốc – Nhật Bản (1991 - 2011)”, Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Huế, số 04 (28), tr. 96-105. 2. Phan Thị Anh Thư (2014), “Chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” của Roh Moo

Hyun đối với tiến trình hòa giải liên Triều”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 06 (19), tr. 45-56. 3. Phan Thị Anh Thư (2014), “Chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên thời kỳ Chiến tranh lạnh (1948 - 1989)”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 93, số 05, tr. 293-302. 4. Phan Thị Anh Thư (2014), “Chính sách văn hóa - xã hội của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 08 (21), tr. 30-43. 5. Phan Thị Anh Thư (2014), “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trong Chiến tranh lạnh”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 11 (463), tr. 59-64. 6. Hoàng Thị Minh Hoa, Phan Thị Anh Thư (2015), “Chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao từ 1998 đến 2012”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 01 (167), tr. 20-28. 7. Phan Thị Anh Thư (2015), “Chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao (1989 – 2010)”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 102, số 03, tr. 187-199. 8. Phan Thị Anh Thư (2015), “Nhìn lại chính sách “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân hóa và mở cửa” của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 04 (170), tr. 3-12. 9. Phan Thị Anh Thư (2015) “Đánh giá chính sách “Ánh dương” của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 09 (175), tr. 14-22.

153

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TIẾNG VIỆT 1. Nguyễn Thanh Bình (2006), “Một số nét trong quan hệ ngoại thương Nhật Bản – Hàn Quốc”, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1 (61), tr. 10. 2. Ngô Xuân Bình (2005), “Liên kết kinh tế Đông Á – Khởi đầu bằng một Hiệp định Mậu dịch Tự do Nhật Bản, Hàn Quốc”, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 3 (57), tr. 7-8. 3. Ngô Xuân Bình, Phạm Qúy Long (chủ biên) (2006), Về một số vấn đề sau thống nhất của bán đảo Triều Tiên – Góc nhìn từ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 38-39. 4. Byung Nak Song (2002), Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, bản dịch của Phạm Qúy Long và đồng sự, Ban Nghiên cứu Hàn Quốc học, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 304-305. 5. Nguyễn Hữu Cát (1997), “Châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược của một số nước lớn ở khu vực”, Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, 2 (15), tr. 154. 6. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 119. 7. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 112. 8. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2009), Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau Chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 39; tr. 72; tr. 73; tr. 85. 9. Hoàng Minh Hằng (2005), “Quan hệ Trung – Hàn kể từ sau khi bình thường hóa”, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 5 (59), tr. 73. 10. Nguyễn Thu Mỹ (2008), Một số vấn đề cơ bản về hợp tác ASEAN+3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 148. 11. Oded Shenkar (2008), Thế kỷ 21 – Thế kỷ của Trung Quốc, biên dịch: Tuyết Tùng, Kiến Văn, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 9. 12. Trần Anh Phương (chủ biên) (2007), Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 22.

154

13. Đỗ Trọng Quang (2007), “Tổng thống Roh Moo Hyun trước sáng kiến hợp tác Đông Bắc Á và nỗ lực cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12. 14. Tân Hoa xã (2008), “Những dấu son trong quan hệ thương mại Trung – Hàn”, bản dịch tiếng Việt, ngày 31-8-2008. 15. Thông tấn xã Việt Nam (1978), “Quan hệ Mỹ, Nam Triều Tiên, Nhật, Iran”, tr. 6. 16. Thông tấn xã Việt Nam (1996), “Nhìn nhận về chiến lược của Mỹ và Nhật Bản đối với Triều Tiên: Lợi ích, tham vọng và mục tiêu” (Sharifi M. Shuja), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 21-11-1996. 17. Thông tấn xã Việt Nam (1998), “Quan hệ Trung – Hàn”, Tài liệu tham khảo, ngày 16-11-1998. 18. Thông tấn xã Việt Nam (1998), “Tuyên bố chung Hàn Quốc – Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 17-11-1998. 19. Thông tấn xã Việt Nam (2000), Tin tham khảo chủ nhật, ngày 30-01-2000, tr. 15. 20. Thông tấn xã Việt Nam (2001), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 08-01-2001, tr. 11. 21. Thông tấn xã Việt Nam (2001), “Chìa khóa của vấn đề bán đảo Triều Tiên năm 2001”, trích: Bài viết của K. Suzuki – Giám đốc hãng tin Radio Press, Tuần báo “Thế giới” (Nhật Bản) ngày 30-01-2001, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 15- 02-2001. 22. Thông tấn xã Việt Nam (2001), “Hàn Quốc phản đối Nhật Bản về cuốn sách giáo khoa xuyên tạc lịch sử”, Tin thế giới, ngày 13-7-2001. 23. Thông tấn xã Việt Nam (2002), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 07-3-2002, tr. 2. 24. Thông tấn xã Việt Nam (2002), Tin tham khảo, ngày 23-7-2002. 25. Thông tấn xã Việt Nam (2002), “Hai nước Triều Tiên muốn thống nhất”, Tin tham khảo đặc biệt, ngày 30-9-2002. 26. Thông tấn xã Việt Nam (2003), “Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên mở rộng biện pháp hợp tác kinh tế”, Tin thế giới, ngày 28-8-2003. 27. Thông tấn xã Việt Nam (2005), “Tranh chấp lãnh thổ làm tổn thương nghiêm trọng quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc”, Tin tham khảo thế giới, ngày 19-3-2005. 28. Thông tấn xã Việt Nam (2005), “Rạn nứt sâu sắc trong quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản”, Tin tham khảo thế giới, ngày 17-6-2005. 29. Thông tấn xã Việt Nam (2005), “Hàn Quốc bất hòa với Mỹ, thân thiện với Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 25-7-2005.

155

30. Thông tấn xã Việt Nam (2006), “Phản ứng của Hàn Quốc trước tuyên bố của Trung Quốc về lịch sử cổ đại”, Tin tham khảo thế giới, ngày 08-9-2006. 31. Thông tấn xã Việt Nam (2006), “Hàn Quốc: Còn quá sớm để dỡ bỏ hạn chế đối với văn hóa Nhật Bản”, Tin tham khảo thế giới, ngày 15-9-2006. 32. Thông tấn xã Việt Nam (2007), “Hàn Quốc đồng ý viện trợ cho Triều Tiên”, Tin thế giới, ngày 22-4-2007. 33. Thông tấn xã Việt Nam (2007), chuyên khảo: “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc”, Tài liệu tham khảo, số 12-2007, tr. 4; tr. 34. 34. Thông tấn xã Việt Nam (2008), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 18-8-2008. 35. Thông tấn xã Việt Nam (2008), Thông tin tham khảo đặc biệt, ngày 20-8-2008. 36. Phan Thị Anh Thư (2011), Vai trò của các tập đoàn kinh doanh (Chaebol) trong quá trình phát triển kinh tế ở Hàn Quốc và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Hà Nội, tr. 97. 37. Trần Nam Tiến (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại (1945 - 2000), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 313. 38. Vụ châu Á I, Bộ Ngoại giao (1999), Vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, tr. 13. 39. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên trong thập kỷ 90, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành: Quan hệ Quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, tr. 21. 40. Weber (1993), “Ý tưởng về một trật tự thế giới mới và tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí tư tưởng tự do, số 3, tr. 45.

