Nữ Giới Phật Giáo Lỗi Lạc Tại Ấn Độ Cổ
Total Page:16
File Type:pdf, Size:1020Kb
NỮ PHẬT TỬ XUẤT CÁCH TẠI ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI Rupali Mokashi Theo kết quả điều tra dân số năm 2001, Ấn Độ, quê hương của Đức Phật, hiện là quê hương của 3,881,056 nữ Phật tử.1 Hiện ước chừng có khoảng 300 triệu nữ Phật tử trên thế giới, trong đó 130,000 vị ni. Cộng đồng ngày càng lớn mạnh này có một vị trí rất đáng tự hào trong một truyền thống mà ở đó ni giới và nữ Phật tử từ rất lâu đã là một bộ phận không thể tách rời của Tăng-già, gần như ngay khi Tăng-già được thành lập. Tuy vậy, ngoài những câu chuyện cảm động được kể lại trong Trưởng Lão Ni Kệ,2 một cuốn sách trong đó các vị Tỳ-kheo ni tiền bối kể lại quá trình nỗ lực cố gắng và những thành quả mà các vị đã đạt được trên bước đường tiến tới quả vị A-la-hán, không có một chứng cứ lịch sử nào được chứng minh. Kết quả là, ghi chép về những đóng góp của nữ giới Phật giáo giờ chỉ còn lại trong những nhân vật văn học của Trưởng Lão Ni Kệ. Vai trò của những người phụ nữ Ấn Độ thuở xa xưa, những người đã theo truyền thống Phật giáo vượt thời gian, giờ được xác định chủ yếu bằng cách phân tích các nhân vật nữ nổi tiếng trong các tác phẩm văn học hoặc những giới luật được ghi lại trong kinh điển, và như thế là đã lướt qua những phụ nữ “thật”, đến nỗi mà sự bảo hộ và những đóng góp nhằm xiển dương Phật giáo của họ hầu như không được đề cập tới. Đây là một khiếm khuyết lớn trong lịch sử Phật giáo. Chính vào thời kỳ Maurya, Phật giáo nổi lên như một tôn giáo riêng biệt với tiềm năng phát triển lớn lao. Hoàng đế A Dục khởi đầu truyền thống khắc các bản kinh văn, một truyền thống đã trở nên rất phổ biến tại Ấn Độ sau đó. 3 Nhiều bia khắc của các thí chủ Phật giáo giúp chúng ta xây dựng một khuôn mẫu chính xác hơn để có thể hiểu thêm về những tín đồ Phật giáo, đặc biệt là phụ nữ. Một cuộc khảo sát những bia khắc ra đời trong khoảng thời gian kéo dài từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên đến thế kỷ mười hai sau Công nguyên được phát hiện ở cao nguyên Deccan4 đã hé mở cho chúng ta thấy những đóng góp của hơn 300 phụ nữ, bao gồm cả ni giới và nữ Phật tử. Mặc dù sự đóng góp của tất cả những người phụ nữ này đều đáng chú ý, bài tham luận này sẽ tập trung khắc họa một vài người phụ nữ xuất cách thuộc những giai tầng xã hội 1 khác nhau trong xã hội Ấn Độ cổ đại những thế kỷ đầu sau công nguyên, những người đã góp phần rất lớn cho việc truyền bá đạo Phật. Một dòng khắc trên cột trụ A Dục nổi tiếng ở Allahabad có nhắc đến Karuvaki, thứ hậu của hoàng đế A Dục.5 Bà là nữ Phật tử đầu tiên mà tên tuổi được nhắc tới rõ ràng trong các bia khắc Ấn Độ. Bia khắc này, cả về mặt hình thức lẫn nội dung, là một chiếu chỉ vua ban xuống lệnh cho các quan đại thần ghi chép lại việc cúng dường của nàng. Bia khắc này vì thế được gọi là “Sắc lệnh Cột trụ Hoàng hậu”. Nhiều phong cách kiến trúc khác nhau xuất hiện với sự lan truyền của Phật giáo và sự phát triển thương mại mạnh mẽ giữa Deccan và thế giới phương Tây bắt đầu vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Những kiến trúc này bao gồm các bảo tháp, chùa chiền với cấu trúc vòm, các tịnh xá trong các dãy núi Sakyadri tại Karle, Bhaje, Nasik, Junnar và các địa điểm khác. Sự cần thiết phải có nơi thờ phụng và chỗ ở cho chư tăng ni đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của các phong cách kiến trúc này. Các bia khắc cho chúng ta biết rằng những thành tựu kiến trúc đã đạt được là nhờ một phần vào các khoản cúng dường của nhiều phụ nữ thuộc các giai tầng xã hội khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng các vị hoàng hậu, cư sỹ, nữ tu và thậm chí cả những kỹ nữ hạng sang cũng đóng góp theo khả năng tài chính của mình. Bảo tháp Sanchi tuyệt đẹp ra đời nhờ sự đóng góp của 87 tín đồ nữ. Trong số này chỉ có một người, Vakalaye Devi, dường như là một phụ nữ hoàng gia; những người còn lại gồm 36 ni cô và 50 nữ cư sỹ. Sondegve, vợ của