2019 ABBA, Paul Mauriat và những cảm nhận khác về âm nhạc Lời nói đầu Bạn đọc quý mến, Quyển ebook bạn sắp xem là tuyển chọn những bài viết và mà tôi đã đăng rải rác trên liên mạng và trên trang blog https://hoctroviet.blogspot.com từ năm 2006 đến nay (2019).Từ khi sách Ebook này chào đời đến nay là tái bản lần thứ sáu, tôi biên tập lại, lược bỏ cũng như thêm vào vài bài mới. Đếm lại, số trang vẫn gần như cũ, mặc dù đã thêm vào mười một bài viết mới (#41 đến #51). Tôi đã từ lâu “mộng ước” trở thành một nhạc sĩ, nên luôn tìm cách học hỏi những kỹ thuật viết nhạc hay viết lời cho nhạc, rồi viết xuống cho riêng mình, và cũng đăng rải rác lên blog những thu lượm cùng những suy nghĩ, xét đoán của mình nữa. Và dần dà tôi hiểu ra mấu chốt của vấn đề tại sao tôi không thể là nhạc sĩ: tôi không có đủ hứng khởi hay nòi tình để viết nhạc. Biết vậy, nhưng khám phá mới của tôi về một nhạc sư người Hoa Kỳ gốc Áo là ông Arnold Schoenberg, đã cho tôi nhiều hy vọng là tôi sẽ viết được một hay nhiều bài nhạc theo phương pháp ông dạy. Bài nhạc có thể có ý nhạc hay hay hoặc dở tệ, nhưng cấu trúc bài nhạc sẽ rất chặt chẽ. Tôi có viết xuống những học hỏi mới nhất qua hai bài viết #49 và #51. Tóm lại, sách ebook bạn đang có trong tay là tuyển chọn lại những bài viết của “thuở mơ làm nhạc sĩ” của tôi. Sách chứa đựng những tìm tòi, chia xẻ, khám phá qua gần bốn mươi năm nghe và chơi nhạc pop Việt cũng như của Tây phương. Đây là tập sách thứ hai, quyển đầu tiên là những bài viết của tôi về nhạc Phạm Duy, với tựa để “Tìm Hiểu Cách Sáng Tác Nhạc Qua Dòng Nhạc Phạm Duy” http://www.phamduy2010.com/e-books/PhanTichNhacPhamDuy-byHoctro- V2.pdf Hy vọng bạn sẽ tìm ra một vài điều thú vị từ tập free ebook này. Thân ái, Hiệp Dương (aka Học Trò) Tháng 1 năm 2019 Copyrighted 2019 – All Rights Reserved Ấn bản điện tử tặng bạn miễn phí – Cấm in lại với mục đích bán kiếm tiền. (Những hình ảnh trong sách này chỉ có tính cách minh họa, nhằm giới thiệu nhạc của các tác giả đến bạn đọc, và cảm nhận về nhạc của riêng tôi, chứ không nhằm mục đích thương mại, Các tác giả vẫn giữ bản quyền.) Mục Lục 1. Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố 2. Thử phân tích nhạc phẩm "Phôi Pha" – Trịnh Công Sơn 3. Lặng Lẽ Nơi Này – Trịnh Công Sơn 4. Khói Trời Mênh Mông 5. Về nhạc thuật của nhạc sĩ Lê Uyên Phương 6. Buồn Đến Bao Giờ - bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ Lê Uyên Phương 7. Chiều Phi Trường – Bàn về cách viết nhịp điệu trong nhạc Lê Uyên Phương 8. Vài cảm nghĩ về nhạc phẩm "Việt Nam, Việt Nam" 9. Cảm nhận nhỏ về bài "Cho Nhau" 10. Vài cảm nghĩ về "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" 11. Nghĩ quanh quẩn về chủ đề "mưa" trong nhạc phẩm "Mưa Rơi" 12. Hè 42 - Tản mạn về Nhạc Ngoại Lời Việt 13. Những bài nhạc ngoại quốc lời Việt của nhà báo nghệ sĩ Trường Kỳ 14. Yêu Nhau Mùa Hè, Khóc Nhau Mùa Đông - Summer Kisses, Winter Tears 15. Phân tích bài dịch: Chuyện Tình (Love Story) 16. The End of The World - Một bài hát, hai cách dịch 17. Về bản dịch bài Michèle của Leaqua 18. From Souvenirs To Souvenirs - Đâu rồi những dấu yêu? 19. Happy Together - Hạnh Phúc Cùng Nhau 20. Cheryl Crow - Soak Up The Sun 21. John Mayer - Your Body Is A Wonderland 22. Ticket To Ride 23. The Beatles - If I Fell 24. Tản mạn về ABBA - Tu te reconnaitras – Yesterday 25. Agnetha Fältskog - Người đi qua đời (âm nhạc của) tôi 26. You Must Believe In Spring - Ngày mai trời lại sáng 27. Chỉ Có Ta Trong Một Đời - Un Jour, Un Enfant 28. Michèle Torr - Emmène-moi danser ce soir 29. Những kỷ niệm về nhạc Paul Mauriat 30. Tuyển tập 123 bài nhạc Pháp (1959 - 1989) - Tản Mạn 1 31. Tuyển tập 123 bài nhạc Pháp (1959 - 1989) - Tản Mạn 2 32. Laura Pausini - In Assenza Di Te và câu chuyện đi tìm nhạc của tôi 33. Stone et Charden và Kiếp Lãng Du 34. Cảm nhận về nhóm ABBA 35. Cảm nhận về nhóm The Carpenters 36. Paul Mauriat, người giữ gìn "niềm vui sống" của các ca khúc Pháp và thế giới 37. Những cảm nhận tiếp nối về nhạc Paul Mauriat 36. J'ai le coeur trop grand pour moi 39. When