156

II. TIẾNG ANH 41. Alon Levkowitz (2008), “The Disparity between South Korea’s Engagement and Security Policies towards North Korea: The Realist – Liberal Pendulum”. In: Rudiger Frank, James E. Hoare, Patrick Kollner and Susan Pares (eds), Korea Yearbook, vol. 2, Brill imprint, pp. 125-141. 42. Chae-Jin Lee (1996), China and Korea: Dynamic Relations, Hoover Press, Korea, p. 107 & p. 113. 43. China’s Foreign Affairs (1998), White Paper on China’s Diplomacy, Published by the Information Office of the State Council of the People’s Republic of China, Beijing, p. 125. 44. Chosun Ilbo (January 17th, 2005), “Declassified Documents Could Trigger Avalanche of Lawsuits”. 45. Chosun Ilbo (January 17th, 2005), “Seoul Demanded $364 Million for Japan’s Victims Updated”. 46. Chosun Ilbosa, Seoul (2001), “Kim Young Sam’s Recollection of the Event in Kim Young Sam, President Kim Young Sam’s Memoirs”, vol. 1, pp. 361-365. 47. Chung in Moon (2001), “The Kim Dae Jung Government and Changes in Inter Korean Relations - In Defense of the Sunshine Policy”, Korea and World Affairs, vol. XXV, no. 4, p. 519. 48. David R. Mc Cann (1997), Inter-Korean Economic Cooperation, Published in Cooperation with the Asia Society, Korea Briefing toward Reunification, p. 37. 49. De Ceuster, Koen (2005), “Pride and Prejudice in South Korea’s Foreign Policy”, Copenhagen Journal of Asian Studies, pp. 64-90. 50. Dong-a Ilbo (May 4, 2004), “Public Polls about China”. 51. Foreign Affairs and National Defense Division (1997), Korea: Improved South Korea – Chinese Relations: Motives and Implications, CRS Report for Congress, p. 2. 52. Gabriel Jonson (2006), Towards Korean Reconciliation: Socio – Cutural Exchanges and Cooperation, Ashgate Publishing, Ltd, p. 98. 53. Gilbert Rozman, In Taek Hyun, Shin Wha Lee (2008), South Korean Strategic Thought toward Asia, New York: Palgrave Macmillan, p. 188. 54. Gilbert Rozman (2012), “Asia at a Tipping Point: Korea, The Rise of China, and the Impact of Leadership Transitions”, Joint U.S – Korea Academic Studies, vol. 23, pp. 11-12. 55. Government Information Agency of Republic of Korea (1992), The White Book for State Affairs (Seoul, GIA), p. 321.

157

56. Government Information Agency of Republic of Korea (1998), The White Book for State Affairs (Seoul, GIA), p. 231. 57. Hidehiko Mukoyama (2012), “Japan – South Korea Economic Relations Grow Stronger in a Globalized Environment”, Pacific Business and Industries, vol. XII, no. 43, p. 7. 58. Hyundai Research Institute (2004), Analysis of the Hallyu Phenomenon and Strategy to Develop it as a Culture Industry. 59. Institute of China Studies (2003 - 2013), China: Development Model, State-Civil Societal Interplay and Foreign Relations, Korean Export-Import-Trade Balance Against the U.S and China, p. 661. 60. Institute of Economics, Academic Sinica (2002), Productivity and Economic Performance in the Asia – Pacific Region, Edward Elgar Publishing, p. 96. 61. International Centre for the Study of East Asia Development (ICSEAD) (2010), “The Agreement on the Implementation of Trade and Economic Cooperation and the Establishment of the South-North Joint Economic Committee” (20-6-1985), The Search for a Unified Korea Political and Economic Implications, Publisher: Springer, p. 16. 62. International Institute Journal (2012), “Hallyu 2.0: The New Korean Wave in the Creative Industry”, volume 2, issue 1. 63. International Legal Materials (1966), “Agreement on the Settlement of Problem Concerning Property and Claims and on the Economic Cooperation between the Republic of Korea and Japan” (Compensation Agreement), vol. 5, no. 1, pp. 111- 117. Translated by Dr. Sung Yoon Cho – Legal Specialist, Far Eastern Law Division. Published by American Society of International Law. 64. James Cotton (1993), Korean under Roh Tae Woo: Democratisation, Northern Policy, and Inter-Korean Relations, Korea Foundation, Printed by ANU Printery, Canberra ACT 2601, Australia, pp. 343-344; pp. 258-259. 65. Japan External Trade Organization (JETRO) (1992), White Paper (Annual Foreign Trade), p. 133. 66. Japan External Trade Organization (JETRO) (1993), White Paper (Annual Foreign Trade), p. 135. 67. Japan External Trade Organization (JETRO) (2010), Overseas Research Department, International Economic Research Division, JETRO Gliobal Trade and Investment Report, p. 137.

158

68. Japan Statistical Yearbook (2001), Statistical Handbook of Japan, Tokyo: Statistics Bureau and Statistics Center, p. 57. 69. Jhe Seong Ho (2004), “Four Major Agreements on Inter-Korean Economic Cooperation: Legal Measures for Implementation”, East Asian Review, vol. 16, no. 4, p. 26. 70. Jin Wung Kim (2012), A History of Korea from “Land of the Morning Calm” to States in Conflict, Indiana University Press, p. 602. 71. Jonghoe Yang (2012), “The Korean Wave (Hallyu) in East Asia: A Comparison of Chinese, Japan and Taiwanese Audiences Who Watch Korean TV Dramas”, Development and Society, vol. 41, no. 1, p. 123. 72. Joong Ang Ilbosa (1965) “Speeches of from Yihwajang Collection”, vol. 18, p. 35. 73. Joong Ang Ilbo (March 27, 2008), “North’s Nukes on Attack Radar: New Military Chief Says Plans Exist for Possible Pre-emptive Strive” (Kim Min Seok and Jung Ha Won). 74. Journal of Baekbeom (March 1st1948), Excerpt from Autobiography “Baekbeomilji”, Kim Gu - Former President of the Provisional Government of Korea. 75. Kim Dae Jung (1999), “Investment on the Cultural Sector for Future Development”, at the Speech for the Day of Culture on October 20, National Unification Research Institute Press. 76. Kim Hee Kyung (2004), “FDI in Korea: Recent Trends and Policy Issues”, Korea Focus, vol. 12, no. 6, p. 133. 77. Kim Hosup (2005), “Evaluation of President Roh Moo Hyun’s Policy toward Japan”, Korea Focus, vol. 13, issue. 6, p. 39. 78. Kim Young Sam (1995), Korea’s Quest for Reform and Globalization: Selected Speeches of President Kim Young Sam, The Presidental Secretariat, The Republic of Korea, p. 86 & p. 241. 79. Koen De Ceuster (2005), “Pride and Prejudice in South Korea’s Foreign Policy”, The Copenhagen Journal of Asian Studies, p. 68. 80. Korea Herald (June 15, 2005), “Five Years Since Historic Summit Bring Unprecedented Economic Exchanges”. 81. Korea Institute for International Economic Policy (2006), Korea’s FDI Policies and Future Tasks, Seoul. 82. Korea Institute for National Unification (1998), Measures to Realize Reunion of Separated Families, p. 35.