Siharakhita,6 Naga, vợ của Kamdadi Gamiya Sethin (một thương nhân từ thị trấn Kandadi); Gharini Sijha, một phụ nữ nội trợ sống tại Virohakata; Sangharakshita, các nữ đệ tử7 của Yasila8 và tỳ-kheo ni Kadi đến từ Ujjaini9 nằm trong số những vị ni và nữ cư sỹ đã cúng dường mà tên tuổi được ghi khắc tại Sanchi. Tổng số nữ thí chủ được xác định thuộc hoàng tộc là 35, ít hơn nhiều so với con số nữ thí chủ cư sỹ 210 vị và 87 ni cô, điều này cho thấy cơ sở bảo trợ mạnh mẽ nhất của Phật giáo thời kỳ ấy là tầng lớp nào. Một số bia khắc cho chúng ta thấy được tình hình kinh tế của thời đại đó cũng như tài kinh doanh của một nữ cư sỹ có tên là Vishnudatta, người đã lên kế hoạch và đầu tư tiền cúng dường của Tăng đoàn để sinh lời, làm lợi cho Tăng đoàn khoảng 1,700 năm trước. Vishnudatta Shakanika là con gái của Saka Agnivarman và là vợ của Ganapaka (nghĩa đen của từ này là “kế toán”) Rebhila, và là mẹ của Ganapaka (cũng là 2 một kế toán!). Trong hang số 10 ở Nasik, một người tên là Vishnuvarman được ghi nhận là có đóng góp tiền để ủng hộ Phật pháp10 vào năm 258 sau công nguyên.11 Các khoản tiền này được cúng dường để lo việc thuốc men cho những vị tăng bị bệnh trong cộng đồng các vị tăng từ mọi nơi đến tu tập tại thiền viện núi Trirasmi.12 Từ khoản tiền này, Vishnudatta đầu tư hơn 3500 karshapana13: 1000 karshapana với phường nghề của Kularikas, 2000 karshapana với phường nghề của Odayantrika, 500 karshapana với phường nghề của (ở đây bị tên bị mất), và một số tiền nữa với phường nghề của Tilapippaka.14 Thật thú vị khi biết rằng Vishnudatta đã đầu tư với những phường nghề như Kularika (làm đồ gốm), Tilapippaka (bán dầu), Odayantrika (chế tạo thiết bị thủy lực), vân vân. Tiền lãi từ những món đầu tư này được chuyển tới Tăng đoàn.15 Bia khắc Lavanika tại Động số 75 tại Kanheri16 được xác định niên đại vào đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Bia khắc thú vị này ghi lại hai khoản cúng dường của Lavanika tại hai nơi khác nhau, một là các hang động Kanheri và hai là Tinh xá Ambalika gần thành phố cảng cổ đại Kalyan.17 Lavanika là vợ của một ưu-bà-tắc tên là Sethi Achala quê ở Kalyan. Cô cúng dường hang động, bể chứa, và một bể tắm để hồi hướng cho gia đình mình. Khoản cúng dường thứ hai được ghi chép lại là 300 karshapana dành cho các vị tăng tại Tinh xá Ambalika. Khoản tiền này được cúng để may y cho các vị tăng sống ở đây.18 Vị trí của tịnh xá này được ghi rõ trong bia khắc là “gần Kalyan”, nhưng vị trí chính xác của tinh xá này vẫn chưa được xác định. Vì Kanheri là một nơi nổi tiếng, rõ ràng là Lavanika đã chọn để khắc lại khoản cúng dường của cô cho Tinh xá Ambalika để nhiều tín đồ biết đến tinh xá này. Bia khắc tại hang động số 32 tại Kanheri đề cập đến một tu viện khác gần Kalyan. Bia khắc Brahmi này được xác định niên đại vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Một thương gia tên là Dharma, Kaliyanaka (cư dân thành Kalyan và là con trai của Sivamitra) cùng với Budhaka và toàn thể gia đình người này cúng dường một ngôi nhà, hai căn hộ, và một phòng ăn cho một tịnh xá tại Kalyan trong một khu vực có tên gọi là Gandharikabhani.19 Vào những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, do hoạt động kinh doanh phát triển hưng thịnh, nhiều người Tây Á và các cộng đồng thương gia Hy Lạp – La Mã đã đến định cư tại Tây Ấn. Các bia khắc cho thấy nhiều người phụ nữ gốc nước ngoài đã theo đạo Phật trở thành những Phật tử thuần thành. 3 Không giống như Kanheri, nơi một số lượng lớn các thí chủ xuất thân từ thành Kalyana, tại Karle phần lớn các thí chủ là cư dân thành Dhenukakta. Nhiều người trong số này là những người Yava20, cũng là những tín đồ Phật giáo. Chùa vòm kỳ vỹ tại Karle21 có ghi lại khoản cúng dường của Mahamata, vợ của (tên bị mờ mất) quê ở Dhenukakata, được khắc trên cột trụ thứ mười hàng bên trái.22 Có khả năng Mahamata là người gốc Hy Lạp, vì những khoản đóng góp của các thí chủ là cư sỹ nam người Hy Lạp cũng được ghi lại ở cột trụ này.