a Child Is Born 40. Derrière Les Mots (Đằng Sau Con Chữ) - Alain Souchon et Laurent Voulzy 41. Salut - Hélène Ségara và Joe Dassin 42. Nhạc Ngoại Lời Học Trò 43. Hồi ức về những ngày tháng đi tìm nhạc – Dòng nhạc Đức Huy 44. Những kỷ niệm đẹp của một người yêu nhạc với nhạc sĩ Phạm Duy 45. Lettre à France, Michel Polnareff và những chuyện bên lề 46. Ca sĩ huyền thoại Johnny Hallyday qua đời - ABBA hồi sinh 47. Nghe CD "Giọt Lệ Cho Ngàn Sau" với 10 tình khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng 48. Sự hình thành và phát triển nhạc Pháp đầu thập niên 1960 49. Giải mã lề lối soạn nhạc qua dòng nhạc Trịnh Công Sơn 50. Cuối năm, nghe lại nhạc Carpenters 51. Vài cảm nghĩ về phương pháp soạn nhạc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương 1. Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố "Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố" là một bản nhạc hay, nhất là khi nghe vào những ngày đầu thu như lúc này. Nó là một bằng cớ tại sao tôi thích dòng nhạc Đức Huy. Nó có một cái gì đó rất "tây", làm tôi nhớ lại những ngày đầu sang Mỹ, ngồi trên ghế chờ xe bus đến Alexandria, Virginia mỗi buổi sáng đi học, cơn gió lạnh báo hiệu một mùa đông sắp đến. Tất nhiên lời nhạc thì "ghê gớm" hơn, với những "cho em yêu anh thêm một lần nữa", những tình cảm riêng tư chưa thể có được khi chỉ có hai bàn tay trắng đến xứ người, tiếng Anh thì chỉ dám "yes, no". Tôi thích cái tĩnh lặng của bài composition, với những đoạn nhỏ hai chữ, nghe nó "cô đơn" vô cùng. Mùa đông sắp đến trong thành phố/Buổi chiều/trời lạnh/Heo may/từng cơn gió/bước chân về/căn gác nhỏ/Nhìn xuống/công viên ... https://www.youtube.com/watch?v=4emSmuVIiqY Bây giờ hình như người ta hay nghe loại nhạc "ồn ào", không biết có đúng hay không? Với một người sống thiên về nội tâm (introvert) như tôi, "Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố" là một bài thuốc an thần, nó cho tôi có đủ thời gian để nghỉ ngơi, để chiêm nghiệm về một cái gì đó, đủ thời gian để lan man hình tượng ra một gã độc thân "Heo may/từng cơn gió/bước chân về/căn gác nhỏ/Nhìn xuống/công viên" nó buồn như thế nào. Câu nhạc kế còn buồn gấp bội, nó tả về cảnh "Ngồi xem/lá úa/trên đường vắng", và rồi "Buổi chiều/ngủ vùi", cái này lại làm tôi nhớ đến những buổi chiều ... chờ xe bus, nhìn lá vàng rơi trên con đường Wilson Ave. dốc lên dốc xuống, mãi 10 phút mới đến ga điện ngầm để tiếp tục đi học thêm Anh ngữ ban đêm. Vậy mà từ đó (1990) đến nay là 2018 cũng gần đúng 30 năm rồi! Tôi cũng kết cái cách nhạc sĩ Đức Huy viết bài này, rất sáng tạo. Hãy so sánh đoạn đầu: Mùa đông sắp đến trong thành phố Buổi chiều trời lạnh ... Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ Nhìn xuống công viên... và đoạn kết, chỉ khác nhau một dòng cuối - không màu mè và rất hiệu quả, mở và kết quá đẹp. Mùa đông sắp đến trong thành phố Buổi chiều trời lạnh Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ Khi mùa đông đến trong thành phố. Tôi nghĩ bài này chắc nhạc sĩ tốn nhiều thời gian để sáng tác lắm, vì phải chỉnh sửa nhiều, để bài có thể cô đọng như vậy, mà vẫn đầy ắp ý nhạc, và còn để chỗ cho người nghe có thể "phăng" thêm nếu muốn. Cảm ơn nhạc sĩ Đức Huy đã "vẽ" nên một cảnh buồn, và ca sĩ Don Hồ đã trình bày rất thành công bản nhạc này. ■ 2. Thử phân tích nhạc phẩm "Phôi Pha" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Phôi pha" là tên một nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS). Nhạc phẩm tả lại tâm tình của một người nhớ man mác về quá khứ với một người tình đã mờ nhạt trong trí ức, cũng như những chiêm nghiệm về thân phận con người trước sự hữu hạn của một kiếp sống. Về phần lời nhạc, những ý tưởng ngổn ngang về kiếp người được TCS khéo léo đưa vào để làm tăng thêm sức quyến rũ của giai điệu, vì vậy mục đích của tiểu luận này là để phân tích cấu trúc của bản nhạc nhằm hiểu rõ hơn nghệ thuật sáng tác nhạc của TCS.
Details
-
File Typepdf
-
Upload Time-
-
Content LanguagesEnglish
-
Upload UserAnonymous/Not logged-in
-
File Pages327 Page
-
File Size-