159

83. Korea Institute for National Unification (1999), “Private-level Solutions to Healing the Sufferings of Separated Families: Solution to Resolving Separated Family Issue”, Academic Seminar Collection, no. 99-14, pp. 72-74. 84. Korea Times (December 2, 2007), “Lee Myung-bak’s Foreign Policy”. 85. Korea Tourism Organization - Seoul (1995 - 2006), Korea Tourism Statistics. 86. Korean Register (2007), “Inter-Korean Relations”, vol. 12, no.1, p. 35. 87. Korean Register (2009), “Inter-Korean Relations”, vol. 12, no. 1. 88. Kyeong-mi Shin (2006), “Hallyu yeolpungeun Asia gongtong munhwa changchurui kiwodeu: Ilbonui Hallyu” (“The Hot Korean Wave is the Key Word to the Creation of Asian Common Culture: Korean Wave in Japan”), p. 234 – in: Dongasiaui Hallyu (Korean Wave in East Asia), edited by Yoon-Whan Shin and Han-Woo Lee. Seoul: Jeonyewon. 89. Larry A. Niksch (13-4-2005), Korea: U.S-Korean Relations, Congressional Research Service. 90. Lee Hee-ok (Winter 2009), “China’s Rise and Its Impact on Korea: Viewpoints and Realities”, Korea and World Politics, Institute for Far Eastern Studies, Kyungnam University. 91. Michael H.Armacost and Kenneth B.Pyle (1999), “Japan and the Unification of Korea: Challenges for U.S Policy Coordination”, NBR – The National Bureau of Asian Research, vol. 10, no. 1, March, p. 14. 92. Ministry of Commerce, People’s Republic of China (2009), Yearbook of Market and Economy, The 6th Joint Conference of Sino-Korean Investment and Cooperation Committee Held in Beijing. 93. Ministry of Culture, Sport and Tourism (MCST) (1998), Policy Source Book, p. 231. 94. Ministry of Culture, Sport and Tourism (MCST) (2000), White Paper on the Cultural Industry, p. 132. 95. Ministry of Culture, Sport and Tourism (MCST) (2010), White Paper on Culture Industry, Culture Industry Statistics, p. 81. 96. Ministry of Foreign Affairs, Japan (2005), Chapter 2: “Regional Diplomacy, Japan – ROK Relations”, Diplomatic Bluebook, p. 30. 97. Ministry of Foreign Affairs, Japan (2006), Chapter 2: “Japan’s Regional Diplomacy”, Diplomatic Bluebook, p. 28; p. 29; p. 32. 98. Ministry of Foreign Affairs, Japan (2009), Chapter 2: “Regional Diplomatic”, Diplomatic Bluebook, p. 14.

160

99. Ministry of Foreign Affairs (MOFA), Republic of Korea (1990), Part 1, Chapter 2: “ Foreign Policy”, Diplomatic White Paper, p. 65. 100. Ministry of Foreign Affairs (MOFA), Republic of Korea (1997), White Paper on the Foreign Policy of the Civilian Government 1993-1997, p. 142. 101. Ministry of Foreign Affairs of ROK (2003), “Joint Press Conference at the Conclusion of the Japan-Republic of Korea Summit Meeting”- Opening Address by President Roh Moo Hyun (Provisional Statement of the Summary), Documents related to Japan – Korean Peninsula Relations, p. 205. 102. Ministry of Foreign Affairs (MOFA), Republic of Korea (2009), 2009-2012: Major Diplomatic Achievements. 103. Ministry of Foreign Affairs and Trade of Korea (1980), Key Statistics of External Trade, p. 45. 104. Ministry of Foreign Affairs and Trade (MOFAT) (1994), “Agreement on Cultural Cooperation between the Government of the Republic of Korea and the Government of the People’s Republic of China”, Important Bilateral Agreements, p. 265. 105. Ministry of Foreign Affairs and Trade (MOFAT), Republic of Korea (2006), Chapter: “Korea’s Foreign Policy in 2006, Korea - China Relation”, Diplomatic White Paper, p. 56. 106. Ministry of Foreign Affairs and Trade (MOFAT), Republic of Korea (2007), Part 5: “Open Diplomacy with the People”, Chapter 3: “Promoting Korea’s National Image and Status through Cultural Diplomacy”, Diplomatic White Paper, p. 68; p. 282. 107. Ministry of National Unification, Republic of Korea (1996), White Paper on Korean Unification, p. 50; p. 56; p. 162; pp. 183-185; pp. 200-207; p. 204; pp. 234-241; pp. 242-249. 108. Ministry of Unification (MOU) (1953), Special Prime Minister Declaration for National Self-Esteem, Unification and Prosperity, Library of Congress, Holiday Weekend Maintenance. 109. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (1982), President Chun’s Declaration of “The Formular for National Reconciliation and Democratic Unification” (22-01-1982), Library of Congress, Holiday Weekend Maintenance. 110. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (1998), Guidebook to Exchanges and Cooperation between Separated Families, p. 51. 111. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2001), White Paper on

161

Korean Unification, p. 24; p. 29; p. 37; p. 108; p. 132; p. 142; p. 147; p. 148; p. 152; p. 153; pp. 205-206; pp. 244-247. 112. Ministry of Unification (MOU), Seoul (3/2003), The Participatory Government’s Policy of Peace and Prosperity (in Korean), p. 32. 113. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2005), Chapter 1: “Promoting the Policy of Peace and Prosperity”, White Paper on Korean Unification, p. 17; p. 18; p. 21. 114. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2007), “South - North Declaration Opens a New Era of Peace and Prosperity on the Korean Peninsula”, South - North Korean Summit, Peace Agreements Digital Collection, USIP Library. 115. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (10-2007), “Declaration on the Advancement of South - North Korean Relations, Peace and Prosperity”, Peace Agreements Collection. 116. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2010), The Lee Myung Bak Admistration’s North Korea Policy, p. 32. 117. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2010), White Paper on Korean Unification (May 24), p. 5; p. 11; p. 15; p. 48; p. 154. 118. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2012), Unification Policy in Preparation for a Unified Korea, p. 35. 119. Ministry of Unification (MOU), Republic of Korea (2013), White Paper on Korean Unification, p. 259; p. 263. 120. National Security Council (NSC) of ROK (2004), Peace, Prosperity and National Security: National Security Strategy of the Republic of Korea. 121. National Unification Board, Republic of Korea (1988), A White Paper on South - North Dialogue in Korea, pp. 11-15. 122. National Unification Board, Republic of Korea (1999), AWhite Paper on South – North Dialoge in Korea, p. 445. 123. Park Chung Hee (1961), Major Speeches, Seoul, p. 72. 124. Park Chung Hee (1970), Major Speeches of Korea’s Park Chung Hee, Compiled by Shin Bum Shil, Seoul: Hollym Press, p. 21. 125. Park Chung Hee (1971), To Build a Nation, Washington, Acropolis Books. 126. Park Chung Hee (1973), President Park Chung Hee’s Declaration for Peace and Prime Minister’s Press Conference, Korean Overseas Information Service. 127. Quansheng Zhao (1996), Interpreting Chinese Foreign Policy, Oxford University Press, p. 68. 162

128. Roh Moo Hyun (2007), Speech Collection Part II and Part III, Government Information Agency, Seoul, p. 86; p. 93; p. 120. 129. Roh Tae Woo (Spring 1988), “The Full Text of the Roh Tae Woo’s Inaugural Address in English”, Korea and World Affairs, vol. 12, no. 1, pp. 175-180. 130. Roh Tae Woo (Fall 1988), “Special Declaration on National Self-esteem, Unification and Prosperity” (The July 7th Declaration), Korea and World Affairs, vol. 12, no. 3, pp. 627-630. 131. Scott Snyder – Asia Foundation (2008), “China-Korea Relations: Lee Myung Bak Era: Mixed Picture for China Relations”, Comparative Connections – A Quarterly Journal on East Asian Bilateral Relations. 132. Sheen, Seongho (2003), “Tilting toward the Dragon: South Korea’s China Debate”, Asia-Pacific Center for Security Studies. 133. Shepherd Iverson (2013), One Korea: A Proposal for Peace, Publisher: Mc Farland, p. 50. 134. Steven E. Gump (editor), Special Feature: “Korean Wave” (2009), Southeast Review of Asian Studies, vol. 31, p. 227. 135. Suh Jae Jean (2009), “The Lee Myung-bak Government’s North Korea Policy - A Study on Its Historical and Theoretical Foundation”, Korea Institute for National Unification, p. 9. 136. Sung Chull Kim and David C. Kang (2010), Engagement with North Korea: A Viable Alternative, Albany: State University of New York Press, pp. 232-235. 137. The Bank of Korea, “Trends in North Korea’s Economic Growth”, The Results of Estimating North Korea’s Economic Growth Rates (each year). 138. The Minister of Foreign Affairs and Trade of South Korea (1998), “Speeches of Park Chung Soo”, News Review, April 25, p. 8. 139. The New York Times (1992), “Chinese and South Koreans Formally Establish Relations”. 140. The Presidential Secretariat of the Republic of Korea (1990), Korea: A Nation Transformed, Donghwa Publishing Company, Seoul, p. 39. 141. Tim Shorrock (1983), “Japan, the U.S and South Korea: A New Alliance Takes Shape”, Focus on Northeast Asia, vol. 4, no. 2. 142. Times Asia (2003), “I Will Do My Best to Remove the Differences”, vol. 161, no. 8, March 3. 143. University of Brasilia (2010), “South Korea’s Foreign and Security Policies and the Process of East Asia Integration”, UCLA-CKS – JOINT RESEARCH

163

PROJECT II Prospects for Regional Integration in East Asia: The Role of South Korea and Implications for the Americas. 144. Victor D. Cha (Georgetown University) (1992), “South Korean – Japanese Relations 1969-1979: Is There More Beyond Emotionalism?”, International Journal of Korean Studies, vol. XV, no. 11, p. 41; p. 39; p. 43. 145. Yonhap News Agency, Seoul (1998), Inaugural Address by Kim Dae Jung the 15th - term President of the Republic of Korea (25-02-1998): “Let Us Open a New Era: Overcoming National Crisis and Taking a New Leap Forward”. 146. Yonhap News Agency – Seoul (February 25, 2003), President Roh Moo-hyun’s Inaugural Address: “An Age of Northeast Asia Begins: A New Takeoff toward an Age of Peace and Prosperity”. 147. Yonhap News Agency (February 11, 2008), “Lee Vows to Renew Relations with Japan: Aide”. 148. Yonhap News Agency (March 26, 2008), “Minister Vows to Raise Nuclear Issue in Inter – Korean Dialogue”. 149. Yonhap News Agency (December 13, 2008), “Unprecedented Tripartite Summit Excities Korea, China, Japan”. 150. Yonhap News Agency (March 22, 2010), “Latest South Korean Pop Culture Penetrates North Korea”. 151. Yonhap News Agency (February 08, 2013), “Chinese Tourists Emerge as Big Spenders in South Korea”. 152. Young Sik Bong (2001), “Flash point at Sea?: The Dokdo/Takeshima Dispute in the 1990s”, Presented at the American Political Science Association Annual Conference, August 29 – September 2, San Francisco. 153. Youngho Kim (2003), (Department of Political Science, Sungshin Women's University), “The Sunshine Policy and its Aftermath”, Korea Observe, The Institute of Korean Studies, vol. 34, no. 4, p. 12.

164

III. INTERNET 154. Asahi Shimbun (June 6, 2003), “Tokyo, Seoul at Odds on FTA”, http://www.asahi.com/english/business/K2003060600254.html 155. China Daily (2002), “Sino - Republic of Korea Relations ever Stronger”, http://www1.chinadaily.com.cn/news 156. China Daily (February 2, 2002), “China Becomes South Korea's Number One Investment Target”, http://www1.chinadaily.com.cn/news/2002-02-05/55641.html. 157. Consulate General of the People’s Republic of China in San Francisco (2010), “Wen Jiabao Holds Talks with ROK President Lee Myung Bak”, http: //www.chinaconsulatesf.org/eng/xw/t705477.htm 158. CRS Report for Congress (2011), Congressional Research Service, “The Kaesong North – South Korean Industrial Complex”, p. 7, http://fas.org/sgp/crs/row/RL34093 159. Database of Japanese Politics and International Relations, “The World and Japan” Database Project, Institute of Oriental Culture, University of Tokyo, http://www.ioc.utokyo.ac.jp/~worldjpn/documents/texts/docs/19650622.T1E.htm 160. Embassy of the People’s Republic of China in the Democratic Socialist Republic of Sri Lanka (28-5-2010), “Wen Jiabao Holds Talks with ROK President Lee Myung-bak”, http://lk.chineseembassy.org/eng/zgxw/t705477.htm 161. Hankyoreh (25-02-2008), Full Text of Lee's Inaugural Speech, http://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_national/271850.html 162. Hankyoreh (22-3-2008), http://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_northkorea/277375.html 163. http://www.cnie.org/NLE/CRSreports/03Jun/RL31038.pdf 164. http://www.korea.net/AboutKorea/Korea-at-a-Glance/Inter-Korean-Relations 165. IISS Korea Forum (2008), “Charting a New Frontier: ‘Global Korea’ in the 21 Century”, Special Address by Dr. Han Seun Minister of the ROK, http://www.iiss.org/conferences/korea-forum/korea-forum-speeches/special- address-dr-han-seung-soo/ 166. Japan External Trade Organization (JETR0) (2010), http://www.jetro.go.jp/en/reports/statistics 167. John Chan (2006), “Tensions between Japan and South Korea Heighten over Island Dispute”, World Socialist Web Site, http://www.wsws.org/en/articles/2006/05/japa-m03.html 168. Kazuhiko Ishida (1996), “Japan’s Foreign Direct Investment in East Asia: Its Influence on Recipient Countries and Japan ‘s Trade Structure”, http://www.rba.gov.au/publications/confs/1994/ishida.pdf 169. Liu Xuezhe (2007), The Rising Korean Wave among Chinese Youth, p. 5, http://fxqw820.tripod.com/AWS.pdf 165

170. Ministry of Foreign Affairs and Trade (MOFAT), Republic of Korea, ASEM Summit, Copenhagen (2002), “Remarks by HE President Kim Dae Jung of the Republicof Korea”, http://www.mofat.go.kr/ENG/countries/regional/asem/overview/index 171. Ministry of Foreign Affairs of Japan (MOFA), (August 31, 1994) “Statement by Prime Minister Tomiichi Murayama on the Peace, Friendship, and Exchange Initiative”, http://www.mofa.go.jp/announce/press/pm/murayama/state9408.html. 172. Ministry of Foreign Affairs of Japan (MOFA) (1998), “Japan-Republic of Korea Joint Declaration A New Japan-Republic of Korea Partnership towards the Twenty-first Century”, Database of Japanese Politics and International Relations, Provisional Translation by the Japanese Government, http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/korea/joint9810.html. 173. Ministry of Foreign Affairs of Japan (MOFA) (2002), “ASEM Copenhagen Political Declaration for Peace on the Korean Peninsula”, Copenhagen, http://www.mofa.go.jp/policy/economy/asem/asem4/korea.html 174. Ministry of Foreign Affairs of Japan (June 07, 2003), “Japan-Republic of Korea Summit Joint Statement, Building the Foundations of Japan-ROK Cooperation toward an Age of Peace and Prosperity in Northeast Asia”, Provisional translation by the Government of Japan, http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/korea/pv0306/pdfs/joint.html 175. Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (2008), “China- ROK Joint Statement”, http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt/2649/t469103.htm. 176. Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (2010), “Hu Jintao meets with ROK President Lee Myung Bak”, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/topics_665678/hjtfwjnd4thG20_665786/t712382.shtml 177. Ministry of Trade, Industry and Energy (MOTIE), “South Korea's Trade Deficit with Japan Hits All-Time High in First Half”, http://www.motie.go.kr/language/eng/ 178. “North Korea Bought Nuclear Arms with South Korean Bribes”, http://www.newsmax.com/archives/articles/2003/2/4/913. 179. “President to Maintain Current N. Korea Policy” (December 6, 2008), http://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_northkorea/326045.html 180. Prime Minister of Japan and His Cabinet (2009), Joint Press Conference by Prime Minister Yukio Hatoyama of Japan and President Lee Myung-bak of the Republic of Korea, http://japan.kantei.go.jp/hatoyama/statement/200910/09kyoudou_e.html 181. The Korean Ministry of Finance and Economy, Statical Yearbooks; http://www.unikorea.go.kr

166

PHỤ LỤC

167

PHỤ LỤC I THE ROH TAE WOO’S INAUGURAL ADDRESS: “WE CAN DO IT” (FEBRUARY 25, 1988) […] Fellow citizens, The Seoul Olympics, which will be a grand event for all Koreans and festival of peace for all the five billion people on earth, are fast approaching. On this occation, when Korea will burst on the world scene, there should be no family squabbles. Let us make joint, concerted efforts to make the Seoul Olympics long remembered by the inhabitants of the global community as the most successful. Let me emphasize, moreover, that the greatest historic significance of the Seoul Olympics is that it will bring the day of unification closer. The sonorous chorus of reconciliation which will emanate from Seoul when East and West meet together for the first time in twelve years will be a signal to the entire world that an era of unification is finally opening on the Korea Peninsula. In response to that great chorus, the Republic of Korea will intensify its diplomatic efforts to promote international peace and cooperation with all nations in the world. While further consolidating ties with Japan, the United States and other Western countries, we will further cultivate friendships with the Third World. We will broaden the channel of international cooperation with the continental countries with which we have hitherto had no exchanges, with the aim of pursuing a vigorous northern diplomacy. Improved relations with countries with ideologies and social systems different from ours will contribute to stability, peace and common prosperity in East Asia. Such a “northward-looking diplomacy” should also lead to the gateway of unification. Here I appeal to my fellow countrymen who yearn for an early end to the territorial division. Unification is a goal which we cannot forget, even in our sleep. We cannot be optimistic about attaining it but we need not be pessimistic, either. We should simply do our best to reach it. Coincidentally, our national self-esteem has grown much stronger. It is going to be the major driving force behind our endeavors to achieve unification as well as eminence in the world. We must thus nurture our democratic capability on the strength of national self-esteem, so that we can go through the gateway of unification while strengthening national security […].

i

PHỤ LỤC II THE ROH MOO HYUN’S INAUGURAL ADDRESS: “AN AGE OF NORTHEAST ASIA BEGINS: A NEW TAKEOFF TOWARD AN AGE OF PEACE AND PROSPERITY” (FEBRUARY 25, 2003) […] I have several principles that I plan to adhere to in pushing the “Policy for Peace and Prosperity” on the Korean Peninsula. First, I will try to resolve all pending issues through dialogue. Second, I will give priority to building mutual trust and upholding reciprocity. Third, I will seek active international cooperation on the premise that South and North Korea are the two main actors in inter-Korean relations. And fourth, I will enhance transparency, expand citizen participation, and secure bipartisan support. I will implement my policy for peace and prosperity with the support of the general public. The suspicion that North Korea is developing nuclear weapons poses a grave threat to world peace, not to mention the Korean Peninsula and Northeast Asia. North Korea’s nuclear development can never be condoned. Pyongyang must abandon nuclear development. If it renounces its nuclear development program, the international community will offer many things that it wants. It is up to Pyongyang whether to go ahead and obtain nuclear weapons or to get guarantees for the security of its regime and international economic support. I would like to emphasize again that the North Korean nuclear issue should be resolved peacefully through dialogue. Military tension in any form should not be heightened. We will strengthen coordination with the United States and Japan to help resolve the nuclear issue through dialogue. We will also maintain close cooperation with China, Russia, the European Union and other countries. This year marks the 50th anniversary of the Korea - US Alliance. It has made a significant contribution in guaranteeing our security and economic development. The Korean people are deeply grateful for this. We will foster and develop this cherished alliance. We will see to it that the alliance matures into a more reciprocal and equitable relationship. We will also expand relations with other countries, including traditional friends […].

ii

PHỤ LỤC III THE LEE MYUNG BAK’S INAUGURAL ADDRESS (FEBRUARY 25, 2008) […] Fellow Koreans, the Republic of Korea will take a more positive stance with a greater vision and carry out global diplomacy under which we actively cooperate with the international community. Transcending the differences in race, religion, and wealth, Korea will befriend all nations and peoples. Respecting the universal principles of democracy and market economics, we will take part in the global movement for peace and development. We will work to develop and further strengthen traditional friendly relations with the United States into a future-oriented partnership. Based on the deep mutual trust that exists between the two peoples, we will also strengthen our strategic alliance with the United States. We will attach importance to our policy towards Asia. In particular, we will seek peace and mutual prosperity with our close neighbors, including Japan, China and Russia and promote further exchange and cooperation with them. In order to ensure that our economic engine runs smoothly, we will work to acquire a safe and stable supply of resources and energy. Moreover, we shall take the lead in environment- friendly international cooperation. As befitting our economic size and diplomatic capacity, our diplomacy will contribute to promoting and protecting universal values. Korea will actively participate in United Nations peacekeeping operations as well as enlarge its official development assistance (ODA). By emphasizing the importance of cultural diplomacy, we will work to allow Korea to communicate more openly and easily with the international community. Our traditional culture, when coupled together with our technological prowess, will no doubt transmit to the world an image of a more attractive Korea. Unification of the two Koreas is the long-cherished desire of the 70 million Korean people. Inter-Korean relations must become more productive than they are now. Our attitude will be pragmatic, not ideological. The core task is to help all Koreans live happily and to prepare the foundation for unification. As already stipulated in my Initiative for “Denuclearization and Opening up North Korea” to Achieve US$3,000 in Per Capita Income, once North Korea abandons its nuclear program and chooses the path to openness, we can expect to see a new

iii

horizon in inter-Korean cooperation. Along with the international community, we will provide assistance so that we can raise the per capita income of North Korea to US$3,000 within 10 years. That, I believe, will both benefit our brethren in the North as well as be the way to advance unification. Together, the leaders of the two Koreas, must contemplate what they can do to make the lives of all 70 million Koreans happy and how each side can respect each other and open the door to unification. If it is to discuss these issues, then I believe the two leaders should meet whenever necessary and talk openly, with an open mind. Indeed, the opportunity is open […].

iv

PHỤ LỤC IV PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA – REPUBLIC OF KOREA STATEMENT (BEIJING, 28 MAY 2008) At the invitation of President Hu Jintao of the People's Republic of China, President Lee Myung-bak of the Republic of Korea paid a state visit to China from 27 to 30 May 2008 and was accorded a grand and warm reception by the Chinese Government and people. During the visit, President Hu Jintao had talks with President Lee Myung-bak. President Lee Myung-bak also met with Premier Wen Jiabao of the State Council and Chairman Jia Qinglin of the Chinese People's Political Consultative Conference. President Lee Myung-bak expressed deep condolences and sympathy to the great loss of life and property caused by the earthquake in Wenchuan, Sichuan Province and offered to provide necessary help to China's disaster relief effort. President Hu Jintao and other Chinese leaders expressed sincere thanks to the ROK Government and people for their care and timely help such as sending a rescue team. Both sides agreed to strengthen exchanges and cooperation on handling natural disasters such as earthquake, tsunami and typhoon. During the talks and meetings, the two sides had an in-depth exchange of views and reached extensive agreement on further developing China-ROK friendly relations and cooperation on regional and international issues of mutual interest. I. Further Developing Bilateral Relations The two sides applauded the rapid growth of their relations since the establishment of diplomatic ties in 1992. They both agreed to raise their comprehensive and cooperative partnership to the level of strategic cooperative partnership and step up exchanges and cooperation in the diplomatic, security, economic, social, cultural, people-to-people and other areas. Both sides believed that dialogue and cooperation in the diplomatic and security areas should be further strengthened and agreed to establish a high-level strategic dialogue mechanism between the two foreign ministries and develop the existing diplomatic security dialogue into a mechanism. The two sides decided to increase the exchanges between their leaders, government agencies, parliaments and political parties.

v

The Chinese side reiterated that there is only one China in the world and Taiwan is an inalienable part of China. The ROK side expressed its full understanding of and respect for China's position and reaffirmed its position that the Government of the People's Republic of China is the sole legal government representing the whole of China and that it upholds the one China principle. II. Expanding Economic Cooperation and Trade The two sides agreed to adjust and enrich the Joint Research Report on China-ROK Mid-to-Long Term Development Plan on Economic Cooperation and Trade issued by the leaders of the two countries in 2005 to reflect the new progress on bilateral economic cooperation and trade which will serve as the basis for further practical cooperation in this field. The two sides commended the smooth progress of the joint study on China-ROK FTA by government agencies, industries and academia and agreed to build on past achievements and continue the research to push forward the bilateral FTA for win-win result. The two sides welcomed the amendment and issuance of the Treaty on Investment Protection between China and the ROK and agreed that the Treaty is conducive to protecting and expanding two-way investment and is in line with the development of the mutually beneficial business relations. The two sides agreed to work together to gradually achieve balance in the bilateral trade as it develops. The ROK side expressed its readiness to take an active part in China's various trade and investment fairs such as the China Import and Export Fair, China International Small and Medium Enterprises Fair and continue to send to China purchasing and investment groups. China expressed appreciation of this. The two sides agreed to the need of strengthening concrete cooperation on mobile communication, actively supporting further capital and technological cooperation between the two countries' communication enterprises and expanding the cooperation on electronics and information communication to areas such as software and radio frequency identification. The two sides agreed to strengthen extensive and mutually beneficial energy cooperation such as cooperation on nuclear power, oil reserve, joint development of resources and renewable energy in an effort to achieve concrete results in cooperation on energy conservation.

vi

The two sides agreed to strengthen cooperation on IPR protection, food safety and quality inspection, logistics and labour service. The two sides believed that closer financial cooperation is conducive to the development of the financial industry of both countries. They believed that they should learn from each other, share experience, improve their financial systems, promote the reform and opening up of their financial markets and step up coordination and cooperation in international and regional financial institutions. The two sides agreed to enhance joint study and survey in areas such as polar science and technology. Both sides recognized the importance to strengthen environmental cooperation and agreed to enhance exchanges and cooperation on environmental industry, sand storm monitoring and the Yellow Sea environmental protection, etc. The two sides agreed to actively cooperate in the preparation of the 2010 Shanghai World Expo and the 2012 Yeosu World Expo.

vii

III. Enhancing People-to-people and Cultural Exchanges The two sides decided to enlarge the programs of mutual youth visit and step up exchange activities such as home stay and home visit and expand the program of governmental scholarship swapping. The two sides agreed to explore ways to streamline visa procedures so as to increase mutual personnel visit. China welcomed the setting up of a consulate-general in Wuhan, China by the ROK. The two sides believed that the long history of bilateral exchange is an important asset of China-ROK friendly relations. To enhance mutual understanding, both sides should actively support the exchanges on history and culture between their academic institutions. IV. Advancing Cooperation on Regional and International Affairs The Chinese side reiterated its firm support to the improvement of relations and ultimate peaceful reunification between the north and south of the Korean Peninsular through dialogue. The ROK side appreciated China's efforts in maintaining peace and stability on the Korean Peninsular and looked forward to China's continued constructive role. The ROK side stated its positions on facilitating the settlement of the Korean nuclear issue and expanding exchanges and cooperation in the economic, social and other areas between the north and the south of the Korean Peninsular. China expressed its understanding of the ROK's positions and hoped to see progress in the reconciliation and cooperation between the north and the south of the Korean Peninsular. Both sides believed that the second phase Action Plan of the September 19 Joint Statement by the Six Party Talks should be fully implemented at an early date under the principle of “action to action”. The two sides agreed to work with other parties concerned to look into and formulate the action plan for the next phase in a constructive effort to fully implement the September 19 Joint Statement. The two sides recognized the importance of China-ROK cooperation to the Six Party Talks and the denuclearization on the Korean Peninsular and agreed to continue their close cooperation for achieving peace and stability on the Korean Peninsular and in Northeast Asia. The two sides reaffirmed the important role of the United Nations in solving issues of global significance and agreed to continue their close cooperation in UN affairs. The

viii

two sides believed that the UN reform should enhance the authority, effectiveness and efficiency of the organization so that its system, based on the consensus of the member states, will be more transparent, democratic and representative. Both sides support the UN Secretary General's efforts to enhance the efficiency and role of the UN. The two sides believed that cooperation among China, the ROK and Japan is very important to peace, stability and prosperity of Asia. The two sides agreed to work together to maintain the regular meetings among the three countries, such as the talks of their leaders and foreign ministers that take place alternately in the three countries. The two sides agreed to work together for the success of the 7th ASEM Summit to be held in Beijing this year. The two sides agreed to step up cooperation on issues of mutual interest such as climate change, non-proliferation of WMD, combating international terrorism, financial and economic crime, piracy and high-tech crime. V. The two sides welcomed the signing of the Treaty Between the People's Republic of China and the Republic of Korea on the Transfer of Sentenced Persons, the Memorandum of Understanding on Cooperation in the Field of Polar Science and Technology Between the Ministry of Science and Technology of the People's Republic of China and the Ministry of Education, Science and Technology of the Republic of Korea and the Memorandum of Understanding on Mutual Recognition of Higher Education Degrees and Background between the Ministry of Education of the People's Republic of China and the Ministry of Education, Science and Technology of the Republic of Korea. VI. The two sides expressed satisfaction with the achievements of President Lee Myung-bak's visit to China and believed that this visit is important to the further growth of bilateral relations. President Hu Jintao said he looked forward to welcoming President Lee Myung-bak at the opening ceremony of the Beijing Olympic Games. President Lee Myung-bak wished the Beijing Olympic Games a complete success and a grand gathering of human harmony and solidarity. He said he would attend the opening ceremony. President Lee Myung-bak expressed thanks to China for the warm hospitality and invited President Hu Jintao to visit the Republic of Korea at an early date. President Hu Jintao thanked him for the invitation and accepted the invitation with pleasure.

ix

PHỤ LỤC V Japan - Republic of Korea Summit Joint Statement (June 07, 2003): “Building the Foundations of Japan - ROK Cooperation toward an Age of Peace and Prosperity in Northeast Asia” President Roh Moo Hyun of the Republic of Korea and Mrs. Roh paid an official visit to Japan as State Guests from 6 to 9 June 2003. During his stay in Japan, President Roh held a summit meeting with Prime Minister Junichiro Koizumi of Japan. In accordance with the spirit of the “Japan-Republic of Korea Joint Declaration - A New Japan - Republic of Korea Partnership towards the Twenty-first Century”, announced in October 1998, the leaders shared the recognition that both Japan and the ROK must keep past history in mind, and based on that, advance together to develop a future-oriented mutual relationship in the 21st century. The leaders shared their resolve to continue to deepen the trust and friendship between the countries and to develop the relationship to a higher level while sustaining the momentum of goodwill and friendship between Japan and the ROK built up through the Year of Japan-Republic of Korea National Exchange and the success of the Japan - Korea World Cup Soccer tournament in 2002. 1. Prime Minister Koizumi expressed his support for the “Peace and Prosperity Policy” of the Government of the ROK, which seeks to achieve a permanent consolidation of peace on the Korean Peninsula and common prosperity in Northeast Asia. President Roh supported the basic policy of the Government of Japan based on the Japan-North Korea Pyongyang Declaration to achieve the normalization of diplomatic relations between Japan and North Korea to resolve the concerns of Japan such as nuclear and missile issues and the abduction issue in a way that contributes to peace and stability in Northeast Asia. 2. The leaders shared the recognition that the nuclear issue of North Korea is a serious threat to peace and stability not just on the Korean Peninsula but in Northeast Asia, and to the international nuclear non-proliferation regime. (1) In this regard, the leaders agreed that they would not accept the possession of nuclear weapons or any nuclear development programs of North Korea, and that a peaceful and diplomatic resolution to the issue was essential. (2) The leaders strongly called on North Korea to refrain from actions that would further exacerbate the current situation in order to bring about a peaceful resolution of

x

the nuclear issue of North Korea. In this respect, the leaders reaffirmed the principles agreed upon at the Republic of Korea-United States Summit Meeting on 14 May and the Japan-United States Summit Meeting on 23 May, and agreed to enhance cooperation between Japan and the ROK. (3) Both leaders also stressed that the North Korean nuclear weapons program must be dismantled in a verifiable and irreversible manner. (4) The leaders expressed their confidence that a peaceful solution to the North Korean nuclear issue could be reached, and confirmed that for that purpose Japan, the ROK and the United States would maintain close consultation and coordination, and continue cooperation with the international community including countries concerned such as the People's Republic of China and the Russian Federation. Moreover, the leaders emphasized that if problems regarding North Korea such as the nuclear issues are resolved peacefully and comprehensively and North Korea becomes a responsible member of the international community, extensive assistance from the international community for North Korea would be possible. (5) The leaders also shared the recognition that the tripartite talks among the United States, China and North Korea held in Beijing from 23-25 April were useful as a first step in the dialogue toward resolution of the North Korean nuclear issue, and welcomed the role of China in the talks. (6) The leaders shared the opinion that further meetings should be held promptly for the resolution of the North Korean nuclear issue and that the momentum of dialogue needs to be sustained. They also expressed strong expectations regarding a process of multilateral dialogue with the participation of Japan and the ROK for a comprehensive resolution of issues related to North Korea. 3. The leaders stated that they would cooperate closely on various issues in order to hew a path to the age of Northeast Asia filled with peace and prosperity and the building of a bright and prosperous future based on principles of liberalism, democracy and market economy shared by Japan and the ROK. (1) The conclusion of a free trade agreement (FTA) between Japan and the ROK would have enormous significance in promoting bilateral trade and investment, enhancing the competitiveness of both countries, contributing to East Asian and, furthermore, world economic growth, and promoting regional economic partnership. Therefore, the leaders paid due attention to the formation of the shared recognition regarding the necessity of

xi

concluding a comprehensive FTA in the Japan-Korea FTA Joint Study Group, and expected that the Joint Study Group would produce meaningful outcomes. In this light, Japan and the ROK will make efforts to initiate negotiations to conclude a FTA as soon as possible. In addition, they will also make further efforts to create an environment conducive to propelling a Japan-ROK FTA. (2) In order to develop cooperative economic relations between the two countries as partners, it is preferable that bilateral trade between the two countries would advance toward expansion and in this light, both leaders recognized the importance of industrial cooperation. In addition, the leaders expected that investment between the two countries would further expand in both directions taking the opportunity of the conclusion of the Investment Treaty between Japan and the ROK, and both leaders will mutually make further efforts to accelerate this process. (3) Under the shared recognition that the maintenance and enhancement of the global free trade regime contributes to the prosperity of the region and of the world, the leaders will cooperate in various opportunities such as the WTO Doha Development Agenda negotiations. (4) Japan and ROK will continue active cooperation in dealing with various global issues, including environmental issues, international terrorism, piracy, illegal acts involving states and international organized crime such as trafficking of narcotics and stimulants through international frameworks dealing with global issues, the various frameworks for regional cooperation or at state level. 4. Both leaders reaffirmed that the foundation for strengthening Japan-ROK cooperation toward the future was deep mutual understanding, warm friendship and vigorous exchange of people and culture between people from various fields and generations of both countries, particularly between young people who would be leaders of the next generation. In order to expand and deepen these elements, they agreed to sustain and develop the existing cooperative relationship and to work together, on the following points in particular: (1) Promotion of mutual understanding and friendship between Japanese and Korean citizens from various fields and generations a. To celebrate the fortieth anniversary of the normalization of Japan-ROK diplomatic relations, the year 2005 will be designated “Japan-Korea Festa 2005”, where various joint programs between Japan and ROK will be held in fields such as culture and

xii

academia. This will create an opportunity to promote mutual understanding and friendship between Japanese and Korean citizens from various fields and generations, including young people who will be the main players in Japan-ROK relations in the next generation. b. The “Japan-ROK Joint Project for the Future” will be more vigorously promoted, with further expansion for the youth and sports exchange where exchange of about 10,000 young people per year is the goal. c. Both countries will make efforts toward further development of intellectual exchange, including the Japan-ROK Forum. d. Both countries will promote mutual exchange between leaders of the next generation in various fields such as politics, economics, academia and culture. (2) Efforts toward the formation of a one-day life area between Japan and the ROK a. Japan and the ROK will make further efforts to realize visa exemptions at an early date for ROK nationals traveling to Japan. As a new step for this purpose, the Government of Japan will consider the realization of visa exemptions, especially for ROK students visiting Japan on school trips, and will consider again the granting of visa exemptions during a limited period. b. Both countries will promote the early realization of flights between Kimpo Airport and Haneda Airport. (3) Expansion of Japan-ROK exchange a. In order to activate cultural exchange, the ROK will expand the categories of Japanese popular culture open to ROK citizens. b. Both countries will build a closer cooperative relationship in the campaign to increase the number of foreign tourists visiting either country, in the aim of further expanding mutual tourism exchange. c. Both countries will strive to conclude at an early date the Agreement on Social Security and the Agreement regarding Mutual Assistance in Customs Matters that are currently under negotiation. Regarding mutual recognition, both countries accelerate the work necessary for the launch of negotiations on mutual recognition, based on what has been done so far at the experts' working level and what is expected to be done at the Japan-Korea FTA Joint Study Group. d. Both countries will promote exchange between their respective regions through Japan Week held in the ROK and Korea Week held in Japan.

xiii

e. Both countries will continue to promote teacher invitation programs, sports exchange programs and Japanese and mutual learning support programs as part of the Japan-ROK New Century Exchange Project. f. Both countries will strengthen exchange and cooperation such as the exchange of people in the field of cultural property, and will activate the exchange of tangible and intangible cultural property. 5. The leaders agreed to make regular check-ups on the status of progress of the items contained in this Joint Statement at various occasions such as Foreign Minister meetings in the future.

xiv

PHỤ LỤC VI. ẢNH 1. DIỄN TRÌNH QUAN HỆ LIÊN TRIỀU (1950 – 2007)

xv

Nguồn: eng.unikorea.go.kr

xvi

ẢNH 2. CHÍNH SÁCH “ÁNH DƯƠNG” (KIM DAE JUNG) ĐỐI VỚI CHDCND TRIỀU TIÊN DỰA TRÊN TRUYỆN NGỤ NGÔN “GIÓ BẮC VÀ MẶT TRỜI” (AESOP)

Nguồn: bestlatin.blogspot.com ẢNH 3. TỔNG THỐNG KIM DAE JUNG VÀ CHỦ TỊCH KIM IL SUNG TẠI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH LIÊN TRIỀU VÀO THÁNG 6-2000 (TRANG BÌA TẠP CHÍ TIME, NĂM 2000)

Nguồn: content.time.com/time/covers/asia

xvii

ẢNH 4. KẾT QUẢ NÂNG CẤP QUAN HỆ HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC (THỜI KỲ: ROH TAE WOO, KIM DAE JUNG, ROH MOO HYUN, LEE MYUNG BAK)

2008: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược

2003: Quan hệ đối tác toàn diện

1998: Quan hệ đối tác hợp tác

1992: Quan hệ hợp tác

Từ dưới lên:  1992: Tổng thống Roh Tae Woo tuyên bố thiết lập ngoại giao chính thức với Trung Quốc (Nguồn: www.gettyimages.com)  1998: Tổng thống Kim Dae Jung và Chủ tịch Giang Trạch Dân (Nguồn: en.people.cn/english)  2003: Tổng thống Roh Tae Woo và Chủ tịch Hồ Cầm Đào (Nguồn: news.xinhuanet.com/english)  2008: Tổng thống Lee Myung Bak và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Nguồn: www.reuters.com)

xviii

ẢNH 5. HÀN QUỐC VÀ NHẬT BẢN (THỜI KỲ: KIM DAE JUNG, ROH MOO HYUN, LEE MYUNG BAK)

5.1. Tổng thống Kim Dae Jung gặp Thủ 5.2. Tổng thống Roh Moo Hyun và tướng Keizo Obuchi tại Tokyo và đưa ra Thủ tướng Koizumi đưa ra Tuyên bố Tuyên bố chung: “Quan hệ đối tác mới Hàn chung: “Xây dựng nền tảng hợp tác Quốc – Nhật Bản hướng tới thế kỷ XXI” Nhật Bản – Hàn Quốc hướng tới một (1998). kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á” (2003). Nguồn:http://japan.kantei.go.jp/profile/car eer/career03.html Nguồn:http://japan.kantei.go.jp/koizum iphoto/2003/02/25nikkan_e.html

5.3. Tổng thống Lee Myung Bak khởi động kế hoạch “ngoại giao con thoi” bằng chuyến thăm Thủ tướng Yasuo Fukuda (2008). Nguồn: www.koreatimes.co.kr

xix